Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Tổ hợp tác là gì? Đặc điểm của tổ hợp tác?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1564 Lượt xem

Tổ hợp tác là gì? Đặc điểm của tổ hợp tác?

Mô hình tổ hợp tác với nhiều tên gọi khác nhau: tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề, câu lạc bộ…Tổ hợp tác là gì? Đặc điểm của tổ hợp tác?

Khái niệm tổ hợp tác 

Trong những năm qua, ở nước ta, mô hình tổ hợp tác với nhiều tên gọi khác nhau: tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề, câu lạc bộ, nhóm sản phẩm, hội tín dụng… phát triển mạnh mẽ ở khắp các vùng, miền cả nước và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, vay vốn, và ở những vùng có kinh tế hàng hoá phát triển. Có thể nói, đây là mô hình phổ biến, phù hợp với nguyện vọng, điều kiện của người dân và trình độ phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều vùng, hoạt động thiết thực vì lợi ích cả về kinh tế, cả về xã hội của các thành viên.

Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm chú trọng phát triển mô hình này, và coi đó là một trong hai mô hình kinh tế tập thể quan trọng cần phải củng cố và nhân rộng trong đời sống kinh doanh thương mại. 

Ý tưởng thiết lập mô hình kinh tế theo kiểu tổ hợp tác đã xuất hiện ở Việt Nam rất sớm, nhưng phải đến khi Bộ luật Dân sự ra đời thì tổ hợp tác mới chính thức được ghi nhận như một chủ thể của quan hệ dân sự. Nhưng trải qua nhiều giai đoạn, đến nay, địa vị pháp lý của tổ hợp tác cũng có nhiều sự thay đổi. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 1995 và khoản 1, Điều 110 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự”. 

Điều 1 Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của tổ hợp tác cũng quy định: “Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”. 

– Ở đây pháp luật Việt Nam không đưa ra khái niệm chung thế nào là tổ hợp tác mà chỉ đưa ra điều kiện để hình thành nên tổ hợp tác. Trong giai đoạn này, tổ hợp tác là một chủ thể dân luật, nó chỉ trở thành một chủ thể kinh doanh khi có nhu cầu kinh doanh thương mại, đáp ứng đủ các quy định pháp luật đặt ra. 

Tuy nhiên khi Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, địa vị pháp lý của tổ hợp tác đã thay đổi hoàn toàn. Pháp luật không coi tổ hợp tác là một chủ thể dân luật, nên không đưa ra bất kì khái niệm nào về chủ thể này. Bởi các nhà lập pháp cho rằng chỉ có cá nhân và pháp nhân mới là chủ thể của quan hệ dân sự. Trên thực tế, hoạt động của tổ hợp tác cũng hoàn toàn được thực hiện thông qua hoạt động của cá nhân.

Do đó, pháp luật dân sự chỉ ghi nhận các thành viên của tổ hợp tác là chủ thể của các quan hệ dân sự chứ không phải tổ hợp tác, và quy định một phần liên quan đến hoạt động của tổ hợp tác trong phần riêng về “hợp đồng hợp tác” (tại Mục 8 chương XVI của Bộ luật Dân sự năm 2015).

Theo quy định tại Điều 504 của Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”. Cụ thể là: Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

Mặc dù vậy, Điều 103 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên. Trường hợp các thành viên không có hoặc không đủ tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ chung thì người có quyền có thể yêu cầu các thành viên thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 288 của Bộ luật – nghĩa vụ liên đới.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận, hợp đồng hợp tác hoặc luật không có quy định khác thì các thành viên chịu trách nhiệm dân sự theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình, nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau. 

Có thể thấy quan điểm này còn mới mẻ, chưa được thực thi sâu rộng nhưng xét dưới góc độ thực tiễn kinh doanh, số lượng các tổ hợp tác thực hiện hoạt động kinh doanh sản xuất đang ngày một tăng lên và đang là một trong những mô hình nòng cốt của phong trào xây dựng nông thôn mới, nên việc có ghi nhận tư cách chủ thể cho tổ hợp tác hay không và quy định pháp lý cụ thể đối với chủ thể này cũng là điều đáng phải lưu tâm. 

Dựa trên quan điểm lập pháp và hoạt động thực tế của chủ thể này, chúng ta có thể hiểu một cách chung nhất, tổ hợp tác với tư cách là một chủ thể kinh doanh được hiểu là một hình thức liên kết đơn giản giữa các cá nhân, thông qua hợp đồng hợp tác, cùng góp vốn, góp công sức để thực hiện công việc kinh doanh, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của tổ hợp tác. 

Đặc điểm pháp lý của tổ hợp tác 

Một là: Về thành viên của tổ hợp tác

Thành viên của tổ hợp tác bao gồm các cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tổ hợp tác phải có ít nhất 03 thành viên trở lên, tự nguyện tham gia và tán thành các nội dung của hợp đồng hợp tác. Để thực hiện hoạt động kinh doanh, các thành viên bầu ra một người làm đại diện thường được gọi là tổ trưởng. Tổ trưởng tổ hợp tác thay mặt cho tổ hợp tác thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của tổ nhưng không đồng nghĩa là phải chịu trách nhiệm thay cho các tổ viên. Thông thường các tổ viên có quyền ngang nhau trong việc tham gia quyết định các công việc của tổ hợp tác. Mọi lợi nhuận hay các trách nhiệm, rủi ro phát sinh từ hoạt động của tổ hợp tác sẽ được chia cho tất cả các thành viên dựa trên những cam kết, thỏa thuận mà họ thiết lập. 

Hai là: Về hợp đồng hợp tác 

Hợp đồng hợp tác là cơ sở hình thành nên mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ hợp tác. Cũng giống như các loại hợp đồng khác, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận dựa trên cơ sở tự nguyện, thống nhất ý chí của các thành viên về mọi vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của tổ hợp tác. Vì pháp luật quy định tương đối ít về tổ hợp tác, do đó hợp đồng hợp tác cũng được coi là quy chế nội bộ tác động đến quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Các thành viên có thể thỏa thuận tất cả những gì mà họ cho là cần thiết trong bản hợp đồng này. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động của tổ hợp tác thì trong hợp đồng hợp tác thường phải có những nội dung chủ yếu như: Mục đích, thời hạn hợp tác; Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; Tài sản đóng góp, nếu có; Đóng góp bằng sức lao động, nếu có; Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức; Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác; Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có; Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có; Điều kiện chấm dứt hợp tác… Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản, và phải có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. 

Ba là: Về tài sản của tổ hợp tác 

Nguồn hình thành tài sản của tổ hợp tác có thể từ: Tài sản đóng góp của tổ viên tổ hợp tác bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; Phần được trích từ hoa lợi, lợi tức sau thuế để tăng vốn; Các tài sản cùng tạo lập và được tặng, cho chung; Tài sản khác theo quy định của pháp luật. Và tài sản tổ hợp tác được phân rõ thành hai loại: loại tài sản do từng tổ viên góp và sẽ trả lại khi tổ viên đó ra khỏi tổ hợp tác và loại tài sản không chia cho các tổ viên khi tổ viên ra khỏi tổ hợp tác. Việc quản lý và sử dụng tài sản của tổ hợp tác được thực hiện theo phương thức thoả thuận. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất của tổ hợp tác phải được toàn thể tổ viên đồng ý; đối với các loại tài sản khác sẽ được thông qua theo nguyên tắc đa số.

Bốn là: Về chế độ chịu trách nhiệm tài sản của tổ hợp tác 

Cũng giống như hộ kinh doanh, do không có sự tách bạch về mặt tài sản giữa tổ hợp tác và thành viên tổ hợp tác do đó, các thành viên tổ hợp tác sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với mọi hoạt động của tổ hợp tác. Trong trường hợp tài sản của tổ hợp tác không đủ để thanh toán các khoản nợ, các thành viên phải cùng nhau góp vốn theo thỏa thuận được ghi nhận tại hợp đồng hợp tác để thanh toán bằng hết các khoản nợ.

Đăng kí kinh doanh đối với tổ hợp tác 

Tổ hợp tác khi thực hiện hoạt động kinh doanh cũng sẽ phải chịu sự quản lý từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên khác với hộ kinh doanh, tổ hợp tác không phải tiến hành hoạt động đăng kí kinh doanh tại cơ quan đăng kí kinh doanh, mà chỉ cần thực hiện thủ tục hành chính, đó là xin chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã vào hợp đồng hợp tác là có thể tiến hành thực hiện hoạt động kinh doanh. Theo quy định tại Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của tổ hợp tác: Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực hoặc chứng thực lại (ký xác nhận, đóng dấu) vào hợp đồng hợp tác hoặc hợp đồng hợp tác sửa đổi, bổ sung và ghi vào sổ theo dõi trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hợp đồng hợp tác của tổ có nội dung phù hợp với quy định của 

Nghị định. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không chứng thực, hợp đồng hợp tác thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối. 

Đối với các tổ hợp tác tổ chức và hoạt động với quy mô liên xã thì tổ có quyền lựa chọn nơi chứng thực hợp đồng hợp tác thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. 

Khi thực hiện hoạt động kinh doanh tổ hợp tác cũng phải tuân thủ các quy định về ngành nghề kinh doanh: chỉ được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tổ hợp tác cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động của mình. 

->>>>> Tham khảo thêm: Lý lịch tư pháp

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi