Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Hình sự Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
  • Thứ năm, 07/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 523 Lượt xem

Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là gì?

Điều 91 Bộ luật hình sự quy định về Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. 

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này: 

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; 

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; 

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. 

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. 

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. 

Tư vấn về Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo Bộ luật hình sự

Điều luật quy định nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, bao gồm nguyên tắc xử lý chung và các nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể. 

1. Khoản 1 của điều luật xác định nguyên tắc chung trong xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh. Đây là quy định mang tính xuyên suốt trong quá trình xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Nguyên tắc này đòi hỏi mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi tiến hành xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải đặt lợi ích của chính người phạm tội là người chưa thành niên lên trên hết. Mặc dù người chưa thành niên đã có hành vi phạm tội, đã gây thiệt hại cho xã hội, cho nạn nhân, nhưng khi xử lý vẫn phải đặt lợi ích của họ lên trên hết.

Tùy vào đặc điểm thuộc về nhân thân của người chưa thành niên phạm tội cũng như khả năng nhận thức, khả năng giáo dục họ trở thành người phát triển bình thường, người có thẩm quyền quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, hay truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp nhất thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cân nhắc chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng khi các biện pháp khác không có hiệu quả; người tiến hành tố tụng phải là người có kinh nghiệm về tâm lý và giáo dục trẻ vị thành niên để tránh những tổn thương về tâm lý đối với họ, mục đích chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh.

Việc áp dụng hình phạt và các biện pháp có tính chất trừng trị chỉ đặt ra khi có đủ căn cứ cho rằng, việc áp dụng các biện pháp giáo dục không có hiệu quả. 

2. Khoản 2 của điều luật quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Đây là sự cụ thể nguyên tắc thứ nhất – nguyên tắc ưu tiên xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội. 

Theo quy định này, người dưới 18 tuổi phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục được quy định tại Mục 2 Chương XII BLHS khi họ thuộc vào các trường hợp được liệt kê tại các điểm a, b hoặc c của khoản 2 nhưng phải thỏa mãn 2 điều kiện kèm theo. 

Hai điều kiện chung được quy định cho các trường hợp được liệt kế tại các điểm a, b, c của khoản 2 là: 

Thứ nhất, người dưới 18 tuổi phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ 

Điều luật không xác định tình tiết giảm nhẹ quy định ở khoản nào, nên về nguyên tắc, họ chỉ cần có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 51 BLHS; 

Thứ hai, người dưới 18 tuổi phạm tội đã tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả do hành vi phạm tội gây ra 

So với BLHS năm 1999, đây là điểm mới quan trọng. Khoản 2 Điều 69 BLHS 1999 chỉ cho phép miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội khi hành vi đó gây ra hậu quả không lớn, còn BLHS năm 2015 không giới hạn như vậy. Việc khắc phục này có thể được thực hiện bằng chính tài sản, công sức của người dưới 18 tuổi nhưng cũng có thể do cha mẹ, người giám hộ hoặc những người khác giúp thực hiện.

Khắc phục phần lớn hậu quả do hành vi phạm tội y ra thường được hiểu là đã khắc phục ít nhất ba phần từ thiệt hại. Trường hợp người bị hại hoặc đại diện người bị hại tự nguyện không buộc bồi thường thì cũng được coi như là người phạm tội đã khắc phục được hậu quả. 

Theo điểm a của khoản 2, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể được miễn trách nhiệm hình sự về các tội phạm ít nghiêm trọng cũng như tội phạm nghiêm trọng chỉ trừ các tội phạm được quy định tại 8 điều luật đã được liệt kê. 

Theo điểm b của khoản 2, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể được miễn trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng chỉ trừ các tội phạm được quy định tại 13 điều luật và tại một số khoản của 1 điều luật đã được liệt kê. 

Theo điểm c của khoản 2, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể được miễn trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm nếu họ chỉ là người giữ vai trò “không đáng kể trong vụ đồng phạm. 

Ngoài ra, khi áp dụng khoản 2 của điều luật cũng cần chú ý “… chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này.”

Điều kiện miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định mở hơn so với điều kiện miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 BLHS. Khi người dưới 18 tuổi phạm tội có đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 BLHS thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng ngay Điều 29 để miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó, người dưới 18 tuổi phạm tội không bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội. Do vậy, khoản 2 của điều luật quy định, chỉ áp dụng khoản 2 của điều luật nếu không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 29 của BLHS. 

3. Khoản 3 của điều luật cụ thể hóa nguyên tắc xử lý chung trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ được đặt ra trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu phòng ngừa tội phạm. 

– Nội dung của nguyên tắc này thể hiện ở chỗ, khi xem xét xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội, cơ quan có thẩm quyền phải cân nhắc xem có nhất thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ hay không? Việc cân nhắc này, theo quy định của điều luật, phải căn cứ vào 3 yếu tố: thứ nhất là các đặc điểm về nhân thân của người phạm tội.

Tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội chỉ được xem xét ở vị trí thứ hai và sau cùng là yêu cầu của phòng ngừa tội phạm. Như vậy, khi tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đòi hỏi phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đặc điểm về nhân thân lại không đòi hỏi như vậy (phạm tội lần đầu, phạm tội trong trường hợp bị người khác ép buộc, xúi giục hoặc rủ rê… ) thì có thể vẫn xác định, việc truy cứu trách nhiệm hình sự là không cần thiết. 

4. Khoản 4 của điều luật cụ thể hóa nguyên tắc xử lý chung trong việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt nếu xét thấy việc áp dụng các biện pháp phi hình phạt không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Đây là điểm mới quan trọng trong chính sách xử lý người dưới 18 tuổi so với BLHS năm 1999.

Theo đó, khoản 4 Điều 92 BLHS năm 2015 yêu cầu chỉ cân nhắc áp dụng hình phạt (là biện pháp cuối cùng) sau khi đã cân nhắc, xem xét sự cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự hay không; có thể áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục được hay không, trong khi đó khoản 4 Điều 69 BLHS 1999 yêu cầu Tòa án cân nhắc áp dụng hình phạt trước, nếu không cần thiết thì mới áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục khác. 

5. Khoản 5 của điều luật xác định nguyên tắc khi phải áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, 2 hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt không được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Đó là hình phạt tử hình và hình phạt tù chung thân. Quy định này vừa phù hợp với nguyên tắc nhân đạo vừa đáp ứng được mục đích chủ yếu của việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội không phải nhằm trừng trị mà chủ yếu là giáo dục họ.

6. Khoản 6 của điều luật xác định nguyên tắc tiếp theo khi phải áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Đó là: Chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn khi các hình phạt khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa; việc áp dụng các hình phạt không tước tự do là không thích hợp, không vì lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi phạm tội. 

Thực tiễn chống tội phạm ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc áp dụng hình phạt, nhất là hình phạt tù luôn tiềm ẩn nguy cơ bất lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của người dưới 18 tuổi phạm tội. Công ước quyền trẻ em cũng như các chuẩn mực quốc tế có liên quan về tư pháp người chưa thành niên đều khẳng định, phải hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng các chế tài giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Khi phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn, thì nguyên tắc được xác định chung là người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức hình phạt tù nhẹ hơn so với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội trong trường hợp có các tình tiết khác tương đương

Nội dung tiếp theo của nguyên tắc khi phải áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là: Chỉ được áp dụng hình phạt chính mà không được áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. 

7. Khoản 7 của điều luật quy định về việc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, đối với người phạm tội thông thường mà thuộc trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm luôn bị xử lý nặng hơn so với trường hợp phạm tội lần đầu. Tuy nhiên, khoản 7 của điều luật quy định: án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi không được tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Quy định này nhằm hạn chế việc xử nặng người dưới 16 tuổi phạm tội đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dưới 16 tuổi phạm tội tái hòa nhập xã hội. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thời hạn điều tra vụ án hình sự là bao lâu?

Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều...

Dùng dao đâm chết người đi tù bao nhiêu năm?

Trong trường hợp cụ thể, người dùng dao đâm chết người có thể bị truy cứu về một trong các tội khác như: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, Tội vô...

Vay tiền mà không trả phạm tội gì?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ: Vay tiền mà không trả phạm tội gì? Mời Quý vị tham...

Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù không?

Đơn bãi là là yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố của người bị hại, Vậy Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù...

Đi khỏi nơi cư trú khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú bị xử lý như thế nào?

Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi