Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Dân sự Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1868 Lượt xem

Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự?

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án ( gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

Trong các giao dịch dân sự giữa các bên nếu vi phạm quyền và nghĩa vụ sẽ thường xuyên phát sinh tranh chấp. Trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận với nhau để giải quyết tranh chấp thì một trong các bên sẽ khởi kiện lên tòa án giải quyết tranh chấp (khởi kiện vụ án dân sự). Tuy nhiên không phải lúc nào tranh chấp khởi kiện lên Tòa đều được giải quyết mà cần có những điều kiện khởi kiện nhất định. Vậy Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự là câu hỏi được đông đảo bạn đọc quan tâm. Chúng tôi đưa ra Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự giúp bạn đọc hình dung dễ hơn.

Vụ án dân sự và khởi kiện vụ án dân sự là gì?

Trước khi tìm hiểu về Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự thì bài viết xin đưa ra một số vấn đề liên quan về vụ án dân sự là gì và khởi kiện vụ án dân sự là gì để bạn đọc hiểu rõ hơn.

Hiện nay chưa có khái niệm hay định nghĩa theo pháp luật quy định về vụ án dân sự là gì và khởi kiện vụ án dân sự là gì. Chúng ta có thể hiểu vụ án dân sự là những tranh chấp phát sinh khi các bên vi phạm quyền và nghĩa vụ mà không thể tự thỏa thuận tìm ra phương án giải quyết, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình một trong các bên hoặc các bên lựa chọn khởi kiện lên Tòa án có thẩm quyền để được phân xử. Theo đó tranh chấp dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự đó là các tranh chấp từ các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ dân sự trong đời sống xã hội khác.

Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền khởi kiện: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Khởi kiện là một trong những quyền của con người, theo đó người khởi kiện làm đơn nộp cho Tòa án yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp dưới góc độ quyền con người theo quy định pháp luật.

Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các chủ thể khác có quyền dân sự bị xâm phạm có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án, yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và yêu cầu tòa án có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền dân sự phải chấm dứt hành vi trái pháp luật hoặc phải bổi thường thiệt hại hoặc phải chịu chế tài phạt vi phạm.

Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự

Vậy Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự là gì? Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự là điều kiện mà pháp luật quy định phải có thì mới khởi kiện được vụ án dân sự.  Đây là tổng hợp các yếu tố người khởi kiện cần đáp ứng để Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án. Điều kiện khởi kiện là cơ sở để xác định tính hợp pháp của việc khởi kiện. Theo quy định pháp luật tố tụng dân sự thì Toà án chỉ thụ lí, giải quyết vụ án dân sự khi chủ thể khởi kiện đáp ứng được các điều kiện khởi kiện vụ án dân sự và thụ lý giải quyết vụ án dân sự khi có đơn khởi kiện của các chủ thể. Do đó các chủ thể khi nộp đơn khởi kiện cần phải tuân thủ các điều kiện về khởi kiện vụ án dân sự. Cụ thể các điều kiện khởi kiên vụ án dân sự bao gồm:

Thứ nhất: Chủ thể phải có quyền khởi kiện và có năng lực hành vi dân sự.

Có thể thấy, trước hết chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

Chủ thể có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình hoặc của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước. Chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức đại diện, tổ chức xã hội. Quyền khới kiện của chủ thể được căn cứ theo Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cụ thể:

1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

2. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.

5. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra, cá nhân khi khởi kiện phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.  Cá nhân có năng lực hành vi tố tụng dân sự và có quyền, lợi ích bị xâm hại thì tự mình khởi kiện. Trường hợp cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng dân sự mà có quyền lợi cần phải được bảo vệ thì họ không thể tự mình khởi kiện vụ án mà phải do người đại diện thay mặt để thực hiện việc khởi kiện vụ án. Cá nhân khi đã có năng lực chủ thể đầy đủ thì phải tự mình ký đơn khởi kiện, sau khi Tòa án thụ lý thì họ có quyền làm giấy ủy quyền cho một người khác có năng lực hành vi thay mặt mình tham gia tố tụng, trừ việc ly hôn.

Thứ hai: Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Việc phân định thẩm quyền dân sự của Tòa án là để bảo đảm hiệu quả giải quyết vụ án chính xác đúng đắn, tránh được sự chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan và tổ chức tham gia tố tụng. Để vụ án được thụ lý, đơn khởi kiện phải được gửi đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết, xét xử, cụ thể đúng thẩm quyền của Tòa án gồm:

Đúng loại việc: Những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định cụ thể tại các Điều 26, Điều 28, Điều 30, Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Nếu vụ việc khởi kiện thông thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.

Đúng thẩm quyền theo cấp: Thẩm quyền theo cấp của Tòa án được chia thành thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh, Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh và được quy định cụ thể tại các Điều 35, 36, 37, 38 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Đúng thẩm quyền theo lãnh thổ: Thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án được quy định cụ thể tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Đối với những tranh chấp trong vụ án dân sự mà pháp luật có quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án ra tòa án khi cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó.

Thứ ba: Sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.

Để bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền, một vụ việc đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thì không được giải quyết lại nên không có quyền khởi kiện đối với vụ việc này. Tuy vậy, đối với một số vụ việc do đặc điểm, tính chất của quan hệ pháp luật nội dung cần giải quyết và yêu cầu của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, pháp luật quy định Tòa án được giải quyết lại nên có thể khởi kiện lại.

Thứ tư: Các điều kiện khác

Ngoài những điều kiện nêu trên người khởi kiện còn phải đáp ứng một số điều kiện khác mang tính thủ tục tuy nhiên cũng rất quan trọng, bao gồm: Đóng tạm ứng án phí đầy đủ. Đơn khởi kiện phải đúng theo mẫu với nội dung đầy đủ như quy định. Nếu đơn không đúng thì thẩm phán xem xét đơn phải yêu cầu người khởi kiện sửa lại đơn khởi kiện và nếu người người kiện không thay đổi bổ sung thì thẩm phán trả lại đơn khởi kiện kèm theo văn bản nêu rõ lý do. Đối với vụ án tranh chấp đất đai thì cần phải hòa giải tại cơ sở trước khi khởi kiện.

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về Thông tin Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự.  Khách hàng tham khảo nội dung bài viết, có vướng mắc vui lòng phản hồi trực tiếp để nhân viên hỗ trợ nhanh chóng tận tình.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi