Phân tích điều 52 Bộ Luật Hình Sự
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những yếu tố làm thay đổi mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội theo hướng nặng hơn
Điều 52 Bộ luật hình sự quy định về nội dung gì? Trong nội dung bài viết sau đây sẽ Phân tích điều 52 Bộ Luật Hình Sự để quý độc giả tham khảo.
Nội dung điều 52 Bộ Luật Hình Sự gồm những gì?
Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Bộ luật hình sự 2017 quy định như sau:
Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội 02 lần trở lên;
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Phân tích nội dung điều 52 Bộ Luật Hình Sự
Điều luật xác định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong khoản 1 và khẳng định, chỉ những tình tiết này mới được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khoản 2 khẳng định tính loại trừ dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
1.Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chủ yếu mới chỉ liệt kê mà không mô tả cụ thể. Việc xác định nội dung các một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể dựa vào nội dung quy định của một số điều luật trong Phần thứ nhất của BLHS như tình tiết phạm tội có tổ chức được giải thích qua quy định về đồng phạm tại Điều 17 BLHS; tái phạm, tái phạm nguy hiểm được giải thích tại Điều 53 BLHS. Đối với các tình tiết còn lại, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì Tòa án phải tự xác định khi áp dụng.
Dựa vào quy định của BLHS và thực tiễn áp dụng luật hình sự, có thể khái quát nội dung của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:
a. Phạm tội có tổ chức
Đây là trường hợp đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những chủ thể cũng thực hiện tội phạm
b. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp
Đây là trường hợp liên tiếp phạm tội (từ năm lần trở lên) về cùng một tội phạm (không phân biệt đã truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tính) và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp phản ánh hành vi phạm tội có chính chất nghiêm trọng hơn so với trường hợp bình thường, do đó được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
c. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội
Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như là phương tiện để thực hiện tội phạm.
d. Phạm tội có tính chất côn đồ
Đây là trường hợp phạm tội mà hành vị và các tình tiết khách quan khác thể hiện sự hung hãn, coi thường người khác, coi thường pháp luật của người phạm tội. Hành vi phạm tội trong trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ có tính chất nghiêm trọng hơn so với hành vi phạm tội trong trường hợp bình thường.
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn
Đây là trường hợp phạm tội thúc đẩy bởi động cơ đê hèn, thấp hèn. Hành vi phạm tội trong trường hợp này thường là những biểu hiện của sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát, ích kỷ… Do vậy, lỗi của người phạm tội trong trường hợp này có mức độ nghiêm trọng hơn trường hợp bình thường.
e. Có tình thực hiện tội phạm đến cùng
Đây là trường hợp phạm tội có biểu hiện quyết tâm thực hiện tội phạm như cố gắng khắc phục mọi trở ngại để thực hiện bằng được tội phạm. Do đó, mức độ lỗi trong trường hợp này cao hơn bình thường.
g) Phạm tội 02 lần trở lên
Đây là trường hợp phạm tội mà trước đó người phạm tội đã phạm tội này ít nhất là một lần và chưa bị xét xử. Hành vi phạm tội trong trường hợp này là sự lặp đi lặp lại tội đã phạm trước đó nên có mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp bình thường.
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm
Nội dung của 2 trường hợp này được quy định riêng tại Điều 53 BLHS (xem bình luận Điều 53 BLHS).
i. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên
Đây là trường hợp phạm tội có đối tượng bị xâm hại là những người cần được bảo vệ đặc biệt do khả năng tự vệ hạn chế hoặc không có khả năng tự vệ. Hành vi phạm tội trong trường hợp này còn vi phạm chính sách bảo vệ bà mẹ, trẻ em cũng như vi phạm đạo đức xã hội và nguyên tắc nhân đạo nói chung. Do đó, trường hợp phạm tội này có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với trường hợp phạm tội bình thường.
k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mắt khác
Đây là trường hợp phạm tội có đối tượng bị xâm hại tương đối đặc biệt và do vậy mà có tính chất nguy hiểm cao hơn so với trường hợp phạm tội bình thường. Người ở trong tình trạng không thể tự vệ được là người do thể chất hoặc tinh thần có sự bất thường nên không có khả năng chống đỡ, tự bảo vệ mình được như người bị bệnh nặng, người không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do mắc bệnh tâm thần…; “Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày”, “Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày”. Người bị hạn chế khả năng nhận thức là người do mắc bệnh nên không có khả năng nhận thức được đầy đủ hành vi của mình; Người lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác là người mà người phạm có thể chi phối và họ có thể lợi dụng sự chi phối này để phạm tội.
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội
Đây là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phức tạp của xã hội để dễ dàng thực hiện tội phạm. Hành vi phạm tội có tình tiết này có tính chất nghiêm trọng hơn trường hợp phạm tội bình thường vì nó không chỉ cản trở sự khắc phục khó khăn mà còn làm tăng thêm những khó khăn đang có của xã hội. Về nội dung của “hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh” có thể tham khảo Luật quốc phòng năm 2005, Luật phòng, chống thiên tai năm 2013 và Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội
Đây là trường hợp người phạm tội có thủ đoạn phạm tội không bình thường làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Thủ đoạn tinh vi là thủ đoạn kín đáo, phức tạp, khó nhận biết; thủ đoạn xảo quyết là thủ đoạn phạm tội gắn với các mạnh khóe, cách thức gian dối, thâm hiểm; thủ đoạn tàn ác là thủ đoạn phạm tội có tính thâm độc, tàn nhẫn, man rợ… Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ tinh vi, xảo quyệt, tàn ác của thủ đoạn mà người phạm tội đã dùng để thực hiện tội phạm.
n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội
Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng cách thức hoặc phương tiện có khả năng gây thiệt hại cho nhiều người, như đốt nhà trong đó có nhiều người, ném lựu đạn hoặc dùng súng bắn vào đám đông…
o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội
Đây là trường hợp người phạm tội kích động, dụ đỗ, thúc đẩy người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm.
p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm
Đây là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội đã có những hành vi gian dối, quỷ quyệt hoặc hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực đối với người khác nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
2. Khoản 2 của điều luật có nội dung thể hiện nguyên tắc: “một tình tiết không được sử dụng nhiều lần” để lưu ý cơ quan áp dụng khi áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo đó, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được xác định tại điều luật có tính chất chung và chỉ được phép áp dụng đối với tội phạm cụ thể khi tình tiết đó chưa được quy định là dấu hiệu định tội cũng như là dấu hiệu định khung hình phạt của tội phạm đó. Tuy nhiên, diễn đạt của khoản 2 chưa thể hiện rõ nội dung này. Theo đó, khoản này được diễn đạt lại như sau: “ Các tình tiết (tăng nặng) đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung (hình phạt ở tội cụ thể) thì không được coi là tình tiết tăng nặng (trong khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội này)” thì sẽ chính xác hơn.
Trên đây là nội dung bài viết của Công ty Luật Hoàng Phi về Phân tích điều 52 Bộ Luật Hình Sự mong rằng đã cung cấp đến quý độc giả những thông tin hữu ích.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
Thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự?
Khởi tố là việc cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm. Quyết định khởi tố vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng Hình sự giữa cơ quan thẩm quyền và người tiến hành tố...
Tội cố ý truyền HIV cho người khác theo Bộ luật hình sự
Cố ý truyền HIV cho người khác, được hiểu là hành vi của người tuy không bị lây nhiễm HIV nhưng đã đưa HIV vào cơ thể người khác một cách cố...
Quy định triệu tập bị can theo Bộ luật tố tụng hình sự
Giấy triệu tập bị can được sử dụng để yêu cầu bị can đang tại ngoại đến Cơ quan điều tra để hỏi cung hoặc tham gia vào hoạt động điều tra...
Trường hợp được giảm mức hình phạt đã tuyên
Để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, đòi hỏi người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp...
Bộ luật Hình sự quy định người bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?
Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm...
Xem thêm