Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Bảo hiểm xã hội Mức hưởng bảo hiểm tai nạn lao động như thế nào?
  • Thứ ba, 22/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 609 Lượt xem

Mức hưởng bảo hiểm tai nạn lao động như thế nào?

Người sử dụng lao động là người thuê lao động, có quyền tổ chức và quản lý quá trình lao động của người lao động, vì vậy hệ quả tất yếu là họ phải chịu trách nhiệm về những rủi ro xảy ra trong quá trình lao động làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng, đời sống của người lao động, đặc biệt trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ngoài điều kiện hưởng bảo hiểm thì mức hưởng bảo hiểm tai nạn lao động như thế nào? là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Đối tượng và điều kiện hưởng bảo hiểm 

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây thì được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 

– Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại hoặc trực tiếp tiếp xúc với môi trường độc hại theo danh mục do Nhà nước quy định bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm do Bộ y tế và Bộ lao động, thương binh và xã hội quy định và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. 

Trường hợp người lao động bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp trong thời gian làm việc trong điều kiện lao động bình thường hoặc không tiếp xúc với các chất độc hại có liên quan tới bệnh đó thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân và nguồn gốc dẫn tới bệnh.

Nếu trước đó người lao động đã từng làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và bệnh của họ chính là hậu quả của thời gian làm việc đó thì cần lưu ý tới thời gian bảo đảm của bệnh nghề nghiệp.

Thời gian bảo đảm còn cho tới khi phát bệnh thì người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp. Ngược lại, thời gian bảo đảm đã hết thì người lao động chỉ được hưởng bảo hiểm theo chế độ ốm đau.

Như vậy, bệnh án, xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền, biên bản xác nhận môi trường có yếu tố độc hại gây bệnh nghề nghiệp của cấp có thẩm quyền hay chứng nhận về thời hạn bảo đảm bệnh nghề nghiệp, biên bản giám định y khoa… đều là những giấy tờ cần thiết trong hồ sơ hưởng bảo hiểm của người lao động ở chế độ này.

 – Bị tai nạn tai nạn lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên 

Các trường hợp được coi là tai nạn lao động tuỳ thuộc vào mục đích điều chỉnh pháp luật của Nhà nước ở từng thời kỳ.

Trong cơ chế tập trung bao cấp, Nhà nước là chủ sử dụng lao động của toàn bộ lực lượng lao động trong xã hội, các trường hợp được coi là tai nạn lao động được xác định rất rộng.

Ngoài những trường hợp người lao động bị tai nạn trong khi đang thực hiện nghĩa vụ lao động, bất kỳ ai tham gia vào việc cứu tài sản của Nhà nước mà bị tai nạn cũng được tính là tai nạn lao động và được hưởng bảo hiểm như người lao động bị tai nạn lao động.

Quy định này của Nhà nước, xét về phương diện khoa học là chưa phù hợp.

Hiện nay những đối tượng này sẽ được áp dụng chế độ đãi ngộ khác của Nhà nước một cách hợp lý hơn (ví dụ: chế độ đối với người có công với nước).

Các trường hợp được bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định hiện hành bao gồm: bị tai nạn bệnh (do yếu tố độc hại trong môi trường lao động trước đó gây ra) sẽ được tính là bệnh nghề nghiệp và được hưởng bảo hiểm xã hội theo chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.

Vào thời điểm rời khỏi môi trường lao động có yếu tố độc hại người lao động chưa bị bệnh trong giờ làm việc tại nơi làm việc; bị tai nạn ngoài nơi làn việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động: bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc của người lao động (trên tuyến đường hợp lý và trong khoảng thời gian hợp lý).

Biên bản xác định hoặc biên bản điều tra tai nạn lao động của cấp có thẩm quyền; giấy ra viện, biên bản giám định y khoa… là những giấy tờ cần thiết trong hồ sơ xét hưởng bảo hiểm của người lao động trong trường hợp này.

Các loại và mức bảo hiểm

 – Người sử dụng lao động là người thuê lao động, có quyền tổ chức và quản lý quá trình lao động của người lao động, vì vậy hệ quả tất yếu là họ phải chịu trách nhiệm về những rủi ro xảy ra trong quá trình lao động làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng, đời sống của người lao động, đặc biệt trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ngoài việc phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động còn phải trực tiếp chịu trách nhiệm về những vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra trong đơn vị mình, trước hết là trách nhiệm đối với người lao động hoặc gia đình họ, tiếp sau là trách nhiệm đối với Nhà nước, xã hội. 

Trước khi Nhà nước ban hành Nghị định số 218/CP ngày 27/12/1961 việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chưa được thực hiện ở nước ta.

Vì vậy, các đơn vị sử dụng lao động phải chịu toàn bộ phí tổn có liên quan tới người bị tai nạn lao động, như: chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp…

Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, về thực chất, trách nhiệm này được chuyển sang Nhà nước. Nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động bị tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp với tư cách một người sử dụng lao động và với tư cách là người thực hiện bảo hiểm xã hội đồng thời là chủ thể quản lý xã hội.

Nền kinh tế thị trường với sự tồn tại và phát triển của nhiều thành phần kinh tế là cơ sở quan trọng để tách bạch các quan hệ xã hội, trả chúng về đúng vị trí.

Lúc này, tư cách của người sử dụng lao động và người thực hiện bảo hiểm xã hội đã được phân định rõ ràng. Trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chia sẻ cho người sử dụng lao động, bảo hiểm xã hội, Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Như vậy, người sử dụng lao đông không phải trực tiếp chịu trách nhiệm về toàn bộ những chi phí có liên quan đối với bản thân và gia đình của người lao động như các giai đoạn trước đây mà một phần trách nhiệm đã được chuyển dịch cho cơ quan bảo hiểm xã hội. 

Theo quy định hiện nay, người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm sơ cứu, đưa người lao động đi cấp cứu và thanh toán toàn bộ chi phí y tế, tiền lương cho người lao động đến khi điều trị ổn định thương tật; bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động (hoặc gia đình của người đã chết) không thấp hơn mức tối thiểu do Nhà nước quy định.

Hoàn tất hồ sơ cho người lao động hoặc gia đình của người đã chết hưởng bảo hiểm xã hội từ quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật hoặc bồi thường cho người lao động nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho học bố trí công việc khác phù hợp với sức khoẻ và thực hiện đúng nghĩa vụ theo dõi, chăm sóc sức khoẻ theo một chế độ riêng cho người lao động này (nếu họ còn tiếp tục làm việc tại đơn vị). 

Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội phát sinh kể từ khi người lao động điều trị ổn định thương tật (ra viện).

Các loại và mức bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động từ quỹ bảo hiểm xã hội tuỳ thuộc vào hiện trạng sức khoẻ, kết quả giám định y khoa, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của họ và phải tính đủ các loại chi phí thiết yếu nhằm bù đắp thiệt hại, tháo gỡ khó khăn và phục vụ cho cuộc sống của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cùng một lúc, người lao động có thể được hưởng đồng thời nhiều loại trợ cấp trong chế độ này và có thể được hưởng chế độ bảo hiểm khác nếu đủ điều kiện. 

Cụ thể, người lao động có thể được hưởng các loại trợ cấp với các mức tương ứng như sau từ quỹ bảo hiểm xã hội: 

– Giám định y khoa: Các chi phí có liên quan đến việc giám định y khoa của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do bảo hiểm xã hội chi trả.

Giám định y khoa vừa là quyền lợi của người lao động, vừa là cơ sở để bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm tiếp theo cho ho.

– Trợ cấp thương tật, bệnh tật (gọi chung là trợ cấp thương tật):

Đây là chế độ chính áp dụng đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trợ cấp thương tật có thể được thực hiện một lần hoặc hàng tháng tuỳ vào mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động.

Mục đích của chế độ này là bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị giảm do giảm khả năng lao động hoặc thay thế thu nhập do người lao động không thể tiếp tục làm việc. Vì thế, các trường hợp trợ cấp thay thế tiền lương về nguyên tắc ít nhất phải đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người hưởng bảo hiểm.

Từ mục đích này, Nhà nước quy định cụ thể các loại và mức trợ cấp thương tật cho người lao động.

Theo Nghị định số 218/CP ngày 27/12/1961, trợ cấp thương tật của người lao động được tính theo lương chính (từ 1 đến 4 tháng lương chính đối với trường hợp trợ cấp một lần và từ 7% đến 70% lương chính đối với trường hợp trợ cấp hàng tháng tuỳ vào tỷ lệ thương tật) và tất cả những người không còn khả năng làm việc phải đảm bảo mức trợ cấp đủ để duy trì đời sống tối thiểu cho họ. 

Khi thực hiện chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội mới (1993), các mục đích trên vẫn được thực hiện song có sự điều chỉnh một cách cơ bản.

Tiền lương làm cơ sở tính trợ cấp là tiền lương trung bình của người lao động. Những người mất từ 5% đến 60% khả năng lao động được trợ cấp một lần (từ 2 đến 12 tháng lương trung bình), mất từ 61% đến 100% khả năng lao động được xếp hạng thương tật và trợ cấp hàng tháng (từ 50% đến 80% mức tiền lương trung bình/tháng).

Cơ sở thực tiễn của sự điều chỉnh này là những người lao động mất từ 61% khả năng lao động trở lên ít có khả năng tiếp tục làm việc. Vì vậy, họ có thể hoàn toàn mất thu nhập từ lao động, cần phải trợ cấp hàng tháng để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Còn những người khác mất sức lao động ở tỷ lệ thấp hơn được coi là vẫn còn khả năng tiếp tục làm việc và có lương, vì vậy, việc trợ cấp chỉ là tháo gỡ những khó khăn trước mắt của bản thân và gia đình họ.

Tuy nhiên, việc tính toán này vẫn chưa hoàn toàn hợp lý, bởi vì, dù tiếp tục đi làm song do bị suy giảm khả năng lao động mà người lao động phải chuyển công việc khác hoặc khó giữ được thu nhập cũ. Vì thế, không chỉ nhu cầu giải quyết khó khăn trước mắt mà cả nhu cầu bù đắp thiếu hụt về thu nhập cho cuộc sống hàng ngày của người lao động cũng cần được quan tâm và giải quyết. 

Pháp luật hiện hành đã giải quyết được một cách cơ bản vấn đề này đồng thời vẫn thực hiện mục đích đảm bảo đời sống tối thiểu cho những người lao động có nhiều khả năng phải nghỉ việc do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều này được thể hiện ở chỗ Nhà nước thực hiện bảo hiểm thương tật hàng tháng cho những người lao động bị suy giảm từ 31% khả năng lao động trở lên và mức trợ cấp hàng tháng nhìn chung đảm bảo mức sống tối thiểu trở lên cho các đối tượng suy giảm từ 61% khả năng lao động trở lên.

Trợ cấp thương tật hiện nay cho người lao động gồm 2 khoản: trợ cấp theo lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định (phụ thuộc vào tỷ lệ suy giảm khả năng lao động) và trợ cấp theo lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động đó). Cụ thể: 

Người lao động bị suy giảm từ 5% đến 30% khả năng lao động được trợ cấp một lần như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung.

Ngoài ra còn được hưởng thêm một khoản tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động đã đóng bảo hiểm từ một năm trở xuống thì được hưởng 0,5 tháng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng thêm 0,3 tháng. 

Người lao động bị suy giảm từ 31% khả năng lao động trở lên được trợ cấp hàng tháng kể từ ngày ra viện như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung.

Ngoài ra, hàng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Nếu người lao động đã đóng bảo hiểm từ một năm trở xuống được hưởng 0,5% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 0,3% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm. 

– Các chế độ khác kèm theo chế độ trợ cấp thương tật: Do sức khoẻ bị giảm sút hoặc bị tổn thương chức năng hoạt động của các bộ phận cơ thể… ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người lao động, vì vậy cùng với chế độ trợ cấp thương tật, người lao động còn được đảm bảo các điều kiện khác để giải quyết các nhu cầu mới phát sinh.

Các chế độ này bao gồm: trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt khi người lao động bị tổn thương hoạt động của chân, tay, răng, tai, mắt, cột sống: được trợ cấp phục vụ hàng tháng trong trường hợp người lao động bị tàn phế, không tự phục vụ được cho mình, được bảo hiểm y tế khi nghỉ việc, được giám định và điều chỉnh lại mức trợ cấp thương tật khi bị tái phát… 

– Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm hưu trí (hàng tháng hoặc một lần) thì đồng thời được hưởng cả hai chế độ (bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm hưu trí). 

– Trợ cấp cho gia đình của người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Khi người lao động bị chết, các chi phí hợp lý phát sinh từ việc chôn cất người chết cần phải được bù đắp. Hơn nữa, nguồn thu nhập, nguồn sống của gia đình họ sẽ bị thiếu hụt, gây ra khó khăn lớn cho đời sống chung của gia đình, đặc biệt là đối với những người mà khi sống người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng.

Pháp luật về bảo hiểm xã hội của Nhà nước ta thời kỳ nào cũng quy định việc trợ cấp bảo hiểm cho gia đình của người lao động trong trường hợp này. Khoản tiền này vừa có ý nghĩa động viên tinh thần vừa bù đắp các chi phí phát sinh và sự thiếu hụt nguồn nuôi dưỡng… cho thân nhân của người lao động. 

Hiện nay, Nhà nước quy định trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu), gia đình họ sẽ được bảo hiểm xã hội trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu và hưởng chế độ mại tháng phí bằng 10 tháng tiền lương tối thiểu.

Cùng với các chế độ này, thân nhân của người lao động đã chết sẽ được hưởng chế độ tiền tuất một lần hoặc hàng tháng từ quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Chế độ trợ cấp một lần sẽ không áp dụng trong trường hợp người lao động chết sau thời gian điều trị lần đầu, cho dù nguyên nhân là do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Chế độ tử tuất trong trường hợp này có hay không sẽ tuỳ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động hoặc người lao động đó có đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ quỹ bảo hiểm xã hội hay không. 

– Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phụ hồi sức khoẻ.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần, ngày đi và về (nếu nghỉ tại cơ sở tập trung). Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do Ban chấp hành công đoàn cấp cơ sở và người sử dụng lao động quyết định nhưng không được vượt quá mức tối đa do Nhà nước quy định.

Hiện nay, Nhà nước quy định thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tối đa là 10 ngày đối với người lao động suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tối đa là 7 ngày đối với người lao động suy giảm từ 31% đến 50% khả năng lao động và tối đa là 5 ngày đối với người lao động bị suy giảm từ 15% đến 30% khả năng lao động.

Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ một ngày của người lao động bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức tại nhà, bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức tại cơ sở tập trung. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (10 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thủ tục làm chế độ nghỉ chăm con ốm đau mới nhất

Chế độ nghỉ chăm con ốm đau là một quyền lợi của người lao động khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Người lao động được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm con ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội...

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không?

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau...

Người sử dụng lao động phải trả những chi phí nào cho người bị tai nạn lao động?

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy...

Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì có được nhận thêm trợ cấp khuyết tật không?

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao...

Khám dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi