Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tranh chấp về địa giới hành chính thì ai có thẩm quyền giải quyết?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 6199 Lượt xem

Tranh chấp về địa giới hành chính thì ai có thẩm quyền giải quyết?

Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp có tranh chấp về địa giới hành chính? Quy định của Luật đất đai 2013 về cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính có thay đổi gì so với Luật đất đai 2003? Tại sao cần có sự thay đổi đó?

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư, em hiện đang làm bài tập môn Pháp luật đại cương, em đang có một thắc mắc xin luật sư giải đáp giúp em. Luật sư cho em hỏi: Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp có tranh chấp về địa giới hành chính? Quy định của Luật đất đai 2013 về cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính có thay đổi gì so với Luật đất đai 2003? Tại sao cần có sự thay đổi đó? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn, Luật sư Luật Hoàng Phi xin tư vấn như sau:

Khoản 4 Điều 29 Luật đất đai 2013 quy định về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính như sau:

Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định;

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

– Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp địa giới hành chính.

Quy định trên về giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính đã được chuyển từ Mục 2 Chương VI về giải quyết tranh chấp của Luật đất đai 2003 sang Mục 1 Chương III Luật đất đai 2013, nằm trong các quy định cụ thể của quản lý hành chính nhà nước.

Theo quy định tại Điều 137 Luật đất đai 2003, nếu Uỷ ban nhân dân của các đơn vị có liên quan không nhất trí được về phương án giải quyết hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì:

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì do Quốc hội quyết định;

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn thì do Chính phủ quyết định.

Tranh chấp về địa giới hành chính thì ai có thẩm quyền giải quyết?

Tranh chấp về địa giới hành chính thì ai có thẩm quyền giải quyết?

Như vậy, Luật đất đai 2013 có 2 sự điều chỉnh xung quanh quy định này:

– Cơ quan có thấm quyền sẽ giải quyết trên cơ sở được Chính phủ trình.

Luật đất đai 2003 chỉ quy định về thẩm quyền của các cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính nên có thể hiểu trực tiếp là các địa phương có liên quan sẽ trực tiếp đệ trình vụ việc có tranh chấp về địa giới lên Quốc hội, hoặc Chính phủ mà không cần qua bất kỳ cơ quan trung gian nào vấn đề đặt ra là cần có một “bộ phận” đứng ra tổng hợp, xác thực thông tin mà các ủy ban nhân dân liên quan đến vụ việc cung cấp. Bộ phận này cũng cần phải có chuyên môn hoạt động nhất định trong quản lý hành chính nhà nước để có thể tham mưu, đề xuất giải pháp giải quyết cho cơ quan có thẩm quyền.

Vì vậy, quy định bổ sung của Luật đất đai 2013 là rất cần thiết và sự tham gia của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với vai trò này.

Thẩm quyền giải quyết trong trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn thuộc về ủy ban thường vụ Quốc hội, thay vì Chính phủ theo quy định trước đây.

Xuất phát điểm cho sự sửa đổi này của Luật đất đai 2013, trước hết phải đề cập đến điểm mới của Hiến pháp 2013 về thẩm quyền quyết định địa giới hành chính. Hiến pháp 2013 được thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2014. Điều 74 Hiến pháp 2013 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó, khoản 8 quy định ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền “Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Thẩm quyền trên được chuyển từ Chính phủ sang ủy ban thường vụ quốc hội – cơ quan thường trực của Quốc hội. Thực tế, điều chỉnh địa giới hành chính là vấn đề không chỉ liên quan đến việc thay đổi các điểm, đường, mốc địa giới mà còn liên quan đến nhân lực, tài lực, thậm chí có thể phải tổ chức lại bộ máy chính quyền… khi triển khai thực hiện. Chính vì vậy, quyết định về địa giới hành chính phải do Quốc hội thực hiện.

Cụ thể, Hiến pháp và Luật đất đai quy định Quốc hội có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đối với cấp tỉnh. Còn đối với cấp dưới cấp tỉnh, thẩm quyền này nên thuộc về ủy ban thường vụ Quốc hội hay Chính phủ là hợp lý? Xét về sự tương quan thẩm quyền, cùng là thẩm quyền điều chỉnh địa giới nhưng theo quy định của Luật đất đai 2003, đối với cấp tỉnh thì thấm quyền thuộc về cơ quan lập pháp – Quốc hội, nhưng đối với cấp dưới cấp tỉnh thì thẩm quyền lại thuộc về Cơ quan hành pháp – Chính phủ.

Trong khi đó, ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, với cơ cấu thành phần gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên làm việc theo chế độ chuyên trách, không đồng thời là thành viện Chính phủ. Đây là một cơ cấu nằm trong tổ chức của Quốc hội hoạt động thường xuyên, có quyền quyết định các vấn dề, chính sách quan trọng trong thời gian Quốc hội không họp. Vì vậy, nếu trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp liên quan đến địa giới hành chính của cấp dưới cấp tỉnh thể hiện sự họp lý hơn so với việc trao thẩm quyền này cho Chính phủ.

Trên cơ sở đệ trình của Chính phủ, ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định giải quyết trong trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính của cấp dưới cấp tỉnh là một quy trình kết hợp được sự tham gia của cả cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp, sẽ là cơ sở cho những quyết định điều chỉnh địa giới chặt chẽ hơn và có hiệu quả hơn.

Trong trường hợp cần tư vấn luật đất đai thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT  MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (1 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi