Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Dân sự Quyền tài sản là gì? Quyền tài sản trong Luật sở hữu trí tuệ
  • Thứ tư, 24/05/2023 |
  • Tư vấn Luật Dân sự |
  • 1334 Lượt xem

Quyền tài sản là gì? Quyền tài sản trong Luật sở hữu trí tuệ

Quyền tài sản là một quy định không mới và nó là một loại tài sản theo theo quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015. Cùng Luật Hoàng Phi tìm hiểu về loại tài sản này trong bài viết.

Quyền tài sản là gì?

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác theo Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015.

Quy định pháp luật về quyền tài sản như thế nào?

Khi đề cập đến tài sản nói chung và quyền tài sản nói riêng, sự cần thiết phải thống nhất một số vấn đề về quyền tài sản.

Khi BLDS năm 2005 được ban hành, quyền tài sản được quy định tại Điều 163, là một yếu tố của tài sản. BLDS năm 2015 quy định về quyền tài sản cùng các tài sản khác tại Điều 105 và Điều 115 BLDS quy định rõ quyền tài sản. Quyền tài sản là một quy định không mới và nó là một loại tài sản theo theo quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015.

Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015 đã khắc phục được hạn chế của BLDS năm 2005 là làm rõ nội hàm của quyền tài sản. BLDS năm 2005 không có quy định phân loại quyền tài sản.

Cả hai BLDS năm 2005 và 2015 quy định quyền tài sản là tài sản, mà không xác định quyền tài sản thuộc bất động sản hay động sản. Điều 115 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền”. Quy định này như một | tình huống, giải pháp để giải quyết một loại quyền là quyền sử dụng đất.

Vì đất đai ở Việt Nam theo quy định của Hiến pháp thuộc sở hữu toàn dân. Vì vậy, người có quyền sử dụng đất là người sở hữu một loại quyền trên đất đai. Theo quan niệm này, thì quyền sử dụng đất là một loại tài sản. Nếu quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, thì nghĩa vụ về tài sản có trị giá được bằng tiền không?

Nếu câu trả lời là không thì trong quan hệ nghĩa vụ mà một bên có nghĩa vụ thực hiện một hoặc một số hành vi với bên có quyền thì dựa vào tiêu chí nào để xác định bên có nghĩa vụ về tài sản vi phạm nghiã vụ như thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình với bên có quyền? Về mặt khoa học pháp lý, thì tài sản còn được hiểu là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ về tài sản của một chủ thể nữa.

Đặt vấn đề để thấy rõ bản chất của quy định về quyền tài sản tại Điều 115 BLDS năm 2015, sự hạn chế và là một quy định hẹp.

Quyền tài sản có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các quyền và lợi ích của chủ thể trong việc chi phối, kiểm soát tài sản gồm chủ sở hữu và người có quyền khác đối với tài sản.

Quyền tài sản hiểu theo nghĩa hẹp nhằm để xác định quyền này đối với tài sản hữu hình hay quyền đối với tài sản vô hình.

Theo nội dung quy định tại Điều 115 BLDS thì quyền tài sản gồm:

Quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Quyền của chủ văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng; quyền tác giả đối với tác phẩm văn học – nghệ thuật, khoa học; quyền của chủ sở hữu quyền tác giả và các quyền của chủ thể có quyền liên quan đến quyền tác giả.

Quyền sử dụng đất. Ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện cho sở hữu toàn dân và Nhà nước thống nhất quản lý đất đai, Nhà nước giao đất cho cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác để sử dụng vào sản xuất và sử dụng vào việc xây dựng nhà và các công trình khác trong thời hạn nhất định hoặc sử dụng lâu dài (đất ở là loại đất sử dụng lâu dài)…

Theo đó, chủ thể có quyền sử dụng đất là chủ sở hữu của một loại quyền là quyền sử dụng đất. Đây là một quy định rất độc lập, rất đặc thù ở Việt Nam về đất đai.

Các quyền tài sản khác là quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng và các quyền nhân thân khác của cá nhân bị xâm phạm; quyền yêu cầu thanh toán một khoản tài sản…

Theo quy định tại Điều 115 thì các quyền tài sản trên là quyền trị giá được bằng tiền.

Điều 115 quy định về quyền tài sản, có nội dung khái quát hơn Điều 181 BLDS năm 2005 quy định về quyền tài sản. Điều 181 BLDS năm 2005 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Điều 115 BLDS năm 2015 đã loại bỏ quy định: Quyền tài sản “có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự” trong BLDS năm 2005.

Vì đây là một quy định mang tính áp đặt và áp đặt sai. Bởi vì, có những quyền tài sản gắn liền với nhân thân của chủ thể không thể chuyển giao như quyền được cấp dưỡng, quyền được bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm, quyền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người hưởng chế độ hưu trí…

Quyền tài sản trong Luật sở hữu trí tuệ

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật SHTTphải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

a) Quyền làm tác phẩm phái sinh 

Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền tạo ra tác phẩm phái sinh trên cơ sở tác phẩm gốc nhưng với hình thức, cách thức trình bày mới so với tác phẩm gốc như: dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn… tác phẩm. Người không phải là chủ sở hữu quyền tác giả khi làm tác phẩm phái sinh phải, trả tiền nhuận bút, thù lao… cho chủ sở hữu tác phẩm gốc.

b) Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng 

Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng bao gồm việc biểu diễn tác phẩm tại bất cứ nơi nào ngoại trừ tại gia đình.

c) Quyền sao chép tác phẩm 

Trong Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sao chép tác phẩm lần đầu tiên được chính thức ghi nhận. Khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ giải thích về hành vi sao chép “là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”. Quyền sao chép thuộc quyền tác giả một lần nữa được hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 85/2011/NĐ-CP, theo đó “quyền sao chép tác phẩm là một trong các quyền tài sản độc quyền thuộc quyền tác giả, do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”.

Nếu như trước đây, sao chép tác phẩm thường được hiểu là việc làm các bản sao dưới các hình thức vật chất hữu hình như văn bản, băng, đĩa… thì quy định này đã mở rộng phạm vi quyền sao chép đến cả các hình thức điện tử. Quy định này hoàn toàn phù hợp với khái niệm sao chép trong Điều 9 Công ước Berne “tác giả được hưởng độc quyền cho phép sao in các tác phẩm đó dưới  bất kỳ phương thức hay hình thức nào”.

Quyền sao chép có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất: Quyền sao chép theo đúng nghĩa là việc làm bản sao tác phẩm ở bất kỳ hình thức vật chất nào, không phụ thuộc vào việc hành vi đó được thực hiện ở đâu, khi nào; những bản sao sẽ được đưa ra công chúng hay không. Bên cạnh đó hành vi sao chép không đòi hỏi phải có một số lượng bản sao nhất định để đáp ứng được nhu cầu hợp lý của công chúng. Sao chép có thể là hành vi chỉ làm một bản sao tác phẩm.

Như vậy, sao chép khác với công bố tác phẩm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hai quyền năng này được thực thi đồng thời với nhau bởi những người nắm giữ quyền. Trong hoạt động xuất bản, thông thường quyền công bố tác phẩm được thực hiện đồng thời với quyền sao chép.

Thứ hai: Pháp luật về quyền tác giả không quy định cụ thể những phương thức sao chép tác phẩm mà thừa nhận sao chép tác phẩm là bất cứ hình thức tái tạo lại tác phẩm trên những vật thể nhất định, trong đó có thể là hình thức bản in hoặc thông qua truyền thông kỹ thuật số như CD-ROM, ghi chép dữ liệu vào máy tính, tạo ra tác phẩm trên không gian 2 chiều, không gian 3 chiều… .

Thứ ba: Sao chép tác phẩm không chỉ là việc tái tạo ra một lần nữa tác phẩm ở dạng hình thức mà nó đã được tạo ra lần đầu tiên mà còn có thể là việc tái tạo ra tác phẩm ở những dạng hình thức khác. Ví dụ: nếu tác phẩm âm nhạc lần đầu tiên được thể hiện ở dạng bản nốt nhạc, thì việc ghi tác phẩm đó trên băng, đĩa… cũng được coi là hành vi sao chép tác phẩm. Pháp Luật Sở hữu trí tuệ chỉ đặt ra một số ngoại lệ đối với quyền sao chép (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ) như tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu, giảng dạy của cá nhân hay sao chép một bản để lưu trữ trong thư viện (việc sao chép này cũng không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tạo hình, chương trình máy tính).

Như vậy, hành vi sao chép ngoài những trường hợp nêu trên dù thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào (có thể là bản in, sao chép lên băng đĩa, thông qua các phương tiện kỹ thuật số, ghi chép vào dữ liệu máy tính…), thực hiện ở đâu, các bản sao có được phát hành đến công chúng hay không… đều có thể bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Các quyền tài sản liên quan đến biểu diễn, truyền đạt tác phẩm không có liên quan đến việc sao chép lại vật chất cụ thể thể hiện tác phẩm, do vậy những hành vi này được xem xét như là những quyền năng độc lập khác của chủ sở hữu quyền tác giả, chúng không thuộc phạm vi quyền sao chép được đề cập ở đây.

d) Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm 

Quyền phân phối tác phẩm được coi là một trong những phương thức sử dụng tác phẩm một cách độc lập. Phân phối tác phẩm là việc đưa những vật thể thể hiện hoặc sao chép tác phẩm vào giao lưu dân sự thông qua các hợp đồng như mua bán, trao đổi, tặng cho… Đối tượng phân phối có thể là bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm. Theo Khoản 3 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, “Quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ Sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm”.

Tương tự như quyền sao chép, khái niệm quyền phân phối cũng được mở rộng để phù hợp với sự phát triển của môi trường kỹ thuật số. Phân phối tác phẩm có thể thực hiện bằng bất kỳ hình thức hay phương tiện kỹ thuật nào, ví dụ việc bán bản sao tác phẩm có thể được thực hiện trên Internet…

Quyền nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm cho phép chủ sở hữu quyền tác giả có thể kiểm soát được việc nhập khẩu những bản gốc hoặc bản sao tác phẩm vào vùng lãnh thổ mà quyền tác giả đang có hiệu lực. Đây được coi là một phương tiện hữu hiệu để ngăn chặn việc nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả theo lãnh thổ đang dần bị suy giảm. Quyền nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm có liên quan mật thiết đến quyền phân phối tác phẩm và có thể được xem là một trường hợp cụ thể của quyền phân phối tác phẩm.

Quyền kiểm soát việc nhập khẩu tác phẩm tạo cho tác giả khả năng thực hiện một cách hiệu quả hơn quyền phân phối tác phẩm của mình. Với độc quyền nhập khẩu tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả có thể ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm ngay từ giai đoạn chuẩn bị. Cũng cần lưu ý là nếu việc nhập khẩu tác phẩm không có mục đích tiếp theo là phân phối tác phẩm tới những người khác thì chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn chặn việc nhập khẩu này (ví dụ: nhập khẩu vì mục đích sử dụng riêng).

đ) Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác 

Với sự thay đổi nhanh chóng trong cách thức thể hiện tác phẩm, trong thời đại hiện nay, các phương tiện truyền tải tác phẩm cũng ngày càng phong phú, đa dạng hơn, cho phép việc chuyển tải tác phẩm đến công chúng với phạm vi không bị hạn chế trong thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất. Chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn. Đây cũng là quy định thể hiện sự tiếp cận mới của pháp luật Việt Nam đối với việc bảo hộ quyền tác giả trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khi mà Internet trở thành một phương tiện truyền tải tác phẩm phổ biến với những đặc thù: truyền đạt tác phẩm không bị hạn chế về phạm vi lãnh thổ; công chúng có thể tiếp cận tại bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào do họ lựa chọn.

e) Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính 

Đây là quyền năng do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để sử dụng có thời hạn. Quyền cho thuê không áp dụng đối với chương trình máy tính, khi bản thân chương trình đó không phải là đối tượng chủ yếu để cho thuê như chương trình máy tính gắn với việc vận hành bình thường các loại phương tiện giao thông cũng như các máy móc, thiết bị kỹ thuật khác. Cũng không áp dụng quyền cho thuê đối với các tác phẩm điện ảnh, khi việc cho thuê thương mại dẫn đến việc sao chép tràn lan, ảnh hưởng đến quyền độc quyền sao chép và khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm.

Với các quyền trên, chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu tự mình thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện trong trường hợp khi người khác thực hiện quyền họ có thể được hưởng tiền nhuận bút, thù lao, các lợi ích khác theo thỏa thuận.

Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả, là người được chuyển giao quyền có các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nếu không có thỏa thuận khác, người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, quay phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có các quyền nhân thân trừ quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

Mặc dù pháp luật đã quy định cụ thể các quyền nhân thân và tài sản nhưng trong thực tế việc xâm phạm vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ về trường hợp xâm phạm bản quyền kịch bản “Lá Sầu Riêng” của tác giả Kim Cương:

Tác phẩm “Duyên Kiếp Lỡ Làng” được nghệ sỹ Kim Cương viết vào năm 1963, sau đó lấy tên là Lá Sầu Riêng và hùn vốn với hãng phim Lý Huỳnh sản xuất phim Lá Sầu Riêng. Khoảng đầu những năm 1970, nghệ sỹ Kim Cương cho phép soạn giả Hà Triều chuyển thể Lá Sầu Riêng thành cải lương cho nghệ sỹ Thanh Nga đóng chính ở đoàn cải lương Thanh Nga. Năm 1975, Đoàn kịch nói Kim Cương diễn lại Lá Sầu Riêng suốt hơn 20 năm trong cả nước. Năm 1977, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh thu hình và phát phổ biến vở Lá Sầu Riêng. Như vậy, nghệ sỹ Kim Cương vừa là tác giả vừa là chủ sở hữu tác phẩm Lá Sầu Riêng.

Trung tâm băng đĩa nhạc Thúy Nga Paris đã phát hành đĩa DVD dựng lại vở cải lương Lá Sầu Riêng (do Nghệ sỹ H.Li đóng vai chính) và phát hành tại Mỹ và một số nước khác vì mục đích thương mại nhưng không được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

Tác phẩm Lá Sầu Riêng của nghệ sỹ Kim Cương vẫn đang đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại Mỹ. Theo luật của Mỹ, đối với tác phẩm sân khấu, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào muốn sử dụng tác phẩm sân khấu (dù tác phẩm đó đã công bố hay chưa) đều phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm.

Trung tâm Thúy Nga Paris đã có hành vi vi phạm quyền tác giả: không xin phép, không đứng tên đúng tác giả của tác phẩm, tự ý chỉnh sửa hoặc cắt xén một phần trong tác phẩm (quyền nhân thân), khai thác thương mại, dựng lại tác phẩm không xin phép (quyền tài sản). đá (Nguồn: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 11 và 12/9/2008)

Trên đây là tư vấn của chúng tôi liên quan đến quyền tài sản, trường hợp cần tư vấn thêm hoặc yêu cầu sử dụng dịch vụ đăng ký sở hữu trí tuệ, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.

>>>>> Tham khảo: Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi