Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 10573 Lượt xem

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

Hòa giải (conciliation) là một phương thức giải quyết tranh chấp lao động được nhiều nước trên thế giới sử dụng một cách hiệu quả. Hòa giải giải quyết tranh chấp lao động có thể do các chủ thể khác nhau thực hiện.

Tranh chấp lao động là gì?

Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Các loại tranh chấp lao động bao gồm:

– Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;

-Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 của Bộ luật này, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

3. Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.

4. Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.

Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.

5. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.

6. Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

7. Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại khoản 1 Điều này hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều này thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

a) Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

Bình luận và phân tích trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

Hòa giải (conciliation) là một phương thức giải quyết tranh chấp lao động được nhiều nước trên thế giới sử dụng một cách hiệu quả. Hòa giải giải quyết tranh chấp lao động có thể do các chủ thể khác nhau thực hiện.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, hòa giải giải quyết tranh chấp lao động do hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động và tòa án nhân dân thực hiện ở các giai đoạn giải quyết khác nhau. Nhìn chung, trong quy trình giải quyết các tranh chấp lao động (bao gồm cả tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích) đều phải trải qua thủ tục hòa giải, vì lợi ích của hòa giải mang lại cho các bên tranh chấp và cho xã hội.

Điều 188 Bộ luật Lao động quy định về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động.

–  Về nguyên tắc chung, việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên, đối với một số tranh chấp lao động cá nhân do cần được giải quyết một cách dứt điểm càng nhanh càng tốt, có thể bỏ qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, bao gồm:

+ Tranh chấp lao động cá nhân về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt họp đồng lao động.

+ Tranh chấp lao động cá nhân về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Tranh chấp lao động cá nhân giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.

+ Tranh chấp lao động cá nhân về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

+ Tranh chấp lao động cá nhân về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cần lưu ý khi áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động là đối với các tranh chấp lao động cá nhân nêu trên, trước khi lựa chọn toà án giải quyết thì các bên tranh chấp vẫn có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải.

– Đối với các tranh chấp lao động cá nhân không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 188 và các tranh chấp lao động cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động, khi các bên có yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết thì hòa giải viên lao động (được Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phân công) có trách nhiệm hòa giải trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết được thực hiện theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Lao động.

Theo pháp luật cũng như yêu cầu thực tiễn của việc giải quyết tranh chấp lao động qua hoà giải, 05 ngày làm việc là khoảng thời gian hòa giải viên lao động phải thu thập tài liệu, chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị phương án hòa giải và chuẩn bị các điều kiện khác để tổ chức phiên họp hòa giải chính thức giữa các bên. Tuy nhiên, Bộ luật không quy định cụ thể về các vấn đề: liệu hòa giải viên lao động có quyền gặp gỡ các bên tranh chấp trước khi mở phiên họp hòa giải hay không? Có được xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Phòng Lao động — Thương binh và Xã hội khi xây dựng phương án hòa giải hay không?… Vì vậy, có thể cho rằng, nếu đây là những việc cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp lao động và pháp luật không có quy định cấm thì hòa giải viên lao động vẫn nên và có quyền thực hiện.

– Hòa giải viên lao động phải tổ chức và kết thúc phiên họp hòa giải tranh chấp lao động trong thời gian nói trên. Phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp hoặc đại diện theo ủy quyền của họ. Trường hợp một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Vì vậy, trước hết hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn để các bên tự thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Chỉ khi các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động mới đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét, quyết định. Neu hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành. Nếu hai bên không chấp nhận phương án hoà giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

Hòa giải tranh chấp lao động

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động. Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, ke từ ngày lập biên bản.

– Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu giải quyết mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết. Thời hiệu yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết được thực hiện theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Lao động.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.


Quý vị có thể tham khảo mục HỎI – ĐÁP Luật lao động về những nội dung có liên quan đến bài viết trên như sau:

Câu hỏi: Tranh chấp lao động bắt buộc phải qua hòa giải tại Hòa giải viên trước?

Chào luật sư, tôi có một số thắc mắc mong được giải đáp, đó là: Công ty cho tôi nghỉ việc vào tháng 7/2019 với lý do tôi không hoàn thành tốt công việc được giao. Qua tìm hiểu công ty phải xây dựng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc và phải báo trước với tôi thì mới đúng về mặt thủ tục. Điều này có đúng không? Tôi muốn khởi kiện ra Tòa để yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại thì có phải qua hòa giải trước không? Tôi cảm ơn!

Trả lời: 

Luật Hoàng Phi sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn qua các nội dung dưới đây:

Thứ nhất, về thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động đúng quy định:

Bộ luật lao động có quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại Điều 36 như sau:

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.”

Theo đó, đối chiếu với trường hợp của bạn, để công ty thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện: điều kiện về lý do chấm dứt hợp đồng lao động và điều kiện về thời gian báo trước với người lao động.

+ Về lý do chấm dứt: Theo bạn trình bày, công ty bạn lấy lý do bạn không hoàn thành tốt công việc được giao. Lý do này có thể thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động, tức là người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, để xác định thuộc trường hợp này, công ty phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của mình, từ đó có “thước đo” xác định bạn thường xuyên không hoàn thành công việc. Quy chế này ban hành khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở theo hướng dẫn của Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

+ Về thời gian báo trước: Tùy vào loại hợp đồng lao động mà pháp luật quy định công ty phải báo trước cho người lao động ít nhất 3 làm việc hay 30, 45 ngày.

Do đó, đúng như thông tin bạn tìm hiểu, công ty phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện trên thì mới đảm bảo đúng quy định pháp luật về thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu xác định được công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật, bạn có quyền yêu cầu công ty bồi thường theo quy định pháp luật. Trường hợp công ty không bồi thường theo quy định theo yêu cầu của bạn, tức là xảy ra tranh chấp lao động, cụ thể là tranh chấp lao động cá nhân.

Thứ hai, về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động:

Thông thường các tranh chấp lao động cá nhân phải qua bước hòa giải tại hòa giải viên lao động trước khi khởi kiện tại tòa. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động không bắt buộc qua hòa giải. Theo đó, trường hợp tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những trường hợp này. Do đó, bạn có thể trực tiếp khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu muốn yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (1 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi