Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Doanh nghiệp - Đầu tư Căn cứ áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 902 Lượt xem

Căn cứ áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại là gì?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về: Căn cứ áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại là gì?

Căn cứ áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại bao gồm hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế. Vậy mối quan hệ giữa hai yếu tố này là gì?

Thiệt hại xảy ra thực tế

Lĩnh vực kinh doanh luôn là lĩnh vực chứa đựng rất nhiều rủi ro và các chủ thể kinh doanh khi quyết định bước chân vào thương trường tức là họ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đó. Rủi ro trong kinh doanh có rất nhiều loại khác nhau, trong đó, thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm nghĩa vụ của một bên trong quan hệ hợp đồng cũng được coi là một trong những rủi ro mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.

Nói như vậy để thấy rằng khi giao kết hợp đồng, các bên đều mong muốn quan hệ hợp đồng đó được diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, vì chỉ khi các bên thực hiện đúng những nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng thì mục đích của việc giao kết hợp đồng mới đạt được. Trong lĩnh vực thương mại, không phụ thuộc chủ thể của hợp đồng là bên bán/bên cung ứng dịch vụ hay bên mua/bên sử dụng dịch vụ, khi xác lập quan hệ hợp đồng, cả hai bên luôn đặt mục đích lợi nhuận lên hàng đầu, vì chỉ khi thu được lợi nhuận thì các chủ thể kinh doanh đó mới có thể bù đắp được các chi phí đã bỏ ra để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh và có thêm lợi nhuận để tái đầu tư nhằm đảm bảo cho hoạt động thương mại của mình tiếp tục phát triển.

Do đó, nếu một trong các bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng đến mức gây thiệt hại cho bên kia thì không chỉ khiến cho mục đích của việc giao kết hợp đồng của bên bị vi phạm không đạt được mà có thể còn khiến cho họ bị mất đi những lợi ích kinh tế phát sinh từ hợp đồng này.

 Ví dụ: A (Bên bị vi phạm) giao kết hợp đồng mua 1000 tấn hạt ca cao tươi của B (Bên vị phạm) để phục vụ cho dây chuyền sản xuất sản phẩm socola mang thương hiệu AT. Tổng giá trị hợp đồng (1) là 700 triệu đồng. Sau đó, A tiếp tục giao kết hợp đồng bán sản phẩm socola thương hiệu AT cho C. Tổng giá trị hợp đồng (2) là 02 tỷ đồng. Dự kiến nếu thương vụ mua bán này thành công, A có thể thu về 500 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, đến ngày giao hàng, B chỉ giao được 500kg hạt ca cao tươi cho A dẫn đến A phải cho tạm dừng một số dây chuyền sản xuất. Vì sự cố này nên A không thể thực hiện nghĩa vụ giao hàng cho C và bị C yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Trong trường hợp này, hành vi vi phạm nghĩa vụ giao hàng của B đã khiến cho A bị thiệt hại.

Như vậy, thiệt hại của một bên gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng của bên còn lại nếu không được khắc phục sẽ gây nên những tác động xấu cho quan hệ hợp đồng và ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích vật chất của bên bị thiệt hại cũng như các chủ thể có liên quan. Chính vì vậy, để giúp cho bên bị vi phạm khắc phục được một phần thiệt hại đã bị gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm, Luật Thương mại quy định việc có hay không thiệt hại xảy ra trong thực tế sẽ là một trong các căn cứ để áp dụng chế tài thương mại bồi thường thiệt hại đối với bên vi phạm mà không cần phụ thuộc vào mức độ thiệt hại. 

Ở đây, theo quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005, thiệt hại của bên bị vi phạm phải là thiệt hại thực tế thì mới được coi là căn cứ để áp dụng chế tài thương mại. Thiệt hại thực tế là những thiệt hại có thể được nhìn nhận rõ ràng, cụ thể và được tính toán được một cách tương đối hợp lý mà bên bị vi phạm phải chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm chứ không phải những thiệt hại được xác định chung chung, mơ hồ, thiếu căn cứ hoặc những thiệt hại khó xác định như thiệt hại về tinh thần. Ví dụ: hàng hóa bị mất mát, hư hỏng, chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, sản xuất bị tạm ngừng, tiền phạt hợp đồng mà bên bị vi phạm phải trả vì sản xuất đình đốn,v.v… Những thiệt hại này hoàn toàn có thể được xác định dễ dàng. 

Thiệt hại thực tế ở đây có thể là thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp: 

– Thiệt hại thực tế trực tiếp là những thiệt hại xảy ra trên thực tế có thể được tính toán một cách dễ dàng và chính xác như tài sản bị 

mất, giá trị hàng hóa bị giảm sút, chi phí bảo quản hàng hóa v.v… 

– Thiệt hại thực tế gián tiếp là những thiệt hại phải dựa trên sự suy đoán hợp lý, logic và khoa học mới có thể tính toán được như thu nhập bị giảm sút, lợi nhuận lẽ ra được hưởng mà bên bị vi phạm đã không được hưởng vì sự vi phạm hợp đồng của bên đối tác. 

Việc phân loại thiệt hại thực tế thành thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp chỉ có ý nghĩa về mặt nghiên cứu, còn theo quy định tại Điều 302 và Điều 304 Luật Thương mại 2005, khi bên bị vi phạm chứng minh được tổn thất, mức độ tổn thất và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm thì bên vi phạm có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế nêu trên. 

Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra trong thực tế

Mối quan hệ nhân quả là mối quan hệ nội tại, tất yếu giữa nguyên nhân và hậu quả. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế là mối quan hệ giữa nguyên nhân là hành vi vi phạm hợp đồng đã trực tiếp gây ra hậu quả là thiệt hại thực tế. Đó là mối quan hệ nội tại, tất yếu, theo đó, nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm thì không thể có thiệt hại thực tế xảy ra cho bên bị vi phạm. Hành vi vi phạm phải có trước thiệt hại và trực tiếp gây ra thiệt hại. Bên có hành vi vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại thực tế là hậu quả tất yếu do chính hành vi vi phạm của mình gây ra. Trong thực tế có thể có trường hợp hợp đồng bị vi phạm nhưng không trực tiếp gây ra thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm không phải bồi thường.

Khi nghiên cứu pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam có thể thấy, ngoài ba căn cứ cơ bản áp dụng chế tài thương mại nói trên, trong nhiều trường hợp các nhà làm luật còn sử dụng thêm yếu tố “lỗi” để bổ sung thêm các căn cứ áp dụng chế tài thương mại. Về nguyên tắc, một người chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm pháp luật và có lỗi khi vi phạm. Lỗi là trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức của một người đối với hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó. Vấn đề trạng thái tâm lý và nhận thức chỉ có thể được đặt ra đối với một con người cụ thể.

Trong khi chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng trong thương mại chủ yếu là các tổ chức kinh doanh. Có lẽ vì vậy mà Điều 303 Luật Thương mại 2005 không quy định lỗi là căn cứ pháp lý và do vậy, lỗi không phải là yếu tố cần chứng minh khi áp dụng chế tài hợp đồng. Khi xem xét để áp dụng các chế tài bồi thường thiệt hại và các chế tài khác do vi phạm hợp đồng trong thương mại thì không cần phải xem xét bên vi phạm có lỗi hay không (Có hành vi vi phạm mặc nhiên coi là có lỗi). Mặc dù vậy, Luật Thương mại 2005 lại vẫn có quy định về miễn trách nhiệm trong một số trường hợp (Điều 294) như xảy ra sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia, tức là bên vi phạm không có lỗi.

Tuy nhiên, trong một số quy định khác còn quy định về lỗi cố ý?vô ý của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định và thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics’. Như vậy, trong một số trường hợp, yếu tố lỗi vẫn được coi là yếu tố cấu thành của chế độ trách nhiệm hợp đồng trong thương mại. Trước đây, trong các quan hệ hợp đồng kinh tế, khi một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì bên vi phạm đó bị suy đoán là có lỗi nếu bên vi phạm không rơi vào tình trạng bất khả kháng. 

Về nguyên tắc, một khi đã có hiệu lực pháp luật, hợp đồng sẽ có giá trị ràng buộc đối với các bên. Điều đó cũng có nghĩa là, về nguyên tắc, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm hợp đồng của mình. Tuy nhiên, pháp luật hợp đồng cũng còn dựa trên nguyên tắc công bằng, mà theo đó sẽ là không công bằng, nếu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành vi vi phạm của mình trong mọi trường hợp. Bởi vậy, pháp luật hợp đồng nói chung, pháp luật về hợp đồng trong thương mại nói riêng đều quy định một số trường hợp, theo đó bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm nếu điều kiện để được miễn trách nhiệm theo quy định đó xảy ra”. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 thì bên vi phạm được miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra ở một trong bốn trường hợp, bao gồm:

(i) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận,

(ii) Xảy ra sự kiện bất khả kháng,

(iii) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

(iv) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Việc quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hợp đồng trong thương mại nói chung là một trong những điểm tiến bộ của Luật Thương mại 2005 so với Luật Thương mại 1997, bởi vì Luật Thương mại 1997 chỉ quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa và đối với hành vi vi phạm hợp đồng dịch vụ giao nhận hàng hóa của người làm dịch vụ giao nhận hàng hóa mà không quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại nói chung.

Miễn trách nhiệm theo thỏa thuận

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 thì bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận. 

Quy định này một lần nữa cho thấy pháp luật thương mại đề cao tính tự do hợp đồng. Điều kiện để miễn trách nhiệm theo quy định này là có thỏa thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm. Thỏa thuận này có thể được xác lập dưới dạng văn bản như là một điều khoản của hợp đồng chính hoặc trong phụ lục của hợp đồng. Ngoài ra, một thỏa thuận về miễn trách nhiệm với dạng như trên còn có thể được thiết lập giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng. Nhìn chung, hình thức của một thỏa thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm không nhất thiết phải giống với hình thức của hợp đồng chính, nhất là khi hợp đồng chính được thể hiện bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể, bởi vì việc xác lập dưới dạng văn bản sẽ giúp cho quá trình chứng minh sự tồn tại của những thỏa thuận trên dễ dàng hơn.

Thực tiễn hợp đồng trong hoạt động thương mại cho thấy ít khi các bên thỏa thuận trực tiếp và rõ ràng về các trường hợp miễn trách nhiệm, vì điều đó không khuyến khích việc tuân thủ hợp đồng, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những thỏa thuận hợp đồng gián tiếp miễn trách nhiệm cho việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng ở một chừng mực nhất định.

Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán hàng hóa các bên có thỏa thuận về việc phạt vi phạm hợp đồng như sau: “Bên bán chịu phạt hợp đồng bằng 01% giá trị hợp đồng cho mỗi tuần chậm giao hàng tính từ ngày thứ 10 kể từ ngày kết thúc thời hạn giao hàng theo quy định tại Điều (…) của Hợp đồng này và bồi thường thiệt hại cho bên mua”. Trong ví dụ này, có thể xem hai bên đã thỏa thuận miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bán đối với thiệt hại của bên mua phát sinh do giao hàng chậm không quá 3 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn giao hàng.

Miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng

Khác với trường hợp miễn trách nhiệm theo thỏa thuận đã được đề cập trên đây, miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng là căn cứ miễn trách nhiệm theo luật định. Điều đó cũng có nghĩa là các bên không cần phải thỏa thuận căn cứ miễn trách nhiệm này. Về sự kiện bất khả kháng, theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 thì “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Như vậy, một sự kiện sẽ được coi là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: 

Thứ nhất, đó phải là sự kiện xảy ra một cách khách quan hay còn gọi là sự kiện khách quan, tức là sự kiện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng, ví dụ: các sự kiện như bão, lụt, động đất, sóng thần, vv… hay các sự kiện chính trị, xã hội như bạo loạn, xung đột vũ trang, chiến tranh, vv… 

Thứ hai, đó phải là sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm; 

Thứ ba, hậu quả của sự kiện đó phải là không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. v Như vậy, chỉ khi đáp ứng cả ba điều kiện nêu trên thì một sự kiện mới có thể được xem là bất khả kháng và là căn cứ để miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm. Tuy nhiên, sự nhìn nhận về tính chất, điều kiện của sự kiện bất khả kháng trong lý luận và thực tiễn là không hoàn toàn thống nhất, vì vậy trong thực tiễn giao kết hợp đồng, để khắc phục sự thiếu thống nhất này, các bên thường có xu hướng đưa ra điều khoản về sự kiện bất khả kháng” 

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 296 Luật Thương mại 2005, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một khoảng thời gian bằng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài qua các thời hạn sau đây:

+ 05 tháng đối với hàng hóa, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thỏa thuận không quá 12 tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;

+ 08 tháng đối với hàng hóa, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thỏa thuận trên 12 tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng. Ở đây, khi áp dụng quy định về việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cần lưu ý: quy định này sẽ không được áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.

 Hay nói cách khác, chỉ khi các bên không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được về thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thì quy định này mới được áp dụng. Mặt khác, nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc luật định thì theo quy định tại khoản 2 Điều 296, các bên hoàn toàn có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại. 

Miễn trách nhiệm đối với vi phạm do lỗi của bên bị vi phạm

Trong trường hợp này, bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm nếu như chứng minh được vi phạm hợp đồng thương mại của mình xuất phát từ hành vi có lỗi của bên bị vi phạm. Hành vi đó có thể là sự hành động hoặc không hành động của bên bị vi phạm dẫn đến việc vi phạm hợp đồng của bên này.

Chẳng hạn, ngày 01/10/2016, công ty A (Bên mua) và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp B (Bên bán) giao kết với nhau một hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tượng là 1.000 kg rau hữu cơ sẽ được thu hoạch vào ngày 01/02/2016. Trong hợp đồng có thỏa thuận về thời hạn giao hàng: Bên bán sẽ giao hàng cho Bên mua vào ngày 02/02/2016 và Phương thức thanh toán: Bên mua thanh toán trước 50% giá trị hợp đồng để Bên bán thu mua hạt giống, phân bón và trả tiền công cho người lao động, 50% giá trị hợp đồng còn lại sẽ được thanh toán nốt vào thời điểm nhận hàng. Tuy nhiên sau khi hợp đồng có hiệu lực, Bên mua (Bên bị vi phạm) đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn khiến cho công việc của Bên bán (Bên Vi phạm) bị đình trệ là nguyên nhân của việc giao hàng chậm (hành vi vi phạm của Bên bán).

Trong mối quan hệ này, hành vi của Bên bị vi phạm phải là hành vi có lỗi. Như vậy, nếu hành vi của bên bị vi phạm thuộc một trong ba trường hợp miễn trách nhiệm còn lại thì hành vi đó không bị coi là có lỗi, nên bên vi phạm sẽ không được miễn trách nhiệm cho hành vi của chính mình.

Miễn trách nhiệm đối với vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước

Về bản chất, trường hợp miễn trách nhiệm này cũng có thể được xếp vào nhóm miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, với tư cách là một căn cứ miễn trách nhiệm độc lập bên cạnh trường hợp miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng thì ở đây không cần xem xét tới tính khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được của quyết định của cơ quan nhà nước’.

Như vậy, hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm nếu như việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng có nguyên nhân từ việc bên vi phạm phải tuân thủ quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ví dụ: Công ty X (Bên mua) và Hợp tác xã chăn nuôi gia súc gia cầm Y tại tỉnh H (Bên bán) giao kết hợp đồng mua bán 100 tấn thịt lợn hơi sạch và thỏa thuận thời hạn Bên bán phải giao hàng cho Bên mua là ngày 05/08/2016. Tuy nhiên, vào cuối tháng 07/2016 trên địa bàn tỉnh H xuất hiện dịch heo tai xanh nên để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và không phát tán dịch sang các địa phương khác, Ủy ban nhân dân tỉnh H đã ra quyết định về việc tuyên bố vùng dịch bệnh, cấm nuôi, giết mổ trong vùng dịch bệnh và vận chuyển ra khỏi vùng dịch đối với các sản phẩm thịt lợn hơi. Như vậy, vì phải tuân thủ quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh H nên Bên bán không thể thực hiện hợp đồng với Bên mua. Hành vi vi phạm hợp đồng này thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm do bên vi phạm phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (3 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp giải đáp: Có được gia hạn thời gian góp vốn điều lệ công ty không? Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mức phạt chậm góp vốn điều lệ mới nhất

Chậm góp vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi