Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Quy định của pháp luật trong quan hệ hợp đồng
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 639 Lượt xem

Quy định của pháp luật trong quan hệ hợp đồng

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ tư vấn về các quy định của pháp luật trong quan hệ hợp đồng hiện nay..

Luật áp dụng trong quan hệ hợp đồng 

Chọn luật áp dụng trong ký kết, thực hiện hợp đồng là một vấn đề hết sức quan trọng. Việc lựa chọn luật áp dụng không những đảm bảo quyền của nhà đầu tư mà còn hạn chế sự xung đột pháp luật trong quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại. Câu chuyện được đặt ra ở đây là tại sao phải chọn luật áp dụng hợp đồng? và nếu chọn thì chọn như thế nào để đảm bảo một cách tốt nhất quyền và lợi ích không chỉ một bên mà còn bảo vệ lợi ích cho cả hai bên trong quan hệ hợp đồng, không chỉ là lợi ích trước mắt mà còn là lợi ích lâu dài?

Thực tế cho thấy rằng, việc lựa chọn ký kết, thực hiện hoặc giải quyết tranh chấp thường xuất phát từ việc tôn trọng ý chí của các bên trong quan hệ hợp đồng. Pháp luật chỉ can thiệp, điều chỉnh khi các bên không có thỏa thuận hoặc sự thỏa thuận trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục hay đạo đức xã hội. 

Luật áp dụng hợp đồng thường được xác lập và bảo đảm rằng: nó cần được thực hiện một cách minh bạch, công khai. Về nguyên tắc, khi đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng các bên có quyền chọn luật áp dụng cho hợp đồng, trong trường hợp các bên không chọn thì sẽ tuân theo quy định của pháp luật về luật áp dụng cho hợp đồng. 

Việc lựa chọn luật áp dụng hợp đồng cần cân nhắc đối với từng | loại hợp đồng. Bởi điều này thực tế cho thấy: luật áp dụng hợp đồng (có thể là luật do các bên chọn hoặc theo quy định của pháp luật, chỉ là một luật áp dụng chung cho toàn bộ những nội dung pháp lý liên quan đến hợp đồng đó. Điều này có thể chỉ đúng cho trường hợp quan hệ thương mại trong nước, không có yếu tố nước ngoài tham gia. Nhưng nó sẽ là không phù hợp với thực tiễn thương mại quốc tế ngày nay, khi mà lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, trong một hợp đồng thương mại quốc tế có thể áp dụng nhiều luật khác nhau để điều chỉnh cho từng nội dung của hợp đồng.

 Ví dụ: Luật áp dụng cho hợp đồng quốc tế có thể/không chỉ bao gồm: (i) Luật áp dụng cho hợp đồng: điều chỉnh điều kiện hiệu lực của hợp đồng, quyền nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng; (ii) Luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài: điều khoản trọng tài trong Hợp đồng hoặc thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết trước trọng tài; (iii) Luật điều chỉnh tố tụng trọng tài (“Lex – arbitri”). 

Luật áp dụng cho hợp đồng do các bên tự chọn

 Về nguyên tắc trong một hợp đồng thương mại quốc tế, các bên có thể chọn luật áp dụng cho toàn bộ hợp đồng hoặc chỉ một phần của hợp đồng. Luật áp dụng do các bên về mặt bản chất là thực hiện quyền tự chọn, thống nhất khi đàm phán, ký kết một hợp đồng. Việc đàm phán hướng tới và đi đến một kết luận rằng: cần lựa chọn luật áp dụng mà các bên cho rằng sẽ phù hợp hơn hay đảm bảo hạn chế những xung đột pháp luật cũng như những tranh chấp làm suy giảm lợi ích của các bên.

Thực tế cho thấy việc lựa chọn luật áp dụng không mang tính dẫn chiếu đến luật của một quốc gia khác trong ký kết và thực hiện hợp đồng bởi nếu dẫn chiếu sẽ đồng nghĩa với những xung đột pháp luật có thể xảy ra. Vì vậy, áp dụng luật điều chỉnh hợp đồng thì luật được chọn được hiểu là luật thực chất và/không bao gồm luật xung đột. Luật do các bên tự chọn cũng cần được hiểu là luật nội dung được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng.

Tuy nhiên, trong hợp đồng, các bên có thể thảo thuận lựa chọn luật hình thức để áp dụng phù hợp với từng loại hợp đồng. Theo đó, trong hợp đồng các bên có thể ghi nhận rằng: trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng nếu phát sinh tranh chấp có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Ví dụ: điều khoản: “Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”. 

Tuy nhiên, việc lựa chọn luật áp dụng hợp đồng do các bên lựa chọn không chỉ là quyền của các bên mà cũng cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Theo đó, các bên có thể thỏa thuận rằng: quyền, nghĩa vụ các bên được xác định theo luật của một quốc gia mà một trong hai bên mang quốc tịch hoặc có thể chọn luật nước ngoài nếu thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, vấn đề về chọn luật áp dụng trong hợp đồng theo quy định khá rõ ràng về mặt nguyên tắc; vấn đề còn lại là các bên khi tham gia quan hệ hợp đồng cần lưu ý thỏa thuận và ghi nhận việc chọn luật một cách cụ thể vào hợp đồng, thể hiện đúng tinh thần và ý chí chọn luật áp dụng của mình, đó là chọn các quy phạm pháp luật thực chất trong hệ thống pháp luật được chọn để điều chỉnh quan hệ hợp đồng của mình.

Khi thực hiện hợp đồng, các bên thường dựa trên quy định của pháp luật quốc gia và khi một bên bị bất lợi hoặc có ý đồ không tốt, bên đó sẽ vận dụng và khai thác sự không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các đạo luật áp dụng để nhằm bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của mình. Khi các bên tự chọn luật áp dụng, mặc nhiên các bên đã nắm rõ được luật và từ đó vận dụng để giải quyết các tranh chấp trong hợp đồng theo hướng bảo vệ cho quyền lợi của mình một cách tốt nhất. 

Luật áp dụng cho hợp đồng theo quy định của pháp luật

 Luật áp dụng cho hợp đồng được hiểu là luật nội dung của luật quốc gia hoặc Điều ước quốc tế được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Trong hợp đồng, nếu các bên không chọn luật áp dụng thì tùy thuộc vào thẩm quyền, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ lựa chọn luật áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp theo những quy tắc áp dụng nhất định.

Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, Tòa án hoặc Trọng tài có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác định luật áp dụng cho vụ tranh chấp nhưng trong đó có 4 phương pháp cơ bản là: (i) Dựa trên nguyên tắc chung của Tư pháp quốc tế; (ii) Áp dụng luật nơi có mối quan hệ pháp lý gắn bó nhất với vụ tranh chấp; (iii) Áp dụng tập quán thương mại và (iv) Áp dụng “ Lex mercatoria” hay “ nguyên tắc chung của luật”.

– Nhìn chung, khi chọn luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

(i) Luật được chọn phải có nội dung phù hợp: không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình; với thông lệ chung của hoạt động thương mại quốc tế;

(ii) Luật được chọn phải là luật thực chất: vì nếu chấp nhận luật tự chọn bao gồm cả luật xung đột thì đồng nghĩa với việc chấp nhận dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài. Như vậy, trong một số trường hợp, khi luật được chọn có quy phạm xung đột dẫn chiếu đến một luật khác và luật đó được áp dụng thì luật được áp dụng này đã trái với ý chí tự chọn luật ban đầu của các bên;

(iii) Lựa chọn luật không nhằm lẩn tránh pháp luật: Các bên trong Hợp đồng nếu cố ý khai thác các quy định của pháp luật nhằm mục đích lẩn tránh hệ thống pháp luật đáng lẽ phải được áp dụng để điều chỉnh quan hệ giữa các bên trong Hợp đồng sẽ bị coi là vi phạm pháp luật;

(iv) Luật được chọn phải dễ tiếp cận về mặt nội dụng và ngôn ngữ: Ngôn ngữ trong luật được chọn tốt nhất là ngôn ngữ thông dụng của mình, cần chọn luật của nước được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mang tính công khai minh bạch, ổn định và sẽ dễ tìm thấy trên các phương tiện thông tin;

(v) Luật được chọn phải có tính “trung lập” với hệ thống pháp luật của các bên, tránh có những quy định và sự khác biệt lớn trong việc áp dụng và giải thích luật;

(vi) Trong trường hợp việc chọn luật áp dụng khó khăn, các bên có thể áp dụng biện pháp bảo lưu việc áp dụng luật quốc gia cho những vấn đề không được quy định trong hợp đồng. 

Luật áp dụng cho hợp đồng là luật áp dụng trong quá trình tố tụng giải quyết tranh chấp để xem xét việc thực hiện các nghĩa vụ hay cam kết được ghi nhận trong hợp đồng. Luật áp dụng cho hợp đồng được áp dụng tùy thuộc vào từng loại tranh chấp: tranh chấp trong nước hay tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Trong thương mại quốc tế, luật của nhiều quốc gia liên quan đến hợp đồng và điều chỉnh trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng. Vì vậy, giữa các nguồn luật đó luôn có khả năng tồn tại xung đột luật ở nhiều phương diện khác nhau. Các nguồn luật áp dụntrong quan hệ thương mại quốc tế bao gồm: Điều ước quốc tế, tập quán, thói quen thương mại quốc tế và án lệ. 

Điều ước quốc tế. Điều ước quốc tế được hiểu là những văn bản có chứa những quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật quốc gia được xây dựng, ký kết, công nhận và có hiệu lực pháp lý đối với chủ thể của các quốc gia thành viên, thường bao gồm: Hiệp ước, Hiệp định, Nghị định thư, công hàm trao đổi… Liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa thường có hai loại điều ước quốc tế được áp dụng.

 Đó là loại điều ước quốc tế mang những nguyên tắc pháp lý chung làm cơ sở cho hoạt động thương mại, nó không điều chỉnh trực tiếp các vấn đề quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia hợp đồng mà chỉ đề ra các nguyên tắc pháp lý có tính chất định hướng, chỉ đạo như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA); Hiệp định cắt giảm thuế quan với ASEAN…

Loại điều ước thứ hai là loại điều ước quốc tế trực tiếp điều chỉnh đến các vấn đề có liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong ký kết và thực hiện hợp đồng. Đây chính là nguồn quy phạm pháp luật dùng để giải quyết tranh chấp, thường được các bên và cơ quan tiến hành tố tụng viện dẫn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Loại điều ước này điển hình có Công ước Brussel 1964 về chuyên chở hàng hoá, Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế (United Nations Convention For The International Sales Of Goods – Vienna Convention 1980 – CISG). 

Trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng quốc tế các bên có thể lựa chọn các quy định trong Điều ước quốc tế khi quốc gia đó đã là thành viên hoặc thậm chí chưa phải là thành viên bởi nó được vận dụng một cách linh hoạt trên cơ sở của sự thỏa hiệp. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng: việc lựa chọn những nội dung trong Điều ước quốc tế phải tuân thủ theo các nguyên tắc như không trái với các quy định, không xâm phạm thuần phong, mỹ tục,…

Thực tế chứng minh rằng: khi Việt Nam chưa gia nhập CISG thì một số quy định của CISG vẫn được áp dụng nếu Việt Nam là một bên tham gia quan hệ thương mại quốc tế. Điều này được cụ thể là: (1) nếu quy phạm xung đột dẫn chiếu đến luật một nước là thành viên CISG; (2) nếu các bên tham gia giao dịch cùng lựa chọn áp dụng CISG; (3) khi trong hợp đồng các bên không lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án hoặc trọng tài) lựa chọn CISG để giải quyết tranh chấp. 

Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 84 Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) vào năm 2015. Theo đó, khi ký kết, thực hiện hoặc có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thì dù các bên không có thỏa thuận dẫn chiếu thì Công ước Viên năm 1980 vẫn được tự động” áp dụng. Thậm chí, trên thực tế cho thấy: vào thời điểm mà Việt Nam chưa phải là thành viên chính thức của CISG thì trong giải quyết tranh chấp kinh doanh vẫn có thể áp dụng các quy định trong CISG. 

Tập quán thương mại: là những quy tắc xử sự có hệ thống, những thói quen thương mại phổ biến được áp dụng một cách thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài và phải có nội dung rõ ràng mà qua đó có thể xác định được quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Các tập quán thương mại quốc tế chỉ có giá trị pháp lý và có hiệu lực bắt buộc đối với các chủ thể ký kết khi nó được quy định hoặc dẫn chiếu vào hợp đồng. Điều 135 Quy tắc ICC về trọng tài quy định “Các trọng tài không chỉ áp dụng luật áp dụng mà còn phải dùng tới các điều khoản trong hợp đồng và những “Tập quán thương mại” thích hợp để giải quyết vụ việc”. Trong những luật trọng tài của các quốc gia cũng quy định như vậy.

Một ví dụ về tập quán thương mại quốc tế thông dụng được Phòng thương mại quốc tế soạn thảo và ban hành đó là các bản Incoterm: quy định về điều kiện cơ sở giao hàng. Hay là quy tắc thống nhất và thực hành tín dụng chứng từ – UCP cũng tỏ ra rất hữu dụng trong việc hướng dẫn đến một chuẩn mực quốc tế duy nhất cho quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa tập quán thương mại và Lex mercatori (nguyên tắc chung của luật).

Thực tế cho thấy có nhiều quan điểm đánh đồng hai phạm trù này và xem hai khái niệm này là đồng nhất với nhau. Về bản chất, Lex mercatori nghĩa là luật của các thương nhân, luật này bao gồm các quy tắc và thực tiễn đã phát triển trong các cộng đồng kinh doanh quốc tế. Đặc trưng của “Lex mercatoria” chính là bản chất mang tính “tập quán” và “tự phát” nhằm thích ứng được với các nhu cầu của thương nhân thương mại. Trong thực tế, việc tham khảo và áp dụng tập quán thương mại có thể bổ sung cho những thiếu sót trong luật áp dụng. Có các tập quán chung được các bên trong Hợp đồng viện dẫn áp dụng đó là Incoterms 2000 và UCP 600 của ICC.

Bên cạnh đó, Bộ nguyên tắc về Hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 của Unidroit đưa ra những quy phạm chung được các bên trong Hợp đồng chọn áp dụng, với điều kiện các bên phải có thỏa thuận trong Hợp đồng một điều khoản về áp dụng Bộ nguyên tắc Unidroit 2004. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. 

Thói quen trong thương mại quốc tế. Thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại. Việc áp dụng thói quen thương mại phải tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên sau. Nếu các bên không có thoả thuận khác, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà các bên đã biết hoặc phải biết nhưng không được trái với quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật này và trong Bộ luật Dân sự. 

Án l (tiếng Pháp-Jurisprudence) được hiểu là: Đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý, đường lối này đã được coi như một tiền lệ, khiến các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự. Thông thường, xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự. Theo quan điểm của các nhà luật học theo hệ thống luật Anh – Mỹ (Anglo – Sacxon), thì án lệ được hiểu theo hai nghĩa.

Theo nghĩa hẹp, án lệ bao gồm toàn bộ các quyết định, bản án được tuyên bố bởi Tòa án và có giá trị như nguồn luật, đưa ra những nguyên tắc, nền tảng áp dụng cho các vụ việc xảy ra tương tự sau này, hay là cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc xảy ra trong tương lai. Còn theo nghĩa rộng, án lệ là nguyên tắc bắt buộc đòi hỏi Thẩm phán trong hệ thống các cơ quan Toà án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án, các vụ việc trước đó, đặc biệt là các phán quyết của các Tòa cấp cao (Hight Court), Tòa phúc thẩm (Court of Appeal) và Tòa án tối cao (Supreme Court) hay là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp, hay là hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án.

Với những nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (hệ thống pháp Luật Dân sự – Civil Law), tiêu biểu một số nước như Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản,… Án lệ được xem như một cách giải thích pháp luật. Những bản án này không được xem là luật, không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng tòa cấp dưới phải tham khảo, nếu không nguy cơ bị tòa cấp trên sửa án rất cao . Ngoài ra, đối với các quốc gia theo hệ thống “common law” còn có các án lệ là các quy tắc xét xử được hình thành từ thực tiễn xét xử. Khi lựa chọn luật của các quốc gia này, các chủ thể cần để ý đến những án lệ này. 

Trong số hàng nghìn án lệ về CISG, đã có một án lệ liên quan đến Việt Nam về tranh chấp giữa Công ty Thương mại Tây Ninh – Tanico (Việt Nam) và Công ty Ng Nam Bee (Singapore), được xét xử tại Toà phúc thẩm • TAND Thành phố Hồ Chí Minh, bản án tuyên ngày 4/5/1996.Trong đó toà án đã tham chiếu các Điều 29, Điều 53, Điều 61.3 và 64.1 của CISG? Vì vậy có thể nhận thấy rằng: trong tương lai gần con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên khi Việt Nam đã trở thành thành viên thức của CISG. 

Luật quốc gia: trong thực tiễn và thực hiện hợp đồng thương mại, bên cạnh các điều ước quốc tế, các thói quen, tập quán thương mại quốc tế và án lệ, luật quốc gia cũng đóng một vai trò khá quan trọng và trong nhiều trường hợp là nguồn luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng. 

Đối với các hợp đồng thương mại nội địa: Luật quốc gia được áp dụng trong đàm phán, ký kết, thực hiện cũng như trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh. Luật quốc gia được hiểu là toàn bộ hệ thống pháp luật có liên quan đến hợp đồng. Luật nội địa áp dụng trong hợp đồng bao gồm: luật chung, luật chuyên ngành, các văn bản pháp luật giá trị dưới luật,… như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005,…

Đối với các hợp đồng có yếu tố nước ngoài luật quốc gia được áp dụng trong một số trường hợp nhất định căn cứ vào sự thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp lựa chọn luật áp dụng để giải quyết vụ kiện về hợp đồng. Cần lưu ý rằng: khi áp dụng điều ước quốc tế đối với hợp đồng cần phân biệt hai trường hợp: (i) Đối với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên, nếu điều ước có quy định khác với pháp luật quốc gia thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế; (ii) Đối với những điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa là thành viên thì các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận áp dụng những nội dung không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi