Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Quy định về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 863 Lượt xem

Quy định về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam

Các tổ chức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội đã được thành lập từ rất lâu với nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Quy định về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam

Mặc dù ở Việt Nam, các tổ chức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội đã được thành lập từ rất lâu với nhiều hình thức tổ chức khác nhau nhưng chỉ đến khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thì mô hình này mới chính thức được thừa nhận và các quy chế pháp lý liên quan đến việc thành lập, hoạt động, quyền và nghĩa vụ cụ thể của doanh nghiệp xã hội mới bắt đầu được xây dựng và hoàn thiện. Nói như vậy không có nghĩa là trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành, ở Việt Nam không tồn tại bất cứ hành lang pháp lý nào cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức này.

Tuy nhiên, vì hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau với lĩnh vực ngành nghề kinh doanh đa dạng, đồng thời lại thực hiện các mục tiêu xã hội vốn chỉ được coi là trách nhiệm của Nhà nước hay các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ, vv… nên các quy định có liên quan điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp xã hội giai đoạn này không thống nhất và nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dẫn đến sự khó khăn trong quá trình áp dụng trên thực tế. Ở đây, có thể chia việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với doanh nghiệp xã hội làm hai giai đoạn: 

Giai đoạn trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành

Pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp xã hội giai đoạn này tập trung vào một số nội dung như sau: 

Về hình thức tổ chức hoạt động: 

Trước khi có khung pháp lý chính thức cho hoạt động của doanh nghiệp xã hội, các doanh nhân xã hội chủ yếu học tập mô hình doanh nghiệp xã hội ở một số quốc gia có phong trào doanh nghiệp xã hội phát triển mạnh như Anh, Hoa Kỳ, Singapore, v.v…và áp dụng vào việc thành lập doanh nghiệp cũng như tổ chức hoạt động cho doanh nghiệp xã hội. Theo Báo cáo kết quả khảo sát doanh nghiệp xã hội Việt Nam năm 2011 của Hội đồng Anh (Bristish Council), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), các doanh nghiệp xã hội giai đoạn mới này hoạt động dưới nhiều hình thức tổ chức với địa vị pháp lý khá đa dạng, bao gồm: 

– Các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận (hoạt động dưới các hình thức trung tâm, hội, quỹ, câu lạc bộ, tổ/nhóm tự nguyện…), ví dụ: Mô hình Tủ sách dòng họ do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập để cung cấp tri thức cho những người dân sống ở vùng nông thôn, hay nhà hàng Koto với chức năng vừa là một nhà hàng kinh doanh vừa là trung tâm dạy nghề với phương châm thay đổi cuộc sống của những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

Hoạt động của các doanh nghiệp xã hội dạng này tập trung ở một số lĩnh vực như: cung cấp sản phẩm, dịch vụ có hiệu quả cao trong việc giải quyết các vấn đề xã hội; hay tạo việc làm cho những nhóm yếu thế của xã hội như trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS… 

– Các doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận: Đa số các doanh nghiệp xã hội loại này do doanh nhân xã hội sáng lập, với sứ mệnh xã hội được công bố rõ ràng, và thường đăng ký hoạt động dưới các hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Mặc dù hoạt động như một doanh nghiệp thông thường, nhưng mục tiêu xã hội đã công bố không cho phép họ “tối đa” hóa lợi nhuận bằng mọi cách, thay vào đó, phương châm của họ là “tối ưu” hóa lợi nhuận. 

– Các doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận: Mô hình này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực tài chính vi mô, ví dụ như Quỹ TYM (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm CEP (Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh).

Những doanh nghiệp dạng này “mặc dù có tạo ra lợi nhuận và cổ đông được chia cổ tức, nhưng các doanh nghiệp xã hội này không bị chi phối bởi lợi nhuận. Nói cách khác, mục đích chính của nó không phải là tối đa hóa thu nhập tài chính mà thay vào đó là mục tiêu xã hội/môi trường mà mọi cổ đông đều chia sẻ giá trị chung. Một phần đáng kể lợi nhuận thu được dùng để tái đầu tư hoặc để trợ cấp cho các nhóm dân cư có thu nhập thấp khiến cho doanh nghiệp xã hội có thể tiếp cận và mang lại lợi ích cho nhiều người hơn.”. 

Về cơ bản, các vấn đề liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các tổ chức nói trên đã được pháp luật Việt nam điều chỉnh ở mức độ nhất định. Ví dụ: Đối với các doanh nghiệp xã hội hoạt động dưới hình thức công ty sẽ phải tuân theo sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Phá sản 2004, vv… Đối với các doanh nghiệp xã hội hoạt động dưới hình thức Hợp tác xã có Luật Hợp tác xã 2003 điều chỉnh.

Trong khi đó, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, trung tâm, hiệp hội, câu lạc bộ lại chịu sự điều chỉnh của các văn bản dưới Luật như các Quyết định, Thông tư, Nghị định, chẳng hạn Thông tư liên tịch số 04/1999/TTLT/BKH-BTC ngày 01/11/1999 hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; Nghị định 148/2007/NĐ-CP ban hành ngày 25/09/2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện; Thông tư số 09/2008/TT-BNV ban hành ngày 31/12/2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 148/2007/NĐ-CP, Nghị định 12/2012/NĐ-CP ban hành ngày 01/03/2012 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, vv…

Như vậy, cũng là mô hình doanh nghiệp xã hội nhưng lại chịu sự điều chỉnh của rất nhiều các văn bản pháp luật khác nhau liên quan đến vấn đề hình thức tổ chức quản lý doanh nghiệp. Có lẽ vì giai đoạn này, cách hiểu về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc về mặt khái niệm của một số quốc gia, tổ chức nên mặc dù được coi là doanh nghiệp, nhưng hoạt động của một số doanh nghiệp xã hội (ngoại trừ công ty) vẫn bị hòa lẫn với hoạt động của các tổ chức kinh tế/tổ chức phi lợi nhuận có chế độ sở hữu tập thể và cộng đồng, được thành lập để thực hiện mục tiêu xã hội thuần túy hoặc nếu có hoạt động kinh doanh cũng rất hạn chế và chỉ với mục đích kiếm thêm thu nhập. 

Về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp xã hội

Như trên đã đề cập, những tổ chức được gọi tên là doanh nghiệp xã hội trong giai đoạn này rất đa dạng và có hình thức pháp lý khác nhau, từ các trung tâm, hội/nhóm/câu lạc bộ đến các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và các doanh nghiệp, hợp tác xã. Chính vì vậy, quy chế thành lập áp dụng đối với doanh nghiệp xã hội sẽ khác nhau phụ thuộc vào hình thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp xã hội đó.

Ví dụ: Đối với doanh nghiệp xã hội hoạt động theo mô hình công ty hay mô hình hợp tác xã, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty và hợp tác xã sẽ thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Hợp tác xã 2003, phá sản theo quy định của Luật Phá sản 2004. Ở đây, doanh nghiệp xã hội vẫn thực hiện chế độ đăng ký doanh nghiệp như các doanh nghiệp thông thường mà chưa có một cơ chế giúp cho cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền có thể nhận diện tính chất “xã hội” của doanh nghiệp, để thông qua đó có giải pháp quản lý cũng như hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp.

 Trong khi đó, vì là một doanh nghiệp xã hội nên mục tiêu kinh doanh được đặt ra nhằm hỗ trợ tối ưu cho mục tiêu xã hội, do đó, chắc chắn hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp loại này sẽ không thể theo kịp các doanh nghiệp truyền thống chỉ hoạt động nhằm mục đích lợi nhuận. Như vậy, việc thiếu một hành lang pháp lý riêng cho hoạt động của mô hình doanh nghiệp xã hội khiến cho hoạt động của doanh nghiệp trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, qua đó cũng sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu xã hội mà doanh nghiệp đang theo đuổi. 

Đối với doanh nghiệp xã hội hoạt động theo các mô hình khác như các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản những tổ chức này sẽ tuân theo quy định của các văn bản dưới Luật, ví dụ: Theo quy định tại Nghị định 30/2012/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện, muốn thành lập các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện, bạn sáng lập phải đáp ứng các điều kiện thành lập và thực hiện thủ tục xin Giấy phép thành lập tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ cho Quỹ)… 

Về chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội

Trong tất cả các giai đoạn, Nhà nước luôn thể hiện chính sách nhất quán trong việc khuyến khích thành lập, tạo điều kiện và có những sự hỗ trợ nhất định về thuế, đất đai, kinh phí đối với các tổ chức được lập ra nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Những quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động của các Quỹ từ thiện, Quỹ xã hội, tổ chức phi chính phủ hay các hợp tác xã được thể hiện trong chính các văn bản pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các tổ chức này. Đối với doanh nghiệp, theo quy định của Luật Đầu tư 2005, Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, theo đó, đối với doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp xã hội, nếu lựa chọn một số lĩnh vực như sử dụng nhiều lao động, phát triển ngành, nghề truyền thống, sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái… hay đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước, ví dụ: ưu đãi về thuế, về đất đai. Doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp được thành lập để giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có một số vấn đề mà theo quy định có thể được hưởng ưu đãi như tạo công ăn việc làm cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội hay bảo vệ môi trường sinh thái… Chính vì vậy, khi thành lập, doanh nghiệp xã hội cần thực hiện thủ tục để được hưởng những chính sách ưu đãi này Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra đó là doanh nghiệp xã hội là mô hình doanh nghiệp đặc thù khi vừa thực hiện mục tiêu kinh doanh, vừa thực hiện mục tiêu xã hội, song doanh nghiệp xã hội lại chỉ được hưởng những chính sách ưu đãi giống như những doanh nghiệp thông thường, được thành lập nhằm mục đích lợi nhuận khác. Đây là một điểm bất cập khiến cho các doanh nghiệp xã hội hoạt động trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu xã hội. Theo nhiều nghiên cứu, vì trên thực tế “chưa có quy định pháp lí nào về mô hình này, nên việc tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế…rất khó khăn.”. 

 Giai đoạn sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành

Trong bản thuyết minh chi tiết nội dung Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp 2014 đã đưa ra quan điểm về việc bổ sung thêm quy định về doanh nghiệp xã hội vào trong Luật. Sự cần thiết trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho mô hình doanh nghiệp này xuất phát từ thực tế, trong một khoảng thời gian ngắn mà số lượng doanh nghiệp xã hội ở nước ta đã ngày càng gia tăng và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế.

Theo điều tra sơ bộ tại ba thành phố lớn của cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, vào thời điểm sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 có khoảng vài trăm doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc các nhóm người yếu thế, giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và xóa đói, giảm nghèo.

Số lượng doanh nghiệp này ngày càng tăng nhưng lại chưa có khung pháp lý chính thức cho hoạt động của chúng, vì vậy, hoạt động của doanh nghiệp xã hội trên thực tế vẫn còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật không thống nhất và do đó, doanh nghiệp xã hội cũng không thực sự được công nhận về địa vị pháp lý để hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước giống như các doanh nghiệp thông thường hay các tổ chức xã hội khác.

Cũng trong thời gian này, khi khảo sát thực tế và tham vấn chính sách, đa số các chủ sở hữu, người quản lý và các bên có liên quan đều mong muốn doanh nghiệp xã hội được quy định và thừa nhận về mặt pháp lý. Sự thừa nhận đó cũng là để làm rõ, phân biệt loại doanh nghiệp này với doanh nghiệp thông thường, thuần túy thương mại. Thiết nghĩ mong muốn nói trên là hoàn toàn chính đáng, bởi lẽ nếu được thừa nhận về mặt pháp lý, doanh nghiệp xã hội ở nước ta sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển trở thành lực lượng bổ sung cho Nhà nước, đồng hành cùng Nhà nước trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường của đất nước.

Hiện nay, các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp xã hội được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2015 (Nghị định 96) quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, trong đó tập trung vào 

một số nội dung như sau: 

– Tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội (Khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014); 

– Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội (Khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014); 

– Chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội (Khoản 3 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014; Điều 2 Nghị định 96); 

– Việc tiếp nhận viện trợ, tài trợ của doanh nghiệp xã hội (Điều 3 Nghị định 96); 

– Đăng ký doanh nghiệp xã hội (Điều 4 Nghị định 96); 

– Công khai, chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội (Điều 5, Điều 6 Nghị định 96); 

– Chuyển đổi một số cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội (Điều 7 Nghị định 96); 

– Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đối với doanh nghiệp xã hội (Điều 8 Nghị định 96); 

– Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông doanh nghiệp xã hội (Điều 9 Nghị định 96); 

– Công khai hoạt động, theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp xã hội (Điều 10, Điều 11 Nghị định 96). 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi