Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Các nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1797 Lượt xem

Các nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Các nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật 

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những hoạt động quản lý nhà nước quan trọng của các cơ quan nhà nước. Để bảo đảm cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đúng đắn ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải dựa trên những nguyên tắc chỉ đạo thống nhất. 

Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng chính là những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước như: nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Quán triệt những nguyên tắc cơ bản đó, trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định 5 nguyên tắc cụ thể trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Một là: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật 

Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều phải phù hợp với Hiến pháp, không được trái với Hiến pháp. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất phải tuân thủ khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phải bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật. 

Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản được thể hiện ở chỗ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và phải tuân thủ theo Hiến pháp và luật. Các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cùng cấp về cùng một vấn đề phải phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước có chức năng quản lý chuyên ngành về vấn đề đó. 

Những văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp hoặc trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, vi phạm nguyên tắc này phải được kịp thời đình chỉ việc thi hành, sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc sửa đổi theo quy định của pháp luật. 

Hai là: Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật 

Đồng thời với việc thực hiện nguyên tắc được đề cập ở mục a, khi bạn hành văn bản quy phạm pháp luật, còn phải tuân thủ đúng các quy định về thẩm quyền của mỗi cơ quan nhà nước được ban hành loại văn bản quy phạm pháp luật, hình thức, trình tự, thủ tục soạn thảo và ban hành. 

– Khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì cơ quan ban hành phải thực hiện đầy đủ các bước sau: trước hết là lập chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh; tiếp đó thực hiện soạn thảo Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; thẩm tra dự án Luật, Pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án Luật, Pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết, cuối cùng là công bố văn bản quy phạm pháp luật. 

Việc tuân thủ nguyên tắc này tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, không có tính khả thi khi thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. 

Ba là: Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật 

– Trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào tính chất và nội dung quy định trong dự án của các cơ quan nhà nưc có thẩm quyền phải tạo điều kiện đảm bảo sự tham gia góp ý kiến rộng rãi của nhân dân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để cho các văn bản đó bảo đảm công khai. Chỉ có thế, sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thì việc thực hiện các văn bản đó mới được sự hưởng ứng sâu rộng trong phạm vi cả nước. Đương nhiên, trừ trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật Nhà nước. 

Bằng việc thông qua việc góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm cho các quy phạm pháp luật mang tính thực tiễn, minh bạch, tránh sự hiểu lầm, không rõ ràng khi thực hiện pháp luật, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc đảm bảo tính minh bạch của văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa tạo ra một hệ thống pháp luật ổn định và có thể dự đoán, đồng thời còn giúp nâng cao tính quyền lực của các cơ quan nhà nước.

Để bảo đảm tính minh bạch của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước phải thường xuyên rà soát các quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm loại bỏ các quy phạm pháp luật không phù hợp với sự phát triển không ngừng của cuộc sống và không rõ ràng. 

Bốn là: Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật 

Các quy phạm pháp luật từ khi soạn thảo đã phải cụ thể, chi tiết phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội khách quan để khi được ban hành, văn bản quy phạm pháp luật có thể được áp dụng, đi vào đời sống xã hội, thực hiện ngay ở từng cơ sở. Cần tránh việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan soạn thảo và ban hành pháp luật phải dự liệu đầy đủ những điều kiện thực tiễn cho việc áp dụng quy phạm pháp luật khi được | ban hành, phải chịu trách nhiệm đối với việc ban hành những quy phạm pháp luật không có tính khả thi.

Để thực hiện nguyên tắc này, phải triệt để tuân theo trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành đã quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008. Việc quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành cũng là để có một thời gian chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc áp dụng pháp luật. Áp dụng cơ chế phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành cũng nâng cao tính khả thi của văn bản pháp luật. 

Năm là: Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên 

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Điều ước quốc tế

Hiện nay, Việt Nam đang tăng cường tham gia vào các quan hệ quốc tế ngày càng đa dạng và sâu rộng, nhiều chiều. Trong quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác được xác lập và giải quyết bằng điều ước quốc tế. Chính vì vậy mà phải đảm bảo sự phù hợp, đồng thời xử lý thích đáng những nội dung được quy định khác nhau giữa điều ước quốc tế với văn bản quy phạm pháp luật mà Nhà nước ta ban hành là việc làm hết sức cần thiết. Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 quy định: 

1. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

2.Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.

3.Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó”. 

– Một trong những nguyên tắc của việc ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế là “Điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đàm phán, ký hoặc gia nhập; trong trường hợp đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến” (Khoản 5 Điều 3 Luật đã dẫn). 

Các loại văn bản quy phạm pháp luật

Thứ nhất: Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội 

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. Hiến pháp quy định những vấn đề cơ bản nhất của Nhà nước như: bản chất và hình thức của Nhà nước; thể chế chính trị, kinh tế, xã hội của Nhà nước; địa vị pháp lý của công dân; hệ thống tổ chức, nguyên tắc hoạt động và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước vv… Chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành hoặc sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp được Quốc hội thông qua với ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Quốc hội quy định việc soạn thảo, thông qua, công bố Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và thủ tục, trình tự giải thích Hiến pháp. 

Luật (Đạo luật) là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị sau Hiến pháp. Luật của Quốc hội quy định các vấn đề cơ bản thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, quyền và nghĩa vụ của công dân. Luật do Quốc hội thông qua với ít nhất quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Xây dựng và ban hành luật là hoạt động chủ yếu của Quốc hội trong các kỳ họp. Quốc hội Việt Nam phấn đấu để các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội đều được điều chỉnh bằng luật. 

Cơ cấu chung của một đạo luật thường có các Phần (Phần thứ nhất, phần thứ hai…) và trong một phần thường chia thành các Chương (Chương I, Chương II…). Các phần và chương được đánh số thứ tự từ đầu văn bản đến hết văn bản. Trong một chương, có thể chia thành các Mục (Mục 1, Mục 2…) được đánh số thứ tự từ đầu chương đến hết chương. Trong một mục chia thành các Điều (Điều 1, Điều 2…) được đánh số thứ tự từ đầu văn bản đến hết văn bản. Trong một điều chia thành các khoản (Khoản 1, Khoản 2…) được đánh số thứ tự từ đầu điều đến hết điều. Trong một khoản có thể chia thành các Điểm (Điểm a, Điểm b…) được đánh thứ tự bằng chữ từ đầu khoản đến hết khoản.

Ở những khoản có nhiều nội dung thì sẽ được viết thành những đoạn khác nhau, gọi theo thứ tự của từng đoạn. Mỗi Phần, Chương, Mục, Điều có tên nêu nội dung khái quát của Phần, Chương, Mục, Điều đó. Cơ cấu chung này được sử dụng để bảo đảm sự thống nhất trong việc xây dựng ban hành văn bản cũng như trong việc viện dẫn khi sử dụng văn bản quy phạm pháp luật. 

Nghị quyết của Quốc hội được ban hành để quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; điều chỉnh ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định chế độ làm việc của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; phê chuẩn điều ước quốc tế và quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội. 

Cũng như luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Tuy nhiên, chỉ một số nghị quyết của Quốc hội với những nội dung nêu trên, có những quy tắc xử sự chung mới thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, không phải mọi nghị quyết của Quốc hội đều là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ một số trong đó có đầy đủ những đặc điểm của một văn bản quy phạm pháp luật mới được coi là văn bản quy phạm pháp luật. 

Thứ hai: Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội 

Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định những vấn đề được Quốc hội giao, sau một thời gian thực hiện, trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành thành luật. 

Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được ban hành để giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương và quyết định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, cũng như đối với nghị quyết của Quốc hội, chỉ một số nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội với những nội dung nêu trên, có những quy tắc xử sự chung mới thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật. 

Thứ ba: Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước 

Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, người thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước do Hiến pháp, luật quy định. 

Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước được ban hành để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước do Hiến pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định. 

Thứ tư: Nghị định của Chính phủ

Nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây: 

– Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; 

– Quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; các 

– Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ; 

– Quy định những vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. 

Thứ năm: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ 

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề: 

– Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; 

– Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Thứ sáu: Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ 

Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây: 

– Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 

– Quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; 

– Quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao. 

Thứ bảy: Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao 

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật. 

Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao được ban hành để thực hiện việc quản lý các Toà án nhân dân địa phương và Toà án quân sự về tổ chức; quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. 

Thứ tám: Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao 

Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để quy định các biện pháp bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Viện kiểm sát quân sự, quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 

Thứ chín: Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước 

Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước được ban hành để quy định, hướng dẫn các chuẩn mực kiểm toán nhà nước; quy định cụ thể quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán. 

Mười: Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội 

Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội được ban hành để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi pháp luật quy định về việc tổ chức chính trị – xã hội đó tham gia quản lý nhà nước. 

1.Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ 

Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động tố tụng và những vấn đề khác liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó. 

Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ đó. 

Mười một: Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân 

Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân bao gồm nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp được ban hành theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004.

Văn bản quy định chi tiết và việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật 

– Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay; trường hợp trong văn bản có điều, khoản mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều, khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp. 

Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết. 

Trường hợp một cơ quan được giao quy định chi tiết về nhiều nội dung của một văn bản quy phạm pháp luật thì ban hành một văn bản để quy định chi tiết các nội dung đó, trừ trường hợp cần phải quy định trong các văn bản khác nhau. Trường hợp một cơ quan được giao quy định chi tiết các nội dung ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau thì có thể ban hành một văn bản để quy định chi tiết. 

Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Một văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan nhà nước ban hành có thể được sửa đổi, bổ sung một hoặc nhiều lần. Trong trường hợp này các cơ quan nhà nước phải thực hiện hợp nhất văn bản để tạo thành văn bản hợp nhất. Nội dung của việc này thực hiện theo Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/3/2012.

Giải thích luật, pháp lệnh 

Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích luật, pháp lệnh. 

Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích luật, pháp lệnh. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc giải thích. 

Tuỳ theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội soạn thảo dự thảo nghị quyết giải thích luật, pháp lệnh trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. 

Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết giải thích với tinh thần và nội dung của văn bản được giải thích. 

Nghị quyết giải thích luật, pháp lệnh được đăng Công báo và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn 

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thì việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có thể được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn. 

Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn; trình Quốc hội việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn. 

Chủ tịch nước quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. 

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (4 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi