Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Một số vấn đề hoạt động của công ty hợp danh
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 951 Lượt xem

Một số vấn đề hoạt động của công ty hợp danh

Một số vấn đề hoạt động của công ty hợp danh về tài sản và phòng tránh rủi ro trong hoạt động sẽ được chúng tôi đề cập ở bài viết này.

Tài sản của công ty hợp danh

Tài sản của công ty hợp danh bao gồm: 

Thứ nhất: Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty 

Như đã phân tích, cá nhân, tổ chức khi trở thành thành viên công ty hợp danh phải góp vốn vào công ty. Khi góp vốn, thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn của thành viên cho công ty không phải nộp lệ phí trước bạ, nhưng phải thực hiện để đảm bảo công ty có tài sản độc lập với các thành viên.

Thành viên có thể góp vốn bằng tiền đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ tự do chuyển đổi, giá trị quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị, tài sản hiện vật… Mặc dù ở công ty hợp danh, các thành viên liên kết với nhau bởi nhân thân, nhưng vì tài sản góp vốn chỉ trở thành tài sản của công ty khi đã được thành viên chuyển quyền sở hữu cho công ty.

Do vậy, có thể hiểu rằng, chỉ những tài sản hữu hình mới trở thành tài sản góp vốn của thành viên; còn những tài sản vô hình như kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, uy tín, danh tiếng… của thành viên khó có thể trở thành tài sản góp vốn vào công ty. 

– Toàn bộ phần vốn góp của thành viên hình thành vốn điều lệ của công ty. Vốn điều lệ là phần quan trọng nhất trong tài sản của công ty, là vốn thuộc quyền sở hữu của công ty. Đây là vốn do thành viên đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định. Nếu thành viên góp đủ, vốn điều lệ là toàn bộ phần vốn thành viên đã góp; còn nếu có thành viên không góp hoặc không góp đủ khi hết thời hạn cam kết, vốn điều lệ sẽ bị giảm tương ứng với số vốn không góp đủ hoặc không góp của thành viên, nếu các thành viên khác không góp để bù vào phần thiếu đó. 

Thứ hai: Tài sản tạo lập được mang tên công ty 

Công ty hợp danh trong quá trình kinh doanh có thể mua sắm được những tài sản phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của công ty. Tài sản này được mua bằng tiền của công ty để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của công ty. Do vậy, tài sản này được xác định là tài sản của công ty, được tạo lập mang tên công ty 

Thứ ba: Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do các thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ các hoạt động kinh doanh của công ty do các thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện 

Tài sản của công ty hợp danh còn bao gồm các tài sản do các thành viên hợp danh kiếm được từ hoạt động kinh doanh của mình. Hoạt động kinh doanh mà thành viên hợp danh thực hiện có thể nhân danh công ty hoặc nhận danh cá nhân, nhưng phải vì lợi ích của công ty. Khi phát sinh lợi nhuận, lợi nhuận này thuộc tài sản của công ty chứ không thuộc tài sản của thành viên hợp danh. Quy định này đã được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp 2005, đến Luật Doanh nghiệp 2014 đã được giữ nguyên, khẳng định sự linh hoạt trong hoạt động của thành viên hợp danh và sự đa dạng về tài sản của công ty hợp danh. 

Thứ tư: Các tài sản khác theo quy định của pháp luật 

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh có thể được tặng cho, được tài trợ, được nhận phần thừa kế của thành viên khi thành viên không có người thừa kế… Tất cả những tài sản đó đều là tài sản của công ty, công ty có quyền dùng để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh cũng như chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình. 

Chuyển nhượng vốn và huy động vốn trong công ty hợp danh 

– Chuyển nhượng vốn trong công ty hợp danh 

Thành viên công ty hợp danh có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác, khi họ muốn chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của mình. Việc chuyển nhượng phần vốn góp chia thành hai trường hợp: 

(i) Chuyển nhượng cho các thành viên còn lại trong công ty: thành viên hợp danh, thành viên góp vốn được tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên hợp danh, thành viên góp vốn còn lại. Việc chuyển nhượng này không làm phát sinh tư cách thành viên mới cho người nhận chuyển nhượng, cũng không làm thay đổi vốn điều lệ của công ty.

(ii) Chuyển nhượng cho người không phải thành viên công ty: thành viên hợp danh, thành viên góp vốn chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người không phải là thành viên công ty khi được các thành viên hợp danh còn lại đồng ý. Việc chuyển nhượng này chỉ làm phát sinh tư cách thành viên công ty cho người nhận chuyển nhượng, nếu được sự nhất trí của các thành viên hợp danh; nếu không sẽ không hợp pháp. Việc chuyển nhượng này khá chặt chẽ, vì làm phá vỡ tính chất liên kết về nhân thân của công ty hợp danh. 

– Huy động vốn trong công ty hợp danh 

Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào để công khai huy động vốn trong công chúng, do vậy, khi có nhu cầu về vốn, công ty hợp danh có thể huy động vốn bằng cách sau: 

+ Vay tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước

+ Vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng

+ Liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức khác

+ Nhận viện trợ

+ Các hình thức tín dụng đặc biệt. 

Các hình thức huy động vốn này làm tăng vốn hoạt động của công ty, có thể giúp công ty giải quyết những khó khăn về vốn trong kinh doanh, nhưng không làm tăng vốn điều lệ của công ty. So với công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, khả năng huy động vốn của công ty hợp danh thấp hơn.

Do vậy, công ty hợp danh không thích hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi vốn lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng mà chỉ thích hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi sự liên kết chủ yếu dựa vào nhân thân, vốn góp của thành viên không lớn và không phải là yếu tố quyết định.

Phòng tránh rủi ro pháp lý trong tổ chức và hoạt động của công ty hợp danh

Công ty hợp danh là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân, sự liên kết chủ yếu dựa vào nhân thân của các thành viên tham gia, sự góp vốn là yếu tố thứ yếu. Vì thế, công ty hợp danh thích hợp với các ngành nghề kinh doanh đòi hỏi trình độ chuyên môn của các thành viên như: tư vấn luật, khám chữa bệnh, tư vấn về kế toán, kiểm toán, thiết kế, xây dựng…

Để đầu tư kinh doanh dưới hình  thức hợp danh, kể cả trở thành thành viên hợp danh hay thành viên góp vốn, nhà kinh doanh cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Cụ thể: thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn, vì thế, nếu công ty hợp danh kinh doanh thua lỗ, gặp rủi ro trong hoạt động, thành viên hợp danh không chỉ chịu trách nhiệm bằng phần vốn đã góp vào công ty, mà chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình nếu tài sản công ty không đủ để thanh toán nợ.

Thành viên góp vốn cũng đối mặt với rủi ro khi bỏ tiền vào đầu tư tại công ty hợp danh nhưng bản thân họ không được quản lý công ty, không được quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của công ty đó.

Do vậy, để phòng chống rủi ro đối với thành viên công ty hợp danh, kể cả thành viên hợp danh hay thành viên góp vốn, điều quan trọng họ phải thực hiện là lựa chọn ngành nghề kinh doanh thích hợp với trình độ chuyên môn, năng lực của mỗi thành viên tham gia; đồng thời, ngành nghề đó phải tương đối an toàn, ít rủi ro trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn đối tượng để trở thành thành viên công ty hợp danh phải đạt được sự tin tưởng một cách tuyệt đối, vì hoạt động của bất cứ thành viên hợp danh nào nhân danh công ty cũng mang lại hậu quả pháp lý cho tất cả các thành viên còn lại của công ty. 

Đối với công ty hợp danh, việc kinh doanh của công ty cần phải hạch toán cụ thể, rõ ràng trong số sách kế toán; tránh tình trạng không hạch toán hoặc gian lận trong hạch toán kế toán dẫn đến tình trạng “lãi giả lỗ thật”. Đây là vấn đề mà các công ty hợp danh nhiều khi không coi trọng, vì các thành viên liên kết chủ yếu dựa vào nhân thân nên tin tưởng nhau.

Cùng với đó, cần có sự đoàn kết, nhất trí trong tổ chức quản lý nội bộ của công ty hợp danh, tránh trường hợp công ty kinh doanh không hiệu quả do tổ chức quản lý nội bộ không tốt, có mâu thuẫn giữa các thành viên công ty. Có như vậy, công ty hợp danh mới tồn tại lâu dài và bền vững, tạo uy tín để thu hút khách hàng, tạo niềm tin cho các đối tác của công ty và giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi