Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Hình sự Cải tạo không giam giữ theo Bộ luật hình sự mới nhất
  • Thứ ba, 05/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 652 Lượt xem

Cải tạo không giam giữ theo Bộ luật hình sự mới nhất

Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Khi nào áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ?

Điều 36 Bộ luật hình sự quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ như sau:

Điều 36. Cải tạo không giam giữ

1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. 

Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo

2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.

3. Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án. 

Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

4. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. 

Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần. 

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng. 

Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự. 

Bình luận về hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của pháp luật 

Cải tạo không giam giữ là hình phạt nghiêm khắc nhất trong số các hình phạt chính không phải tù, nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn. Khác với hình phạt tù có thời hạn, cải tạo không giam giữ không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi môi trường sống bình thường, nơi trước khi phạm tội họ sống, công tác mà vẫn để họ tham gia lao động, học tập và sinh hoạt có tổ chức và kỷ luật trong môi trường sống thích hợp, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú và gia đình họ nhằm giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật, tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội. 

Khoản 1 của điều luật quy định những điều kiện, thời hạn áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. 

Theo điều luật, những điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là: 

Thứ nhất, về loại tội phạm mà người phạm tội thực hiện 

Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng (tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt được quy định là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm) hoặc tội phạm nghiêm trọng (tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt được quy định là phạt tù đến 07 năm) trong những trường hợp được BLHS quy định. 

Trong phần các tội phạm của BLHS năm 2015, cải tạo không giam giữ là hình phạt không tước tự do được quy định tương đối phổ biến. Trong các điều luật về tội phạm có hơn 200 điều luật quy định hình phạt này ở dạng lựa chọn với hình phạt tù có thời hạn và trong một số trường hợp với cả hình phạt cảnh cáo và phạt tiền. Trong đó có 26 khung hình phạt quy định hình phạt cải tạo không giam giữ là loại hình phạt nghiêm khắc nhất, đó là khoản 1 của các điều 135, 136, 138, 155, 159, 165, 179, 180, 183, 197, 198, 201, 204, 205, 213, 225, 226, 231, 264, 284, 201, 293, 294, 336, 362 và khoản 4 Điều 261. 

Về nguyên tắc, Tòa án chỉ được phép áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp hình phạt này được điều luật về tội đã phạm quy định. Tuy nhiên, Tòa án có thể căn cứ vào Điều 54 BLHS để áp dụng hình phạt này đối với tội phạm mà điều luật về tội đó không quy định hình phạt này.

Thứ hai, về điều kiện liên quan đến người phạm tội 

Hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ được áp dụng với người phạm tội đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng và xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. 

Để có thể xem xét quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ với người phạm tội, Tòa án không chỉ căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội mà còn phải xác định người phạm tội đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng không. Hình phạt này chỉ được áp dụng với điều kiện người phạm tội phải có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng và kết hợp tất cả các yếu tố cho phép có thể khẳng định không cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội. 

Khoản 1 điều luật cũng xác định thời hạn của hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, thời hạn cải tạo không giam giữ tối thiểu là 06 tháng và tối đa là 03 năm. Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam, thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam được tính bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ. Thời hạn của hình phạt cải tạo không giam giữ đã tuyên có thể được giảm theo các điều 63, 64 BLHS. Những quy định này là động lực thúc đẩy người bị kết án tích cực trong tự giáo dục, cải tạo.

Khoản 2 của điều luật xác định các chủ thể và nghĩa vụ của chủ thể tham gia thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, chủ thể được Tòa án giao giám sát, giáo dục người bị kết án là cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, học tập hoặc là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Gia đình của người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với các chủ thể được xác định trên trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án.

Theo Điều 74 Luật thi hành án hình sự, các cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người bị kết án cải tạo không giam giữ có trách nhiệm và quyền hạn nhất định, như: Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người chấp hành án; phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án; yêu cầu người chấp hành án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật; biểu dương người chấp hành án có nhiều tiến bộ hoặc lập công; giải quyết cho người chấp hành án được vắng mặt 

nơi cư trú theo quy định của Luật thi hành án hình sự và pháp luật về cư trú; phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện khấu trừ một phần thu nhập của người chấp hành án theo quyết định của Toà án để sung quỹ nhà nước; phối hợp với gia đình và cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc, học tập trong việc giám sát, giáo dục người đó; lập hồ sơ đề nghị xem xét việc giảm thời hạn chấp hành án, miễn chấp hành án gửi cơ quan có thẩm quyền… 

Khoản 3 của điều luật quy định nghĩa vụ mà người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện. Theo đó, nghĩa vụ được quy định trong điều luật này là họ bị khấu trừ từ 05% đến 20% thu nhập để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập của người bị kết án để sung quỹ nhà nước là bắt buộc và được thực hiện hàng tháng.

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tình hình thu nhập thực tế, tình hình tài sản và hoàn cảnh gia đình của người phạm tội, Tòa án quyết định mức khấu trừ thu nhập của người phạm tội. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do vào trong bản án. Khi quyết định hình phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án không được khấu trừ thu nhập đối với người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. 

Ngoài nghĩa vụ trên, người bị kết án còn phải thực hiện những nghĩa vụ theo quy định tại Điều 75 Luật thi hành án hình sự, đó là: 

– Phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. 

– Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án. Nếu đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì người chấp hành án phải khai báo tạm vắng. Trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó. 

– Hàng quý người chấp hành án phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho người trực tiếp giám sát, giáo dục về việc chấp hành pháp luật. 

Khoản 4 của điều luật quy định về trường hợp người đang chấp hành hình phạt này không có hoặc bị mất việc làm. Đây là nội dung mới so với BLHS năm 1999. Đối với trường hợp này điều luật quy định, người bị kết án phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ với thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong một tuần.

Quy định này là cần thiết để đảm bảo cho người bị áp dụng hình phạt này thể hiện việc tự cải tạo qua sự lao động của chính mình. Tuy nhiên, vì lý do nhân đạo nên điều luật quy định biện pháp này không được áp dụng đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thời hạn điều tra vụ án hình sự là bao lâu?

Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều...

Dùng dao đâm chết người đi tù bao nhiêu năm?

Trong trường hợp cụ thể, người dùng dao đâm chết người có thể bị truy cứu về một trong các tội khác như: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, Tội vô...

Vay tiền mà không trả phạm tội gì?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ: Vay tiền mà không trả phạm tội gì? Mời Quý vị tham...

Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù không?

Đơn bãi là là yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố của người bị hại, Vậy Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù...

Đi khỏi nơi cư trú khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú bị xử lý như thế nào?

Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi