Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Hình sự Phòng vệ chính đáng là gì? Quy định về phòng vệ chính đáng
  • Thứ ba, 05/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 682 Lượt xem

Phòng vệ chính đáng là gì? Quy định về phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Khái niệm phòng vệ chính đáng theo Bộ luật hình sự

Điều 22 Bộ luật hình sự quy định về Phòng vệ chính đáng như sau:

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. 

Bình luận về phòng vệ chính đáng theo Bộ luật hình sự mới nhất 

Điều luật quy định các dấu hiệu của trường hợp phòng vệ chính đáng và xác định, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Chế định phòng vệ chính đáng được quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như khuyến khích mọi người chống hành vi xâm phạm khách thể bảo vệ của luật hình sự, ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại bị hành vi đó đe dọa gây ra. 

Đoạn 2 khoản 1 của điều luật khẳng định hành động trong phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm vì phù hợp với lợi ích của xã hội, hỗ trợ Nhà nước trong việc duy trì trật tự xã hội, chống lại hành vi xâm phạm các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Phòng vệ chính đáng là quyền của mỗi cá nhân nhưng không phải là nghĩa vụ pháp lý. Đối với người có chức vụ, có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của Nhà nước hoặc của nhân dân thì đây là nghĩa vụ pháp lý. 

Đoạn 1 khoản 1 của điều luật xác định các dấu hiệu của phòng vệ chính đáng để hướng mọi người thực hiện đúng quyền phòng vệ chính đáng và qua đó phát huy được tính tích cực của chế định này. Theo đó, có các dấu hiệu sau:

a. Dấu hiệu về cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng 

Theo điều luật, cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là “… (có người đang có hành vi xâm phạm quyền hoặc lợi ích chính đáng của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức). Như vậy, quyền phòng vệ chính đáng phát sinh khi có hành vi xâm phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội đang diễn ra.

Thiệt hại đe dọa gây ra có thể cho quyền nhân thân (tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, …) hoặc cho quyền sở hữu tài sản). Hành vi này có thể là hành động (như hành động cướp tài sản, hành động hiếp dâm…) nhưng cũng có thể là không hành động (như bác sĩ không cấp cứu người bị tai nạn mà không có lý do chính đáng). 

Hành vi xâm phạm có thể có dấu hiệu của tội phạm như tội hiếp dâm, tội giết người, tội cướp tài sản nhưng cũng có thể không phải là tội phạm như hành vi đâm, chém người khác của người không có năng lực trách nhiệm hình sự do mắc bệnh tâm thần.

Tất cả các hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội đang diễn ra đều đòi hỏi phải được ngăn chặn nên đều có thể là cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Hơn nữa, khi đứng trước hành vi xâm phạm, không phải trong trường hợp nào cũng khẳng định được ngay đó là tội phạm hay không phải là tội phạm. 

Hành vi xâm phạm là cơ sở của quyền phòng vệ chính đáng nhưng chỉ là cơ sở chừng nào còn đang xảy ra hoặc đe dọa sẽ xảy ra ngay tức khắc. Khi hành vi xâm phạm đã thực sự chấm dứt thì cũng có nghĩa không đòi hỏi phải có hành vi ngăn chặn. Sự phòng vệ lúc này không phù hợp với mục đích của phòng vệ chính đáng. Trường hợp phòng vệ này được luật hình sự gọi là phòng vệ “quá muộn”. Trách nhiệm hình sự trong trường hợp này được giải quyết như trường hợp bình thường nếu đã cố ý phòng vệ quá muộn. Đối với trường hợp phòng vệ “quá muộn” do nhầm tưởng thì trách nhiệm hình sự được giải quyết như các trường hợp sai lầm khác. 

Hành vi phòng vệ xảy ra sau khi sự tấn công đã kết thúc vẫn có thể được coi là phòng vệ chính đáng nếu sự phòng vệ đi liền ngay sau sự tấn công để khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm đã gây ra. Ví dụ: Người bị cướp giật đã đuổi theo và dùng vũ lực chống lại người cướp giật để lấy lại tài sản vừa bị cướp giật. 

Khi hành vi xâm phạm chưa xảy ra nhưng có biểu hiện đe dọa hành vi này sẽ xảy ra ngay tức khắc thì cũng cho phép phòng vệ. Sự cho phép này là cần thiết để tạo điều kiện chủ động cho người phòng vệ ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả hành vi xâm phạm. Nếu chưa có biểu hiện đe dọa hành vi xâm phạm sẽ xảy ra ngay tức khắc mà đã phòng vệ thì bị coi là phòng vệ “quá sớm” và trách nhiệm hình sự trong trường hợp này được giải quyết như trường hợp phòng vệ “quá muộn”. 

Từ thực tiễn, câu hỏi được đặt ra là, hành vi làm trái công vụ có thể làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng không

Hành vi làm trái công vụ xét về bản chất cũng là hành vi trái pháp luật nhưng được thực hiện dưới danh nghĩa thi hành công vụ. Trong BLHS, một số hành vi làm trái công vụ đã được quy định là tội phạm. Dưới góc độ này, hành vi làm trái công vụ cũng có thể làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, khi đánh giá hành vi dưới danh nghĩa thi hành công vụ đang đe dọa xâm phạm quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình có hợp pháp hay không, cá nhân cần có sự thận trọng nhất định và chịu trách nhiệm về sự đánh giá của mình.(68) 

b. Nội dung và phạm vi của quyền phòng vệ chính đáng 

Khi đã có cơ sở cho phép phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm ngay cả trong trường hợp có biện pháp khác tránh được hành vi này. 

Hành vi chống trả của người phòng vệ phải nhằm vào người đang có hành vi xâm phạm, vì như vậy mới đạt được mục đích của phòng vệ chính đáng là ngăn chặn hành vi xâm phạm, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại do hành vi này đe dọa gây ra. Sự chống trả này của người phòng vệ có thể trực tiếp nhằm vào người tấn công (tính mạng, sức khoẻ, tự do) hoặc có thể chỉ nhằm vào công cụ, phương tiện phạm tội mà người đó đang sử dụng. 

Sự chống trả của người phòng vệ là sự chống trả cần thiết. Điều này có nghĩa biện pháp chống trả của người phòng vệ (phương tiện, phương pháp, thiệt hại) đặt trong hoàn cảnh cụ thể phải là biện pháp cần thiết để có thể ngăn chặn được hành vi xâm phạm, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại mà hành vi này có thể gây ra. 

Như vậy, khi xác định phòng vệ chính đáng, không được phép so sánh đơn thuần giữa thiệt hại đã gây ra cho người có hành vi xâm phạm và thiệt hại mà người có hành vi này đe dọa gây ra. Phòng vệ chính đáng không phải là biện pháp trả thù mà là biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội. Mục đích này chỉ có thể đạt được trong nhiều trường hợp bằng cách phải gây ra thiệt hại lớn hơn cho người có hành vi xâm phạm.

Việc đặt vấn đề so sánh hai thiệt hại trong nhiều trường hợp cũng không thực tế, vì có thể tính chất của hai loại thiệt hại – thiệt hại bị đe dọa gây ra và thiệt hại mà người phòng vệ gây ra hoàn toàn khác nhau như trong trường hợp phòng vệ đối với hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên, thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm là một yếu tố thể hiện tính chất và mức độ của hành vi chống trả cho nên chỉ được phép ở mức độ nhất định để có thể đảm bảo tính cần thiết của sự chống trả. 

Phòng vệ chính đáng cũng không đòi hỏi phương pháp, phương tiện người phòng vệ được phép sử dụng phải giống như phương pháp, phương tiện người có hành vi xâm phạm sử dụng. 

Để đánh giá sự chống trả của người phòng vệ là sự chống trả cần thiết, có thể dựa vào những căn cứ sau: 

– Tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm phạm; 

– Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; 

– Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi xâm phạm; 

– Tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người có hành vi xâm phạm sử dụng: 

– Khả năng phòng vệ của người phòng vệ đặt trong hoàn cảnh cụ thể… 

Việc đánh giá này trong thực tế là việc hết sức phức tạp. Điều đó đối với người phòng vệ lại càng không phải là đơn giản: “... người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ”.

Do vậy, sự cần thiết nói trong phòng vệ chính đáng chỉ đòi hỏi là sự cần thiết tương đối. Trường hợp không cần thiết nhưng sự không cần thiết đó không rõ ràng cũng được coi là trường hợp cần thiết. 

Khoản 2 của điều luật quy định các dấu hiệu của trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Đây là trường hợp sự chống trả của người phòng vệ rõ ràng là quá mức cần thiết. “... Người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó”.000 

Người phòng vệ trong những trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có lỗi đối với việc vượt quá của mình. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự trong trường hợp này không như những trường hợp bình thường. Điều 51 BLHS đã coi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Tội bạo loạn theo quy định Bộ luật hình sự

Tội bạo loạn là một hành động chống phá bằng bạo lực có tổ chức do lực lượng phản động hay lực lượng ly khai, đối lập trong nước hoặc cấu kết với nước ngoài tiến hành nhằm gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc lật đổ chính quyền của một quốc gia, vùng lãnh thổ nhất...

Tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác xử phạt như thế nào?

Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp...

Tội đào ngũ theo quy định Bộ Luật hình sự mới nhất

Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03...

Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội

Việc quyết định hình phạt cho trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt mà chủ thể thực hiện là người dưới 18 tuổi phải tuân thủ các quy định chung về quyết định hình phạt và quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội phạm tội chưa...

Trộm chó có phạm tội hình sự hay không?

Ở phương Tây, thông thường hành vi trộm chó này nhắm đến những con chó cưng của gia chủ với mục đích đòi tiền chuộc, đây là hành vi vi phạm Đạo luật về quyền Động vật năm 1966 (Dognapping). Ở Việt Nam, hành vi trộm chó phổ biến với mục đích chính là bắt nhưng con chó để đem bán cho các quán để giết lấy thịt chế biến món thịt...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi