Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Quy định về Điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 618 Lượt xem

Quy định về Điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Quy định về điều lệ của tổ chức đại diện người lao động luôn luôn là một trong những nội dung quan trọng, song cũng rất nhạy cảm về tính tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do liên kết.

Điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gồm những nội dung gì?

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật lao động Điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì:

1. Điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây: 

a) Tên, địa chỉ tổ chức biểu tượng (nếu có); 

b) Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên tổ chức mình trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; 

c) Điều kiện, thủ tục gia nhập và ra khỏi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Trong một tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không đồng thời có thành viên là người lao động thông thường và thành viên là người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến điều kiện lao động, tuyển dụng lao động, kỷ luật lao động, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác; 

d) Cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ, người đại diện của tổ chức;

đ) Nguyên tắc tổ chức, hoạt động:

e) Thể thức thông qua quyết định của tổ chức. 

Những nội dung phải do thành viên quyết định theo đa số bao gồm thông qua, sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức; bầu cử, miễn nhiệm người đứng đầu và thành viên ban lãnh đạo của tổ chức; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, đổi tên, giải thể, liên kết tổ chức; gia nhập Công đoàn Việt Nam; 

g) Phí thành viên, nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của tổ chức. 

Việc thu, chi tài chính của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải được theo dõi, lưu trữ và định kỳ hằng năm công khai cho thành viên của tổ chức; 

h) Kiến nghị và giải quyết kiến nghị của thành viên trong nội bộ tổ chức.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. 

Binh luận về Điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp 

Quy định về điều lệ của tổ chức đại diện người lao động luôn luôn là một trong những nội dung quan trọng, song cũng rất nhạy cảm về tính tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do liên kết. 

Theo các tiêu chuẩn của ILO về tự do liên kết, tổ chức của người lao động có quyền tự do, tự chủ trong việc xây dựng điều lệ của mình.

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn lao động quốc tế cũng cho phép luật pháp có những quy định về điều lệ của tổ chức của người lao động mà không bị xem là vi phạm quyền tự do, tự chủ của tổ chức trong việc xây dựng điều lệ hoạt động nếu đó là những quy định phù hợp với nguyên tắc tự do liên kết, có mục đích nhằm bảo đảm nguyên tắc dân chủ trong tổ chức và hoạt động của tổ chức, bảo đảm quyền của thành viên tổ chức. 

Có thể thấy, Điều 104 BLLĐ năm 2019 đã xử lý tương đối hợp lý giữa hai yêu cầu, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản trị tổ chức của người lao động thông qua điều lệ của tổ chức, vừa bảo đảm phù hợp với các yêu cầu của các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan. 

Điều 174 bao gồm hai loại nội dung: 

Loại nội dung thứ nhất là những nội dung mà điều luật chỉ đưa ra các yêu cầu về những vấn đề cần phải có trong điều lệ của tổ chức của người lao động, chứ không quy định vấn đề đó cần phải được quy định cụ thể thế nào. Việc quy định cụ thể nội dung đó thế nào thuộc quyền tự chủ của tổ chức của người lao động. 

Những nội dung này bao gồm: (1) Tên, địa chỉ tổ chức; biểu tượng [nếu có) (điểm a khoản 1); (2) Cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ, người đại diện của tổ chức (điểm d khoản 1); (3) Nguyên tắc tổ chức, hoạt động (điểm đ khoản 1); (4) Kiến nghị và giải quyết kiến nghị của thành viên trong nội bộ tổ chức (điểm h khoản 1). 

Loại nội dung thứ hai là những nội dung điều luật vừa đưa ra yêu cầu về những vấn đề cần phải có trong điều lệ của tổ chức của người lao động, song đồng thời điều luật đưa ra một số yêu cầu cụ thể vấn đề đó phải được quy định như thế nào trong điều lệ. Điều này có nghĩa là tổ chức của người lao động vẫn có quyền tự chủ trong việc xây dựng nội dung về những vấn đề đó trong điều lệ của mình, song một số nội dung cụ thể phải bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật, tổ chức của người lao động không được có quy định khác nếu muốn được chấp thuận đăng ký. 

Những nội dung này bao gồm: 

(1) Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động (điểm b khoản 1). Đá Theo quy định này, tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của tổ chức của người lao động sẽ do chính tổ chức quyết định và phải thể hiện trong điều lệ của mình, song tôn chỉ, mục đích đó phải là “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên tổ chức mình trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”. 

– Câu hỏi đặt ra là ngoài tôn chỉ, mục đích nêu trên, tổ chức của người lao động có được có những tôn chỉ, mục đích khác hay không? Thực chất của quy định này là để xác định rõ tôn chỉ, mục đích của tổ chức của người lao động, đồng thời không cho phép tổ chức của người lao động có mục đích chính trị.

Việc luật pháp quốc gia quy định một tổ chức của người lao động thuần túy có mục đích chính trị thì sẽ không được coi là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động, không được hưởng những quyển và sự bảo vệ của luật lao động là không trái với các tiêu chuẩn của ILO về tự do liên kết.

Do đó, quy định này của BLLĐ được hiểu là tổ chức của người lao động nhất thiết phải có tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 174. Ngoài ra, tổ chức của người lao động cũng có thể có những tôn chỉ, mục đích khác như hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong những trường hợp khó khăn; thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện…, song trong mọi trường hợp, tổ chức của người lao động không được có mục đích chính trị. 

(2) Điều kiện, thủ tục gia nhập và ra khỏi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (điểm c khoản 1). 

Quy định này được hiểu là mỗi tổ chức của người lao động có quyền đặt ra điều kiện, thủ tục để người lao động gia nhập và ra khỏi tổ chức và phải ghi rõ những nội dung này trong điều lệ của mình. Mỗi tổ chức có thể có quy định riêng về nội dung này. Ví dụ: tổ chức có thể quy định chỉ tập hợp những người lao động có hợp đồng lao động từ 01 năm trở lên. VÀ 

Tuy nhiên, dù quy định thế nào cũng phải bảo đảm yêu cầu của pháp luật là “Trong một tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không đồng thời có thành viên là người lao động thông thường và thành viên là người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến điều kiện lao động, tuyển dụng lao động, kỷ luật lao động, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác”.

Quy định này được hiểu là những người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động vẫn có quyền thành lập, gia nhập tổ chức của chính mình, nhưng không được trong cùng tổ chức của người lao động thông thường khác trong doanh nghiệp. 

Mục đích quy định này của pháp luật là để bảo đảm tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng, chi phối bởi người sử dụng lao động, bảo đảm tính độc lập của tổ chức của người lao động với người sử dụng lao động, để từ đó tổ chức này có thể đại diện, bảo vệ một cách thực chất, hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Đây là một trong những yêu cầu của Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể mà Việt Nam đã gia nhập từ ngày 05/7/2019, có hiệu lực từ ngày 05/7/2020. 

(3) Thể thức thông qua quyết định của tổ chức (điểm e khoản 1). 

Điều luật quy định đây là một nội dung bắt buộc phải có trong điều lệ của tổ chức của người lao động. Nguyên tắc chung thì thể thức thông qua quyết định của tổ chức cũng sẽ do chính tổ chức quyết định và thể hiện trong điều lệ tổ chức. 

Tuy nhiên, đối với một số vấn đề, BLLĐ quy định việc ra quyết định phải do thành viên tổ chức thực hiện theo nguyên tắc đa số. 

Đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với tổ chức, bao gồm: (i) Thông qua, sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức; (ii) Bầu cử, miễn nhiệm người đứng đầu và thành viên ban lãnh đạo của tổ chức; (iii) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, đổi tên, giải thể, liên kết tổ chức; (iv) Gia nhập Công đoàn Việt Nam. Lý do và mục đích của quy định này là nhằm bảo đảm nguyên tắc dân chủ trong tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động, bảo đảm quyền của thành viên tổ chức trong việc ra quyết định đối với những vấn đề hệ trọng của tổ chức, có ảnh hưởng lớn đối với tất cả các thành viên của tổ chức. 

Điều này cũng có nghĩa là ngoài 4 nhóm vấn đề nêu trên thì đối với những nội dung khác, ví dụ như việc ra quyết định để thực hiện một hoạt động cụ thể nào đó của tổ chức, hay việc ra quyết định lựa chọn nội dung để tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể với người sử dụng lao động… thì thể thức ra quyết định thế nào hoàn toàn do tổ chức tự quyết định và ghi trong điều lệ.

Đối với những vấn đề này, tổ chức có thể quy định việc ra quyết định cũng được thực hiện thông qua lấy ý kiến của thành viên hoặc giao toàn quyền cho ban lãnh đạo hoặc thậm chí giao cho người đứng đầu tổ chức quyết định. 

 (4) Phí thành viên, nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của tổ chức (điểm g khoản 1). 

– Về nguyên tắc, những nội dung về phí thành viên, nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của tổ chức cũng là chủ đề thuộc quyền tự chủ, tự quản của tổ chức của người lao động, nên phải do chính tổ chức của người lao động quyết định. Đương nhiên, việc thực hiện quyền tự chủ, tự quản này không được vi phạm các quy định liên quan của pháp luật.

Ví dụ, tổ chức của người lao động có quyền quy định về việc tài chính, tài sản của tổ chức được sử dụng vào những mục đích cụ thể nào, song những mục đích đó phải là những mục đích không trái với các quy định của pháp luật như sử dụng để kinh doanh trái pháp luật, hoặc tài trợ cho những hoạt động bất hợp pháp. 

BLLĐ chỉ quy định tổ chức của người lao động phải thể hiện những nội dung này trong điều lệ của mình. Đồng thời, BLLĐ yêu cầu việc thu, chi tài chính của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải được theo dõi, lưu trữ và định kỳ hằng năm công khai cho thành viên của tổ chức. Mục đích của quy định này nhằm bảo đảm việc thu, quản lý, chi tiêu tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động phải công khai, minh bạch, đúng pháp luật và quan trọng là phải có sự giám sát của chính thành viên tổ chức. 

Một số nội dung của khoản 1 Điều 174 về điều lệ tổ chức của người lao động cần phải có những hướng dẫn cụ thể thêm nên khoản 2 Điều này giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Điều cần lưu ý là khi Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung này cần bảo đảm hài hòa giữa hai yêu cầu là yêu cầu quản trị tổ chức của người lao động, song đồng thời đó phải là những quy định phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do liên kết, không phải là những quy định can thiệp, hạn chế một cách không phù hợp quyền tự do, tự chủ của tổ chức của người lao động trong việc xây dựng điều lệ hoạt động của mình. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi