• Thứ ba, 05/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 522 Lượt xem

Chuẩn bị phạm tội là gì?

Nhóm hành vi thứ nhất bao gồm những hành vi chuẩn bị xảy ra tương đối phổ biến hơn cả như hành vi mua, mượn, xin hoặc đặt làm hoặc tự chuẩn bị các thứ sẽ được sử dụng là công cụ, phương tiện phạm tội.

Chuẩn bị phạm tội là gì?

Điều 14. Chuẩn bị phạm tội 

1.Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này. 

2.Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 304, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

3.Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Chuẩn bị phạm tội khác gì với phạm tội chưa đạt

Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về phạm tội chưa đạt như sau:

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Phạm tội chưa đạt là trường hợp chủ thể đã bắt đầu vào thực hiện tội phạm nhưng chưa thực hiện được. Trong khi đó, chuẩn bị phạm tội chỉ dừng lại ở mức “chuẩn bị”, chủ thể mới bước vào công đoạn tìm kiếm, tạo điều kiện để thực hiện tội phạm chứ chưa bắt đầu thực hiện tội phạm.

Phân tích về chuẩn bị phạm tội theo quy định hiện hành

Điều luật mô tả hành vi chuẩn bị phạm tội tại khoản 1 và xác định trách nhiệm hình sự đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội tại khoản 2 và khoản 3. 

Khoản 1 của điều luật mô tả 3 nhóm hành vi chuẩn bị phạm tội :

– Tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội,

– Tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm; và

– Thành lập, tham gia nhóm tội phạm… 

Nhóm hành vi thứ nhất bao gồm những hành vi chuẩn bị xảy ra tương đối phổ biến hơn cả như hành vi mua, mượn, xin hoặc đặt làm hoặc tự chuẩn bị các thứ sẽ được sử dụng là công cụ, phương tiện phạm tội (mua, mượn súng; mua, xin a xít; tự tạo thiết bị nổ hẹn giờ …). 

Nhóm hành vi thứ hai bao gồm tất cả các hành vi tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội có thể xảy ra hoặc xảy ra được thuận lợi, dễ dàng hơn mà không thuộc nhóm hành vi thứ nhất như chuẩn bị kế hoạch phạm tội; thăm dò địa điểm phạm tội; thăm dò, làm quen với nạn nhân; loại trừ trước trở ngại khách quan đối với hành vi phạm tội; vv.. 

Nhóm hành vi thứ ba là nhóm hành vi chuẩn bị phạm tội mới được BLHS năm 2015 bổ sung.

Hành vi thành lập và hành vi tham gia nhóm tội phạm là những hành vi cần thiết cho sự hình thành nhóm có mục đích thực hiện tội phạm cụ thể. Sự hình thành nhóm tội phạm như vậy là cơ sở cần thiết hoặc thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm.

Do vậy, hành vi thành lập cũng như hành vi tham gia nhóm tội phạm có thể được xem như một dạng hành vi tạo điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm. Vì vậy, dạng hành vi này được bổ sung là một dạng hành vi chuẩn bị phạm tội. 

Điều luật loại trừ hành vi thành lập, hành vi tham gia nhóm tội phạm không phải là hành vi chuẩn bị phạm tội trong các trường hợp thuộc Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 BLHS. 

Về nội dung loại trừ này, có vấn đề được đặt ra: Việc cơ quan xây dựng luật xác định hành vi thành lập cũng như hành vi tham gia nhóm tội phạm không phải là hành vi chuẩn bị phạm tội trong 3 trường hợp chắc chắn là do cho rằng, trong 3 trường hợp này, hành vi thành lập cũng như hành vi tham gia nhóm tội phạm đã được quy định là dấu hiệu hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với hai trường hợp sau mà không đúng với trường hợp được quy định tại Điều 109 BLHS. Tội phạm được quy định tại Điều 109 BLHS là tội phạm không có chuẩn bị phạm tội mà chỉ có tội phạm hoàn thành.

Trong CTTP của tội này, hành vi phạm tội được quy định là hành vi hoạt động thành lập hoặc hoạt động tham gia (mà không phải là hành vi thành lập hoặc tham gia) tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Bất cứ hành vi nào hướng tới việc thành lập hoặc tham gia đều đã là hành vi hoạt động thành lập hoặc hoạt động tham gia và do vậy tội phạm coi là đã hoàn thành vì dấu hiệu khách quan (hành vi) đã thỏa mãn.

Theo đó, tội phạm theo Điều 109 BLHS không có chuẩn bị phạm tội. Do vậy, nội dung quy định về chuẩn bị phạm tội của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 BLHS) tại khoản 1 cũng như tại khoản 2 của Điều 14 BLHS là mâu thuẫn với nội dung quy định về tội phạm này.

Nếu muốn giữ quy định trên của Điều 14 BLHS, cơ quan xây dựng luật phải sửa lại Điều 109 BLHS bằng việc xóa từ “hoạt động” và như vậy cũng có nghĩa thay đổi chính sách hình sự đối với tội phạm này.

Với việc mô tả hành vi khách quan của tội phạm là hành vi hoạt động thành lập hoặc hoạt động tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, cơ quan xây dựng luật đã “đẩy” thời điểm hoàn thành của tội phạm sớm hơn các tội phạm bình thường khác để đáp ứng yêu cầu chống tội phạm này là tội đặc biệt nguy hiểm trong nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.

Nếu muốn giữ nguyên chính sách hình sự này, cơ quan xây dựng luật phải bỏ Điều 109 khỏi khoản 2 Điều 14 cũng như phải bỏ khoản 3 của Điều 109. 

Đối với các tội phạm được quy định tại các điều 113 và 299, hành vi thành lập cũng như hành vi tham gia nhóm tội phạm đã được quy định là một dạng hành vi phạm tội nên không thể là hành vi chuẩn bị phạm tội này hoàn toàn sai vì đã quên từ hoạt động.

Hoạt động thành lập khác với thành lập cũng như hoạt động tham gia khác với tham gia. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109) hoàn thành ngay khi có hoạt động thành lập hoặc hoạt động tham gia chứ không phải đến khi có hành vi thành lập hoặc hành vi tham gia.

Theo đó, chuẩn bị thành lập hay chuẩn bị tham gia cũng đã là hoạt động thành lập hoặc hoạt động tham gia. Do vậy, ở tội này không thể có chuẩn bị phạm tội vì khi đó đã là tội phạm hoàn thành. 

Ở đây, cần chú ý, “nhóm tội phạm” được nói ở đây không liên quan với vấn đề tổ chức tội phạm” và “tội phạm có tổ chức” được quy định trong luật hình sự quốc tế cũng như trong luật hình sự một số quốc gia khác.

Các hành vi chuẩn bị phạm tội đều chưa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm định thực hiện.

Tuy nhiên, với tính chất là hành vi tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm, hành vi chuẩn bị phạm tội hợp thành thể thống nhất với hành vi thực hiện tội phạm.

Sự gây thiệt hại cho khách thể bảo vệ của luật hình sự có thể xảy ra hay không và xảy ra như thế nào phụ thuộc nhất định vào hành vi chuẩn bị.

Do vậy, hành vi chuẩn bị cần được coi là một trong các giai đoạn của quá trình thực hiện tội phạm, mặc dù bản thân chưa phải là hành vi thực hiện tội phạm. Theo khoản 2 của điều luật, không phải hành vi chuẩn bị phạm tội nào cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tội phạm định thực hiện là tội được quy định tại một trong các điều luật đã được liệt kê. Đó là điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 BLHS.

Các điều luật này quy định tội phạm thuộc 5 chương trong tổng số 14 chương của phần các tội phạm BLHS.

Cụ thể: 14 tội phạm thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia; 2 tội phạm (tội giết người và tội cố ý gây thương tích hoặc y tổn hại cho sức khỏe của người khác) thuộc Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người;

2 tội phạm tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc Chương các tội xâm phạm sở hữu; 1 tội phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;

6 tội phạm tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố, tội bắt cóc con tin, tội cướp biển, tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia và tội rửa tiền thuộc Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. 

Quy định tại khoản 2 của điều luật không nói rõ người chuẩn bị phạm tội theo khoản này phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, do khoản 3 quy định rõ người chuẩn bị phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nên phải hiểu người chuẩn bị phạm tội tại khoản 2 phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Đây có thể được coi là một hạn chế về kỹ thuật lập pháp, thể hiện sự chưa rõ ràng của khoản 2 và chưa thống nhất giữa khoản 2 và khoản 3. 

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, trách nhiệm hình sự với hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ được giới hạn trong 2 tội phạm thuộc Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và Chương các tội xâm phạm sở hữu. Đó là tội giết người và tội cướp tài sản. 

Tại các điều luật quy định các tội phạm được liệt kê tại Điều 14 BLHS đều có khoản riêng quy định khung hình phạt nhẹ hơn thành tội phạm cắt xén. Trong phạm vi khung hình phạt giảm nhẹ đó, trách nhiệm hình sự của chuẩn bị phạm tội được xác định theo Điều 57 BLHS. 

Ở đây cần chú ý: Nếu hành vi chuẩn bị phạm tội có đủ dấu hiệu của tội phạm khác thì người có hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội độc lập đó. Ví dụ: Vì có ý định giết người nên người phạm tội đã tìm kiếm súng quân dụng. Sau khi có súng, chưa kịp tiến hành việc giết người thì đã bị bắt.

Trong trường hợp này, hành vi tìm kiếm và tàng trữ vũ khí là hành vi chuẩn bị phạm tội của tội giết người (Điều 123 BLHS) nhưng bản thân hành vi này đã cấu thành tội phạm khác được quy định tại Điều 304 BLHS (về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng). 

Như vậy, người phạm tội không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được quy định tại Điều 304 BLHS. 

So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 giới hạn phạm vi các hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự hẹp hơn và có sự phân biệt giữa trường hợp chủ thể từ đủ 16 tuổi trở lên với trường hợp chủ thể từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thời hạn điều tra vụ án hình sự là bao lâu?

Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều...

Dùng dao đâm chết người đi tù bao nhiêu năm?

Trong trường hợp cụ thể, người dùng dao đâm chết người có thể bị truy cứu về một trong các tội khác như: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, Tội vô...

Vay tiền mà không trả phạm tội gì?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ: Vay tiền mà không trả phạm tội gì? Mời Quý vị tham...

Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù không?

Đơn bãi là là yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố của người bị hại, Vậy Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù...

Đi khỏi nơi cư trú khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú bị xử lý như thế nào?

Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi