Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Đối tượng điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ?
  • Thứ bẩy, 13/05/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1376 Lượt xem

Đối tượng điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ?

Đối tượng điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ là các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể do việc sáng tạo, khai thác, sử dụng các sản phẩm trí tuệ.

Lao động sáng tạo là một trong các đặc tính của loài người. Trong quá trình lao động, con người đã không ngừng tìm cách cải tiến công cụ lao động và tạo ra công cụ lao động mới để giảm thiểu tối đa sức lao động và chi phí tạo ra thành phẩm. Cũng từ lao động, con người tạo ra các sản phẩm tinh thần nhằm thoả mãn nhu cầu về tinh thần của mình. Kết quả của lao động sáng tạo hình thành loại tài sản vô hình và chúng ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Cùng với việc con người tạo ra các sản phẩm trí tuệ, các quan hệ xã hội liên quan đến các sản phẩm trí tuệ cũng hình thành một cách khách quan. Do đặc tính của các quan hệ xã hội về các sản phẩm sáng tạo không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà còn mang tính quốc tế nên việc điều chỉnh các quan hệ này bằng các quy phạm pháp luật trở thành nhu cầu cấp thiết không chỉ trong mỗi quốc gia mà còn ở phạm vi quốc tế.

Với chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lấy mục tiêu vì con người làm trung tâm, Đảng và Nhà nước

đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những chính sách, pháp luật của nước ta nhằm khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế và hình thức sở hữu tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho mình và cho xã hội. Luật sở hữu trí tuệ là cơ sở pháp lí bảo vệ việc tạo ra các sản phẩm văn học, nghệ | thuật, khoa học và những giải pháp kỹ thuật phục vụ cho chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ bao gồm nhiều ngành luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp, nhất là trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tham gia nhiều điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, do vậy việc điều chỉnh quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ là tất yếu mang tính thời đại.

Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành giữa các chủ thể trong việc tạo ra, sử dụng và chuyển giao các sản phẩm sáng tạo trí tuệ, gồm các quan hệ về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Như vậy, đối tượng điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ là các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể do việc sáng tạo, khai thác, sử dụng các sản phẩm trí tuệ.

Phân loại đối tượng điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ 

Căn cứ vào các quan hệ do luật luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh có thể chia đối tượng điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ thành các nhóm sau: Quan hệ về đối tượng quyền tác giả; quan hệ về đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả; quan hệ về đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và quan hệ về đối tượng giống cây trồng mới.

– Quan hệ về quyền tác giả 

Theo quy định của pháp luật, mọi cá nhân đều có quyền sáng tạo. Sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được hình thành trong xã hội vì nó là nhu cầu không thể thiếu được của đời sống con người. Sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật được thực hiện theo ý chí chủ quan của chủ thể sáng tạo. Kết quả sáng tạo của cá nhân trong lĩnh vực này được thể | hiện dưới hình thức khách quan nhất định là đối tượng của quyền tác giả. Khi tác phẩm được hình thành, các quan hệ phát sinh do việc khai thác, sử dụng tác phẩm được luật pháp điều chỉnh. Mặt khác, khi tác phẩm được công bố, phổ biến thì tác phẩm không còn độc quyền chiếm hữu, sử dụng của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà mọi người đều có thể chiếm hữu, sử dụng tác phẩm đó. Chính vì vậy, các quan hệ xã hội về đối tượng của quyền tác giả cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật thì mới bảo đảm quyền lợi của người đã tạo ra tác phẩm, đồng thời bảo vệ được quyền của những người khác và của toàn xã hội. Tuỳ theo các điều kiện và hoàn cảnh khác nhau mà luật pháp của các nước có các quy định khác nhau để điều chỉnh quan hệ về quyền tác giả.

– Quan hệ về quyền liên quan 

Là các quan hệ xã hội phát sinh khi cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm thông qua hình thức biểu diễn, ghi âm, ghi hình, phát sóng chương trình… Có nhiều hình thức sử dụng tác phẩm khác nhau nhưng việc sử dụng các tác phẩm thông qua biểu diễn nghệ thuật, ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh được mã hoá có vai trò, vị trí đặc biệt do tính thương mại của chúng. Do đó, việc điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực này chiếm một vị trí quan trọng trong pháp luật về sở hữu trí tuệ.

– Quan hệ về quyền sở hữu công nghiệp 

Tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất tạo ra nhiều hàng hoá tốt, rẻ là một trong những mục tiêu của mọi nhà sản xuất. Để đáp ứng được yêu cầu đó thì các thiết bị, máy móc, công nghệ là những yếu tố không thể thiếu trong nền sản xuất hiện đại. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, con người không ngừng cải tiến công cụ lao động, tạo ra các giải pháp kĩ thuật… nhằm tăng năng suất lao động. Ngoài ra, những yếu tố tác động lên tâm lí của người tiêu dùng cũng là những thành tố tạo nên sự thành công của nhà sản xuất như: uy tín, tên doanh nghiệp, kiểu dáng và những dấu hiệu đặc biệt của hàng hoá… Tất cả những thành tố đó là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và việc công nhận kết quả của hoạt động sáng tạo là đối tượng sở hữu công nghiệp phải được pháp luật quy định.

Trên cơ sở đó, phát sinh quyền, nghĩa vụ của người sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ, của các chủ thể khác trong việc sử dụng, chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp. Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sử dụng, chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp.

– Quan hệ về quyền đối với với giống cây trồng 

Giống cây trồng được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Các giống cây có giá trị kinh tế cao luôn được các nhà khoa học và nhân dân quan tâm lại tạo và nhân giống. Để nâng cao giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của các loại giống cây trồng, các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng mới nhằm tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Để tạo ra giống cây trồng cần phải đầu tư thời gian, vật lực và trí lực, cho nên Nhà nước cần phải bảo hộ các quyền và lợi ích của các nhà khoa học tạo ra giống cây trồng mới.

Quá trình nghiên cứu, chọn, tạo và khai thác giống cây trồng mới phát sinh quan hệ giữa người nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng mới và các chủ thể khác. Những quan hệ này được pháp luật điều chỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ thể và được gọi là đối tượng điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ liên quan đến giống cây trồng mới.

Căn cứ vào tính chất của quan hệ về sở hữu trí tuệ, đối tượng điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ được phân thành các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.

– Quan hệ nhân thân do luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh 

Chỉ có con người mới có khả năng sáng tạo và thành quả của sáng tạo tinh thần là kết quả hoạt động có mục đích. Tuy nhiên, mỗi người có năng lực và nhận thức khác nhau về quy luật của tự nhiên, xã hội, do đó kết quả của hoạt động sáng tạo mang đậm dấu ấn của người đã tìm ra các quy luật đó.

Do sản phẩm trí tuệ mang dấu ấn của chủ thể sáng tạo cho nên tính nhân thân gắn liền với chủ thể đó, không thể dịch chuyển được cho chủ thể khác. Khi dấu ấn cá nhân trở thành giá trị nhân thân của con người thì Nhà nước cần phải bảo hộ giá trị tinh thần đó bằng pháp luật, ghi nhận giá trị nhân thân là quyền dân sự hay còn gọi là quyền nhân thân.

– Trong các quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ, mối liên hệ giữa quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được thể hiện là các sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra thì chủ thể sáng tạo trước tiên có các quyền nhân thân và khi đã có các quyền nhân thân thì quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.

Quan hệ nhân thân trong quan hệ pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ là tiền để làm phát sinh quan hệ tài sản. Quyền nhân thân trong quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ gồm có hai nhóm: Nhóm quan hệ nhân thân gắn liền với chủ thể sáng tạo, không thể chuyển giao thông qua giao dịch và nhóm quan hệ nhân thân liên quan đến tài sản được thể hiện khi sản phẩm trí tuệ được sử dụng, chuyển giao.

Trong quan hệ về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả thì một số quyền nhân thân theo tính chất không thể chuyển dịch cho người khác và các quyền đó gắn với tác giả vô thời hạn (quyền được đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm công bố, sử dụng; quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, công trình).

– Quan hệ tài sản do luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh 

Quyên nhân thân được xác lập trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là tiền đề của quyền tài sản, giữa hai quyền này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong lĩnh vực sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và quyền liên quan thì quan hệ tài sản phát sinh thông qua các hành vi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. Ví dụ: Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả dược hưởng tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác do cho người khác công bố, sử dụng tác phẩm. Ngoài ra, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có quyền chuyển nhượng và chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan thông qua các giao dịch dân sự, thương mại.

Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới bằng công sức và chi phí của mình có quyền tài sản trong việc sử dụng, cho phép người khác sử

dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ. Quyền tài sản của chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp còn phát sinh do có việc chuyển nhượng các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng hoặc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.

 Đặc điểm đối tượng điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ 

Căn cứ vào tính chất của các quan hệ về quyền sở sở hữu trí tuệ, đối tượng điều chỉnh của luật sở hữu trí tuệ không những có những đặc điểm chung của quan hệ pháp luật dân sự mà còn có những đặc điểm riêng. Tuỳ thuộc vào từng quan hệ mà chủ thể tham gia, có quan hệ mang tính nhân thân hoặc mang tính tài sản. Tuy nhiên, có quan hệ vừa mang tính nhân thân vừa mang tính tài sản.

Ví dụ: Cho người khác công bố tác phẩm ra công chúng (khoản 3 Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ).

– Quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ mang tính chất nhân thân:

Quyền sở hữu trí tuệ phát sinh do việc sáng tạo ra các sản phẩm thuộc đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được chia làm hai nhóm: Nhóm đối tượng không áp dụng vào sản xuất kinh doanh, không khai thác về mặt thương mại và nhóm đối tượng được áp dụng vào sản xuất kinh doanh, được khai thác về mặt thương mại.

Đối với nhóm thứ nhất, quyền nhân thân của chủ thể sáng tạo được hình thành vào thời điểm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện dưới hình thức khách quan.

Ví dụ: Quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả, quyền sửa chữa tác phẩm…

Đối với nhóm thứ hai, các tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, có quyền nhân thân đối các sản phẩm trí tuệ thuộc quyền sở hữu công nghiệp do mình sáng tạo ra. Ví dụ: Quyền đứng tên trong văn bằng bảo hộ và các tài liệu liên quan, quyền nhận các giải thưởng…

Ngoài ra, các chủ thể khác có quyền nhân thân trong việc khai thác, sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ, như quyền đối với tên thương mại, quyền đứng tên trong văn bằng bảo hộ, uy tín của nhãn hiệu…

– Quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ mang tính chất tài sản 

Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ có các quyền nhân thân là tiền đề của quyền tài sản. Trên cơ sở tác phẩm được sáng tạo, quyền tài sản được xác lập khi tác giả công bố tác phẩm, công trình. Đối với chủ sở hữu quyền tác giả, quyền tài sản phát sinh khi khai thác, sử dụng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Trong quan hệ sở hữu công nghiệp, quyền tài sản của chủ sở hữu công nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh và chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp thông qua các hợp đồng dân sự hoặc thương mại.

>>>>>> Tìm hiểu thêm bài viết: Thủ tục Đăng ký sở hữu trí tuệ

Đánh giá bài viết:
5/5 - (10 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi