Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Hợp tác xã là gì? Liên hiệp hợp tác xã là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 929 Lượt xem

Hợp tác xã là gì? Liên hiệp hợp tác xã là gì?

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ, thực hiện các hoạt động kinh doanh. Hợp tác xã là gì? Liên hiệp hợp tác xã là gì?

Khái niệm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã 

Khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. 

Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã. 

Đặc điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã 

Thứ nhất: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ, hoạt động mang tính xã hội 

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ vì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn, quỹ, tài sản riêng để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có các quyền, nghĩa vụ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh doanh. 

Tuy nhiên, khác biệt với doanh nghiệp, hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã luôn thể hiện tính xã hội. Tính xã hội của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thể hiện ở nội dung:

(i) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng;

(ii) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã luôn coi trọng những lợi ích của thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chăm lo phát triển bền vững cộng đồng, tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của thành viên. 

Như vậy, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải kết hợp hài hòa hai khía cạnh kinh tế và xã hội trong tổ chức và hoạt động của mình. Đây là điểm khác biệt với doanh nghiệp vì doanh nghiệp được thành lập và hoạt động vì mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận. Hơn thế, ở nhiều nước, HTX được coi là tổ chức để thông qua đó Nhà nước có thể thực hiện được nhiều chương trình quan trọng như: xoá đói giảm nghèo, ứng dụng công nghệ mới, công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, khôi phục và phát huy ngành nghề truyền thống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia bảo đảm an ninh chính trị và xã hội.

Vì vậy, Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi để khuyến khích phát triển hợp tác xã như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tiếp cận vốn và quỹ phát triển hợp tác xã; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế… 

Thứ hai: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế có ít nhất 07 thành viên; liên hiệp hợp tác xã do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện góp vốn thành lập 

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế do các thành viên góp vốn thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, hợp tác xã thành viên. Nhu cầu chung của thành viên, hợp tác xã thành viên là nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ giống nhau phát sinh thường xuyên, ổn định từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của thành viên. Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì nhu cầu chung của thành viên là nhu cầu việc làm của thành viên trong hợp tác xã do hợp tác xã tạo ra. 

Góp vốn là nghĩa vụ cơ bản của những tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với tư cách là thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên. Thành viên hợp tác xã, các hợp tác xã thành viên sẽ góp vốn tạo cơ sở vật chất để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động kinh doanh. Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên vào vốn điều lệ thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không vượt quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã. Đối với liên hiệp hợp tác xã, vốn góp của hợp tác xã thành viên vào vốn điều lệ theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không vượt quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã. 

– Quy định về mức vốn góp tối đa vào vốn điều lệ của hợp tác xã là điểm khác biệt so với Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp không quy định về mức vốn góp tối đa của các tổ chức, cá nhân vào vốn điều lệ của công ty, việc góp vốn tạo thành vốn điều lệ của công ty tùy theo khả năng tài chính của các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn để trở thành thành viên, cổ đông của công ty.

Thứ ba: Thành viên, hợp tác xã thành viên tham gia quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo nguyên tắc dân chủ và bình đẳng 

Khi phát huy dân chủ trong tổ chức, quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chính là đòn bẩy thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thực hiện tổ chức, quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã dân chủ, bình đẳng nhằm đem đến sự công bằng trong phân phối lợi ích kinh tế cho các thành viên, hợp tác xã thành viên.

Kết hợp giữa tính chất xã hội và quản lý dân chủ, bình đẳng trong mô hình hợp tác xã sẽ có tác dụng khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện gia nhập và gắn bó, có trách nhiệm với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Tính dân chủ, bình đẳng trong quản lý hợp tác xã thể hiện qua việc: thành viên, hợp tác xã thành viên được quyền dự đại hội thành viên; được quyền ứng cử và bầu cử vào các chức danh chủ chốt trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; mỗi thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc đại biểu thành viên tham dự đại hội thành viên có một phiếu biểu quyết.

Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc đại biểu thành viên. Tính chất bình đẳng ngang nhau trong biểu quyết của thành viên tại Đại hội thành viên là điểm khác biệt với việc biểu quyết của thành viên công ty theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. 

Thứ tư: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tư cách pháp nhân 

Là một tổ chức kinh tế tự chủ, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp nhân quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự (2005): 

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập hợp pháp, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký; 

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có cơ cấu tổ chức chặt chẽ như Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Ban kiểm soát và kiểm soát viên; 

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bằng tài sản đó. Thành viên hợp tác xã, các hợp tác xã thành viên không chịu trách nhiệm thay cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với các nghĩa vụ do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xác lập, thực hiện; 

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật. 

->>>>> Tham khảo thêm: Lý lịch tư pháp

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi