Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Một số vấn đề trong hợp đồng đại lý thương mại
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1348 Lượt xem

Một số vấn đề trong hợp đồng đại lý thương mại

Trong nội dung bài viết này, luật Hoàng Phi sẽ hỗ trợ tư vấn về: Một số vấn đề trong hợp đồng đại lý thương mại

Chủ thể của hợp đồng và đại diện ký kết hợp đồng đại lý thương mại 

Hợp đồng đại lý thương mại được xác lập giữa bên giao đại lý và bên đại lý. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán, hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua, hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ (khoản 1 Điều 167 Luật Thương mại 2005). Bên đại lý cũng phải là thương nhân, nhận hàng hoá của đại lý bán, hoặc nhận tiền của đại lý mua, hoặc nhận ủy quyền cung ứng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ; thực hiện hoạt động đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý để hưởng thù lao.

Như vậy, các bên trong hợp đồng đại lý thương mại bắt buộc phải là thương nhân. Có thể thấy điều kiện về chủ thể của hợp đồng đại lý thương mại khắt khe hơn so với chủ thể hợp đồng mua bán hàng hoá, theo đó cả hai bên chủ thể hợp đồng đều phải là thương nhân; còn chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá có thể hai bên là thương nhân, có thể chỉ một bên là thương nhân, bên kia không phải là thương nhân nhưng lựa chọn Luật Thương mại là luật áp dụng cho quan hệ mua bán hàng hoá.

Về nguyên tắc, thương nhân có thể toàn quyền quyết định giao cho thương nhân nào làm đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ của mình, hay nhận làm đại lý cho bất cứ thương nhân nào, kể cả thương nhân nước ngoài (khoản 1 Điều 21 và khoản 1 Điều 25 Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài). Nhưng trong trường hợp hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng thuê đại lý bán hàng hoá tại nước ngoài hoặc làm đại lý cho thương nhân nước ngoài sau khi được Bộ Công thương cho phép. 

Mặc dù Luật Thương mại 2005 không quy định rõ bên giao đại lý và bên đại lý có cần có ngành hàng kinh doanh phù hợp với hàng hoá đại lý hay không. Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014, thương nhân giao đại lý phải có đăng ký kinh doanh hàng hoá, dịch vụ mà mình sản xuất, phân phối, thương nhân làm đại lý để bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng cũng phải đăng ký kinh doanh dịch vụ đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ phù hợp với hàng hoá hay dịch vụ mình làm đại lý, hoặc đăng ký kinh doanh ngành hàng phù hợp vì bên đại lý nhân danh chính mình để ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ với khách hàng. Do vậy, việc các bên trong hợp đồng đại lý thương mại phải có đăng ký kinh doanh phù hợp với chức năng kinh doanh của mình là quy định các bên phải tuân thủ khi muốn tham gia quan hệ đại lý thương mại. 

Về người đại diện ký kết hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ: vì chủ thể của hợp đồng hai bên đều là thương nhân, do vậy khi giao kết hợp đồng, thương nhân cần có người đại diện để ký kết hợp đồng. Người đại diện ký kết hợp đồng đại lý thương mại có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền. Tuỳ từng chủ thể cụ thể mà đại diện theo pháp luật có thể là chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân), Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc hoặc người khác theo Điều lệ công ty (đối với công ty cổ phần), Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với hợp tác xã), các thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh)…

Khi người đại diện theo pháp luật uỷ quyền cho người khác ký kết hợp đồng đại lý thương mại, người được uỷ quyền sẽ được quyền ký kết hợp đồng. Nếu hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ không được người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền ký kết, hợp đồng sẽ bị vô hiệu, trừ trường hợp hợp đồng đó được người đại diện đúng thẩm quyền biết mà không phản đối. 

Quyền và nghĩa vụ của bên đại lý 

Quyền và nghĩa vụ của bên đại lý và bên giao đại lý được ghi nhận trong hợp đồng đại lý thương mại. Nếu các bên không thoả thuận trong hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ áp dụng các quy định trong Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Thứ nhất: Quyền của bên đại lý 

Trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác, bên đại lý có các quyền theo quy định tại điều 174 Luật Thương mại 2005 như sau: 

– Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định. Như vậy, bên đại lý được quyền ký kết hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ với nhiều bên giao đại lý trong trường hợp pháp luật không có quy định khác và 1 bên không có thoả thuận khác. Quy định này liên quan đến điều khoản “không cạnh tranh” mà các bên thường sử dụng trong hợp đồng đại lý, theo đó các bên có thể thoả thuận: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng đại lý hoặc một thời gian sau khi chấm dứt quan hệ hợp đồng đại lý, bên đại lý không được ký hợp đồng đại lý với các đối thủ cạnh tranh của bên giao đại lý để bảo vệ lợi ích của bên giao đại lý.

Mục đích của thoả thuận này là để ngăn chặn bên đại lý không được quyền ký kết với các đối thủ cạnh tranh của bên giao đại lý những hợp đồng có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm hoặc dịch vụ của bên giao đại lý. Trong trường hợp này, bên giao đại lý lo ngại bên đại lý sẽ sử dụng các kỹ năng kinh doanh, bí mật kinh doanh để cạnh tranh trực tiếp hoặc chuyển giao các kỹ năng, bí mật này cho đối thủ cạnh tranh của bên giao đại lý. 

– Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý. 

– Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý. 

– Quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu. 

– Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại. Thù lao đại lý do các bên thoả thuận, nếu các bên không có thoả thuận, thù lao đại lý được trả dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá (khoản 1 Điều 171 Luật Thương mại năm 2005). Giá trong hợp đồng đại lý gồm giá mà bên giao đại lý giao cho bên đại lý (giá giao đại lý) và giá mà bên đại lý bán cho khách hàng. Giá giao đại lý thường do bên giao đại lý ấn định trong bảng báo giá cập nhật cho bên đại lý trong từng khoảng thời gian cụ thể.

Giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng có thể được xác định theo ba cách: do bên giao đại lý ấn định (đối với đại lý hoa hồng); do bên giao đại lý ấn định mức giá trần hoặc do bên đại lý quyết định (đối với đại lý bao tiêu). Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.

Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý (khoản 2, 3 Điều 171 Luật Thương mại năm 2005). 

Luật Thương mại 2005 quy định các bên tham gia quan hệ đại lý thương mại được quyền tự do thoả thuận về thù lao đại lý. Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định về cách xác định thù lao đại lý trong trường hợp các bên không thoả thuận được về mức thù lao: “Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lạo được tính như sau: Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó; Trường hợp không có mức thù lao được trả trước đó thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác; nếu không áp dụng được hai cách tính trên thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường”. 

Thứ hai: Nghĩa vụ của bên đại lý 

Trừ trường hợp giữa các bên có thoả thuận khác, theo quy định tại Điều 175 Luật Thương mại năm 2005, bên đại lý có các nghĩa vụ sau: 

– Mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định. Bên giao đại lý có quyền ấn định giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ cho bên đại lý và bên đại lý có nghĩa vụ tuân thủ; không được tự ý nâng, giảm giá mua bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ mà bên giao đại lý đã thông báo trước. Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Luật Cạnh tranh 2004: thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp và bị cấm khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên, trừ các trường hợp miễn trừ đối với thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Điều 10 Luật Cạnh tranh.

Thoả thuận ấn định giá theo quy định tại Điều 14 Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh là việc áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng, tăng hoặc giảm giá ở mức cụ thể, áp dụng công thức tính giá chung… Việc bên đại lý nhận tiền, hàng hoá hoặc nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý để thực hiện việc mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng; còn bên giao đại lý ấn định giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ cho bên đại lý phải tuân thủ đặc thù của quan hệ đại lý thương mại.

Tuy nhiên Luật Thương mại 2005 và Luật Cạnh tranh 2004 không có sự thống nhất trong quy định về quyền ấn định giá của bên giao đại lý. Nếu căn cứ quy định của Luật Cạnh tranh 2004, việc ấn định giá của bên giao đại lý cho nhiều bên đại lý là một thoả thuận hạn chế cạnh tranh có thể bị cấm nếu thị phần kết hợp của các bên vượt ngưỡng mà Luật quy định.

– Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý và thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán, giao hàng mua đối với đại lý mua, giao tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý được uỷ quyền cung ứng dịch vụ. Thanh toán trong quan hệ đại lý thương mại bao gồm hai nội dung: thanh toán thù lao đại lý và thanh toán tiền bán hàng, tiền cung ứng dịch vụ hay giao hàng. Các bên có thể thoả thuận về thời hạn thanh toán, nếu không có thoả thuận thì áp dụng thời hạn thanh toán như quy định tại Điều 176 Luật Thương mại 2005: “…việc thanh toán tiền hàng, tiền cung ứng dịch vụ và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua bán một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng một khối lượng dịch vụ nhất định”. Việc thanh toán giữa bên giao địa lý và bên đại lý chỉ được thực hiện trong thời gian hợp đồng đại lý có hiệu lực. 

– Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật. Theo Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản. Đối với quan hệ đại lý thương mại, biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự hay được các bên sử dụng là biện pháp đặt cọc, theo đó, bên giao đại lý yêu cầu bên đại lý phải đặt một khoản tiền để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ khi nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền để làm đại lý mua hay nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ. Tùy mối quan hệ giữa bên giao đại lý và bên đại lý mà khoản tiền đặt cọc đó là nhiều hay ít.

Tuy nhiên, nếu khoản tiền đặt cọc đó là 100% giá trị hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý giao cho bên đại lý thì đây vẫn là khoản tiền nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của bên đại lý trước bên giao đại lý, chứ không phải khoản tiền trả cho giá trị hàng hoá, dịch vụ mà bên đại lý nhận của bên giao đại lý. Hay nói cách khác, khoản tiền này không biến quan hệ đại lý thương mại thành quan hệ mua bán hàng hoá, mà bên giao đại lý vẫn là chủ sở hữu của hàng hoá giao cho bên đại lý. 

– Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra. Mặc dù khoản 2 Điều 173 Luật Thương mại 2005 quy định “Bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá của đại lý mua bán hàng hoá, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ”, nhưng trong trường hợp chất lượng hàng hoá không được bảo đảm do lỗi của bên đại lý thì bên đại lý phải chịu trách nhiệm liên đới.

Tuy nhiên, bên đại lý chỉ phải liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, chất lượng của dịch vụ được cung ứng trong trường hợp có lỗi do mình gây ra chứ không phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và quy cách hàng hoá khi thực hiện hoạt động đại lý trong mọi trường hợp. 

– Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý 

– Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó. Ví dụ: tổng đại lý kinh doanh xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối, đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối (khoản 1, 2 Điều 17 Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu). 

Quyền và nghĩa vụ của bên giao đại lý

Thứ nhất: Quyền của bên giao đại lý 

Theo quy định tại Điều 172 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các quyền sau đây: 

– Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng: bên đại lý có quyền ấn định giá mua, bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng, trong trường hợp này, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ. 

– Ấn định giá giao đại lý 

– Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật 

– Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý 

– Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.

Thứ hai: Nghĩa vụ của bên giao đại lý

Theo quy định tại Điều 173 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các nghĩa vụ sau đây: 

– Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý 

– Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ 

– Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý 

– Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý 

– Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra. Ví dụ: trường hợp các bên giao kết hợp đồng đại lý bán hàng hoá thuộc diện kinh doanh có điều kiện và bên đại lý bị xử lý vi phạm hành chính do không tuân thủ các điều kiện thì bên giao đại lý cũng phải chịu trách nhiệm liên đới…Tuy nhiên, quy định trên cũng tạo không ít khó khăn cho bên giao đại lý khi dự liệu các trường hợp có thể xảy trong thực tiễn liên quan đến hành vi vi phạm của bên đại lý. 

Đối với một số loại hàng hoá đặc biệt như xăng dầu, thép xây dựng… quyền và nghĩa vụ của bên đại lý và bên giao đại lý không chỉ được quy định chung trong Luật Thương mại 2005 mà còn được điều chỉnh bởi các quy định riêng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, quy chế kinh doanh thép xây dựng năm 2005…

Quan hệ giữa bên đại lý, bên giao đại lý đối với đối với khách hàng hay người sử dụng hàng hoá, dịch vụ cung cấp thông qua quan hệ đại lý 

Sau khi hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ có hiệu lực, bên đại lý phải ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ với bên thứ ba. Quan hệ giữa bên đại lý và bên thứ ba chịu sự điều chỉnh của các quy định về mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Bên đại lý nhân danh chính mình và phải tự chịu trách nhiệm với bên thứ ba khi giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá hay hợp đồng cung ứng dịch vụ. Mặc dù bên đại lý là chủ thể trực tiếp thực hiện hợp đồng này, nhưng bên giao đại lý vẫn là chủ sở hữu của hàng hoá và tiền giao cho bên đại lý, là chủ thể cung ứng dịch vụ. Do đó bên giao đại lý cũng phải chịu trách nhiệm trước khách hàng và trước pháp luật về chất lượng của hàng hoá trừ trường hợp chất lượng hàng hoá hư hỏng là do lỗi của bên đại lý.

Những điều khoản cần thoả thuận trong hợp đồng đại lý thương mại và một số lưu ý 

Luật Thương mại 2005 không quy định về nội dung hay các điều khoản mà các bên cần thoả thuận trong hợp đồng đại lý thương mại. 

Việc thoả thuận về các điều khoản và đưa vào hợp đồng hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý chí của các bên. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ đại lý thương mại, tránh các tranh chấp cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa các bên, hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ cần có một số điều khoản cơ bản sau: 

– Hàng hoá hoặc dịch vụ đại lý – Hình thức đại lý – Thù lao đại lý – Thời hạn của hợp đồng đại lý – Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đại lý – Biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng – Chế tài do vi phạm hợp đồng – Giải quyết tranh chấp – Các điều khoản khác.. 

Một số lưu ý khi ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, đại lý cung ứng dịch vụ: cần thoả thuận cụ thể, chi tiết các điều khoản trong hợp đồng, để dễ thực hiện và tránh xảy ra tranh chấp. Mặt khác khi thực hiện, cần thực hiện nghiêm túc tất cả các điều khoản, các cam kết trong hợp đồng. Nếu có những sự kiện phát sinh ngoài ý muốn, cần thông báo ngay cho bên đối tác để điều chỉnh kịp thời các điều khoản trong hợp đồng, tránh những vi phạm có thể xảy ra. Cần thực hiện hợp đồng với tinh thần hợp tác, thiện chí, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Nếu muốn chấm dứt hợp đồng đơn phương hoặc khi hết thời hạn, cần tuân thủ các quy định về chấm dứt hợp đồng theo Điều 177 Luật Thương mại 2005. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi