Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 599 Lượt xem

Thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là cá nhân, tổ chức có quốc tịch nước ngoài, thành lập ở nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư ở Việt Nam.

Khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 

Trong nhiều năm trở lại đây, sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xem như nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của Việt Nam.Chủ thể này được thành lập và hoạt động nhiều ở nước ta sau khi Đảng và Nhà nước xây dựng và thực thi đường lối đổi mới khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là cá nhân có quốc tịch nước ngoài và tổ chức được thành lập ở nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Để tham gia hoạt động đầu tư Việt Nam, họ có thể lựa chọn nhiều cách thức, một trong số đó có hình thức thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp vốn, mua cổ phần vào một tổ chức kinh tế ở Việt Nam để hình thành nên các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. 

Văn bản pháp luật đầu tiên ở Việt Nam chính thức ghi nhận và khẳng định vị trí pháp lý của doanh nghiệp có vốn nước ngoài đó là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam số 4-HĐNN8 của Quốc hội ban hành ngày 29/12/1987. Thời điểm đó doanh nghiệp có vốn nước ngoài được biết đến với tên gọi xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo quy định tại Điều 2 của luật này: 

“Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” gồm xí nghiệp liên doanh và xí nghiệp 100% vốn nước ngoài”. Trong đó “Xí nghiệp liên doanh” là xí nghiệp do Bên nước ngoài và Bên Việt Nam hợp tác thành lập tại 

Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài. Và “Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài” là xí nghiệp do các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư 100% vốn và được Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập tại Việt Nam. 

Cách gọi tên này là phù hợp và thống nhất với các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh thương mại tại Việt Nam giai đoạn sau đổi mới đến trước năm 1990. Với quy định trên chúng ta có thể hiểu tiêu chí để xác định một xí nghiệp là xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó chính là dựa vào tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào trong xí nghiệp thành lập ở Việt Nam. Cụ thể tại giai đoạn này, tỉ lệ đó là theo thỏa thuận trong hợp đồng nếu đó là xí nghiệp liên doanh và là 100% với xí nghiệp 100% vốn nước ngoài. 

Tuy nhiên từ năm 1990, khi đồng loạt xuất hiện các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động thương mại như: Luật Công ty năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990… thuật ngữ “xí nghiệp không được dùng để chỉ chủ thể kinh doanh nữa mà người ta dùng thuật ngữ này để chỉ đơn vị chuyên thực hiện hoạt động sản xuất. Chủ thể kinh doanh thương mại mà trước kia được gọi là xí nghiệp giờ chuyển thành doanh nghiệp.

Do đó, qua các lần sửa đổi và đến khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 ra đời (sửa đổi bổ sung năm 2000) thay thế cho Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, tên gọi “xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đổi thành “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” và thuật ngữ này được sử dụng cho tới nay.

Dù có sự thay đổi về tên gọi nhưng xét về mặt nội dung thì Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2000) vẫn sử dụng cách hiểu của “xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” trong Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 để đưa ra định nghĩa về “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Theo đó tại Khoản 6 Điều 2 của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 vẫn quy định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” gồm doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó hai hình thức này lại được giữ nguyên cách thức định nghĩa như trước đây. 

Khi Luật Đầu tư năm 2005 ra đời dựa trên yêu cầu thống nhất pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư, xóa bỏ hiệu lực của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2000), các nhà làm luật lại đưa ra cách định nghĩa khác về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khoản 6 Điều 3 của Luật này có quy định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại”.

Cũng vẫn dựa trên vấn đề sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài những khái niệm này không đưa ra một tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp để làm căn cứ xác định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà chỉ rõ cụ thể các hình thức hình thành nên một doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam có thể do nhà đầu tư nước ngoài thành lập mới, hoặc mua cổ phần… 

Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực ngày 01/07/2015 lại không trực tiếp đưa ra khái niệm về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà đưa ra khái niệm về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.

Tại khoản 1, Điều 3 của Luật này thì nêu rõ: “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”. Từ hai quy định này chúng ta có thể hiểu rằng: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông

Có thể thấy qua mỗi một giai đoạn phát triển, pháp Luật Đầu tư và các lĩnh vực có liên quan lại có góc độ tiếp cận khác nhau và đưa ra cách hiểu khác nhau về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng tựu chung lại, các nhà làm luật vẫn nhấn mạnh đến việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và việc sở hữu vốn của họ trong một doanh nghiệp tại Việt Nam, đây là yếu tố quan trọng để hình thành nên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Dựa trên quy định của pháp luật thực định, và hoạt động thực tiễn của chủ thể kinh doanh này, có thể hiểu một cách chung nhất: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam trong đó có sự tham gia của các cá nhân mang quốc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập ở nước ngoài với tư cách là chủ sở hữu sở hữu toàn bộ hoặc một phần vốn trong doanh nghiệp. 

Đặc điểm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Về chủ đầu tư 

Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải có sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập ở nước ngoài, họ chịu sự chi phối lớn của quốc gia mà họ mang quốc tịch.

Nhưng khi thực hiện đầu tư vào một tổ chức kinh tế ở Việt Nam, cụ thể là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, thì các nhà đầu tư nước ngoài này phải đáp ứng được các điều kiện về chủ thể kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài này phải không thuộc vào các trường hợp bị cấm thành lập, góp vốn, mua cổ phần, quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan. 

Một đặc trưng nữa liên quan đến chủ đầu tư của doanh nghiệp có vốn nước ngoài đó chính là tỷ lệ vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp. Các nhà đầu tư này có thể sở hữu từ trên 0% đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Việc họ sở hữu tỷ lệ vốn góp bao nhiêu không chỉ quyết định đến quyền và nghĩa vụ của họ mà còn quyền định đến việc áp dụng quy định pháp luật nào đối với doanh nghiệp đó.

Cùng được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng nếu như có sự khác biệt về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thì có thể sẽ có những quy định khác nhau về điều kiện, thủ tục khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ đó sẽ do pháp luật quy định theo từng giai đoạn cụ thể.

Về hình thức tổ chức

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được tổ chức dưới các hình thức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, ở Việt Nam có bốn hình thức doanh nghiệp là: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Trước đây, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chịu sự điều chỉnh của hệ thống quy định pháp luật riêng, tách bạch so với các nhà đầu tư trong nước thì hình thức tổ chức của loại doanh nghiệp này do các nhà làm luật định sẵn.

 Với quan điểm hạn chế rủi ro một cách tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài và cũng để phục vụ cho mục đích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cùng với việc đảm bảo yêu cầu quản lý lúc bấy giờ, pháp luật quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tồn tại ở hai hình thức đó là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Tuy nhiên, hiện nay khi chúng ta xây dựng sân chơi chung, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, thì pháp luật không còn ấn định hình thức tổ chức riêng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng giống như các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của mình để thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. 

Do đó, bản thân họ sẽ chủ động hơn trong việc tìm hiểu và lựa chọn hình thức tổ chức. Căn cứ theo pháp luật doanh nghiệp về mỗi loại hình doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn, thì hình thức tổ chức có thể là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 100% vốn thì hình thức tổ chức là các loại hình công ty: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. 

Về tư cách pháp lý

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà họ đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam. Trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân (không có tư cách pháp nhân), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo các hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh đều có tư cách pháp nhân. 

Trong quan hệ kinh doanh thương mại, yếu tố được đặc biệt chú trọng đó chính là sự độc lập về mặt tài sản. Với yếu tố này doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới có thể hạn chế được rủi ro và có thể mở rộng hoạt động của mình thông qua một số những quan hệ đặc thù như: góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức kinh tế khác. 

Về trách nhiệm tài sản 

Trách nhiệm tài sản được hiểu là sự phân chia trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp, chỉ được đặt ra khi doanh nghiệp đó phá sản hoặc giải thể. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ có thể là một cá nhân có quốc tịch nước ngoài.

Do không có sự phân tách về mặt tài sản giữa chủ sở hữu và doanh nghiệp nên chủ sở hữu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp này sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp,hoàn toàn không có sự phân định xem tài sản đó có đưa vào kinh doanh hay không. 

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập dưới hình thức là các loại hình công ty (có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức), do có tư cách pháp nhân, nên trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong trường hợp này được phân tách rõ ràng thành: trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp và trách nhiệm tài sản của các nhà đầu tư là thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp đó.

Về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng toàn bộ vốn và tài sản của doanh nghiệp. Còn đối với các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định tương ứng đối với hình thức tổ chức của doanh nghiệp.

Nếu tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các nhà đầu tư sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Nếu hình thức tổ chức là công ty hợp danh, các nhà đầu tư là thành viên hợp danh của công ty này sẽ phải cùng nhau chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, nếu là thành viên góp vốn thì chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi