Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Một số quy định về tư cách thành viên của hợp tác xã
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 778 Lượt xem

Một số quy định về tư cách thành viên của hợp tác xã

Một số quy định về tư cách thành viên của hợp tác xã như thế nào? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ở bài viết sau đây.

Xác lập tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên

Điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã 

Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: 

– Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam. Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân.

Ở độ tuổi 18, công dân mới nhận thức được hành vi của mình đồng thời có đầy đủ khả năng chịu trách nhiệm về các xử sự của họ. Điều kiện về độ tuổi này được đặt ra vì thành viên là chủ sở hữu hợp tác xã, họ là người quyết định những vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của hợp tác xã. Do đó, những người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không thể trở thành thành viên hợp tác xã.

– Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã; 

– Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành Điều lệ hợp tác xã. Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể được thành lập dựa trên cơ sở ý chí tự nguyện của những người tham gia mà không bị bất kỳ ai ép buộc. Vì vậy, các thành viên phải thừa nhận các nguyên tắc của hợp tác xã, các quy định trong Điều lệ hợp tác xã thể hiện qua việc những cá nhân, tổ chức muốn trở thành thành viên hợp tác xã phải tự viết đơn tự nguyện gia nhập hợp tác xã. 

– Góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Hợp tác xã 2012 và Điều lệ hợp tác xã. Góp vốn là điều kiện bắt buộc đối với các cá nhân, tổ chức gia nhập hợp tác xã và tạo cơ sở vật chất để hợp tác xã hoạt động kinh doanh. Mỗi cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân phải góp mức vốn tối thiểu vào vốn điều lệ của hợp tác xã theo quy định của Điều lệ hợp tác xã. 

– Điều kiện khác theo quy định của Điều lệ hợp tác xã. 

So với quy định tại Luật Hợp tác xã 2003, quy định điều kiện trở thành thành viên tại Luật Hợp tác xã 2012 có một số điểm khác sau đây: 

– So với Luật Hợp tác xã 2003 thì Luật Hợp tác xã 2012 đã chuyển tên gọi xã viên thành thành viên, chuyển tên gọi các cơ quan quản lý, điều hành hợp tác xã từ Đại hội xã viên, Ban quản trị, Chủ nhiệm hợp tác xã, Trưởng ban quản trị thành Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Với cách chuyển tên gọi này, cách tiếp cận về hình thức tên gọi của những người góp vốn vào hợp tác xã hoặc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn và tên gọi các cơ quan quản lý, điều hành của hợp tác xã, công ty cổ phần là giống nhau.

– Chủ thể là cá nhân có quyền trở thành thành viên hợp tác xã đã được mở rộng hơn. Theo Luật Hợp tác xã 2003, chỉ có công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có góp vốn, góp sức, tán thành Điều lệ hợp tác xã, tự nguyện làm đơn xin gia nhập hợp tác xã có thể trở thành xã viên hợp tác xã. Nhằm mở rộng quyền tự do kinh doanh cho công dân, Luật Hợp tác xã 2012 đã quy định thêm chủ thể có thể trở thành thành viên hợp tác xã là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, góp vốn, tự nguyện làm đơn xin gia nhập hợp tác xã. 

– Nếu Luật Hợp tác xã 2003 quy định cá nhân không chỉ góp vốn mà còn có thể góp sức để trở thành xã viên hợp tác xã thì Luật Hợp tác xã 2012 chỉ quy định cá nhân bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ góp vốn mà không đề cập đến nghĩa vụ góp sức để có thể trở thành thành viên hợp tác xã. 

– Luật Hợp tác xã 2012 quy định cụ thể về một trong những tiêu chuẩn để trở thành thành viên hợp tác xã tạo việc làm, đó là thành viên của hợp tác xã tạo việc làm chỉ là cá nhân. 

Một câu hỏi được đặt ra là cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cá nhân đang phải chấp hành hình phạt tù, cá nhân bị Tòa án tước quyền hành nghề do phạm các tội theo quy định của pháp luật, cá nhân đang trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh và cán bộ, công chức, viên chức có thể trở thành thành viên hợp tác xã không

Hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn để trả lời về việc các chủ thể trên có được trở thành thành viên hợp tác xã không. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Hợp tác xã 2003, các cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cá nhân đang phải chấp hành hình phạt tù, cá nhân bị Tòa án tước quyền hành nghề do phạm các tội theo quy định của pháp luật, cá nhân đang trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh không được là xã viên hợp tác xã. 

Vận dụng các quy định tại Điều 20 Luật cán bộ, công chức 2008; Điều 19 Luật Viên chức 2010; Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 thì cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã. Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức vẫn có thể góp vốn để trở thành thành viên hợp tác xã miễn là không thành lập, tham gia thành lập hoặc quản lý, điều hành hợp tác xã. Quy định này cũng được áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhận quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân. 

Điều kiện trở thành thành viên liên hiệp hợp tác xã 

Hợp tác xã trở thành thành viên liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: 

– Có nhu cầu hợp tác với các hợp tác xã thành viên và có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của liên hiệp hợp tác xã; 

– Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của liên hiệp hợp tác xã; 

– Góp vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Hợp tác xã 2012 và Điều lệ liên hiệp hợp tác xã; 

– Điều kiện khác theo quy định của Điều lệ liên hiệp hợp tác xã. 

Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã; hợp tác xã có thể là thành viên của nhiều liên hiệp hợp tác xã trừ trường hợp Điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy định khác. 

Quyền và nghĩa vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên

 Quyền của thành viên, hợp tác xã thành viên: 

– Được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ; 

– Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và Điều lệ; 

– Được hưởng các phúc lợi của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; 

– Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự Đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên; 

– Được biểu quyết các nội dung thuộc quyền của Đại hội thành viên theo quy định tại Điều 32 của Luật Hợp tác xã năm 2012; 

– Ứng cử, đề cử thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc các chức danh khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

– Kiến nghị, yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; yêu cầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập Đại hội thành viên bất thường theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và điều lệ. 

– Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; 

– Ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Điều lệ; 

– Được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và Điều lệ; 

– Được chia giá trị tài sản được chia còn lại của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012 và Điều lệ; 

– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật; – Quyền khác theo quy định của Điều lệ.

 Nghĩa vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên: 

– Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ; 

– Góp đủ, đúng thời hạn vốn góp đã cam kết theo quy định của Điều lệ. Việc góp vốn vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thể hiện trách nhiệm của thành viên, hợp tác xã thành viên để tạo cơ sở vật chất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động. Khi góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. 

– Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; 

– Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật 

– Tuân thủ điều lệ, quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nghị quyết của Đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên và quyết định của Hội đồng quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; 

– Nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ.

Chấm dứt tư cách thành viên

Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên 

Tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau theo Điều 16 Luật Hợp tác xã 2012: 

“a) Thành viên là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật; 

b) Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản; hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản; 

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản; 

d) Thành viên, hợp tác xã thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; 

đ) Thành viên, hợp tác xã thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ; 

e) Thành viên, hợp tác xã thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ nhưng 

không quá 02 năm; 

g) Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn tối thiểu theo quy định trong Điều lệ; 

h) Trường hợp khác do Điều lệ quy định.”

Thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên 

– Đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d và e theo Điều 16 Luật Hợp tác xã 2012 thì Hội đồng quản trị quyết định và báo cáo Đại hội thành viên gần nhất 

– Đối với trường hợp quy định tại điểm đ, g và h theo Điều 16 Luật Hợp tác xã 2012 thì Hội đồng quản trị trình Đại hội thành viên quyết định sau khi có ý kiến của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên 

Nguyên tắc trả lại, thừa kế vốn góp và trình tự trả lại vốn góp

* Nguyên tắc trả lại, thừa kế vốn góp 

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa theo quy định tại Luật Hợp tác xã 2012. 

– Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật này và Điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên, nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. 

– Trường hợp thành viên là cá nhân bị Toà án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật. 

– Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ. 

– Trường hợp thành viên là pháp nhân bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật 

– Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật 

– Trường hợp người thừa kế để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã. 

* Trình tự trả lại vốn góp: 

Việc trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên chỉ được thực hiện sau khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã quyết toán thuế của năm tài chính và bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thành viên, hợp tác xã thành viên chỉ được trả lại vốn góp sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cá nhân hoặc tập thể quyết định việc trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên không đúng quy định của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi