• Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 704 Lượt xem

Doanh nghiệp xã hội là gì?

Doanh nghiệp xã hội là gì? Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo một trong số những loại hình doanh nghiệp

 Khái niệm về doanh nghiệp xã hội 

Trên thế giới, mô hình doanh nghiệp xã hội ra đời sớm nhất ở nước Anh vào khoảng đầu thế kỷ XVII và đây cũng là quốc gia có phong trào doanh nghiệp xã hội phát triển nhất hiện nay. Vào năm 1665, khi một đại dịch hoành hành ở Luân Đôn khiến cho nhiều gia đình giàu có, vốn là các chủ xưởng công nghiệp và cơ sở thương mại rút khỏi thành phố, để lại tình trạng thất nghiệp tăng nhanh trong nhóm dân nghèo lao động.

Trong bối cảnh đó, Thomas Firmin đã đứng ra thành lập một xí nghiệp sản xuất và sử dụng nguồn tài chính cá nhân cung cấp nguyên liệu cho nhà máy để tạo và duy trì việc làm cho 1.700 công nhân. Ngay từ khi thành lập, ông tuyên bố xí nghiệp không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và số lợi nhuận sẽ được chuyền cho các quỹ từ thiện’. Từ mô hình doanh nghiệp xã hội đầu tiên này, các doanh nghiệp xã hội khác cũng bắt đầu được thành lập tại các thành phố khác nhau của nước Anh và dần dần phong trào thành lập doanh nghiệp xã hội bắt đầu lan rộng trên toàn thế giới. 

– Ở Việt Nam, trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành và xây dựng khung pháp lý đầu tiên cho mô hình doanh nghiệp xã hội, khái niệm “doanh nghiệp xã hội” vẫn còn khá mới mẻ trong thực tiễn cuộc sống và thực tiễn pháp lý ở nước ta, mặc dù doanh nghiệp xã hội đầu tiên đã được thành lập và hoạt động tại Hà Nội từ năm 1999, và tính đến hết năm 2011, cả nước ta có gần 200 tổ chức được cho là đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội.

Khái niệm này chỉ được coi là du nhập vào Việt Nam cho đến sau năm 2008, khi một số tổ chức trung gian phát triển doanh nghiệp như CSIP và SPART ra đời. Vì mô hình doanh nghiệp xã hội ra đời lần đầu tiên ở Anh nên đây cũng là quốc gia đầu tiên đưa ra được định nghĩa về doanh nghiệp xã hội”.

Trong Chiến lược phát triển doanh nghiệp xã hội năm 2002, Chính phủ Anh định nghĩa: “Doanh nghiệp xã hội là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”. Đây là định nghĩa bám khá sát với đặc trưng của một doanh nghiệp xã hội điển hình, truyền thống, đó là mô hình tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng lấy mục tiêu xã hội là mục tiêu hàng đầu, lợi nhuận được tái phân phối cho tổ chức hoặc cộng đồng. Định nghĩa này góp phần định hình và nhận diện doanh nghiệp xã hội trên thực tế. 

Trong khi đó, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD lại đưa ra định nghĩa: “Doanh nghiệp xã hội là những tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau vận dụng tinh thần doanh nhân nhằm theo đuổi cùng lúc cả hai mục tiêu xã hội và kinh tế. Doanh nghiệp xã hội thường cung cấp các dịch vụ xã hội và việc làm cho các nhóm yếu thế ở cả thành thị và nông thôn. Ngoài ra, doanh nghiệp xã hội còn cung cấp các dịch vụ cộng đồng, trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, môi trường.”.

Cách định nghĩa của OECD có phần rộng hơn so với cách định nghĩa về doanh nghiệp xã hội của Chính phủ Anh khi cho phép nhận diện doanh nghiệp xã hội là các tổ chức hoạt động dưới bất kỳ hình thức pháp lý nào mà hoạt động của nó được thực hiện theo hai mục tiêu: mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội. Tuy nhiên, cách định nghĩa nói trên có phạm vi quá rộng và dễ khiến cho doanh nghiệp xã hội bị đánh đồng với các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi chỉ quy định chung chung “doanh nghiệp xã hội…theo đuổi cùng lúc cả hai mục tiêu xã hội và kinh tế”.

“Doanh nghiệp xã hội” và “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và không thể hiểu tất cả các doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm xã hội đều là doanh nghiệp xã hội được. Không chỉ thế, định nghĩa của OECD chưa làm nổi bật được đặc trưng riêng có của doanh nghiệp xã hội và giúp phân biệt mô hình doanh nghiệp này với các doanh nghiệp truyền thống khác, đó là doanh nghiệp xã hội luôn đặt mục tiêu xã hội làm mục tiêu trọng tâm và xuyên suốt quá trình hoạt động, trong khi mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận chỉ là mục tiêu được đặt ra nhằm hỗ trợ cho mục tiêu chính là mục tiêu xã hội. 

Một định nghĩa khác về doanh nghiệp xã hội cũng được tổ chức hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng – CSIP của Việt Nam đưa ra, theo đó: “Doanh nghiệp xã hội là một khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các doanh nhân xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích và điều kiện hoạt động cụ thể. Doanh nghiệp xã hội lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân nhằm đạt được cả mục tiêu xã hội/môi trường và mục tiêu kinh tế.”.

Về cơ bản, định nghĩa của CSIP là sự kết hợp cách định nghĩa về doanh nghiệp xã hội của cả Chính phủ Anh và Tổ chức Hợp tác và Phát triển. Theo đó, việc xác định một tổ chức là doanh nghiệp xã hội sẽ không phụ thuộc vào hình thức pháp lý mà chủ yếu phụ thuộc vào mục tiêu hoạt động. Một tổ chức sẽ được coi là doanh nghiệp xã hội khi doanh nghiệp đó lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo bên cạnh thực hiện các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu khác là mục tiêu môi trường và mục tiêu kinh tế.

Có thể nói, CSIP đưa ra định nghĩa này trong bối cảnh hầu hết các tổ chức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam chủ yếu được thành lập một cách tự phát và hoạt động không mang lại hiệu quả cao, hay vẫn đang “chật vật” tìm ra con đường phát triển nhằm hiện thực hóa mục tiêu xã hội của mình. Chính vì vậy, mục đích của CSIP không chỉ muốn đóng góp cho pháp luật một định nghĩa pháp lý mà hơn thế nữa, tổ chức này mong muốn có thể khuyến khích và ươm mầm cho sự phát triển phong trào doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam. 

Như vậy, cũng là một khái niệm nhưng cách định nghĩa về doanh nghiệp xã hội của các quốc gia và tổ chức khác nhau rất phong phú, tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nước và khu vực, cũng như đặc thù và ưu tiên của từng tổ chức. Ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp 2014 là đạo luật đầu tiên khẳng định vai trò của doanh nghiệp xã hội và đưa ra một định nghĩa chính thức về mô hình doanh nghiệp này. Theo đó, một doanh nghiệp sẽ được coi là doanh nghiệp xã hội khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây: 

– Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này; 

– Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; K – Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Tóm lại, căn cứ vào thực tiễn và quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam, có thể định nghĩa về khái niệm “doanh nghiệp xã hội” như sau: Doanh nghiệp xã hội là một trong các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một các vấn đề xã hội nhất định mà doanh nghiệp này theo đuổi, bên cạnh mục tiêu kinh tế. Phần lớn lợi nhuận thu được của doanh nghiệp dùng để phục vụ mục tiêu xã hội, ngoài ra, doanh nghiệp xã hội có thể cung cấp các dịch vụ phục vụ cộng đồng như: giáo dục, văn hóa, môi trường, đào tạo nghề, vv… 

Đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp xã hội 

Từ định nghĩa chung về doanh nghiệp xã hội có thể rút ra một số đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp xã hội như sau: 

Thứ nhất: Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo một trong số những loại hình doanh nghiệp được quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014

Như trong phần khái niệm đã đề cập, theo quan điểm của một số tổ chức, doanh nghiệp xã hội có thể hoạt động dưới bất cứ hình thức pháp lý nào, miễn là đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu, bên cạnh mục tiêu thứ yếu là kinh doanh thu lợi nhuận. Hiểu theo cách này, một số tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức phi lợi nhuận (NPO), các quỹ từ thiện và cả hợp tác xã cũng có thể được coi là mô hình doanh nghiệp xã hội, và theo đó số lượng doanh nghiệp xã hội trên thực tế cũng tương đối nhiều với hình thức đa dạng phong phú.

Có thể kể tên một số tổ chức được coi là doanh nghiệp xã hội như: Hợp tác xã Nhận Đạo (thành lập năm 1973), Trường trung cấp Kinh tế – Du lịch Hoa Sữa (thành lập năm 1994), Nhà hàng Koto (thành lập năm 1999), Công ty cổ phần Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ Nghị lực sống (thành lập năm 2009), vv… 

– Trong khi đó, pháp Luật Doanh nghiệp Việt Nam lại có quy định khác đi về vấn đề này. Với cách gọi tên là mô hình “doanh nghiệp xã hội” nên dấu hiệu đầu tiên có thể được sử dụng để nhận diện doanh nghiệp xã hội chính là ở hình thức tổ chức của nó. Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này. 

“Doanh nghiệp”, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014, được hiểu là: “tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Như vậy, doanh nghiệp xã hội trước hết phải là một tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Được hiểu là thành lập hợp pháp khi doanh nghiệp xã hội được hình thành thông qua chế độ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập doanh nghiệp đặt ra đối với người thành lập và các điều kiện kinh doanh đặt ra đối với từng ngành nghề kinh doanh cụ thể (nếu có), vv…

 Bên cạnh đó, căn cứ vào Luật Doanh nghiệp 2014 có thể thấy hiện nay pháp luật doanh nghiệp nước ta thừa nhận năm loại hình doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty TNHH một thành viên. Theo đó, “doanh nhận xã hội khi có nguyện vọng thành lập doanh nghiệp xã hội chỉ có thể lựa chọn tổ chức doanh nghiệp đó theo một trong năm loại hình doanh nghiệp nêu trên. 

Mặt khác, cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp xã hội phải được thành lập nhằm mục đích kinh doanh. Kinh doanh được hiểu là “việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”.

Như đã đề cập, trên thực tế có một số tổ chức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội như các quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, vv… tức là những tổ chức này cũng đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu, nhưng xét về bản chất, những tổ chức này không thực hiện hoạt động kinh doanh và lấy việc kinh doanh thu lợi nhuận như là một phương thức để giải quyết các vấn đề xã hội.

Nguồn tài chính của các tổ chức này được sử dụng để làm từ thiện, giúp đỡ những đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội hay giải quyết các vấn đề môi trường chủ yếu hình thành từ nguồn tài trợ của Chính phủ hay các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Trong khi đó, những nhà đầu tư tư nhân khi có nhu cầu thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong một lĩnh vực ngành nghề nhất định thì sẽ thành lập doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình. Thông qua việc thành lập và tổ chức hoạt động cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể làm ra sản phẩm và thỏa mãn nhu cầu về lợi nhuận của mình.

 Như vậy, các doanh nghiệp truyền thống, mặc dù về mặt hình thức cũng được tổ chức theo  một trong năm loại hình doanh nghiệp mà pháp luật quy định, nhưng lại đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu và khi có lợi nhuận, doanh nghiệp/chủ doanh nghiệp có thể quyết định trích một phần lợi nhuận của mình để thực hiện trách nhiệm đối với xã hội.

Không giống như cả hai trường hợp trên, trước hết doanh nghiệp xã hội cũng được coi là một tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở đây đó là trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp xã hội, các “doanh nhân xã hội” đã phát hiện ra các vấn đề xã hội mà mình có thể giải quyết (ví dụ: giải quyết việc làm cho người tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn, người lao động thất nghiệp hay giải quyết các vấn đề môi trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của người nông dân v..v…) nên quyết định lựa chọn thành lập doanh nghiệp xã hội và coi đây như một giải pháp để giải quyết vấn đề xã hội đã đặt ra.

Thiết nghĩ bất cứ một tổ chức nào muốn hoạt động được và thực hiện các mục tiêu đặt ra cũng đều cần có tài chính, nhưng thay vì trông chờ vào sự tài trợ của Chính phủ hay các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện thì những doanh nghiệp xã hội dường như lại trở nên năng động hơn khi tự chủ sở hữu doanh nghiệp/doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận để có thể có nguồn tài chính đáp ứng cho các mục tiêu xã hội mà chủ doanh nghiệp/các thành viên của doanh nghiệp theo đuổi.

Và ở đây, theo quan điểm của một số chuyên gia, đây là tính “lai” đặc trưng của mô hình doanh nghiệp xã hội, tức là doanh nghiệp xã hội là tổ chức “lai” giữa mô hình doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh truyền thống với các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện chỉ được thành lập để giải quyết các vấn đề xã hội thuần túy. 

Thứ hai: Doanh nghiệp xã hội luôn đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu

 Đối với những doanh nghiệp thông thường, hoạt động chính của doanh nghiệp sẽ là hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi. Nói cách khác, tối đa hóa lợi nhuận luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng và được đặt lên hàng đầu trong quá trình doanh nghiệp tồn tại. Lợi nhuận này sau đó sẽ được tái đầu tư hoặc được sử dụng để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thức được một cách rõ ràng trách nhiệm đối với xã hội nên đã không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm với chất lượng tốt nhất, thực hiện nghiêm túc các chế độ cho người lao động, xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường, hay trích một phần trong tổng lợi nhuận hàng năm đóng góp cho các quỹ từ thiện, tri ân người có công, v.v…

Tất cả những hành động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao uy tín và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường và ở một mức độ nhất định, sẽ ảnh hưởng tích cực đến các lợi ích về kinh tế mà doanh nghiệp nhận được trong tương lai. “Các doanh nghiệp cam kết CSR vẫn là các doanh nghiệp truyền thống, nói cách khác CSR chỉ làm cho doanh nghiệp “tốt” lên mà không thay đổi bản chất và mô hình doanh nghiệp”. 

Trong khi đó, doanh nghiệp xã hội vẫn thực hiện hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận nhưng đây không phải là mục tiêu trên hết của doanh nghiệp xã hội mà thay vào đó, doanh nghiệp xã hội đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu. Mục tiêu hoạt động của các doanh nghiệp xã hội “không phải lấy lợi nhuận, mà là phục vụ những yêu cầu xã hội, như xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng bị yếu thế, xử lý vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường, đào tạo cho những người khuyết tật…”.

Đặc điểm này khiến cho doanh nghiệp xã hội dễ bị nhầm lẫn với các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện hay tổ chức phi chính phủ. Những tổ chức này sử dụng nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân khác để làm từ thiện hay hỗ trợ tài chính cho những đối tượng gặp khó khăn trong xã hội.

Như vậy, hoạt động của các tổ chức trên chỉ thuần túy mang tính chất giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tài chính cho một số đối tượng gặp khó khăn trong xã hội chứ không giải quyết được tận gốc các vấn đề xã hội đó, ví dụ: hỗ trợ tài chính cho người nghèo, người lao động bị thất nghiệp nhưng không hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho những đối tượng này, vv…Trong khi đó, với phương châm “cho cần câu hơn cho xâu cá”, doanh nghiệp xã hội xác định nhóm đối tượng mà doanh nghiệp cần trợ giúp, sau đó tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho họ từ chính lợi nhuận của doanh nghiệp, theo đó góp phần giải quyết tận gốc các vấn đề của xã hội. 

Thứ ba: Doanh nghiệp xã hội thực hiện tái phân phối lợi nhuận để phục vụ mục tiêu xã hội 

Đối với doanh nghiệp thông thường, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh sau khi được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước sẽ được sử dụng để chia cho các thành viên, tái đầu tư hoặc trích lập vào một số quỹ theo tỷ lệ do công ty quyết định như: quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, vv… 

Doanh nghiệp xã hội, với tư cách là một doanh nghiệp, cũng thực hiện hoạt động kinh doanh và thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đó; tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội lại không thực hiện việc phân phối lợi nhuận như doanh nghiệp thông thường mà sử dụng lợi nhuận đó để tái đầu tư với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội mà doanh nghiệp theo đuổi. Điều đó có nghĩa là các doanh nhân khi đầu tư vào doanh nghiệp xã hội không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân 

mình mà hướng tới việc giúp đỡ cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, đói nghèo hay môi trường. Trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành, việc áp dụng cách thức nào, quyết định trích bao nhiêu % lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp xã hội hay bản thân chủ sở hữu/người sáng lập của các doanh nghiệp đó. Hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp xã hội bắt buộc phải trích ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. 

Trước đây, khi chưa có khung pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp xã hội thì mô hình doanh nghiệp này- với tính chất là một tổ chức kinh tế được thành lập nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội sẽ được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động thông qua các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cụ thể. Chính những sự ưu đãi đặc biệt trong cơ chế chính sách dành cho doanh nghiệp xã hội đã khiến cho không ít doanh nghiệp được thành lập đội lốt doanh nghiệp xã hội chỉ để được hưởng ưu đãi về chính sách mà không thực hiện bất cứ mục tiêu xã hội nào trên thực tế.

Trong khi đó, các tổ chức hoạt động thực chất lại rất khó khăn trong việc tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ vì bản thân các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, khi Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp xã hội với những tiêu chí nhận diện cụ thể thì những tổ chức hoạt động theo đúng mô hình doanh nghiệp xã hội sẽ được “đối xử” đúng với những gì mà doanh nghiệp này xứng đáng được nhận.

Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể về các tiêu chí nhận diện doanh nghiệp xã hội cũng góp phần “quy hoạch” lại các tổ chức vẫn được coi là doanh nghiệp xã hội trên thực tế. Theo đó, chỉ khi một tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật đưa ra thì tổ chức đó mới là doanh nghiệp xã hội. Một số công ty như Công ty cổ phần Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ Nghị lực sống, Công ty TNHH thủ công Mai Mai, hay Công ty cổ phần Tò He chính là những mô hình doanh nghiệp xã hội điển hình ở Việt Nam hiện nay. 

Có thể nói, các vấn đề xã hội như đói nghèo, thất nghiệp, tệ nạn ma túy, mại dâm, hay ô nhiễm môi trường… không chỉ thuộc về trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào trong xã hội mà là trách nhiệm của Nhà nước.

Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước chỉ có hạn, đặt trong bối cảnh các khoản viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ các quốc gia trên thế giới đang giảm dần, nên Nhà nước sẽ không thể một mình giải quyết tốt được tất cả các vấn đề xã hội đang được đặt ra là một hệ quả tất yếu của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Chính vì vậy, sự chung tay giúp sức của các tổ chức phi chính chủ, tổ chức xã hội, các quỹ từ thiện và đặc biệt là các doanh nghiệp xã hội sẽ giúp san sẻ trách nhiệm này đối với Nhà nước, qua đó góp phần ổn định tình hình kinh tế – xã hội của quốc gia.

>>>>> Tham khảo thêm: Thành lập Doanh nghiệp

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi