Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Hình sự Trục xuất là gì? Khi nào được áp dụng hình phạt trục xuất?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1146 Lượt xem

Trục xuất là gì? Khi nào được áp dụng hình phạt trục xuất?

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, trục xuất với tính chất là biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong cả luật hành chính và luật hình sự.

Quy định về hình phạt trục xuất theo Bộ luật hình sự

Trục xuất là nội dung được quy định tại Điều 37 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:

Điều 37. Trục xuất 

Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể. 

Tư vấn về hình phạt trục xuất theo Bộ luật hình sự mới nhất

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, trục xuất với tính chất là biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong cả luật hành chính và luật hình sự. 

Trong luật hành chính, trục xuất được hiểu là biện pháp cưỡng chế hành chính với nội dung là buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật xử phạt hành chính. Là biện pháp cưỡng chế hành chính, trục xuất được quy định từ năm 1948, trong Sắc lệnh số 205-SL ngày 18/4/1948.

Hiện nay, việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính được quy định trong Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 17/2016/NĐ-CP ngày 17/3/2016). Trong lĩnh vực pháp luật hình sự, trục xuất mới được quy định từ năm 1999 tại Điều 32 BLHS năm 1999.

Việc tiếp tục quy định hình phạt trục xuất trong BLHS năm 2015 làm cho hệ thống hình phạt cân đối, tương xứng và hoàn thiện, tạo cho Tòa án khi xét xử có điều kiện lựa chọn loại hình phạt thích hợp cho việc cá thể hóa hình phạt trong môi trường hợp phạm tội cụ thể, để thực hiện việc phòng ngừa triệt để khả năng tiếp tục phạm tội lại của người nước ngoài tại Việt Nam, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, các quyền và lợi ích của tổ chức và công dân.

Có thể nói hình phạt trục xuất là công cụ đáp ứng hữu hiệu yêu cầu của công tác phòng ngừa và chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm quốc tế, xuyên quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật linh hoạt hơn trong áp dụng các biện pháp pháp luật hình sự. Đồng thời, việc quy định hình phạt trục xuất cũng phù hợp với xu hướng phát triển chung của các nước tiên tiến – xu hướng tăng cường các hình phạt không tước quyền tự do, giảm thiểu việc áp dụng hình phạt tước tự do đối với người phạm tội. 

Theo quy định của điều luật, trục xuất có nội dung “buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và với mục đích chủ yếu là phòng ngừa việc tái phạm tội của họ. Như vậy, điều luật không chỉ quy định nội dung của hình phạt trục xuất mà còn quy định đối tượng bị áp dụng hình phạt này phải là người nước ngoài.

Theo Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, khái niệm người nước ngoài được hiểu là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Liên hợp quốc cấp, đó là hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.

Theo Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài là người có quốc tịch nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam; Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài. Người không quốc tịch vào Việt Nam là những người có giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp và được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chấp thuận). 

Khoản 4 Điều 5 của Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: “Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan”. Điều này cho thấy, có thể có công dân Việt Nam mang hai quốc tịch. Trong trường hợp này, nếu họ phạm tội tại Việt Nam thì về nguyên tắc Tòa án không được áp dụng hình phạt trục xuất đối với họ. 

Cũng theo điều luật, hình phạt trục xuất là loại hình phạt lưỡng tính tương tự như hình phạt tiền, vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung. Khi Tòa án đã áp dụng là hình phạt chính thì hình phạt này không được áp dụng tiếp là hình phạt bổ sung. 

BLHS quy định trục xuất được áp dụng với người nước ngoài phạm tội không có nghĩa hình phạt này được áp dụng cho tất cả các trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam. Hình phạt này chỉ được áp dụng khi xét thấy cần thiết. 

Trong những năm gần đây, thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, người nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tự làm ăn, du lịch có xu hướng tăng rất mạnh. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng các hoạt động giao lưu về kinh tế, văn hóa, du lịch… số lượng người nước ngoài lợi dụng các điều kiện thuận lợi này để tiến hành các hoạt động phạm tội tại Việt Nam cũng ngày càng nhiều. Cho nên, trục xuất với tính chất là hình phạt bổ sung được Tòa án các cấp áp dụng với bị cáo là người nước ngoài cũng có chiều hướng tăng lên trong những năm gần đây.

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới mới nhất

Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới được hiểu là hành vi đưa (mang) hàng hoá, tiền tệ từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái với quy định của Nhà...

Sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác của tội cướp giật tài sản là gì

Dùng thủ đoạn nguy hiểm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài...

Thời gian bắt buộc chữa bệnh theo Bộ Luật hình sự

Căn cứ vào kết luận của cơ sở điều trị, nếu người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, thì tuỳ theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Toà án xét và quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp...

Chích điện tự vệ có vi phạm pháp luật?

Theo quy định của pháp luật hiện nay, thì súng bắn điện hoặc một số phương tiện xịt cay phổ biến đều được gọi là “công cụ hỗ trợ”. Khi sử dụng chích điện để tự vệ mà trái với quy định của pháp luật, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình...

Tống đạt là gì? Khái niệm tống đạt là gì?

Tống đạt là việc thực hiện thông báo, giao hoặc nhận hồ sơ, tài liệu, quyết định, thông báo tới đương sự hoặc những người tham gia tố tụng nào đó theo một quy trình, thủ tục nhất định của pháp...

Xem thêm