Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Hình sự Quy định của Bộ luật hình sự về cố ý phạm tội như thế nào?
  • Thứ ba, 05/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 582 Lượt xem

Quy định của Bộ luật hình sự về cố ý phạm tội như thế nào?

Ở các tội có CTTP vật chất, hậu quả thiệt hại là dấu hiệu được mô tả trong CTTP nên người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp không chỉ nhận thức được tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi của mình mà khi thực hiện hành vi cũng thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi. 

Quy định của Bộ luật hình sự về cố ý phạm tội

Điều 10. Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1.Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

2.Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. 

Phân tích về cố ý phạm tội theo quy định của BLHS

Điều luật quy định hai trường hợp được coi là có lỗi cố ý phạm tội. Trong đó, trường hợp có lỗi cố ý phạm tội được mô tả tại đoạn 1 có tên gọi trong nghiên cứu, giảng dạy là cố ý trực tiếp còn trường hợp có lỗi cố ý phạm tội được mô tả tại đoạn 2 có tên gọi là cố ý gián tiếp. 

Từ nội dung đoạn thứ nhất của điều luật, có thể rút ra những dấu hiệu sau của lỗi cố ý trực tiếp: 

– Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình được hiểu là tính gây thiệt hại cho xã hội và thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi đó. 

Nhận thức rõ tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi là sự nhận thức trên cơ sở nhận thức những tình tiết khách quan tạo nên tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi. Những tình tiết đó có thể là mặt thực tế của hành vi, là đặc điểm của đối tượng tác động của tội phạm, là những điều kiện khách quan như công cụ, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội… 

Ở các tội có CTTP vật chất, hậu quả thiệt hại là dấu hiệu được mô tả trong CTTP nên người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp không chỉ nhận thức được tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi của mình mà khi thực hiện hành vi cũng thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi. 

Thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi là sự dự kiến của người phạm tội về hậu quả đó. Người phạm tội có thể dự kiến hành vi tất nhiên sẽ gây ra hậu quả thiệt hại hoặc dự kiến hành vi có thể gây ra hậu quả thiệt hại. 

Ở các tội có CTTP hình thức, hậu quả thiệt hại không phải là dấu hiệu được mô tả trong CTTP nên vấn đề có thấy trước hay không thấy trước hậu quả thiệt hại không được đặt ra khi xem xét lý trí của người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. 

Nhận thức rõ tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi và thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi đó là hai nội dung của yếu tố lý trí có liên quan chặt chẽ với nhau.

Thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vị là kết quả và là sự cụ thể hoá sự nhận thức tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi. Trái lại, nhận thức rõ tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi là cơ sở cho việc thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi. 

– Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả thiệt hại phát sinh. 

Điều này có nghĩa hậu quả thiệt hại của hành vi mà người phạm tội đã thấy trước hoàn toàn phù hợp với mục đích – phù hợp với sự mong muốn của người đó.

Ở đây, sở dĩ không đặt vấn đề mong muốn hay không mong muốn hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội vì khi đã nhận thức được tính chất của hành vi mà vẫn thực hiện thì đã chứng tỏ chủ thể mong muốn thực hiện hành vi đó. 

Ở các tội có CTTP vật chất, hậu quả thiệt hại được quy định là dấu hiệu của CTTP nên việc kiểm tra ý chí của người phạm tội đối với hậu quả thiệt hại đã thấy trước là cần thiết để có thể khẳng định được có lỗi cố ý trực tiếp hay không. 

Ở các tội có CTTP hình thức, hậu quả thiệt hại không được quy định là dấu hiệu của CTTP nên việc xác định ý chí đối với hậu quả thiệt hại không được đặt ra. Muốn xác định người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp chỉ cần xác định người đó đã nhận thức được tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi mà vẫn thực hiện hành vi.

Từ nội dung đoạn thứ hai của điều luật, có thể rút ra những dấu hiệu sau của lỗi cố ý gián tiếp: 

– Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hành vi đó có thể gây ra hậu quả thiệt hại. 

– Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra. Hậu quả thiệt hại mà người phạm tội đã thấy trước không phù hợp với mục đích của họ. Người phạm tội thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội là nhằm mục đích khác.

Chính để đạt được mục đích này mà người phạm tội đã chấp nhận hậu quả thiệt hại do hành vi của mình có thể gây ra. Thái độ chấp nhận hậu quả thiệt hại có thể xảy ra được điều luật quy định là “có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Theo đó, cần hiểu người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp là người tuy không mong muốn hậu quả thiệt hại mà họ đã thấy trước nhưng chấp nhận khả năng gây ra hậu quả này. 

So sánh các phân tích trên có thể thấy, sự khác nhau giữa hai hình thức lỗi cố ý chủ yếu ở yếu tố ý chí. Nếu như trong trường hợp có lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra thì trong trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không mong muốn mà chỉ chấp nhận hậu quả thiệt hại xảy ra.

Đối với người có lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả thiệt hại xảy ra hay không đều không có ý nghĩa, không xảy ra cũng được và nếu xảy ra cũng chấp nhận. Do có sự khác nhau này nên yếu tố lý trí ở hai hình thức lỗi cố ý có sự khác nhau về mức độ thấy trước hậu quả thiệt hại.

Ở trường hợp có lỗi cố ý trực tiếp, sự thấy trước hậu quả thiệt hại của người phạm tội có thể là thấy trước hậu quả đó tất nhiên phải xảy ra hoặc là có thể xảy ra. Nhưng trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp, sự thấy trước hậu quả thiệt hại của người phạm tội chỉ có thể là thấy trước hậu quả có thể xảy ra.

Không thể có trường hợp người phạm tội đã thấy trước hậu quả thiệt hại tất nhiên phải xảy ra mà lại có thái độ chấp nhận khả năng xảy ra hậu quả đó.

Chỉ có thể nói đến thái độ chấp nhận khả năng hậu quả thiệt hại trong trường hợp thấy trước cả hai khả năng – khả năng hậu quả thiệt hại xảy ra và khả năng hậu quả thiệt hại không xảy ra. 

Định nghĩa lỗi cố ý tại điều luật là định nghĩa về cấu trúc tâm lý của từng hình thức cố ý phạm tội. Xét về bản chất, cố ý phạm tội là trường hợp chủ thể đã lựa chọn hành vi phạm tội khi có điều kiện lựa chọn hành vi khác không nguy hiểm cho xã hội.

Trong đó, lựa chọn hành vi phạm tội được hiểu là thực hiện hành vi có các dấu hiệu được mô tả trong luật/BLHS mặc dù đã nhận thức được các dấu hiệu đó. Việc lựa chọn này có thể do: 

– Hành vi phù hợp với mục đích của chủ thể (cố ý trực tiếp); hoặc 

– Hành vi tuy không phù hợp với mục đích nhưng có thể đáp ứng được mục đích (giúp đạt được mục đích) (cố ý gián tiếp). 

Hai định nghĩa về cấu trúc tâm lý của điều luật đều gắn với dấu hiệu hậu quả thiệt hại cho xã hội, trong khi không phải tất cả các điều luật quy định về tội phạm đều mô tả dấu hiệu này.

Như vậy, các định nghĩa về lỗi cố ý trong điều luật chỉ phù hợp hoàn toàn với các tội mà điều luật có sự mô tả hậu quả thiệt hại cho xã hội. Đó là các tội có CTTP vật chất.

Đối với các tội có CTTP hình thức, do không có sự quy định dấu hiệu hậu quả thiệt hại trong luật nên khi định tội (áp dụng luật) không cần xác định hậu quả thiệt hại cũng như thái độ mong muốn hay chấp nhận hậu quả thiệt hại.

Trong trường hợp này, nếu muốn xác định hậu quả thiệt hại cũng như thái độ mong muốn hay chấp nhận hậu quả thiệt hại thì cũng không thể thực hiện được vì không biết thiệt hại đó là thiệt hại gì. 

Hạn chế tiếp theo của các định nghĩa về lỗi cố ý trong điều luật là gắn thái độ mong muốn hay chấp nhận chỉ với dấu hiệu duy nhất là dấu hiệu hậu quả thiệt hại.

Nhưng thực tế, thái độ mong muốn hay thái độ chấp nhận còn có thể gắn với những dấu hiệu khác được quy định trong luật vì những dấu hiệu này có ý nghĩa quyết định tính chất phạm tội của hành vi.

Ví dụ: Dấu hiệu về độ tuổi của nạn nhân trong tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142 BLHS) hay dấu hiệu về quan hệ huyết thống trong tội loạn luân (Điều 184 BLHS).

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thời hạn điều tra vụ án hình sự là bao lâu?

Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều...

Dùng dao đâm chết người đi tù bao nhiêu năm?

Trong trường hợp cụ thể, người dùng dao đâm chết người có thể bị truy cứu về một trong các tội khác như: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, Tội vô...

Vay tiền mà không trả phạm tội gì?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ: Vay tiền mà không trả phạm tội gì? Mời Quý vị tham...

Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù không?

Đơn bãi là là yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố của người bị hại, Vậy Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù...

Đi khỏi nơi cư trú khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú bị xử lý như thế nào?

Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi