• Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 753 Lượt xem

Luật đất đai là gì?

Theo cách phân chia ngành luật truyền thống, các ngành luật có đối tượng điều chỉnh riêng và phương pháp điều chỉnh riêng.

Khái niệm luật đất đai

Khi nói và viết về khái niệm Luật đất đai, học viên và người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy sẽ hiểu khái niệm này với tính cách là một ngành luật, trong khi đó các nhà quản lí, người xây dựng chính sách, đa số doanh nghiệp và người dân sẽ hiểu khái niệm này với tính cách là văn bản luật.

Vì vậy, tuỳ từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể để hiểu khái niệm luật đất đai với tính cách là một ngành luật trong hệ thống ngành luật của nhà nước ta hoặc là văn bản pháp luật quan trọng nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật về đất đai. 

Ngành luật đất đai 

Dưới góc độ là một ngành luật, Luật đất đai trước đây còn có tên gọi là Luật ruộng đất. Cách hiểu như vậy là thiếu chính xác, vì khái niệm “đất đai” hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các loại đất như: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng, trong mỗi nhóm đất lại được chia thành từng phân nhóm đất cụ thể theo quy định tại Điều 10 Luật đất đai năm 2013.

Khái niệm “ruộng đất” theo cách hiểu của nhiều người thường chỉ loại đất nông nghiệp, đất tạo lập nguồn lương thực, thực phẩm nuôi sống con người. Vì vậy, nói Luật ruộng đất tức là chỉ một chế định của ngành luật đất đai, cụ thể là chế độ pháp lí nhóm đất nông nghiệp.

Cho nên, không thể có sự đánh đồng giữa khái niệm một ngành luật với khái niệm một chế định cụ thể của ngành luật đó. 

Theo cách phân chia ngành luật truyền thống, các ngành luật có đối tượng điều chỉnh riêng và phương pháp điều chỉnh riêng.

Ngành luật đất đai có nhóm quan hệ xã hội chuyên biệt được các quy phạm pháp luật đất đai điều chỉnh và các chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai được Nhà nước dùng pháp luật tác động vào cách xử sự của họ với các phương pháp và cách thức khác nhau.

Môn học Luật đất đai có thể chia thành 2 phần, phần chung và phần riêng. Phần chung gồm các chế định cơ bản tạo thành phần lí luận chung của ngành luật, như chế định các vấn đề lí luận cơ bản về ngành luật đất đai, quan hệ pháp luật đất đai, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, chế định chế độ quản lý Nhà nước về đất đai.

Phần riêng gồm chế định địa vị pháp lý của người sử dụng đất, thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết tranh chấp khiếu nại về đất đai, các chế độ pháp lí về nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp. 

Ngành luật đất đai gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Qua mỗi giai đoạn lịch sử, Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định khác nhau về vấn đề sở hữu đất đai để từ đó xác lập chế độ quản lý và sử dụng đất.

Nếu như Hiến pháp năm 1946 xác lập nhiều hình thức sở hữu về đất đai, sau đó đến Luật cải cách ruộng đất năm 1953 còn lại hai hình thức sở hữu chủ yếu là sở hữu Nhà nước và sở hữu của người nông dân thì Hiến pháp năm 1959 tuyên ngôn cho ba hình thức sở hữu về đất đai là: sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân về đất đai.

Đến Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013, chế độ sở hữu đất đai được quy định là: chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và định danh vai trò của Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý đất đai trong phạm vi cả nước.

Quan hệ đất đai hiện nay không thể hiện mối quan hệ truyền thống giữa các chủ sở hữu đất đai với nhau mà được xác lập trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Nói cách khác, các quan hệ này xác định trách nhiệm và quyền hạn của Nhà nước trong vai trò người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý đất đai.

Từ vai trò và trách nhiệm đó, Nhà nước không ngừng quan tâm đến việc bảo vệ, giữ gìn, phát triển một cách bền vững nguồn tài nguyên đất đai cho hiện tại và tương lai.

Với đặc trưng cơ bản là xác lập quyền cho người chủ sử dụng đất cụ thể nhằm tránh tình trạng vô chủ trong quan hệ đất đai như trước đây, việc chuyển giao quyền sử dụng cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là thiên chức cơ bản trong hoạt động của Nhà nước phù hợp với vai trò là người đại diện chủ sở hữu và người quản lí.

Quan hệ đất đai ở Việt Nam trên nền tảng đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu được thiết kế có sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất.

Quá trình hợp tác giữa người sử dụng đất với nhau trên cơ sở sự bảo hộ của Nhà nước khi thực hiện đầy đủ các quyền của người sử dụng là yếu tố linh hoạt nhất và đa dạng nhất trong quan hệ đất đai.

Vì vậy, có thể định nghĩa Luật đất đai với tư cách ngành luật như sau: Luật đất đai là tổng hợp các quy phạm pháp luật mà Nhà nước ban hành nhằm thiết lập quan hệ đất đai trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và sự bảo hộ đầy đủ của Nhà nước đối với các quyền của người sử dụng đất tạo thành một ngành luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. 

Các văn bản Luật đất đai 

Cần có sự phân biệt giữa văn bản Luật đất đai với hệ thống văn bản pháp luật về đất đai. Luật đất đai với tính cách là một văn bản luật do Quốc hội ban hành là một trong các văn bản pháp luật về đất đai nhưng là văn bản quan trọng bậc nhất trong số các văn bản pháp luật về đất đai.

Vì vậy, trước yêu cầu quản lý đất đai một cách toàn diện bằng pháp luật, Nhà nước ta có chủ trương xây dựng các dự thảo Luật đất đai từ năm 1987.

Qua nhiều lần chỉnh lí, sửa đổi, tiếp thu ý kiến từ cuộc trưng cầu dân ý cho dự thảo luật quan trọng này, ngày 29/12/1987, văn bản Luật đất đai đầu tiên của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã ra đời và được Chủ tịch hội đồng Nhà nước kí lệnh công bố ngày 08/01/1988. Vì vậy, Luật đất đai đầu tiên gọi là Luật đất đai năm 1987. 

Văn bản luật này ra đời đánh dấu một thời kì mới của Nhà nước ta trong việc quản lý đất đai bằng quy hoạch và pháp luật.

Tuy nhiên là văn bản luật được thông qua ở thời kì chuyển tiếp từ chế độ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, Luật đất đai năm 1987 vẫn còn mang nặng các dấu ấn của cơ chế cũ và chưa xác định đầy đủ các quan hệ đất đai theo cơ chế mới.

Vì vậy, sau khi đánh giá, tổng kết việc thực thi Luật đất đai sau 5 năm thực hiện, Nhà nước ta đã xây dựng văn bản mới thay thế cho Luật đất đai năm 1987. 

Luật đất đai thứ hai được Quốc hội thông qua ngày 14/7/1993 và có hiệu lực chính thức từ ngày 15/10/1993 (Luật đất đai năm 1993) là đạo luật quan trọng góp phần điều chỉnh các quan hệ đất đại phù hợp với cơ chế mới.

Luật đất đai năm 1993 điều chỉnh các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, xoá bỏ tình trạng vô chủ trong quan hệ sử dụng đất, xác lập các quyền năng cụ thể cho người sử dụng đất. 

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của tình hình kinh tế xã hội, các quan hệ đất đai không ngừng vận động trong nền kinh tế thị trường đã khiến các quy định được dự liệu trong Luật đất đai năm 1993 có những vấn đề không còn phù hợp.

Cho nên, ngày 02/12/1998, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 1993 đã được Quốc hội khoá X, kì họp thứ 4 thông qua.

Luật này được gọi tắt là Luật đất đai sửa đổi, bổ sung năm 1998 và nội dung chủ yếu nhằm luật hoá các quyền năng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, đồng thời xác định rõ các hình thức giao đất và cho thuê đất để làm căn cứ quy định các nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Tuy nhiên, lần sửa thứ nhất vào năm 1998 chỉ đề cập một số vấn đề về hình thức sử dụng đất và tiền tệ hoá quyền sử dụng đất.

Vì vậy, kì họp thứ 9, Quốc hội khoá X đã thông qua việc sửa đổi lần thứ hai tập trung vào việc hoàn thiện chế độ quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong giao đất, cho thuê đất, phân công, phân cấp trong quản lý đất đai.

Văn bản luật này được gọi tắt là Luật đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2001 và có hiệu lực chính thức từ ngày 01/10/2001. 

Các luật đất đai nêu trên đã góp phần to lớn trong việc khai thác quỹ đất, việc quản lý đất đai đã đi vào nền nếp, tạo sự tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống pháp luật đất đai trong thời gian qua cũng như việc sửa đổi, bổ sung nhiều lần như vậy cho thấy hệ thống pháp luật đất đai có tính chắp vá, không đồng bộ, nhiều quy định tỏ ra lạc hậu so với thời cuộc và gây khó khăn cho quá trình áp dụng.

Vì vậy, việc xây dựng Luật đất đai mới để thay thế Luật đất đai năm 1993 và các Luật đất đai sửa đổi, bổ sung là rất cần thiết. 

Trên tinh thần đó, quá trình xây dựng các dự thảo của Luật đất đai mới rất công phu, qua nhiều lần chỉnh sửa và lấy ý kiến nhân dân rộng rãi trong cả nước, ngày 26/11/2003, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Khoá XI, kì họp thứ 4 đã thông qua toàn văn Luật đất đai mới với 7 chương và 146 điều, gọi là Luật đất đai năm 2003.

Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2004, nhằm đáp ứng giai đoạn phát triển mới của đất nước, đó là thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. 

Tuy nhiên, từ năm 2003 trở lại đây, quan hệ đất đai ở Việt Nam có nhiều chuyển biến quan trọng trên nền tảng của nền kinh tế thị trường.

Quan hệ đất đai đang dần thoát khỏi tính hành chính vốn là nền tảng cơ bản trong xây dựng các quan hệ đất đai trong các giai đoạn trước đây.

Dân sự hoá các quan hệ đất đai, quyền và lợi ích của người sử dụng ngày càng được quan tâm, sự bình đẳng trong đối xử với các chủ thể sử dụng đất đang thay đổi cách nhìn trong chính sách và pháp luật đất đai, minh bạch thủ tục hành chính trong mọi quan hệ sử dụng đất đang thúc hối các thay đổi mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật đất đai.

Mặt khác, là giai đoạn pháp triển tiếp theo của thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đất đai là nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế cũng như tạo động lực hoàn thiện các chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân nên cần một Luật đất đai mới có tầm nhìn chiến lược lâu dài.

Do đó, việc xây dựng Luật mới thay thế Luật đất đai năm 2003 là cần thiết. Trên tinh thần đó, tại kì họp thứ 4 và thứ 5 Quốc hội Khoá XIII đã cho ý kiến chỉnh lí vào Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, lấy ý kiến nhân dân cả nước và tại kì họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Khoá XIII đã thông qua toàn văn Luật đất đai năm 2013.

Luật này được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2014. | Vậy, các quan điểm để chỉ đạo xây dựng Luật đất đai năm 2013 là gì, chúng ta cần nghiên cứu 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, Luật đất đai năm 2013 là sự thể chế hoá những quan điểm cơ bản về chính sách và pháp luật đất đai trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khoá IX và Nghị quyết số 19/2012/TW về nông nghiệp nông thôn và nông dân của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. 

Đây là những văn kiện của Đảng đề cập một cách toàn diện những quan điểm cơ bản về xây dựng chính sách và pháp luật đất đai trong giai đoạn mới. Luật đất đai năm 2013 là sự thể chế hoá đường lối chính sách của Đảng về vấn đề đất đai. 

Thứ hai, việc xây dựng Luật đất đai năm 2013 dựa trên nền tảng đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước trong vai trò là người đại diện chủ sở hữu và người thống nhất quản lý đất đai trong phạm vi cả nước. 

Thứ ba, trên cơ sở kế thừa và phát triển các Luật đất đai trước đây, Luật đất đai năm 2013 góp phần pháp điển hoá hệ thống pháp luật đất đai với tinh thần giảm thiểu tối đa những văn bản hướng dẫn dưới luật khiến cho hệ thống pháp luật đất đai trước đây vô cùng phức tạp, nhiều tầng nấc và kém hiệu quả.

Trong văn bản luật này, nhiều quy định của Chính phủ và các bộ, ngành qua thực tế đã phù hợp với cuộc sống được chính thức luật hoá, vừa nâng cao tính pháp lý của quy định, vừa giảm thiểu các quy định không cần thiết để Luật đất đai hoàn chỉnh có hiệu lực và hiệu quả cao. 

Như vậy, khái niệm Luật đất đai hiểu theo phương diện thứ hai xuất phát từ các văn bản Luật đất đai được ban hành trong thời gian vừa qua và là nguồn cơ bản của ngành luật đất đai.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Nhà nước không được ra quyết định thu hồi đất trong những trường hợp nào?

Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định và tiến hành thu hồi lại quyền sử dụng đất đã trao cho người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất nhưng có hành vi vi phạm pháp luật về đất...

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giao đất đối với những đối tượng nào?

Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi...

Trường hợp nào không được cưỡng chế thu hồi đất?

Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện quy định tại Luật đất đai...

Chuyển đổi đất vườn sang đất ở hết bao nhiêu tiền?

Như vậy UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) quyết định cho hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất sau khi nhận được đơn và thửa đất xin chuyển thuộc khu vực được phép...

Giấy chuyển nhượng đất viết tay có giá trị không?

Luật đất đai quy định giấy tờ chuyển nhượng đất phải được công chứng chứng thực. Vậy Giấy chuyển nhượng đất viết tay có giá trị...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi