Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Dân sự Thừa kế theo pháp luật là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 658 Lượt xem

Thừa kế theo pháp luật là gì?

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Thừa kế theo pháp luật được hiểu một cách đơn giản là quá trình dịch chuyển di sản của người chết sang những người còn sống theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Vậy pháp luật quy định Thừa kế theo pháp luật là gì? Các trường hợp thừa kế theo pháp luật? Khách hàng quan tâm vui lòng theo dõi nội dung bài viết.

Khái niệm thừa kế theo pháp luật

Điều 674 BLDS 2005 đã định nghĩa về thừa kế theo pháp luật như sau: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.

Theo đó chúng ta thấy thừa kế theo pháp luật khác với thừa kế theo di chúc ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất, nếu việc dịch chuyển di sản trong thừa kế theo di chúc hoàn toàn được thực hiện theo ý chí của người để lại di sản thì trong thừa kế theo luật, việc dịch chuyển di sản phải được thực hiện theo hàng thừa kế mà pháp luật đã quy định.

Thứ hai, người thừa kế theo di chúc vẫn được hưởng di sản dù thuộc các trường hợp không được hưởng di sản theo khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 nếu vẫn được người lập di chúc cho hưởng.

Đối với người thừa kế theo pháp luật thì chỉ được hưởng di sản khi có đủ hai điều kiện: không bị tước quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 và không bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản.

Thứ ba, trong thừa kế theo di chúc, di sản được dịch chuyển đồng thời cho tất cả những người thừa kế mà không cần tuân theo một trình tự nào nhưng trong thừa kế theo pháp luật thì việc dịch chuyển di sản phải căn cứ vào các hàng thừa kế theo một trình tự nhất định.

Theo đó, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

Điều 675 của Bộ luật Dân sự quy định như sau:

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Theo Điều 675 BLDS 2005 thì các trường hợp thừa kế theo pháp luật được chia thành hai nhóm chính sau sau đây:

Nhóm thứ nhất: Di sản thừa kế hoàn toàn được chia theo pháp luật, bao gồm các trường hợp sau đây:

+ Không có di chúc;

+ Di chúc không hợp pháp toàn bộ;

+ Di chúc hợp pháp nhưng toàn bộ di chúc không có hiệu lực thi hành do tất cả người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc hoặc đều không có quyền hưởng di sản hay đều từ chối quyền hưởng di sản; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Nhóm thứ hai: Di sản vừa được chia theo di chúc vừa được chia theo pháp luật, bao gồm các trường hợp sau đây:

+ Có phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

+ Có một phần di chúc không có hiệu lực pháp luật;

+ Có một hoặc một số người trong số những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; một hoặc một số cơ quan, tổ chức được thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế hoặc có một hoặc một số người trong số những người thừa kế theo di chúc không được quyền hưởng di sản hay từ chối quyền hưởng di sản theo di chúc.

Phân tích các trường hợp thừa kế theo pháp luật

Thứ nhất: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc được coi là không có di chúc

Đây là những trường hợp mà người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng đã huỷ di chúc như đốt, xé hoặc tuyên bố huỷ bỏ di chúc đã lập.

Cũng được coi là không có di chúc trong những trường hợp người chết có để lại di chúc nhưng khi có tranh chấp về thừa kế xảy ra di chúc đó đã bị thất lạc hoặc đã bị hư hại hoàn toàn đến mức không thể hiện được đầy đủ và rõ ràng ý chí của người lập di chúc và cũng không thể chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc.

Ngoài ra, nếu bạn di chúc được viết bằng ký hiệu hoặc bằng ngôn từ khó hiểu làm cho tất cả người thừa kế có cách hiểu không đồng nhất về toàn bộ nội dung của bản di chúc đó thì cũng được coi là không có di chúc.

Trong các trường hợp nói trên, toàn bộ di sản mà người chết để lại sẽ được phân chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp.

Di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của một giao dịch có hiệu lực và các điều kiện đã được BLDS 2005 quy định tại Điều 652. Di chúc bị coi là không hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật, do vậy di sản liên quan đến di chúc đó sẽ được giải quyết theo pháp luật.

Tuy nhiên, một di chúc bất hợp pháp có thể không có hiệu lực pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau. Di chúc bất hợp pháp có thể bị coi là vô hiệu toàn bộ nhưng có thể chỉ vô hiệu một phần nên khi giải quyết một tranh chấp về thừa kế có liên quan đến di chúc phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, vào các điều kiện mà di chúc đã vi phạm để xác định mức độ vô hiệu của di chúc.

Một di chúc sẽ bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu di chúc đó do người không còn minh mẫn, sáng suốt lập ra hoặc di chúc đó không phải là ý chí tự nguyện đích thực của người lập di chúc, do bị người khác cưỡng ép, ngăn cản hoặc lừa dối.

Di chúc cũng bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu do người dưới mười lăm tuổi lập ra hoặc do người đủ mười lăm tuổi lập ra nhưng không có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Ngoài ra, một di chúc dù không vi phạm các điều kiện trên vẫn bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu toàn bộ nội dung của di chúc đó trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Khi xác định di chúc không có hiệu lực toàn bộ thì vụ thừa kế sẽ hoàn toàn được được giải quyết theo pháp luật, nghĩa là toàn bộ di sản mà người lập di chúc để lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của họ.

Một di chúc đã đáp ứng được các điều kiện về năng lực hành vi, tính tự nguyện, độ minh mẫn sáng suốt của người lập di chúc nhưng nội dung của nó lại có một phần không hợp pháp hoặc trái đạo đức xã hội và phần không hợp pháp đó không ảnh hưởng đến hiệu lực đối với phần còn lại của di chúc thì di chúc đó bị coi là vô hiệu một phần.

Trong các trường hợp này, khi giải quyết tranh chấp về thừa kế thì phần di sản có liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực pháp luật sẽ áp dụng thừa kế theo pháp luật để chia cho những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản, phần di sản liên quan đến phần di chúc có hiệu lực pháp luật sẽ được chia cho những người thừa kế được xác định trong di chúc.

Thứ ba: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế

Theo quy định tại Điều 635 BLDS 2005 (đã được xét đến tương đối kỹ ở phần trước) thì người thừa kế nếu là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế, cơ quan, tổ chức được thừa kế theo di chúc phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Vì vậy, khi giải quyết một vụ việc thừa kế mà người chết có để lại một di chúc hợp pháp cần phải xác định cá nhân, tổ chức được chỉ định làm người thừa kế có còn sống, còn tồn tại vào thời điểm người để lại di sản chết hay không.

Theo đó, nếu tất cả cá nhân được thừa kế theo di chúc đều đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản, các cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc cũng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì toàn bộ di sản của người chết để lại được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó.

Nếu chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản, một hoặc một số cơ quan, tổ chức không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ áp dụng thừa kế theo luật đối với phần di sản liên quan đến người thừa kế theo di chúc đã chết, cơ quan, tổ chức không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Những người còn sống, các cơ quan, tổ chức còn tồn tại vẫn được hưởng phần di sản đã được người để lại di sản định đoạt trong di chúc có người được chỉ định trong di chúc đã chết trước người để lại di sản thì phần di sản đó sẽ được giải quyết theo pháp luật.

Thứ tư: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng đối với phần di sản không được định đoạt trong di chúc

Trong trường hợp người lập di chúc chỉ mới định đoạt một phần di sản thì phần di sản này được chia theo di chúc. Phần di sản chưa được định đoạt trong di chúc sẽ áp dụng thừa kế theo pháp luật để dịch chuyển cho những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản.

Những người trong cùng một hàng thừa kế sẽ được hưởng ngang nhau đối với phần di sản này. Vì vậy, một người dù đã được hưởng di sản theo di chúc vẫn được hưởng một phần trong phần di sản chưa được định đoạt nếu họ là người đứng trong hàng thừa kế được hưởng di sản theo pháp luật, trừ trường hợp người lập di chúc đã nói rõ họ chỉ được hưởng phần di sản theo di chúc.

Thứ năm: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người thừa kế theo di chúc không được quyền hưởng di sản

Người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản là những người được người để lại di sản chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng chính họ lại có một trong các hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 nên đã bị pháp luật tước bỏ quyền hưởng di sản.

Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều không có quyền hưởng di sản thi áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ di sản mà người lập di chúc đã để lại. Nếu chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản thì chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản liên quan đến người đó.

Những người thừa kế theo di chúc không có các hành vi nói trên được hưởng phần di sản mà người để lại di sản đã xác định trong di chúc. Ngoài ra, nếu người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản còn được cùng với những người thừa kế theo luật khác hưởng phần di sản mà những người thừa kế theo di chúc nhưng không có quyền hưởng.

Thứ sáu: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người thừa kế theo di chúc từ chối quyền hưởng di sản

Nếu người thừa kế theo di chúc thực hiện việc từ chối nhận di sản đúng với quy định tại Điều 642 BLDS 2005 thì phần di sản liên quan đến họ sẽ được áp dụng thừa kế theo pháp luật để giải quyết.

Nếu người thừa kế theo di chúc không đồng thời là người thừa kế theo pháp luật thì việc họ từ chối nhận di sản luôn chỉ là từ chối hưởng di sản theo di chúc. Nếu người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc thì cần phải xác định họ từ chối toàn bộ (cả theo di chúc, cả theo pháp luật) hay chỉ từ chối nhận di sản theo di chúc.

Vì vậy, đối với những người này nếu họ chỉ từ chối quyền hưởng di sản theo di chúc thì họ vẫn là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc nên phần di sản được giải quyết theo pháp luật vẫn phải chia cho họ. Nếu họ đã từ chối toàn bộ quyền hưởng di sản thì phần di sản đó được chia cho những người thừa kế theo pháp luật khác của người để lại di sản.

Trong trường hợp toàn bộ những người thừa kế theo di chúc từ chối quyền hưởng di sản thì áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ di sản mà người lập di chúc đã để lại. Theo đó toàn bộ di sản thừa kế được chia cho người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc. Nếu chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc từ chối quyền hưởng di sản thì chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản liên quan đến họ.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi