Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Hình sự Thẩm quyền điều tra theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự
  • Thứ ba, 29/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 5791 Lượt xem

Thẩm quyền điều tra theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự

Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo được sự phát triển của đất nước ta trong thời kỳ hội nhập.

Khi có một hành vi phạm tội xảy ra thì việc xác định thẩm quyền điều tra là rất quan trọng, nội dung bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần biết về thẩm quyền điều tra theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự để quý độc giả hiểu được rõ hơn.

Khái niệm thẩm quyền điều tra theo quy định tại Bộ luật hình sự 

Điều tra là một hoạt động do người hoặc do cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm thu thập chứng cứ, xác định sự thật khách quan, toàn diện và đầy đủ cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Việc xác định thẩm quyền điều tra không chỉ căn cứ vào loại cơ quan điều tra, phân cấp trong cơ quan điều tra mà còn căn cứ vào nơi xảy ra tội phạm. 

Thẩm quyền điều tra theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự được quy định cụ thể tại Điều 163 Bộ Luật Tố tụng hình sự như sau:

Điều 163. Thẩm quyền điều tra

1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

3. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

5. Việc phân cấp thẩm quyền điều tra như sau:

a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;

b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

c) Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Phân tích thẩm quyền điều tra theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự

– Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền điều tra của các Cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tội phạm là cơ quan tiến hành tố tụng. Theo điều luật này thì Cơ quan điều tra được tổ chức trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân và ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

+ Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân gồm Cơ quan An ninh điều tra và Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Cơ quan An ninh điều tra được tổ chức ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra được tổ chức ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.

+ Trong Quân đội nhân dân có Cơ quan điều tra quân sự và Cơ quan điều tra an ninh quân đội. Cơ quan điều tra quân sự được tổ chức ở Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Cơ quan điều tra hình sự khu vực. Cơ quan điều tra an ninh quân đội được tổ chức ở Bộ Quốc phòng, ở Quân khu, Quân chủng, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng.

+ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm: Cục điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Phòng điều tra thuộc Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

Mô hình tổ chức các Cơ quan điều tra nêu trên được quy định tại Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004.

–  Xét theo hệ Cơ quan điều tra thì thẩm quyền điều tra được phân định như sau:

+ Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân.

+ Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự.

+ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Đương nhiên, Phòng điều tra thuộc Viện kiểm sát quân sự Trung ương chỉ điều tra những tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là quân nhân thuộc các cơ quan tư pháp trong Quân đội.

– Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân được phân chia thành 2 loại: Loại thứ nhất tiến hành điều tra các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXIV của Bộ luật hình sự năm 2015 và những tội phạm do cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện; Loại thứ hai tiến hành điều tra các tội phạm còn lại. Cụ thể hơn, thẩm quyền điều tra của từng loại Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân được quy định như sau:

Đối với Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân

+ Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh điều tra các tội xâm phạm An ninh quốc gia, các tội phạm mà người thực hiện là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và các tội phạm khác khi được Bộ trưởng Bộ Công an giao.

+ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra các tội phạm quy định tại Chương XXIV của Bộ luật hình sự và những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh nêu trên nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra

+ Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện điều tra tất cả các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra.

+ Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh điều tra các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh và những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra.

+ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra các vụ án về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Đối với Cơ quan điều tra an ninh quân đội

+ Cơ quan điều tra an ninh quân đội ở Quân khu, Quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng điều tra những vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự cùng cấp, trừ các tội phạm mà người thực hiện là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Đối với Cơ quan điều tra quân sự các cấp

+ Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự khu vực, trừ những trường hợp do Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra an ninh Quân đội điều tra.

+ Cơ quan điều tra quân sự ở Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh đoàn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự cùng cấp, trừ những trường hợp do Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra an ninh Quân đội và những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự khu vực nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.

+ Cơ quan điều tra quân sự ở Bộ Quốc phòng điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra quân sự ở Bộ tổng tham mưu, Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.

– Thẩm quyền điều tra tội phạm không chỉ căn cứ vào loại Cơ quan điều tra, căn cứ vào phân cấp trong từng loại mà còn phải căn cứ vào nơi xảy ra tội phạm. Quy định chung là Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra thì Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết.

Trên đây là nội dung bài viết Thẩm quyền điều tra theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự của Công ty Luật Hoàng Phi, mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn 1900.6557

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Giết người do lạc hậu thì bị xử lý như thế nào?

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 02 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của...

Điều kiện để được giảm thời hạn chấp hành hình phạt?

Điều luật quy định về giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, đây là trường hợp giảm thời hạn chấp hành hình phạt có điều kiện, thời điểm xét giảm và mức giảm khác so với trường hợp bình thường được quy định tại Điều 63...

Quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự

Theo luật hình sự Việt Nam, tội phạm phải được quy định trong luật (BLHS) và một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nói chung cũng như hình phạt nói riêng về tội phạm đã được quy định trong luật (BLHS) mà họ đã thực...

Khái niệm tội phạm là gì?

Cũng như định nghĩa tội phạm trong các BLHS trước đây, định nghĩa tội phạm trong BLHS năm 2015 là định nghĩa tội phạm về nội dung và thể hiện rõ các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc hành vi và nguyên tắc có...

Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn

Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đưòng thủy không đảm bảo an toàn, được hiểu là hành vi của người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thủy mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không đảm bảo an...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi