Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Pháp luật về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 668 Lượt xem

Pháp luật về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Bài viết này chúng tôi sẽ viết về nội dung pháp luật về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như thế nào?

Vấn đề điều chỉnh pháp luật đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ra đời và phát triển cùng với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ngay từ khi có sự xuất hiện của chủ thể này trên thị trường thì vấn đề điều chỉnh pháp luật đối với doanh nghiệp này đã được đặt ra và luôn dành được sự chú tâm đặc biệt từ phía các nhà làm luật.

Có thể thấy từ khi được xây dựng cho đến nay, hệ thống các quy định của pháp luật đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên tục có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thể hiện rõ thái độ của nhà nước ta đối với chủ thể kinh doanh này. 

Ngay từ khi vừa thống nhất đất nước, Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 4 năm 1976 có nêu rõ: “Việc đẩy mạnh quan hệ phân chia và hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế và phát triển các quan hệ kinh tế với các nước khác có một vai trò vô cùng quan trọng”.

Thực hiện chủ trương đúng đắn đó của Đảng, chúng ta đã bắt tay vào xây dựng các quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm này, việc mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài vào nước ta vẫn còn dè dặt, bởi lẽ chúng ta nhận thấy sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tác động đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng mạnh đến vấn đề chính trị – xã hội, ngoại giao, nhất là khi chúng ta lại vừa trải qua trận chiến đấu khốc liệt bảo vệ tổ quốc khỏi giặc ngoại xâm thì vấn đề này càng cần phải lưu tâm.

 Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển kinh tế, nhà nước ta đã xây dựng hệ thống pháp luật riêng biệt dành cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng tách biệt hẳn so với các nhà đầu tư trong nước.

Văn bản pháp lý đầu tiên quy định về đầu tư nước ngoài là Nghị định 115/CP của Chính phủ ban hành ngày 18/4/1977 kèm theo Điều lệ về đầu tư của nước ngoài. Điều lệ về đầu tư của nước ngoài năm 1977 đã bước đầu ghi nhận và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định trong Điều lệ còn sơ sài, đơn giản, không cụ thể, quy định rất ít về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thực thi không cao. 

Xuất phát từ những yêu cầu khách quan của đời sống kinh tế xã hội và đòi hỏi môi trường pháp lý cao hơn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhà nước ta đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987.

 Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được soạn thảo dựa trên nội dung cơ bản của Điều lệ về đầu tư của nước ngoài năm 1977, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới. Luật bao gồm 06 chương và 42 Điều, trong đó có đưa ra định nghĩa về “xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, khẳng định địa vị pháp lý và đưa ra những quy định cơ bản về cách thức hoạt động của loại hình đầu tư này.

 Luật này được xem là đạo luật đầu tiên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả trên thực tế. Trong quá trình phát triển, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất vào năm 1990, lần thứ hai vào năm 1992 và đến năm 1996 đã được thay thế bằng Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mới, và Luật này cũng được sửa đổi bổ sung năm 2000.

Sau khi sửa đổi bổ sung nhiều lần, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã tạo ra môi trường pháp lý để những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động, góp phần đáng kể vào trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, có một vấn đề lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lúc này được áp dụng hệ thống pháp luật riêng biệt, các quy định có phần khắt khe và thắt chặt hơn so với các nhà đầu tư trong nước. Điều này dường như không phù hợp với cơ chế thị trường và đòi hỏi hội nhập kinh tế, quốc tế trong thời kì mới.

Cũng vì thế mà số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam lúc bấy giờ là không đáng kể. Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường pháp lý, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, tạo một sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động đầu tư, năm 2005 Quốc Hội đã ban hành Luật Đầu tư và có hiệu lực từ 1/7/2006 thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

Kể từ thời điểm này, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư được quy định chung trong một đạo Luật, Luật Đầu tư năm 2005 cũng vừa mới được thay thế bởi Luật Đầu tư năm 2014 ban hành ngày 26/11/2014 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015. Điểm khác căn bản với Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước đây là Luật Đầu tư 2005 đến Luật Đầu tư năm 2014 đều chỉ đề cập đến những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, còn các nội dung liên quan đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì chuyển sang Luật Doanh nghiệp điều chỉnh, các mức ưu đãi về thuế chuyển sang quy định tại các văn bản pháp luật về thuế và các nội dụng mang tính chất đặc thù thì dẫn chiếu sang pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.

Đây là cách thức hiệu quả để tạo nên một hệ thống pháp luật đầy đủ, tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển ngày càng mạnh mẽ về cả số lượng lẫn hiệu quả kinh tế. 

Luật Đầu tư năm 2014 cùng với Luật Doanh nghiệp hiện hành là Luật Doanh nghiệp năm 2015 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành, điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở những nội dung chính như sau: 

– Khái niệm và phạm vi hoạt động

– Hình thức pháp lý 

– Thành lập và hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 

– Quy chế pháp lý về vốn, thành viên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

– Tổ chức, quản lý trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 

– Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số các nội dung khác… 

Nhìn chung những quy định về doanh nghiệp có vốn nước ngoài hiện nay gần như không có sự phân biệt với các doanh nghiệp của nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, do đặc thù của chủ thể, và do yêu cầu của công tác quản lý, nên vẫn có một số quy định riêng được đặt ra với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xét trên khía cạnh đầu tư, nhà làm luật căn cứ vào tỷ lệ số vốn nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trong doanh nghiệp để áp dụng quy định khác nhau đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được coi như là nhà đầu tư nước ngoài và phải áp dụng các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài về thủ tục đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần… khi  thuộc một trong các trường hợp sau: 

– Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; 

– Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; 

– Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.” 

Trong khoản 2 của Điều này cũng nêu rõ nếu không thuộc các quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Như vậy có những trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được coi như nhà đầu tư nước ngoài (khi doanh nghiệp có phần vốn đầu tư nước ngoài chi phối) và có những trường hợp được coi như các nhà đầu tư trong nước (khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn mức chi phối). 

Một số quy định riêng về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

– Quy định về thủ tục đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, tất cả các dự án thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều thuộc diện phải thực hiện thủ tục đầu tư. (Nội dung này được trình bày cụ thể tại Chương 13 của cuốn sách).

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xin cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam. Hoạt động mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại cơ bản và phổ biến mà các doanh nghiệp thực hiện trên thị trường.

Thông thường, doanh nghiệp được phép thực hiện mua bán hàng hóa phù hợp với ngành nghề kinh doanh của mình, trừ những hàng hóa hạn chế lưu thông thì cần phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động này pháp luật lại có những quy định riêng.

Cụ thể Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2007/NĐ CP ngày 12/02/2007 để điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi muốn thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa ở Việt Nam thì phải xin giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền TH 2 Điều 4 của Nghị định có quy định về điều kiện để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hoá tại Việt Nam, bao gồm: 

– Là nhà đầu tư thuộc các nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và trong Điều ước quốc tế đó Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; 

– Hình thức đầu tư phù hợp với lộ trình đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với pháp luật Việt Nam; 

– Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam; 

– Phạm vi hoạt động phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam; 

– Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. 

Theo quy định của Điều 5 Nghị định này và Thông tư 08/2013/TT BCT ngày 22/04/2013 của Bộ Công thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được xác định như sau: 

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm cấp Giấy phép kinh doanh để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến, mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thương mại nay là Bộ Công thương. 

– Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam có đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì nộp hồ sơ để làm thủ tục đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư.

Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư lấy ý kiến của Bộ Công thương và chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Công thương chấp thuận bằng văn bản. Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận đầu tư có giá trị đồng thời là Giấy phép kinh doanh. 

– Trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đề nghị bổ sung kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu mà không kinh doanh phân phối hoặc các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư căn cứ vào lộ trình mở cửa thị trường trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cấp hoặc bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư, không cần chấp thuận của Bộ Công thương.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có quyền phân phối được lập cơ sở bán lẻ thứ nhất mà không phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định. Việc lập thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo hướng dẫn của Bộ Công thương

– Các văn bản pháp luật này cũng có quy định chi tiết về vấn đề thủ tục cấp các loại giấy phép đối với hoạt động mua bán hàng hóa (bán buôn, bán lẻ), xuất khẩu, nhập khẩu… đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Những quy định này đến nay vẫn còn hiệu lực và thực sự cần thiết trong việc cụ thể hóa điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài theo tinh thần của Luật Đầu tư, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh và cũng là công cụ để các cơ quan nhà nước thực hiện quyền quản lý hiệu quả đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi