Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Quy định về trình tự giao kết hợp đồng dân sự
  • Thứ ba, 24/10/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 6005 Lượt xem

Quy định về trình tự giao kết hợp đồng dân sự

Giao kết hợp đồng dân sự là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền, nghĩa vụ dân sự.

Quy định về trình tự giao kết hợp đồng dân sự theo Bộ luật dân sự 2015

Giao kết hợp đồng dân sự là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập vói nhau các quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo quy định tại Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015 về Đề nghị giao kết hợp đồng như sau:

“1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị).

2. Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.”

Tư vấn và bình luận về quy định về trình tự giao kết hợp đồng dân sự theo Bộ luật dân sự 2015

Thứ nhất: Về đề nghị giao kết hợp đồng:

–  Khái niệm:

Đề nghị giao kết hợp đồng là sự thể hiện ý chí của một bên về ý định giao kết hợp đồng với bên đã được xác định cụ thể.

–  Nội dung và phương thức:

Bên đề nghị phải xác định rõ những nội dung chủ yếu (điều, khoản cơ bản) của hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị đối với bên đã được đề nghị. Nếu đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời mà chưa hết thời hạn đó, bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba khi đang chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị nếu bên này bị thiệt hại do không được giao kết hợp đồng.

Đề nghị giao kết hợp đồng có thể được thực hiện theo một trong hai phương thức sau đây:

–  Đề nghị trực tiếp: Theo phương thức này, các bên trực tiếp “mặt đối mặt, lời đối lời” để đề nghị và nghe đề nghị. Bên được đề nghị có thể trả lời ngay về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận lời đề nghị của bên đề nghị, nếu sẽ trả lời trong một thời gian nhất định thì các bên ấn định thời hạn chờ trả lời. Thời hạn chờ trả lời đề nghị xác định theo phương thức này do các bên ấn định và phải có sự đồng ý của các bên.

–  Đề nghị gián tiếp: Theo phương thức này, bên đề nghị gửi đề nghị giao kết hợp đồng đến bên được đề nghị. Thời hạn chờ trả lời đề nghị xác định theo phương thức này do bên đề nghị ấn định.

Thứ hai: Trả lời đề nghị giao kết hợp đồng

–  Khái niệm:

Là việc bên được đề nghị thể hiện ý chí của mình về việc đồng ý hay không đối với nội dung mà bên đề nghị đã đưa ra trong đề nghị giao kết hợp đồng.

–  Nội dung:

Việc trả lời đề nghị có thể theo một trong ba nội dung sau đây:

+ Không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: Khi bên được đề nghị không chấp nhận việc giao kết hợp đồng với bên đã đề nghị thì họ có thể không trả lời đề nghị và hết thời hạn chờ trả lời thì coi như bên được đề nghị không chấp nhận đề nghị, trừ trường hợp các bên đã thỏa thuận “im lặng” là sự chấp nhận giao kết hợp đồng. Ngoài ra, bên được đề nghị có thể trả lời trực tiếp hoặc bằng công văn về việc không chấp nhận giao kết hợp đồng với bên đã đề nghị.

+ Đồng ý giao kết hợp đồng nhưng có nêu điều kiện hoặc có sửa đổi đề nghị: Trong trường hợp đồng ý giao kết hợp đồng nhưng phải theo điều kiện của mình hoặc phải thay đổi một số nội dung nhất định đối với đề nghị của phía bên kia thì bên được đề nghị nêu điều kiện và nội dung sửa đổi trong trả lời đề nghị. Trả lời đề nghị theo nội dung này được coi là một đề nghị mới của bên đã được đề nghị.

+ Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: Là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

Khi có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.

Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.

Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự 

Khi giao kết hợp đồng các chủ thể phải tuân theo các nguyên tắc chung được quy định tại Điều 3, Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

– Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể thoả mãn được các nhu cầu về đời sống vật chất cũng như tinh thần, Bộ luật dân sự cho phép mọi chủ thể được quyền “tự do giao kết hợp đồng”. Theo nguyên tắc này, mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ tư cách chủ thể đều có quyền tham gia giao kết bất kì một hợp đồng dân sự nào, nếu họ muốn mà không ai có quyền ngăn cản. Bằng ý chí tự do của mình, các chủ thể có quyền giao kết những hợp đồng dân sự đã được pháp luật quy định cụ thể cũng như những hợp đồng dân sự khác dù rằng pháp luật chưa quy định. Tuy nhiên, sự tự do ý chí đó phải nằm trong một khuôn khổ nhất định. Bên cạnh việc chú ý đến quyền lợi của mình, các chủ thể phải hướng tới việc bảo đảm quyền lợi của những người khác cũng như lợi ích của toàn xã hội. Vì vậy, tự do của mỗi chủ thể phải không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Nằm trong mối liên hệ tương ứng giữa quyền và nghĩa vụ, mỗi một chủ thể vừa có quyền “tự do giao kết hợp đồng” vừa có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội. Lợi ích của cộng đồng (được quy định bằng pháp luật) và đạo đức xã hội được coi là “sự giới hạn” ý chí tự do của mỗi một chủ thể trong việc giao kết hợp đồng dân sự nói riêng, cũng như đối với mọi hành vi nói chung của họ.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, tính cộng đồng và đạo đức xã hội không cho phép các cá nhân được tự do ý chí tuyệt đối để biến các hợp đồng dân sự thành phương tiện bóc lột.

– Các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng.

Nguyên tắc này thể hiện bản chất của quan hệ dân sự. Quy luật giá trị đòi hỏi các bên khi thiết lập các quan hệ trao đổi phải bình đẳng với nhau. Không một ai được lấy lí do khác biệt về thành phần xã hội, dân tộc, giới tính, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế v.v. để làm biến dạng các quan hệ dân sự. Mặt khác, chỉ khi nào các bên bình đẳng với nhau về mọi phương diện trong giao kết hợp đồng thì ý chí tự nguyện của các bên mới thật sự được bảo đảm. Vì vậy, theo nguyên tắc trên, những hợp đồng được giao kết thiếu bình đẳng và không có sự tự nguyện của các bên sẽ không được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, đánh giá một hợp đồng có phải là ý chí tự nguyện của các bên hay không là một công việc tương đối phức tạp và khó khăn trong thực tế.

Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia. Vì thế, muốn xem xét các chủ thể có tự nguyện trong giao kết hợp đồng hay không, cần phải dựa vào sự thống nhất biện chứng giữa hai phạm trù: Ý chí và sự bày tỏ ý chí. Như chúng ta đã biết, ý chí là mong muốn chủ quan bên ttong của mỗi một chủ thể. Nó phải được bày tỏ ra bên ngoài thông qua một hình thức nhất định. Ý chí và sự bày tỏ ý chí là hai mặt của một vấn đề, chúng luôn có quan hệ mật thiết, gắn bó khăng khít với nhau.

Ý chí tự nguyện chính là sự thống nhất giữa ý muốn chủ quan bên trong và sự bày tỏ ý chí đó ra bên ngoài. Vì vậy, để xác định một hợp đồng dân sự có tuân theo nguyên tắc tự nguyên hay không cần phải dựa vào sự thống nhất ý chí của người giao kết hợp đồng và sự thể hiện (bày tỏ) ý chí đó trong nội dung của hợp đồng mà người đó đã giao kết. Chỉ khi nào hợp đồng là hình thức phản ánh một cách khách quan, trung thực những mong muốn bên trong của các bên giao kết thì việc giao kết đó mới được coi là tự nguyện.

Như vậy, tất cả các hợp đồng được giao kết do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối hoặc đe dọa đều là những hợp đồng không đáp ứng được nguyên tắc tự nguyện khi giao kết. Và vì thế, nó sẽ bị coi là vô hiệu (xem thêm Điều 126, Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (8 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi