Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Dân sự  Có bao nhiêu hàng thừa kế theo pháp luật
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 782 Lượt xem

 Có bao nhiêu hàng thừa kế theo pháp luật

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại

Không phải tất cả những người trong diện những người thừa kế theo pháp luật đều được thừa kế cùng một lúc. Để những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật hưởng di sản theo trình tự trước, sau căn cứ vào mức độ gần gũi giữa họ với người chết, pháp luật về thừa kế đã xếp những người đó theo từng nhóm khác nhau.

Vậy hàng thừa kế theo pháp luật là gì? Có bao nhiêu hàng thừa kế theo pháp luật? Khách hàng quan tâm vui lòng theo dõi nội dung bài viết sau đây.

Hàng thừa kế theo pháp luật là gì?

Hàng thừa kế theo pháp luật là nhóm những người có cùng mức độ gần gũi với người chết và theo đó họ cùng được hưởng ngang nhau đối với di sản thừa kế mà người chết để lại.

Pháp luật về thừa kế ở Việt Nam thời kỳ phong kiến quy định về hàng thừa kế theo trật tự ưu tiên những người có quan hệ huyết thống ty thuộc nội tộc với người để lại di sản. Bộ Dân luật Bắc Kỳ 1931 (gọi tắt là DLB) và Bộ Dân luật Trung kỳ 1936 (gọi tắt là DLT) quy định về các hàng thừa kế như sau:

Hàng thứ nhất gồm: Các con (con đẻ, con nuôi, con vợ cả, con vợ lẽ) của người để lại di sản. Trong trường hợp người để lại di sản không còn con thì cháu hưởng di sản (Điều 18 DLB và Điều 182 DLT).

Hàng thứ hai bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của người để lại di sản

Hàng thứ ba bao gồm: Ông nội, bà nội, cụ nội của người để lại di sản. (các cụ nội của người để lại di sản chỉ được hưởng di sản trong trường hợp cả ông nội, bà nội của người để lại di sản không còn).

Hàng thứ tư bao gồm: Anh, chị, em ruột của người để lại di sản. Con của anh, chị, em ruột người để lại di sản cũng thuộc hàng này trong trường hợp anh, chị, em ruột của người để lại di sản đã chết trước người để lại di sản. Cháu gọi anh, chị, em ruột của người để lại di sản bằng ông, bà cũng thuộc hàng thừa kế này trong trường hợp anh, chị, em ruột và con của anh, chị, em ruột của người để lại di sản đều đã chết trước người để lại di sản.

Hàng thứ năm bao gồm: Những người bên họ ngoại của người để lại di sản. Những người này chỉ được hưởng di sản sau khi đã xác định bên họ nội của người để lại di sản thừa kế không còn ai hoặc còn nhưng đều bị coi bất xứng hưởng di sản.

Tuy nhiên kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời cho đến nay, chú trọng nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ thừa kế giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng. v.v. đồng thời chú trọng đến mức độ gần gũi giữa người thừa kế với người để lại di sản, pháp luật về thừa kế ở nước ta đã xác định hàng thừa kế hoàn toàn khác.

Thông tư 1742 đã xác định thứ tự thừa kế theo pháp luật như sau: thứ tự thứ nhất gồm: Vợ hoặc chồng và các con của người chết; thứ tự thứ hai gồm: Cha, mẹ của người chết, sau cha mẹ đến các hàng thừa kế khác.

Như vậy, Thông tư này đã có sự sắp xếp những người thừa kế theo từng hàng nhưng còn thiếu tính cụ thể vì theo thứ tự trên sẽ được hiểu có ba hàng thừa kế những “hàng thừa kế khác bao gồm những ai thì chưa được xác định.

Việc quy định không rõ của Thông tư 1742 dẫn đến việc Toà án khi giải quyết các tranh chấp về thừa kế đã gặp nhiều lúng túng khi xác định những người ở các hàng thừa kế khác.

Nhằm khắc phục thiếu sót trên của Thông tư 1742, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 594/TANDTC hướng dẫn đường lối xét xử các tranh chấp về thừa kế.

Trong đó đã quy định: Hàng thừa kế thứ nhất gồm có: Vợ goá, (vợ cả goá, vợ lẽ goá) hoặc chồng goá; các con đẻ, các con nuôi; bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ nuôi. Hàng thừa kế thứ hai gồm có: Anh chị em ruột và anh chị em nuôi; ông bà nội ngoại. Như vậy, khác với Thông tư 1742, Thông tư số 594/TANDTC đã xếp bố, mẹ lên hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản do con để lại, đồng thời đã loại bỏ cụm từ “hàng thừa kế khác” để xác định chính thức chỉ có hai hàng thừa kế.

Tiếp đến, Thông tư số 81/TANDTC được ban hành, trong đó cũng xác định hai hàng thừa kế theo pháp luật và cơ bản giống quy định của Thông tư số 594/TANDTC: những người ở hàng thừa kế thứ nhất được quy định trong thông tư số 594/TANDTC vẫn được giữ nguyên trong Thông tư số 81/TANDTC. Tuy nhiên, ở hàng thừa kế thứ hai, Thông tư này đã bổ sung thêm “anh chị em cùng cha khác mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha”.

Văn bản pháp luật quy định về thừa kế tiếp theo Thông tư số 81/TANDTC là Pháp lệnh Thừa kế (gọi tắt là PLTK). Như đã nói, đây là một văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực ở trung ương (Hội đồng Nhà nước) ban hành trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Để bảo đảm hơn nữa về quyền thừa kế, của mọi chủ thể nói chung và của mọi cá nhân nói riêng, PLTK đã xác định diện những người thừa kế theo pháp luật với một phạm vi rộng hơn Thông tư số 81/TANDTC.

Vì vậy, số lượng hàng thừa kế theo pháp luật cũng nhiều hơn so với các văn bản pháp luật về thừa kể trước đó. Tại Điều 25 PLTK đã quy định | ba hàng thừa kế như sau:

– Hàng thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của người chết.

– Hàng thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.

Hàng thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết, bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột. Như vậy, so với Thông tư số 81/TANDTC, PLTK có nhiều điểm mới sau đây:

Thứ nhất, trong mối quan hệ thừa kế di sản của nhau giữa cha, mẹ và con, PLTK không phân biệt người con đó có đang làm con nuôi của người khác hay không. Vì vậy, khi cha mẹ chết thì con nuôi cũng như con đẻ đều đứng ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của bố, mẹ để lại và ngược lại, khi con chết thì cha, mẹ đẻ cũng như cha, mẹ nuôi đều đứng ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của người con đã chết để lại.

Thứ hai, trong hàng thừa kế thứ hai, PLTK đã loại bỏ anh, chị, em nuôi của người chết. Chúng tôi cho rằng đây là điểm tiến bộ đáng kể của PLTK so với Thông tư số 81/TANDTC vì như chúng tôi đã nói, thuật ngữ “anh, chị, em nuôi” chỉ là những người có cùng cha mẹ, trong đó có người là con nuôi, có người là con đẻ mà không được hiểu là giữa họ có quan hệ nuôi dưỡng.

Vì thế, anh, chị em, nuôi là thành viên trong một gia đình sẽ cùng được hưởng di sản mà bố mẹ họ (bố mẹ nuôi, bố mẹ đẻ) để lại, còn khi một trong những người đó chết mà họ không cùng bố, mẹ đẻ ra (không phải anh, chị em ruột thì họ không được hưởng di sản của nhau.

Thứ ba, PLTK đã xếp thêm những người thuộc huyết thống trực hệ tôn thuộc của người chết (huyết thống bề trên) ở đời thứ tư (cụ nội, cụ ngoại) cũng như đã xếp thêm những người thuộc huyết thống bàng hệ của người chết ở đời thứ hai (cô, dì, chú, bác, cậu của người chết và cháu của người chết mà người chết là cô, dì, chú, bác, cậu) vào trong hàng thừa kế thứ ba.

Sau một thời gian dài áp dụng PLTK nói riêng và các văn bản pháp luật dân sự nói chung vào thực tiễn cuộc sống, trước sự phát triển không ngừng và phong phú, đa dạng của các quan hệ dân sự cho thấy quy định để điều chỉnh các quan hệ dân sự bằng các văn bản dưới luật đã không còn phù hợp và không đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cuộc sống.

Trước tình hình đó, BLDS 1995 được ban hành và trở thành một công cụ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, đảm bảo sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong các quan hệ dân sự, góp phần tạo điều kiện đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Với tinh thần đó, BLDS 1995 là một văn bản pháp luật đã hệ thống hoá, pháp điển hoá toàn bộ pháp luật dân sự của nước ta từ trước đến nay. Tuy nhiên, về hàng thừa kế theo pháp luật, BLDS vẫn giữ nguyên quy định của PLTK. Tại khoản 1 Điều 679 BLDS 1995 quy định về hàng thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột”.

Có bao nhiêu hàng thừa kế theo pháp luật?

Do sự thay đổi và phát triển về nhiều mặt của cuộc sống, các quy định trong BLDS 1995 đã có nhiều điểm trở nên bất cập và thiếu sót. Vì thế, Nhà nước ta đã tiến hành sửa đổi, bổ sung BLDS 1995 bằng BLDS 2005.

Về hàng thừa kế theo pháp luật, khoản 1 Điều 676 BLDS 2005 quy định như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.

Như vậy, về cơ bản thì BLDS 2005 giữ lại quy định của BLDS 1995 về hàng thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, có bổ sung thêm cháu vào hàng thừa kế thứ hai của ông bà, chắt vào hàng thừa kế thứ ba của các cụ.

Theo quy định của Điều 676 BLDS 2005 thì quan hệ thừa kế giữa những người trong cùng một hàng thừa kế được xác định như sau:

– Ở hàng thừa kế thứ nhất Có hai mối quan hệ thừa kế sau đây:

+ Quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng: Vợ – chồng là mối quan hệ giữa một người đàn ông với một người đàn bà trên cơ sở hôn nhận được pháp luật thừa nhận. Quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng là một quan hệ thừa kế mang tính hai chiều hay còn gọi là “thừa kế đối nhau”, “thừa kế của nhau, nghĩa là trong đó, khi bên này chết thì bên kia là người thừa kế ở hàng thứ nhất.

Căn cứ để xác định quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng là quan hệ hôn nhân. Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 (gọi tắt là Luật Hôn nhân và gia đình 2000) thì “hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn”.

Vì thế, vợ-chồng được thừa kế di sản của nhau khi một bên chết, nếu vào thời điểm mở thừa kế mà quan hệ hôn nhân giữa họ về mặt pháp lý vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên việc thừa nhận nam và nữ có quan hệ hôn nhân để theo đó xác định họ là vợ chồng, được thừa kế di sản của nhau theo hàng thừa kế thứ nhất rất khác nhau trong các giai đoạn lịch sử nhất định.

+ Quan hệ thừa kế giữa cha, mẹ và con: Quan hệ thừa kế giữa một bên là cha, mẹ với một bên là con cũng là quan hệ thừa kế mang tính hai chiều. Quan hệ này được xác định theo một trong hai căn cứ.

Nếu căn cứ vào quan hệ huyết thống thì đó là những người có cùng một dòng máu trực hệ trong phạm vi hai đời liền kề nhau. Trong đó, cha đẻ, mẹ đẻ của một người là người đã sinh ra người đó và được pháp luật thừa nhận.

Vì vậy, người sinh ra con mình dù trong hay ngoài giá thú nhưng được pháp luật thừa nhận đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất để hưởng di sản theo pháp luật khi người con chết. Và ngược lại, người con trong hay ngoài giá thú đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất để hưởng di sản do cha, mẹ mình để lại.

Nếu căn cứ vào quan hệ nuôi dưỡng thì đó là quan hệ giữa những người nuôi dưỡng lẫn nhau theo cha – con, mẹ – con hoặc theo cha, mẹ – con. Cha nuôi, mẹ nuôi của một người là người đã nhận người đó làm con nuôi của mình theo quy định của pháp luật.

Cha nuôi, mẹ nuôi là những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của con nuôi khi người con nuôi đó chết và ngược lại, con nuôi là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ nuôi khi cha, mẹ nuôi chết.

Trong trường hợp một người vừa có con nuôi vừa có con đẻ thì họ vừa là người thừa kế ở hàng thứ nhất để hưởng di sản của người con nuôi khi người con nuôi chết, vừa là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của con đẻ khi người con đẻ đó chết.

Ngược lại một người đang là con nuôi của người khác thì họ vừa là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của cha, mẹ nuôi khi cha, mẹ nuôi chết, vừa là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của cha, mẹ đẻ khi cha, mẹ đẻ chết.

Đối với trường hợp người nhận nuôi con không đăng ký việc nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật thì cha, mẹ nuôi với con nuôi chỉ là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của nhau khi được công nhận là nuôi con nuôi thực tế.

Quan hệ nuôi dưỡng phải tồn tại cho đến thời điểm mở thừa kế. Vì vậy, nếu việc nuôi con nuôi chấm dứt trước thời điểm mở thừa kế thì giữa họ không được hưởng di sản của nhau nữa.

Cần lưu ý rằng cụm từ “cha mẹ và con còn được dùng để chỉ các quan hệ khác như quan hệ giữa cha, mẹ của một người với vợ của người đó (quan hệ này được gọi là cha, mẹ chồng với con dâu) hoặc giữa cha, mẹ của một người với chồng của người đó (quan hệ này được gọi là cha, mẹ vợ với con rể).

Nhưng trong các trường hợp nói trên, không có các căn cứ để xác định mối quan hệ thừa kế theo pháp luật giữa họ. Vì thế, con dâu không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ chồng, con rể không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ vợ.

Tuy nhiên, nếu người con dâu tham gia lao động chung trong gia đình cha, mẹ chồng, góp công sức trong việc xây dựng khối tài sản của gia đình cha, mẹ chồng thì người con dâu đó có quyền hưởng phần tài sản tương xứng với công sức đóng góp của mình trong khối tài sản chung hiện có với tư cách là một đồng chủ sở hữu.

Vì vậy, trước khi chia di sản của cha, mẹ chồng cho những người thừa kế cần phải tách từ khối tài sản đó phần tài sản thuộc quyền của người con dâu. Người con rể trong trường hợp tương tự trên cũng được đảm bảo quyền lợi như người con dâu.

Ngoài ra, cụm từ trên còn được dùng để chỉ quan hệ giữa con của một người với vợ kế của người đó hoặc giữa con của một người với chồng kế của người đó. Các quan hệ này được BLDS 1995 và BLDS 2005 gọi là “quan hệ giữa con riêng với bố dượng, mę kế”.

Khi xác định về quan hệ thừa kế giữa những người này, Điều 679 BLDS 2005 đã quy định: TRI “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này”.

Điều luật trên quy định về hai mối quan hệ: Quan hệ giữa con riêng với bố dượng: là quan hệ giữa người chồng với con riêng của người vợ. Quan hệ giữa con riêng với mẹ kế: là quan hệ giữa người vợ với con riêng của người chồng.

Các bên trong hai mối quan hệ nói trên không có quan hệ huyết thống nên về nguyên tắc thì họ không phải là người thừa kế theo pháp luật của nhau. Tuy nhiên, nếu giữa họ có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng lẫn nhau thì họ được xác định tương tự như cha mẹ nuôi với con nuôi và vì thế họ sẽ là người thừa ở hàng thứ nhất của nhau nhưng không đương nhiên mang tính hai chiều như quan hệ thừa kế giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi.

– Ở hàng thừa kế thứ hai Có hai mối quan hệ thừa kế sau đây:

+ Quan hệ thừa kế giữa ông bà với cháu.

Theo điểm b khoản 1 Điều 676 BLDS 2005 thì căn cứ để xác định mối quan hệ thừa kế này hoàn toàn dựa vào quan hệ huyết thống mà không dựa vào quan hệ nuôi dưỡng. Pháp luật không đương nhiên thừa nhận giữa cha đẻ, mẹ đẻ của một người với người con nuôi của người đó có quan hệ thừa kế.

Vì vậy, ông nội, bà nội của một người là người đã sinh ra cha đẻ của người đó, ông ngoại, bà ngoại của một người là người đã sinh ra mẹ đẻ của người đó. Trước đây, trong BLDS 1995 không xếp cháu vào hàng thừa kế thứ hai của ông bà nên quan hệ thừa kế này chỉ có một chiều nhưng theo BLDS 2005 thì quan hệ thừa kế này là thừa kế hai chiều vì cháu đã được xếp vào hàng thừa kế thứ hai của ông, bà.

Do vậy, nếu ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại còn sống vào thời điểm người cháu của mình chết sẽ là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ hai của người cháu đó. Ngược lại, khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại chết thì cháu của người chết sẽ là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ hai của người đó.

+ Quan hệ thừa kế giữa anh ruột, chị ruột với em ruột

Đây là quan hệ thừa kế giữa hai bên, trong đó một bên hoặc là anh ruột hoặc là chị ruột hoặc là cả anh ruột, chị ruột và một bên là em ruột. Quan hệ thừa kế này được hình thành theo một căn cứ duy. nhất là quan hệ huyết thống.

Bao gồm những người có quan hệ huyết thống trực hệ cùng một đời. Tuy nhiên, như thế nào được gọi là “anh, chị, em ruột” còn có nhiều cách hiệu khác nhau. Pháp luật thời phong kiến Việt Nam cũng như ngay một số văn bản pháp luật trước đây của nước ta như Thông số tự 81/TANDTC xác định “anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha là khác với anh, chị, em ruột”.

– Ở hàng thừa kế thứ ba Có hai mối quan hệ thừa kế sau đây:

 + Quan hệ thừa kế giữa cụ với chắt

Nếu xét đơn thuần về huyết thống thì cụ của một người là người đã sinh ra ông nội hoặc bà nội của người đó. Cụ ngoại của một người là người đã sinh ra ông ngoại hoặc bà ngoại của người đó.

Như vậy, các cụ của một người là những người đã sinh ra ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người đó, người đó là chất của các cụ. Điểm c khoản 1 Điều 676 BLDS 2005 đã phân biệt các cụ thành nội, ngoại trong khi việc phân biệt nội, ngoại không quan trọng và không cần đặt ra vì các cụ ngang quyền nhau khi hưởng di sản mà chắt để lại.

Theo quy định của điểm c khoản 1 Điều 767 BLDS 2005 thì quan hệ thừa kế giữa các cụ và chất được xác định như sau: Khi chắt chết, các cụ là người thừa kế ở hàng thứ ba của chất và ngược lại, khi cụ chết chắt ruột là người thừa kế ở hàng thứ ba để hưởng di sản thừa kế của người cụ đã chết để lại.

+ Quan hệ thừa kế giữa bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột với cháu ruột.

Hiểu một cách chung nhất thì bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của một người là anh ruột, chị ruột, em ruột của cha đẻ hoặc của mẹ đẻ người đó.

Cơ sở hình thành mối quan hệ thừa kế giữa những người này là quan hệ huyết thống bàng hệ giữa hai đời liền kề nhau.

Đây là những người có quyền hưởng di sản của nhau theo hàng thừa kế thứ ba, nghĩa là khi cháu chết trước thì chú, bác, cô dì cậu ruột nếu còn sống là những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba của cháu.

 Ngược lại, nếu cô, dì, chú, bác, cậu ruột chết thì cháu là người thừa kế ở hàng thứ ba của người chết.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi