Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Tập đoàn kinh tế là gì? Tổng công ty là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 875 Lượt xem

Tập đoàn kinh tế là gì? Tổng công ty là gì?

Tập đoàn kinh tế là gì? Tổng công ty là gì? sẽ được chúng tôi tư vấn, hướng dẫn ở nội dung bài viết sau đây.

Khái niệm tập đoàn kinh tế, tổng công ty 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập” 

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty đều là các hình thức khác nhau của nhóm công ty, tùy vào quy mô vốn để phân biệt giữa tập đoàn kinh tế và tổng công ty.

Dựa trên nguyên nhân hình thành liên kết có thể chia mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty thành 02 loại cơ bản: Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân. 

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được hình thành bằng quyết định hành chính. Quá trình hình thành liên kết không xuất phát từ nhu cầu phát triển mà do sự kết hợp cơ học từ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thông thường hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Trong đó, công ty mẹ là công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn hoặc công ty mẹ giữ quyền chi phối với tỉ lệ tối thiểu được luật quy định.

Nhà nước giao cho cơ quan có trách nhiệm thực hiện hoạt động kinh doanh vốn nhà nước tiến hành thành lập công ty mẹ, xây dựng cơ cấu tổ chức của công ty mẹ, cử người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ. Công ty mẹ thành lập và giữ quyền chi phối các công ty con. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thường hoạt động ở những lĩnh vực kinh tế quan trọng của quốc gia. Cơ chế quản lý hoạt động của tập đoàn chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật riêng. 

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân hình thành theo con đường tự nhiên, do nhu cầu thực tiễn của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp đạt được một quy mô nhất định, nhu cầu liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh xuất hiện, các doanh nghiệp thực hiện việc liên kết tạo thành các tổ hợp doanh nghiệp lớn (Tập đoàn kinh tế, tổng công ty). Các công ty trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân hoạt động độc lập, theo mô hình công ty được.

Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2015, đến hết năm 2014 tại Việt Nam có 08 tập đoàn kinh tế nhà nước và 85 tổng công ty nhà nước quy định trong hệ thống pháp luật về công ty. Công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân thường không có phần vốn góp của Nhà nước hoặc phần vốn góp chưa đủ ở mức độ chi phối theo luật định. Trong trường hợp công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa làm giảm tỉ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước tại công ty mẹ xuống dưới mức chi phối theo quy định pháp luật, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ chuyển đổi thành tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân. 

Điều kiện hình thành tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

 Thứ nhất: Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước 

Điều kiện về ngành nghề kinh doanh: ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn phải là ngành nghề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Tùy từng giai đoạn phát triển, Thủ tướng Chính phủ sẽ xác định danh mục những ngành nghề kinh doanh cần phải thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước. Để đảm bảo hạn chế việc đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, Chính phủ sẽ quy định tỷ lệ tối thiểu các công ty con phải hoạt động trong ngành kinh doanh chính. Đối với những công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ bắt buộc phải phục vụ trực tiếp việc thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ.

Điều kiện về tài chính: Vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng. Trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ. 

Điều kiện về trình độ chuyên môn: Tập đoàn kinh tế phải chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và khả năng 

Tham khảo: Khoản 3 Điều 9 Nghị định 69/2014/NĐ-CP ngày 15/07/2014 về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước kinh doanh ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan; điều hành, phối hợp hoạt động các công ty con, công ty liên kết; có khả năng sử dụng bí quyết công nghệ, thương hiệu, thị trường để chi phối các công ty con và tiến hành liên kết với các công ty liên kết khác. 

Thứ hai: Đối với tổng công ty nhà nước 

Điều kiện về ngành nghề kinh doanh: ngành nghề kinh doanh chính của tổng công ty thuộc những ngành nghề kinh doanh có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của ngành và vùng lãnh thổ. Thủ tướng Chính phủ sẽ xác định danh mục những ngành nghề kinh doanh cần phải thành lập tổng công ty nhà nước. Tổng công ty nhà nước phải đảm bảo các điều kiện giống như tập đoàn kinh tế nhà nước trong việc hạn chế đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. 

Điều kiện về tài chính: Vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 1.800 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm ít nhất 65% vốn điều lệ của công ty mę. 

Điều kiện về trình độ chuyên môn: Tổng công ty phải xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ, kinh nghiệm và khả năng kinh doanh ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan; có khả năng tốt trong quản lý vốn đầu tư và quản trị điều hành, phối hợp hoạt động các công ty con, công ty liên kết; có khả năng sử dụng bí quyết công nghệ, thương hiệu, thị trường để chi phối các công ty con và tiến hành liên kết với các công ty liên kết khác 

Thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước 

Quy trình thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được triển khai gồm những bước sau: 

Bước 1: Thủ tướng Chính phủ quyết định các công ty mẹ trong tổng công ty, nhóm công ty được phép xây dựng đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; 

Bước 2: Xây dựng đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. 

Đề án gồm: Tờ trình đề án, nội dung đề án, dự thảo Điều lệ của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nội dung đề án tập trung: sự cần thiết phải thành lập, thực trạng hoạt động của đối tượng đề án, phương hướng thu xếp tài chính, nhân sự, cơ chế thông tin, vv.. 

Bước 3: Thẩm định đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. 

Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, việc thẩm định do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện, có xin ý kiến của chuyên gia về kinh tế để đảm bảo các yếu tố về phản biện xã hội. 

Đối với tổng công ty nhà nước, việc thẩm định do Bộ quản lý ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì thực hiện, không xin ý kiến chuyên gia. 

Bước 4: Phê duyệt đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trên cơ sở hồ sơ thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập tập đoàn kinh tế thuộc Chính phủ, tổng công ty nhà nước thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 

Bước 5: Triển khai thực hiện đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tông công ty nhà nước. 

– Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập công ty mẹ (công ty 100% vốn nhà nước), bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty mẹ. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành bổ nhiệm các chức danh quan trọng còn lại của công ty mẹ. Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm chức danh Kiểm soát viên tài chính công ty mẹ. Trong trường hợp công ty mẹ không phải là doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ; quyết định cử người tham gia ứng cử Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty mẹ.

– Đối với tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập công ty mẹ; bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên công ty mẹ; chỉ định người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ; quyết định cử người tham gia ứng cử Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty mẹ không phải là doanh nghiệp nhà nước 

Quản lý điều hành trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bao gồm công ty mẹ, công ty con và các công ty liên kết. Trong đó: công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn điều lệ hoặc nắm tỉ lệ vốn góp, cổ phần chi phối, công ty liên kết do công ty mẹ sở hữu tỉ lệ cổ phần, vốn góp dưới mức chi phối hoặc công ty không có vốn góp của công ty mẹ và công ty con, tự nguyện tham gia liên kết dưới hình thức hợp đồng liên kết và có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, các dịch vụ khác với công ty mẹ.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có không quá ba cấp doanh nghiệp bao gồm: công ty mẹ (doanh nghiệp cấp I) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và giữ quyền chi phối, công ty con của doanh nghiệp cấp I (doanh nghiệp cấp II) là doanh nghiệp do công ty mẹ nắm quyền chi phối; công ty con của doanh nghiệp cấp II (doanh nghiệp cấp III) là doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp I năm quyền chi phối. 

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không có bộ máy quản trị, hoạt động quản lý và điều hành tập đoàn do công ty mẹ thực hiện. Về nguyên tắc, chủ sở hữu cấp vốn cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty đại diện cho các công ty thành viên tiếp nhận nguồn vốn đầu tư và cấp vốn lại cho các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty. Công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu Nhà nước để thực hiện các mục tiêu kinh doanh ngành nghề chính và mục tiêu kinh doanh khác do chủ sở hữu quy định.

Công ty mẹ đại diện cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện các hoạt động chung của tập đoàn, tổng công ty trong quan hệ với bên thứ ba ở trong và ngoài nước hoặc các hoạt động khác theo thỏa thuận với doanh nghiệp thành viên và quy định của pháp luật có liên quan. 

Công ty mẹ thực hiện việc quản lý danh mục đầu tư, theo dõi, giám sát danh mục đầu tư của công ty mẹ tại công ty con; theo dõi, giám sát ngành nghề kinh doanh của công ty con. Công ty mẹ phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động kinh doanh của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. 

Quản lý giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước 

Hoạt động quản lý và giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty được Nhà nước thực hiện thông qua những phương pháp sau:

(i) Phương pháp trực tiếp: hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước được phân công tại tập đoàn, thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá hệ quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty, công tác kế toán, kiểm toán tại tập đoàn, tổng công ty;

(ii) Phương pháp gián tiếp: báo cáo thường xuyên, đột xuất của Hội đồng thành viên Hội đồng quản trị của tập đoàn, tổng công ty;

(iii) Phương pháp minh bạch hóa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Hoạt động quản lý và giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được giao cho Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện. Định kỳ hàng năm, các cơ quan này phải thực hiện việc báo cáo kết quả giám sát, đánh giá trước Thủ tướng Chính phủ. 

Chấm dứt hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước 

Nhà nước ra quyết định thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để thực hiện những mục tiêu cụ thể. Trong trường hợp mục tiêu đó không đạt được, Nhà nước có quyết định để chấm dứt việc triển khai mô hình tập đoàn, từ đó tái cấu trúc lại công ty thành viên. Nhà nước quản lý hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thông qua công ty mẹ.

Vì vậy, sự tồn tại của mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ. Nếu công ty mẹ không thể tồn tại trên thị trường thì đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Theo quy định tại Nghị định 69/2014/NĐ-CP có 04 (bốn) trường hợp phải chấm dứt hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước: 

Thứ nhất: Công ty mẹ bị phá sản, giải thể. 

Thứ hai: Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không đáp ứng được các điều kiện luật định. 

Thứ ba: Công ty mẹ bị sáp nhập, hợp nhất với doanh nghiệp khác mà Nhà nước không nắm cổ phần, phần vốn góp chi phối. 

Thứ tư: Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân 

Theo nguyên tắc tự do kinh doanh, nhà đầu tư được tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh, phương thức kinh doanh; chủ động mở rộng quy mô kinh doanh; tự do lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn hợp lý.

Vì vậy, công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân có quyền tự do thực hiện hoạt động kinh doanh theo chiến lược của công ty, công ty mẹ được thành lập và tham gia góp vốn chi phối công ty con. Pháp Luật Doanh nghiệp không quy định bắt buộc các công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân phải đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh chính hoặc ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ. 

Thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân 

Theo quy định của Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2014, tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh như một loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ Nghị định 139/2007/NĐ-CP đến Nghị định 102/2010/NĐ-CP đều tạo điều kiện cho công ty mẹ sử dụng cụm từ “tập đoàn” trong thành tố cấu thành tên riêng của công ty mẹ.

Ví dụ: Công ty mẹ của tập đoàn Hòa Phát có tên là “Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát” và tên giao dịch là Tập đoàn Hòa Phát; công ty mẹ của Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji là “Công ty cổ phần tập đoàn vàng bạc đá quý Doji” và tên giao dịch là Tập đoàn Doji. 

Quản lý điều hành tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân 

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Pháp luật về doanh nghiệp không quy định về mô hình quản trị tập đoàn, tổng công ty, mà trên cơ sở được tôn trọng quyền tự do xây dựng cơ cấu tổ chức tập đoàn kinh tế, tổng công ty của nhà đầu tư. Tùy thuộc vào nhu cầu quản lý, tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân tự xây dựng mô hình quản trị cho phù hợp.

Công ty mẹ trong tập đoàn thành lập thêm một số cơ quan để thực hiện việc điều hành, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty con. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty tư nhân có thể thành lập văn phòng tập đoàn. Văn phòng tập đoàn là cơ quan độc lập không thuộc cơ cấu của công ty mẹ, thực hiện chức năng chủ yếu điều hòa các hoạt động kinh doanh giữa công ty mẹ và công ty con; kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của công ty con và lập báo cáo trình công ty mẹ.

Mô hình văn phòng tập đoàn nhằm giảm thiểu trách nhiệm quản lý cho công ty mẹ, tách bạch chức năng quản lý và chức năng điều hành của công ty mẹ đối với công ty con. Văn phòng tập đoàn có trụ sở, có người quản lý, có người lao động nhưng không không tham gia vào các quan hệ pháp luật trên thực tế.

Mối quan hệ giữa các công ty trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty tại Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Công ty mẹ, công ty con đều là các pháp nhân độc lập, thực hiện hoạt động kinh doanh độc lập, tuy nhiên, vẫn chi phối hay lệ thuộc nhau trên cơ sở các loại liên kết. 

Quyền hạn, trách nhiệm của công ty mẹ với công ty con 

Công ty mẹ xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của nhóm; định hướng chiến lược kinh doanh của các công ty con theo chiến lược phát triển, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế quản lý, điều hành và tiêu chuẩn, định mức áp dụng thống nhất trong nhóm công ty. Công ty mẹ có trách nhiệm định hướng về các 

mục tiêu hoạt động, đầu tư, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; phân công, chuyên môn hóa, hợp tác hóa; tiếp cận, mở rộng và chia sẻ thị trường, xuất khẩu, sử dụng thương hiệu, dịch vụ thông tin, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo và các hoạt động khác của doanh nghiệp thành viên theo chính sách chung của nhóm công ty. 

Đối với công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ, công ty con được công ty mẹ giao thực hiện các hợp đồng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở hợp đồng kinh tế; cung cấp thông tin và hưởng các dịch vụ và lợi ích từ hoạt động chung của nhóm công ty theo quy định của pháp luật. 

Đối với công ty con có vốn góp chi phối của công ty mẹ, công ty mẹ thực hiện quyền và trách nhiệm thông qua cơ chế người đại diện phần vốn góp của công ty mẹ tại công ty con. Vì sở hữu phần vốn góp chi phối, công ty mẹ chi phối hoạt động quản lý trong công ty con, cơ quan quản lý công ty mẹ có trách nhiệm giám sát chặt chẽ tính hiệu quả của hoạt động sử dụng vốn tại các công ty con thông qua người đại diện. 

Công ty mẹ không được lợi dụng vị trí chủ sở hữu, chi phối để can thiệp trái phép vào hoạt động kinh doanh của công ty con. Trong trường hợp công ty mẹ có hành vi can thiệp trái phép gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của công ty con, công ty mẹ có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho công ty con.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định về trách nhiệm bồi thường của công ty mẹ trong trường hợp công ty mẹ can thiệp vượt thẩm quyền hoặc buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty con. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã trao quyền cho chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty có thể nhân danh chính mình hoặc nhận danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại.

Công ty mẹ có trách nhiệm quan trọng trong việc điều hòa lợi lợi ích kinh doanh giữa công ty mẹ với các công ty con, giữa các công ty con với nhau. Công ty mẹ phải xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở kết nối phù hợp, nhằm giám sát, định hướng hoạt động kinh doanh liên tục và kịp thời. 

Trong nội bộ nhóm công ty, các giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao công nghệ diễn ra phổ biến. Công ty mẹ thông qua người đại diện phần vốn góp chỉ đạo, yêu cầu các công ty con ưu tiên thực hiện việc mua bán, sử dụng dịch vụ của nhau. Công ty mẹ cũng tạo điều kiện để công ty con thực hiện các gói thầu do công ty mẹ là nhà đầu tư. 

Quyền hạn và trách nhiệm của công ty con

Công ty con được công ty mẹ cấp vốn và các lợi ích kinh doanh từ hợp đồng liên kết thực hiện cùng công ty mẹ, đồng thời, có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ kinh doanh do công ty mẹ giao. 

Công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của công ty mẹ về chiến lược kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý nợ. Công ty con này có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ những thỏa thuận trong Điều lệ, nội quy, quy chế của nhóm công ty. Công ty con phải thực hiện các hợp đồng kinh tế do công ty mẹ giao, phối hợp tổ chức các hoạt động kinh doanh cùng với công ty mẹ và các công ty con khác trong tập đoàn. 

Công ty con do công ty mẹ giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoạt động độc lập hơn so với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty con chủ yếu hoạt động theo những quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty con này có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh từ thỏa thuận kinh doanh với công ty mẹ, không phải thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ việc thực hiện các mục tiêu chung của nhóm công ty. 

Báo cáo tài chính công ty mẹ – công ty con 

Để có những thông tin chính xác về hoạt động chung của tập đoàn, bên cạnh báo cáo hoạt động kinh doanh của từng công ty thành viên trong nhóm công ty mẹ – công ty con, Nhà nước yêu cầu công ty mẹ phải tiến hành lập báo cáo tài chính hợp nhất của nhóm công ty. Báo cáo tài chính hợp nhất được thực hiện theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 25 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Báo cáo tài chính hợp nhất cung cấp những thông tin tài chính quan trọng cho cơ quan quản lý, nhà đầu tư. Cơ quan quản lý, trên cơ sở những thông tin này, thực hiện việc điều tiết, định hướng phát triển và phân bổ nguồn lực. 

Báo cáo tài chính hợp nhất được trình bày như một báo cáo tài chính doanh nghiệp và được xây dựng trên cơ sở báo cáo tài chính của công ty mẹ và công ty con theo quy định của chuẩn mực kế toán. Như vậy, khi có yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ, người đại diện theo pháp luật của công ty con phải cung cấp các báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết như quy định để lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tổng hợp của công ty mẹ và công ty con. 

->>>>> Tham khảo thêm: Thành lập công ty

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi