• Thứ ba, 05/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 714 Lượt xem

Khái niệm tội phạm là gì?

Cũng như định nghĩa tội phạm trong các BLHS trước đây, định nghĩa tội phạm trong BLHS năm 2015 là định nghĩa tội phạm về nội dung và thể hiện rõ các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc hành vi và nguyên tắc có lỗi.

 

 

Khái niệm tội phạm

Điều 8. Khái niệm tội phạm

1.Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. 

2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp.

Phân tích khái niệm tội phạm theo quy định hiện hành

Điều luật gồm 2 khoản trong đó, khoản 1 là định nghĩa khái niệm tội phạm và khoản 2 có nội dung xác định ranh giới giữa tội phạm với vi phạm. Kể từ BLHS năm 1985 đến nay, các BLHS Việt Nam đều có điều luật định nghĩa khái niệm tội phạm.

Cũng như định nghĩa tội phạm trong các BLHS trước đây, định nghĩa tội phạm trong BLHS năm 2015 là định nghĩa tội phạm về nội dung và thể hiện rõ các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc hành vi và nguyên tắc có lỗi.

Đồng thời, định nghĩa tội phạm trong BLHS năm 2015 có một số điểm khác so với các định nghĩa tội phạm trong các BLHS trước đây. Khoản 1 của điều luật xác định tội phạm phải là hành vi của con người. Những gì mới chỉ trong tư tưởng, chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi thì không thể là tội phạm.

Chỉ qua hành vi của mình, con người mới có thể gây ra thiệt hại, gây ra sự nguy hiểm cho xã hội và những gì trong ý nghĩ, trong tư tưởng của con người cũng chỉ có thể được xác định qua chính những biểu hiện bên ngoài mà trước hết là qua chính hành vi của họ. 

Hành vi trong luật hình sự cũng như hành vi nói chung được hiểu là “biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan được lý trí kiểm soát và ý chí điều khiển. Theo đó, biểu hiện không phải là hành vi có thể là: 

– Biểu hiện không được lý trí kiểm soát và do vậy cũng không được ý chí điều khiển; hoặc 

– Biểu hiện tuy được lý trí kiểm soát nhưng không được ý chí điều khiển. 

Những biểu hiện như vậy có thể là kết quả tác động của hành vi của người khác. Trường hợp biểu hiện ra bên ngoài do hành vi của người khác đã gây thiệt hại cho xã hội được gọi trong một số tài liệu là trường hợp “cưỡng bức thân thể”.

Ví dụ: Anh A bị xô ngã vào quầy bán đồ pha lê cao cấp. Việc “ngã” của anh A đã gây thiệt hại về tài sản cho chủ cửa hàng.

Trong trường hợp này, biểu hiện “ngã” của anh A không phải là hành vi nên không có tội phạm do anh A thực hiện và vấn đề trách nhiệm hình sự đối với anh A cũng không được đặt ra.

Theo điều luật, hành vi bị coi là tội phạm được phân biệt với những hành vi không phải là tội phạm qua các dấu hiệu: 

– “… nguy hiểm cho xã hội”; 

– “… được quy định trong BLHS”; -“... do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện”, – (một cách) “cố ý hoặc vô ý” và “… phải bị xử lý hình sự”.

Đặc điểm nguy hiểm cho xã hội 

Tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm. Do có tính nguy hiểm cho xã hội nên hành vi được quy định trong BLHS là tội phạm và phải bị xử lý hình sự.

Nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu về nội dung của tội phạm. Dấu hiệu này quy định dấu hiệu về hình thức của tội phạm là dấu hiệu được quy định trong BLHS. 

Nguy hiểm cho xã hội bao gồm tính gây thiệt hại về khách quan và tính có lỗi về chủ quan. Trong đó, tính gây thiệt hại có nghĩa là gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Đó là “... độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, … quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân,… những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật…”. 

Tính có lỗi tuy là bộ phận hợp thành của tính nguy hiểm cho xã hội nhưng để nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi, BLHS Việt Nam đã tách tính có lỗi thành dấu hiệu độc lập (cố ý hoặc vô ý). 

Khi tính có lỗi đã được tách ra như vậy, tính nguy hiểm cho xã hội được nêu tại Điều 8 phải được hiểu là tính gây thiệt hại cho xã hội.

Như vậy, “nguy hiểm cho xã hội” có thể được hiểu theo hai nghĩa khác nhau: nghĩa không bao gồm tính có lỗi và nghĩa bao gồm cả tính có lỗi. Trong BLHS, dấu hiệu này được sử dụng theo cả hai nghĩa như vậy.

Cụ thể: Tại khoản 1 Điều 8 BLHS, “nguy hiểm cho xã hội được hiểu theo nghĩa không bao gồm tính có lỗi nhưng tại khoản 2 của điều này thì “nguy hiểm cho xã hội” lại được hiểu theo nghĩa bao gồm cả tính có lỗi;

Tại một số điều luật khác (Điều 10, Điều 21), “nguy hiểm cho xã hội” được hiểu theo nghĩa không bao gồm tính có lỗi. Để đảm bảo tính thống nhất cách sử dụng từ ngữ trong BLHS cần quy ước chỉ sử dụng “nguy hiểm cho xã hội” theo nghĩa bao gồm cả tính có lỗi.

Theo đó, sẽ là phù hợp hơn nếu dấu hiệu “nguy hiểm cho xã hội” tại khoản 1 Điều 8, tại Điều 10 cũng như tại Điều 21 BLHS đổi thành “tính gây thiệt hại cho xã hội”. 

Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là thuộc tính khách quan. Một hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội hay không cũng như tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó ở mức độ nào chỉ phụ thuộc vào các yếu tố khách quan mà không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ ai.

Các yếu tố khách quan đó có thể là: 

– Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại; 

– Tính chất của hành vi khách quan, trong đó bao gồm cả thủ | đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện hành vi;

– Tính chất, mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra;

– Tính chất, mức độ lỗi;

– Tính chất của động cơ, mục đích phạm tội.

Đặc điểm được quy định trong BLHS 

Theo định nghĩa, hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ có thể bị coi là tội phạm nếu “.. được quy định trong BLHS…”. Như vậy, tính được quy định trong BLHS là dấu hiệu phải có ở hành vi bị coi là tội phạm.

Việc xác định tội phạm phải được BLHS quy định là sự thừa nhận nguyên tắc đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc: “Không ai bị kết án vì một hành vi mà lúc họ thực hiện luật pháp quốc gia hay quốc tế không coi là tội phạm (khoản 2 Điều 11).

Trong sự thống nhất với việc xoá bỏ nguyên tắc tương tự và cấm hồi tố, việc khẳng định dấu hiệu này của tội phạm là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc pháp chế. 

Việc xác định “được quy định trong BLHS” là dấu hiệu của tội phạm không những là cơ sở đảm bảo cho việc chống tội phạm được thống nhất, tránh tuỳ tiện mà còn là động lực thúc đẩy cơ quan lập pháp phải kịp thời bổ sung, sửa đổi luật theo sát sự thay đổi của tình hình tội phạm.

Tính được quy định trong BLHS tuy chỉ là dấu hiệu về mặt hình thức pháp lý, phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu về mặt nội dung của tội phạm nhưng vẫn có tính độc lập tương đối và có ý nghĩa quan trọng.

Hai dấu hiệu – tính nguy hiểm cho xã hội và tính được quy định trong BLHS có quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Dấu hiệu được quy định trong BLHS tuy có tính độc lập tương đối nhưng vẫn là dấu hiệu được xác định bởi tính nguy hiểm cho xã hội.

Chỉ trên cơ sở thừa nhận tính nguy hiểm cho xã hội, kết hợp tính nguy hiểm cho xã hội và tính được quy định trong BLHS có thể nhận thức được một cách đầy đủ dấu hiệu được quy định trong BLHS. 

“Được quy định trong BLHS” có nghĩa đầy đủ là:

 – Tội phạm cần được đặt tên; và

– Tội phạm phải được mô tả cụ thể. 

Theo truyền thống, BLHS năm 2015 cũng như các BLHS trước đây đều đặt tên riêng cho từng tội.

Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội trốn thuế (Điều 200) hoặc tội bắt cóc con tin (Điều 301). Về kỹ thuật, tên tội (tội danh) cần chính xác, có tính hệ thống, ngắn gọn và đúng về ngữ học.

Tuy nhiên, cần chú ý: Việc đặt tên tội không phải là yêu cầu bắt buộc. Các BLHS Việt Nam đều đặt tên tội, trái lại BLHS của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một ví dụ về trường hợp không đặt tên tội. 

Khác với việc đặt tên tội, việc mô tả tội phạm trong luật là cần thiết và có tính bắt buộc. Sự mô tả tội phạm trong luật được khoa học luật hình sự gọi là cấu thành tội phạm (CTTP). Theo đó, CTTP của tội hiếp dâm được hiểu là sự mô tả tội hiếp dâm trong BLHS (Điều 141) hay CTTP của tội cướp tài sản được hiểu là sự mô tả tội cướp tài sản trong BLHS (Điều 168) …

Nếu trong CTTP có mô tả hậu quả thiệt hại thì CTTP đó được khoa học luật hình sự gọi là CTTP vật chất, ví dụ: CTTP của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180) là CTTP vật chất vì trong Điều luật có sự mô tả hậu quả thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng...;

Trái lại, nếu CTTP không mô tả hậu quả thiệt hại thì đó là CTTP hình thức, ví dụ: CTTP của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) là CTTP hình thức vì Điều luật không mô tả hậu quả thiệt hại v… 

Về kỹ thuật, các CTTP đòi hỏi phải khái quát, rõ ràng, đủ phân biệt giữa tội này với tội khác cũng như giữa tội phạm với vi phạm và phải thống nhất với tội danh.

Dấu hiệu “được quy định trong BLHS nói trên đây có nội dung hẹp hơn so với dấu hiệu “được quy định trong luật hình sự”. Xu hướng chung của thế giới hiện nay là mở rộng nguồn được quy định tội phạm không chỉ là BLHS mà còn có thể là các luật khác.

Quan niệm chỉ BLHS được quy định tội phạm là quan niệm không còn phù hợp với xu thế và điều kiện hiện nay.

Theo quan niệm “mở” về nguồn được quy định tội phạm thì nguồn được quy định tội phạm có “hạt nhân” là BLHS và xung quanh “hạt nhân” này là hệ thống các luật thuộc tất cả các lĩnh vực mà ở đó có thể phát sinh các hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ có thể bị coi là tội phạm.

Các luật này có nhiệm vụ chính là điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc từng lĩnh vực kinh tế – xã hội như lĩnh vực đất đai, lĩnh vực môi trường, lĩnh vực ngân hàng … 

Cùng với đó, các luật này quy định vi phạm và tội phạm thuộc lĩnh vực luật điều chỉnh. Quan niệm này không trái với quan điểm pháp điển hoá cũng như hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc “không có luật thì không có tội”.

BLHS hay luật khác có quy phạm pháp luật hình sự là cùng loại văn bản quy phạm pháp luật, có cùng giá trị pháp lý. Khi cho phép mở rộng nguồn được quy định tội phạm như vậy, sẽ đảm bảo tính kịp thời của pháp luật hình sự và tính ổn định của BLHS.

Trong lần sửa đổi BLHS năm 1985 để ban hành BLHS năm 1999 cũng như trong lần sửa đổi BLHS năm 1999 để ban hành BLHS năm 2015, vấn đề mở rộng nguồn được quy định tội phạm đều đã được đặt ra nhưng đều không được chấp nhận. 

Về đặc điểm thứ hai trên đây của hành vi bị coi là tội phạm, một số tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về luật hình sự không sử dụng tên gọi “được quy định trong BLHS” mà thay vào đó là tên gọi “trái pháp luật hình sự”.

Nhìn chung, có thể chấp nhận hai tên gọi này có thể thay thế cho nhau. Tuy nhiên, cần khẳng định, “tội phạm đòi hỏi trước hết phải được quy định trong luật hình sự.

Nhưng không phải tất cả các trường hợp thực hiện hành vi được quy định trong luật hình sự đều là trái luật hình sự vì trong đó có thể có trường hợp luật cho phép (phòng vệ chính đáng hay tình thế cấp thiết hay các trường hợp tương tự)”.

Như vậy, nghĩa nào đó, sử dụng tên gọi “trái pháp luật hình sự” có thể chính xác hơn sử dụng tên gọi “được quy định trong BLHS”.

Tên gọi “được quy định trong BLHS” có thể dễ hiểu hơn và cũng phù hợp với bản chất của quy phạm pháp luật hình sự là quy phạm cấm đoán còn các quy định cho phép chỉ là cá biệt. 

Đặc điểm “do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện” 

Đây là dấu hiệu về chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Đó là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS (Điều 12 BLHS) và không thuộc trường hợp mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh (Điều 21 BLHS).

Năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực pháp lý được Nhà nước xác định và thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước.

Đồng thời, năng lực trách nhiệm hình sự cũng là điều kiện để chủ thể thực hiện hành vi có thể có lỗi. Do có ý nghĩa như vậy nên dấu hiệu về chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự cần được coi là một dấu hiệu của tội phạm. 

Năng lực trách nhiệm hình sự hiện đang được hiểu chưa thống nhất trong các tài liệu nghiên cứu, giảng dạy cũng như trong các điều luật khác nhau của BLHS.

Theo cách hiểu như trình bày trên, năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là khả năng của cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Theo đó, năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Với cách hiểu này, tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một điều kiện của năng lực trách nhiệm hình sự. Do vậy, Điều 8 BLHS không đưa dấu hiệu tuổi chịu trách nhiệm hình sự vào định nghĩa tội phạm.

Trái lại, có tài liệu coi dấu hiệu có năng lực trách nhiệm hình sự và dấu hiệu đủ tuổi chịu trách nhiệm là hai dấu hiệu độc lập khi định nghĩa khái niệm tội phạm như Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung) của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003).

Cách hiểu này coi năng lực trách nhiệm hình sự chỉ là năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội.

Tên gọi và nội dung quy định của Điều 21 BLHS (Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự) cũng có thể dẫn đến cách hiểu này vì điều luật xác định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh.

Về dấu hiệu chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, BLHS năm 2015 còn xác định pháp nhân thương mại. Đây là nội dung được bổ sung so với BLHS năm 1999.

Tuy nhiên, về thực chất, pháp nhân thương mại chỉ là chủ thể của trách nhiệm hình sự đối với tội phạm do cá nhân thực hiện nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân thương mại… như Điều 75 BLHS đã xác định.

Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn là cá nhân. Sự kiện phạm tội luôn luôn chỉ có một dù có quy định hay không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. 

Điều 8 BLHS là điều luật định nghĩa khái niệm tội phạm. Các điều tiếp theo trong Chương III và Chương IV BLHS có nhiệm vụ cụ thể hóa các nội dung trong định nghĩa tại Điều 8 BLHS. Theo đó, các điều luật tiếp theo này phải có nội dung thể hiện chủ thể của tội phạm gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại.

Nhưng tất cả các điều luật này trừ Điều 9 sau khi được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS đều chỉ có nội dung liên quan đến người phạm tội mà không có nội dung nào liên quan đến pháp nhân thương mại.

Hơn nữa, nội dung khẳng định pháp nhân thương mại là chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội tại Điều 8 BLHS mâu thuẫn với Điều 75 BLHS là điều luật quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại như đã được bình luận tại Điều 2 BLHS.

Đặc điểm cố ý hoặc vô ý 

Đây là đặc điểm xác định chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Khi xác định “có lỗi” (cố ý hoặc vô ý) là một dấu hiệu của tội phạm cùng với dấu hiệu “nguy hiểm cho xã hội”, BLHS Việt Nam muốn nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi.

Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận việc quy tội khách quan, nghĩa là truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ căn cứ vào việc một người đã thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà không căn cứ vào lỗi của họ.

Việc áp dụng hình phạt không chỉ nhằm mục đích trừng trị mà qua đó còn nhằm mục đích giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa tội phạm xảy ra.

Mục đích giáo dục này chỉ có thể đạt được khi hình phạt được áp dụng cho người có lỗi. Do vậy, “có lỗi cố ý hoặc vô ý phải được xác định là một nguyên tắc của luật hình sự và là một dấu hiệu quan trọng của tội phạm. 

Đặc điểm phải bị xử lý hình sự 

Đặc điểm này không phải là thuộc tính bên trong của tội phạm như các đặc điểm trên. Do vậy, Điều 8 BLHS năm 1999 không đề cập dấu hiệu này trong định nghĩa tội phạm.

Hành vi bị coi là tội phạm vì về nội dung, có tính nguy hiểm cho xã hội và về hình thức, được quy định trong BLHS chứ không phải vì “phải bị xử lý hình sự”. Ngược lại, hành vi sở dĩ “phải bị xử lý hình sự” vì là tội phạm.

Tuy nhiên, đặc điểm “phải bị xử lý hình sự” cần được coi là dấu hiệu của tội phạm vì nó được xác định bởi chính những thuộc tính khách quan bên trong của tội phạm.

Chỉ có hành vi phạm tội mới “phải bị xử lý hình sự”; không có tội phạm thì cũng không có biện pháp “phải bị xử lý hình sự”. Đây là lý do mà BLHS năm 2015 bổ sung đặc điểm “phải bị xử lý hình sự” trong định nghĩa khái niệm tội phạm tại Điều 8. 

Nói tội phạm có tính “phải bị xử lý hình sự” có nghĩa là bất cứ hành vi phạm tội nào, do tính nguy hiểm cho xã hội cũng đều bị đe dọa “phải bị xử lý hình sự”.

Nhưng điều đó không có nghĩa là việc áp dụng và thi hành trong thực tế biện pháp xử lý hình sự, trong đó có hình phạt và các biện pháp tư pháp có tính chất bắt buộc tuyệt đối cho mọi trường hợp phạm tội.

Trong thực tế vẫn có trường hợp người phạm tội không phải chịu các biện pháp này. Đó là những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc được miễn chấp hành hình phạt… được quy định tại các điều 29, 59, 62 và 65 của BLHS.

Hiện nay, có tài liệu xác định tội phạm có đặc điểm “phải chịu hình phạt”. Đặc điểm này không đồng nhất với đặc điểm “phải bị xử lý hình sự” vì hình phạt chỉ là một loại biện pháp xử lý hình sự. Ngoài hình phạt, còn có các biện pháp phi hình phạt. Do vậy, sử dụng đặc điểm “phải bị xử lý hình sự chính xác hơn. 

Với việc thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, đặc điểm “phải bị xử lý hình sự” không chỉ được đặt ra đối với chủ thể thực hiện tội phạm mà còn đối với cả pháp nhân thương mại khi pháp nhân thương mại có quan hệ nhất định với tội phạm và người phạm tội theo quy định của Điều 75 BLHS.

Khoản 2 của điều luật xác định ranh giới về tính nguy hiểm cho xã hội giữa tội phạm và không phải là tội phạm. Về nội dung, tội phạm và vi phạm cùng có tính nguy hiểm cho xã hội và về hình thức, hành vi vi phạm có thể có các dấu hiệu giống tội phạm.

Do vậy, vấn đề được đặt ra là phải xác định sự khác nhau về nội dung cũng như về hình thức giữa tội phạm và vi phạm. Khoản 2 của điều luật xác định ranh giới giữa nguy hiểm cho xã hội đáng kể và nguy hiểm cho xã hội không đáng kể là ranh giới giữa tội phạm và vi phạm.

Đây là tranh giới mà cơ quan xây dựng BLHS phải xác định để quy định những dấu hiệu phân biệt giữa trường hợp bị coi là tội phạm và trường hợp chưa bị coi là tội phạm của cùng hành vi xâm phạm khách thể bảo vệ của luật hình sự.

Ví dụ: Cơ quan xây dựng luật đã xác định dấu hiệu tài sản bị trộm cắp có trị giá 2.000.000 đồng trở lên là một dấu hiệu xác định hành vi trộm cắp tài sản có tính nguy hiểm đáng kể và bị coi là tội trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, cơ quan xây dựng BLHS không thể xác định được dấu hiệu cụ thể phân biệt tội phạm với vi phạm cho tất cả các hành vi có ranh giới giữa tội phạm và vi phạm. Do vậy, có thể có trường hợp cơ quan áp dụng phải tự xác định ranh giới này.

Khi đó, cơ quan áp dụng phải chú ý: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm …”. 

Về kỹ thuật lập pháp, Điều 8 BLHS có tên gọi “khái niệm tội phạm”. Nhưng thực chất, khoản 1 của điều luật có nội dung là định nghĩa khái niệm tội phạm và khoản 2 có nội dung làm rõ hơn định nghĩa tại khoản 1 qua khẳng định ranh giới giữa tội phạm với chưa phải là tội phạm của những hành vi thỏa mãn dấu hiệu hình thức của tội phạm.

Cơ quan xây dựng luật do cũng quan niệm Điều 8 là điều luật định nghĩa khái niệm tội phạm nên cho rằng, trong điều luật này không thể có nội dung phân loại tội phạm và đã tách nội dung này để quy định thành điều luật riêng (Điều 9 BLHS). Tác giả cho rằng, tên của Điều 8 như đã được đặt là chưa chính xác. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (1 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thời hạn điều tra vụ án hình sự là bao lâu?

Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều...

Dùng dao đâm chết người đi tù bao nhiêu năm?

Trong trường hợp cụ thể, người dùng dao đâm chết người có thể bị truy cứu về một trong các tội khác như: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, Tội vô...

Vay tiền mà không trả phạm tội gì?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ: Vay tiền mà không trả phạm tội gì? Mời Quý vị tham...

Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù không?

Đơn bãi là là yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố của người bị hại, Vậy Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù...

Đi khỏi nơi cư trú khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú bị xử lý như thế nào?

Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi