Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Bảo hiểm xã hội Trợ giúp xã hội đột xuất là gì?
  • Thứ ba, 22/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 2131 Lượt xem

Trợ giúp xã hội đột xuất là gì?

Do yêu cầu “cấp thiết, cấp cứu” của trợ giúp xã hội đột xuất mà việc huy động nguồn lực, phương thức thực hiện trợ giúp có tính xã hội hoá sâu sắc.

Khái niệm trợ giúp xã hội đột xuất 

Chế độ trợ giúp đột xuất là sự giúp đỡ về vật chất và các điều kiện sinh sống khác của xã hội cho những thành viên của mình khi gặp phải những rủi ro hoặc khó khăn bất ngờ như thiên tai, hoả hoạn, tai nạn… làm cuộc sống tạm thời bị đe doạ về lương thực, nhà ở, chữa bệnh, chôn cất… cần phải có sự cứu giúp khẩn cấp.

Đây là chế độ trợ cấp một lần, gắn liền với các sự cố về thiên tai, hoả hoạn… có ý nghĩa “cấp thiết, cấp cứu vô cùng quan trọng đối với đối tượng hưởng. 

Đối tượng trợ giúp đột xuất 

Khác với trợ giúp xã hội thường xuyên, đối tượng của trợ giúp xã hội đột xuất là tất cả mọi thành vên xã hội, bao gồm cả những người có khả năng lao động hoặc không có khả năng lao động, có thu nhập hoặc không có thu nhập nhưng vì những lý do thiên tai hoặc bất khả kháng mà gặp phải hoạn nạn, khó khăn tạm thời.

Nếu nhận được sự giúp đỡ kịp thời họ có thể nhanh chóng vượt qua hụt hẫng, khó khăn để ổn định cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Thực tế cho thấy, đối tượng trợ giúp xã hội đột xuất có thể bao gồm cả đối tượng trợ giúp xã hội thường xuyên ở một thời điểm, hoàn cảnh nhất định bởi lẽ rủi ro khách quan không loại trừ đối tượng nào.

Ngược lại, có những đối tượng thuộc diện trợ giúp đột xuất, tuy được sự trợ giúp nhưng sau đó vẫn không khắc phục được hậu quả, không đảm bảo được cuộc sống nên rơi vào diện đối tượng trợ giúp thường xuyên.

Việc phân loại đối tượng trợ giúp thường xuyên, đột xuất có ý nghĩa đưa ra chế độ và cách thức trợ giúp phù hợp với nhu cầu trợ giúp. Thực tế khi có biến cố, thiên tại bất khả kháng thì tuỳ vào tình huống cụ thể để giải quyết hậu quả theo nguyên tắc ưu tiên những đối tượng bị đe dọa, khó khăn nhất.

Việc quy định phạm vị đối tượng hưởng trợ cấp đột xuất cũng vì vậy mà rất linh hoạt, phụ thuộc vào mức độ thiệt hại, khả năng tài chính… trong từng tình huống cụ thể.

Theo pháp luật hiện hành, đối tượng hưởng trợ giúp đột xuất được quy định là những người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc các lý do bất khả kháng khác bao gồm: 

– Hộ gia đình có người chết, mất tích; 

– Hộ gia đình có người bị thương nặng. Người bị thương nặng là người bị thương phải cấp cứu hoặc phải điều trị nội trú tại cơ sở y tế; 

– Hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng; 

– Hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất, lâm vào cảnh thiếu đói; 

– Hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đây là những hộ gia đình phải di dời khẩn cấp nhà ở từ nơi ở cũ đến nơi ở mới do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét theo quyết định của chủ tịch UBND cấp huyện; 

– Người bị đói do thiếu lương thực; 

– Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú dẫn đến bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc. Đây là những người gặp rủi ro ngoài địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Những đối tượng này gặp rủi ro mà chết, gia đình không biết để mai táng thì được UBND cấp xã, bệnh viện, cơ quan… đứng ra mai táng và nhận khoản hỗ trợ mai táng. 

– Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú. 

Để được hưởng trợ cấp đột xuất, cần đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo luật định. Theo đó trưởng thôn lập danh sách đối tượng theo nhóm đối tượng kèm theo biên bản họp thôn (nếu có) gửi tới UBND cấp xã.

Chủ tịch UBND cấp xã triệu tập họp khẩn cấp hội đồng xét duyệt, thống nhất danh sách đối tượng trợ giúp xã hội đột xuất đề nghị cấp huyện hỗ trợ. Nếu cấp xã có nguồn dự phòng thì chủ tịch UBND cấp xã quyết định thực hiện trợ cấp ngay, trường hợp không đủ kinh phí thì chính quyền đề nghị lên cấp trên. 

Chế độ hưởng trợ giúp đột xuất 

Với đặc điểm riêng của mình là tính cấp thiết, cấp cứu nhằm giúp đối tượng vượt qua ngay tình trạng, hoàn cảnh khó khăn trước mắt nên việc quy định chế độ hưởng trợ giúp xã hội đột xuất cũng rất linh hoạt.

Về nguyên tắc thực hiện, trợ cấp đột xuất được ưu tiên cho những đối tượng gặp khó khăn nhất, đảm bảo sự sống với các nhu cầu ăn, mặc, chữa bệnh, đi lại… với phương châm nhanh chóng, kịp thời, trực tiếp và đúng đối tượng.

Mức trợ cấp đối với các đối tượng cứu trợ đột xuất hiện nay thực hiện theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 13/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.

Theo đó, mức trợ cấp đột xuất được quy định ở mức tối thiểu tùy từng nhóm đối tượng cá nhân hay hộ gia đình với các mức khác nhau căn cứ vào từng trường hợp rủi ro cụ thể. Chẳng hạn, đối với hộ gia đình mức thấp nhất là 1,5 triệu đồng áp dụng với hộ có người bị thương nặng, mức cao nhất là 7.000.000đ áp dụng với những hộ có nhà bị đồ, sập trôi… hoặc phải di dời khẩn cấp sinh sống ở vùng khó khăn… (xem Nghị định số 13/2010/NĐ-CP).

Mức trợ cấp này là mức tối thiểu, trên thực tế tùy thuộc vào tình hình thiệt hại và hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương quy định mức trợ cấp cao hơn cho người bị nạn, song phải đảm bảo không được thấp hơn mức tối thiểu luật định. Nhà nước khuyến khích các địa phương nâng mức trợ cấp cao hơn mức quy định tối thiểu. 

Ngoài khoản trợ cấp đột xuất bằng tiền, một số đối tượng còn được hỗ trợ một số chi phí khác nhằm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Các hộ gia đình có người là lao động chính bị chết, mất tích, hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất, hộ gia đình có nhà bị sập, trôi, cháy, hỏng nặng, lâm vào cảnh đói do thiếu lương thực còn được xem xét trợ giúp thêm các khoản sau cho đến khi hộ thoát khỏi diện nghèo: 

– Miễn giảm học phí cho người đang học văn hoá, học nghề; 

– Cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước; 

– Vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. 

Nhìn chung mức trợ cấp đột xuất theo quy định của pháp luật hiện nay còn thấp do ngân sách có hạn. Để vượt qua hoàn cảnh rủi ro, bản thân các đối tượng phải tự khắc phục rủi ro và | trông chờ vào sự giúp đỡ, hảo tâm của cộng đồng. 

Cũng do đặc thù riêng của hoạt động trợ giúp đột xuất là phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh thực tế và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp của nhà nước, cộng đồng nên văn bản pháp luật quy định chế độ trợ cấp xã hội đột xuất rất đa dạng và phong phú.

Bên cạnh các quy định của Chính phủ, các bộ hầu hết các địa phương đều có những quy định riêng với độ linh hoạt cao phụ thuộc vào tình hình thiên tai cụ thể của mình. 

Tài chính thực hiện trợ giúp đột xuất 

Do yêu cầu “cấp thiết, cấp cứu” của trợ giúp xã hội đột xuất mà việc huy động nguồn lực, phương thức thực hiện trợ giúp có tính xã hội hoá sâu sắc.

Đây không phải là trách nhiệm riêng của Nhà nước và thậm chí, Nhà nước cũng không thể trù liệu được hết những biến cố, rủi ro nhất là khi diễn ra trên diện rộng. Vì vậy, việc huy động sức dân đặc biệt có ý nghĩa đối với hình thức trợ giúp này. 

Nguồn kinh phí thực hiện trợ giúp đột xuất được đảm bảo từ ngân sách nhà nước cân đối hàng năm; ngân sách tỉnh, huyện, xã tự cân đối, ngoài ra còn phải tính đến nguồn tài chính quan trọng do các tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ, sự trợ giúp của nước ngoài, các tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho địa phương hoặc thông qua Chính phủ, các đoàn thể xã hội.

Trong trường hợp các nguồn kinh phí này không đủ để thực hiện trợ giúp xã hội đột xuất thì chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Bộ lao động thương binh và xã hội và Bộ tài chính để tổng hợp đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương. 

Về nguyên tắc, khi xảy ra thiên tai, xuất hiện nhu cầu cứu trợ thì cộng đồng dân cư chủ động hỗ trợ nhau từ việc cứu người bị nạn đến ổn định đời sống dân sinh như sửa nhà, hỗ trợ lương thực, đồ dùng sinh hoạt…

Song song với việc dân giúp dân, các cấp chính quyền địa phương (cấp xã đóng vai trò quan trọng) trích một phần ngân sách từ mục đảm bảo xã hội hoặc dự phòng phí (từ 3% đến 5% tổng số chi) để trợ giúp cho các đối tượng.

Sau đó tuỳ tình hình thiệt hại mà chính quyền quyết định kêu gọi quyên góp, ủng hộ, xin hỗ trợ của cấp trên. Quy định về kinh phí thực hiện trợ giúp xã hội đột xuất hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách địa phương dẫn đến thực tế có những địa phương ngân sách ít, thiên tai liên tục xảy ra, đối tượng trợ giúp nhiều nên thường có khó khăn trong việc chủ động thực hiện trợ giúp.

Vấn đề này sẽ dễ dàng khắc phục được nếu thiết lập được quỹ trợ giúp đột xuất thống nhất từ trung ương đến địa phương để chủ động về tài chính. 

Chế độ trợ giúp đối với một số đối tượng khác 

Ngoài hai nhóm đối tượng trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất, thực tiễn chúng ta còn thực hiện chế độ trợ giúp xã hội đối với nhóm đối tượng khác, đặc biệt là đối tượng nạn nhân của tệ nạn xã hội.

Đây là nhóm đối tượng vì những lý do khác nhau có những hành vi sai lệch với chuẩn mực xã hội, bao gồm chủ yêu là những người làm nghề mại dâm, người nghiện hút ma tuý, nghiện rượu, cờ bạc, số đề, lang thang xin ăn… Hoạt động trợ giúp xã hội đối với nhóm đối tượng này đa dạng về phương thức và trong nhiều trường hợp, những biện pháp luật giúp về tâm lý, tinh thần… rất có ý nghĩa với mục đích tạo điều kiện và cơ hội giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường, hoà nhập với cộng đồng.

Cũng phải lưu ý rằng những đối tượng này không chỉ đơn thuần là đối tượng của trợ giúp xã hội mà còn là đối tượng quan tâm của các cơ quan, các ngành, các cấp khác nhau.

Trong phạm vi của mình, trợ giúp xã hội chỉ giúp cho họ phần nào về vật chất (tài chính, điều kiện sinh sống khác…) hoặc giúp họ chữa bệnh, tư vấn về tâm sinh lý giúp họ sớm quay về cuộc sống bình thường, hoà mình với cộng đồng. Cụ thể: 

– Đối với đối tượng tệ nạn ma tuý và mại dâm. 

+ Trợ giúp về tinh thần: Về thực chất đây là những đối tượng có nhận thức sai lệch về chuẩn mực xã hội, do vậy, sự trợ giúp về tinh thần đặc biệt có ý nghĩa. Việc trợ giúp về tinh thần cho đối tượng thể hiện bằng 2 nội dung chính là tư vấn giúp cho đối tượng hiểu được tác hại của tệ nạn, tự nguyện xa lánh, rời bỏ môi trường cám dỗ và xây dựng cho đối tượng lòng tin vào chính mình, vào lòng nhân ái của cộng đồng xã hội; 

+ Trợ giúp về vật chất: Với đối tượng được tập trung cai nghiện, giáo dục tại các trung tâm do Nhà nước quản lý được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng trong khoảng thời gian nhất định.

Sau đó, đối tượng được bố trí lao động sản xuất để tự túc sinh hoạt phí, nếu quá khó khăn thì ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần trong thời gian nhất định. Mức sinh hoạt phí này chỉ áp dụng đối với đối tượng mà bản thân hoặc gia đình không có khả năng tự giải quyết sinh hoạt phí.

Nếu bị bệnh đối tượng được cấp tiền thuốc theo quy định bao gồm tiền thuốc chữa bệnh thông thường, thuốc chữa bệnh xã hội, chi phí xét nghiệm nếu cần. Sau khi cai nghiện, giáo dục, đối tượng được hỗ trợ kinh phí tái hoà nhập xã hội tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể. 

– Đối với người lang thang xin ăn. 

Người lang thang bao gồm nhiều loại nhưng tập trung chủ yếu vào các đối tượng như người già không nơi nương tựa, người tàn tật, người gặp khó khăn nhất thời như thiên tai, bão lụt…, trẻ em bị bỏ rơi lang thang kiếm ăn…

Ngoài ra, còn có nhóm người lười lao động, lợi dụng lòng hảo tâm của cộng đồng đã chọn xin ăn làm kế sinh nhai. Vấn đề là phải phân loại được đối tượng lang thang xin ăn để có phương thức trợ giúp phù hợp. Đối với đối tượng lang thang xin ăn nói chung, biện pháp cơ bản là động viên, giáo dục trở về quê, giao lại cho gia đình và địa phương quản lý. Với những đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất thì giải quyết theo quy định.

Với những người bị tâm thần, người bệnh thì được đưa vào cơ sở chuyên khoa y tế chữa trị, nếu gia đình khó khăn thì được xem xét miễn chi phí về ăn ở, thuốc chữa bệnh…

Đối với trẻ em lang thang xin ăn thì tuỳ từng trường hợp cụ thể để xử lý: Nếu còn gia đình, người thân thì thuyết phục động viên đưa về sống cùng gia đình, nếu mồ côi không nơi nương tựa thì tìm cha mẹ nuôi, vận động họ hàng, cá nhân tổ chức nhận nuôi hoặc tổ chức nuôi dạy tập trung.

Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí trong các trường hợp này, nếu địa phương quá khó khăn thì ngân sách trung ương hỗ trợ. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thủ tục làm chế độ nghỉ chăm con ốm đau mới nhất

Chế độ nghỉ chăm con ốm đau là một quyền lợi của người lao động khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Người lao động được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm con ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội...

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không?

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau...

Người sử dụng lao động phải trả những chi phí nào cho người bị tai nạn lao động?

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy...

Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì có được nhận thêm trợ cấp khuyết tật không?

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao...

Khám dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi