Cơ sở của trách nhiệm hình sự
Điều luật xác định cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự và qua đó thể hiện nguyên tắc pháp chế là nguyên tắc cơ bản của luật hình sự nói riêng cũng như của hệ thống pháp luật nói chung.
Điều luật Cơ sở của trách nhiệm hình sự
1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Chi pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bình luận Điều luật Cơ sở của trách nhiệm hình sự
Điều luật xác định cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự và qua đó thể hiện nguyên tắc pháp chế là nguyên tắc cơ bản của luật hình sự nói riêng cũng như của hệ thống pháp luật nói chung.
Theo điều luật, trách nhiệm hình sự có thể là trách nhiệm hình sự của cá nhân người phạm tội hoặc trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Trong đó, trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại mới được luật hình sự Việt Nam thừa nhận và được bổ sung trong BLHS.
1. Khoản 1 của điều luật khẳng định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Nội dung quy định này là sự thừa nhận nguyên tắc đã được ghi trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc: “Không ai bị kết án vì một hành vi mà lúc họ thực hiện luật pháp quốc gia hay quốc tế không coi là tội phạm” (khoản 2 Điều 11). Như vậy, theo luật hình sự Việt Nam, tội phạm phải được quy định trong luật (BLHS) và một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nói chung cũng như hình phạt nói riêng về tội phạm đã được quy định trong luật (BLHS) mà họ đã thực hiện. Theo đó, không thể buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi họ đã thực hiện mà hành vi đó không được quy định trong BLHS là tội phạm hoặc chỉ được quy định là tội phạm sau khi họ đã thực hiện hành vi đó. Điều này có nghĩa, luật hình sự Việt Nam không chỉ cấm nguyên tắc tương tự (xét xử một người vì hành vi của họ tuy chưa được quy định trong luật là tội phạm nhưng hành vi đó tương tự với hành vi khác đã được quy định trong luật là tội phạm) mà cấm cả nguyên tắc hồi tố (xét xử một người về hành vi họ đã thực hiện trước khi hành vi đó được quy định trong luật là tội phạm).(2)
Một người được coi là “phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định” khi người đó đã thực hiện hành vi phạm tội được mô tả tại điều luật quy định về tội danh cụ thể trong Phần thứ hai của BLHS như hành vi được mô tả tại Điều 168 BLHS quy định về tội cướp tài sản hoặc tại Điều 188 BLHS quy định về tội buôn lậu. Họ có thể thực hiện trọn vẹn hành vi phạm tội được mô tả hoặc không thực hiện được trọn hành vi đó do nguyên nhân ngoài ý muốn. Cũng được coi là “phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định” khi một người có hành vi tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức người khác thực hiện hành vi (cố ý) được mô tả nêu trên. Nói cách khác, bị coi là “phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định”có thể là trường hợp chỉ có một người nhưng cũng có thể là trường hợp có nhiều người cùng thực hiện dưới hình thức đồng phạm. Ngoài ra, trong trường hợp nhất định, người mới có hành vi chuẩn bị cho việc thực hiện hành vi (cố ý) được mô tả nêu trên cũng được coi là người phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định”. (5)
2. Khoản 2 của điều luật là nội dung mới so với BLHS năm 1999. Khoản này được bổ sung để xác định cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thứ hai của trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại. Cụ thể, khoản 2 của điều luật quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Nội dung quy định này có thể được hiểu theo 2 cách khác nhau:
– Cách hiểu thứ nhất: Theo cách hiểu này, có tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện theo quy định tại khoản 2 của điều luật) bên cạnh tội phạm do cá nhân thực hiện theo quy định tại khoản 1 của điều luật) và như vậy sẽ có pháp nhân thương mại phạm tội bên cạnh người phạm tội. Khác với cá nhân, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội được liệt kê tại Điều 76 BLHS mà pháp nhân thương mại đã thực hiện. Cách hiểu này tuy thống nhất theo cách hiểu của khoản 1 nhưng lại thể hiện nội dung của khoản 2 có sự mâu thuẫn với Điều 75 BLHS. Theo Điều 75 BLHS thì pháp nhân thương mại không thực hiện tội phạm mà chủ thể khác đã thực hiện và pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các điều kiện được quy định, trong đó có điều kiện “Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại và nội dung của điều kiện này thể hiện pháp nhân thương mại không thực hiện tội phạm. Như vậy, thực tế chỉ có tội phạm do cá nhân thực hiện và có 2 chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó (6) Cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là do đã thực hiện tội phạm đã được BLHS quy định (theo khoản 1 của Điều luật) còn pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được xác định tại Điều 76 BLHS là do thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 75 BLHS.
– Cách hiểu thứ hai: Theo cách hiểu này, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội được xác định tại Điều 76 BLHS khi thỏa mãn các điều kiện bị coi là “phạm một tội” được quy định tại Điều 75. Cách hiểu này dựa trên quan niệm cho rằng, tội phạm là do cá nhân thực hiện nhưng pháp nhân thương mại cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm cùng với cá nhân khi thỏa mãn các điều kiện được BLHS quy định và khi đó pháp nhân thương mại cũng bị coi là đã phạm tội. Cách hiểu này tuy không thống nhất theo cách hiểu của khoản 1 nhưng lại phù hợp với nội dung của Điều 75 BLHS là điều luật quan trọng nhất quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, sẽ không có pháp nhân thương mại phạm tội theo nghĩa đã thực hiện tội phạm bên cạnh tội phạm do cá nhân thực hiện mà chỉ có pháp nhân thương mại bị coi là phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nội dung tại khoản 2 “... phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này…” cần được hiểu khác với nội dung tại khoản 1 “... phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định ...”. Theo khoản 1, người phạm một tội là người đã thực hiện một tội phạm còn theo khoản 2, pháp nhân thương mại phạm một tội “... đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này…”chỉ có nghĩa:
– Cá nhân đã thực hiện tội phạm thuộc các tội được liệt kê tại Điều 76 BLHS; và
– Giữa hành vi phạm tội cũng như cá nhân thực hiện hành vi phạm tội nói trên với pháp nhân thương mại có quan hệ đặc biệt được quy định tại Điều 75 BLHS. Đó là: Người thực hiện đã “... nhân danh pháp nhân thương mại, ... có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại...” và hành vi phạm tội là “… vì lợi ích của pháp nhân thương mại...”. (7)
Như vậy, cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với cá nhân là việc thực hiện hành vi đã được quy định trong BLHS là tội phạm còn đối với pháp nhân thương mại, cơ sở của trách nhiệm hình sự là mối quan hệ “đặc biệt” giữa pháp nhân thương mại với hành vi phạm tội cũng như với người đã thực hiện hành vi phạm tội đó.(8)
Tội phạm chỉ có thể được thực hiện bởi cá nhân và pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó mà không có tội phạm khác được thực hiện bởi pháp nhân thương mại. Chính vì chỉ có một tội phạm được thực hiện nên khoản 2 Điều 75 BLHS quy định: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Đây là nguyên tắc trách nhiệm hình sự kép theo nghĩa cả 02 chủ thể cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội phạm được thực hiện. Pháp nhân thương mại không thể là chủ thể thực hiện tội phạm mà chỉ có thể là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do cá nhân (người) thực hiện. Do vậy, chỉ có thể có pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự mà không có pháp nhân thương mại phạm tội theo đúng nghĩa.
Theo đó, khoản 2 của điều luật “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự” cần được hiểu là: “Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được xác định tại Điều 76 BLHS khi thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 75 của Bộ luật này”. Nếu không hiểu theo nghĩa như vậy, chúng ta sẽ thấy khẳng định tại khoản 2 Điều 2: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự” mâu thuẫn với khẳng định tại Điều 75 BLHS “Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi … Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; …”.
Theo khoản 2 Điều 2 BLHS, pháp nhân thương mại là chủ thể thực hiện hành vi phạm tội nhưng theo Điều 75, hành vi phạm tội không thể do pháp nhân thương mại thực hiện mà phải do chủ thể khác thực hiện nên mới có việc “nhân danh pháp nhân thương mại”. “Chỉ khi hành vi phạm tội do người… (cá nhân) thực hiện thì mới đặt ra điều kiện “nhân danh pháp nhân thương mại”,” (10)
Với 2 cách hiểu như vậy, nội dung quy định tại khoản 2 của điều luật đã tạo ra sự hiểu nhầm là có hai hệ thống tội phạm tội phạm do cá nhân thực hiện và tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện. Từ đó dẫn đến sự không thống nhất trong các quy định của BLHS về vấn đề này. Trong các quy định thuộc Phần chung có quy định thể hiện có 2 hệ thống tội phạm nhưng cũng có nhiều quy định chỉ có nội dung về tội phạm do cá nhân thực hiện. Tương tự như vậy, ở một số điều luật thuộc Phần các tội phạm cũng có sự mâu thuẫn này ngay trong cùng điều luật (11)
Sự không thống nhất này có thể do một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại như quy định tại khoản 2 Điều 2 đã được sao chép cơ học từ các quy định về người phạm tội tương ứng mặc dù 2 chủ thể này cũng như nội dung quy định liên quan đến 2 chủ thể này đều có sự khác nhau.
Như vậy, để đảm bảo tính chính xác cũng như tính thống nhất của BLHS, cần phải hiểu khoản 2 của điều luật theo cách hiểu thứ hai. Đây là cách hiểu phù hợp với thực tiễn lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới và cũng phù hợp với phần lớn các quy định của BLHS năm 2015, đặc biệt là phù hợp với Điều 75 là điều luật cốt lõi về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (12)
Dù khoản 2 Điều 2 được hiểu theo cách nào thì pháp nhân thương mại cùng được hiểu là “... pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên”, bao gồm “… doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác” (Điều 75 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015). Trong đó, pháp nhân được hiểu là tổ chức thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
Quay lén người khác bị tội gì theo quy định?
Việc một cá nhân hay tổ chức bất kỳ sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích nào đó mà chưa được phép của người có quyền cá nhân đối với hình ảnh đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp...
Hành vi gian lận phiếu để làm sai lệch kết quả bầu cử thì phạm tội gì?
Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02...
Phân tích điều 280 bộ luật hình sự
Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép người lái tàu bay hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường không, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05...
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 10 tỷ đi tù bao nhiêu năm?
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 10 tỷ thì người phạm tội sẽ phải chịu mức án cao nhất là đi tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung...
Nhận tiền đi xuất khẩu lao động nhưng không trả có phải lừa đảo không?
Chúng tôi đã nộp số tiền hơn 300 triệu đồng cho công ty để đi xuất khẩu lao động gồm thủ tục xin visa nhưng đã 2 tháng vẫn không nhận được visa. Khi tới gặp công ty để đòi lại tiền thì không được tiếp đón. Chúng tôi đã trình bày lên công an quận nhưng không được giải quyết. Vậy chúng tôi phải làm như thế nào, và công an thành phố có giải quyết cho chúng tôi hay...
Xem thêm