Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Bảo hiểm xã hội Nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là gì?
  • Thứ ba, 22/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 2108 Lượt xem

Nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là gì?

Bảo hiểm xã hội là một trong những hình thức phân phối tổng sản phẩm quốc dân nên việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải dựa trên cơ sở sự kết hợp hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ.

Nguyên tắc của bảo hiểm xã hội 

Nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là gì? cụ thể như sau:

Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội 

Bảo hiểm xã hội là một trong những hình thức phân phối tổng sản phẩm quốc dân nên việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải dựa trên cơ sở sự kết hợp hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ.

Nghĩa là phải đảm bảo hợp lý giữa đóng góp và hưởng thụ, tức là phải căn cứ vào mức đóng góp của người lao động cho xã hội thể hiện thông qua mức đóng, thời gian đóng góp cho quỹ bảo hiểm xã hội… để từ đó quy định mức trợ cấp và độ dài thời gian hưởng trợ cấp phù hợp với sự đóng góp cho xã hội của người lao động.

Vì vậy, rất khó chấp nhận về mặt kinh tế khi một người lao động vừa tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian ngắn lại được hưởng ngay mức bảo hiểm xã hội cao – ví dụ: chế độ thai sản (ít nhất 4 tháng hưởng bảo hiểm xã hội bằng 100% tiền lương) hoặc hưởng chế độ ốm đau suốt đời nếu mắc bệnh cần điều trị dài ngày, khi người lao động có thể mới tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian ngắn. 

Tuy nhiên, khi xem xét nguyên tắc này cần đặt chúng trong mối quan hệ phù hợp với các nguyên tắc khác của bảo hiểm xã hội. Bởi vì, bảo hiểm xã hội, bên cạnh nội dung kinh tế còn chứa đựng trong mình nội dung xã hội và một trong những biểu hiện của nó là nguyên tắc “chia sẻ rủi ro”, “lấy số đông bù số ít “.

Do đó, người lao động đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội không có nghĩa chắc chắn sẽ hưởng mọi chế độ bảo hiểm xã hội (ví dụ: chế độ thai sản nói chung chỉ áp dụng với lao động nữ nhưng lao động nam cũng tham gia đóng góp). Nhưng sự đóng góp của họ sẽ có ý nghĩa rất lớn cho những đối tượng gặp phải những rủi ro nghiêm trọng mà nếu không có sự chia sẻ, tương trợ cộng đồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Để dung hòa yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội của bảo hiểm xã hội, vai trò của pháp luật là quan trọng nhưng không thể không tính đến các hình thức khác trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội. 

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung 

Thu nhập được bảo hiểm xã hội là phần thu nhập của người lao động tham gia bảo hiểm mà nếu nó biến động giảm hoặc mất do bị giảm hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm thì tổ chức bảo hiểm xã hội phải chi trả trợ cấp để thay thế hoặc bù đắp một phần cho họ.

Mức thu nhập được bảo hiểm là mức tiền lương hoặc mức thu nhập bằng tiền nào đó do Nhà nước quy định. Trên cơ sở mức sống, mức thu nhập bình quân thực tế của đại đa số người lao động và mức thu nhập quốc dân bình quân đầu người…, Nhà nước quy định, lựa chọn mức thu nhập được bảo hiểm để đảm bảo cho mức thu nhập này luôn thăng bằng tương đối, nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động tham gia bảo hiểm và gia đình họ. 

Trong thực tế có hai cách để lựa chọn mức thu nhập được bảo hiểm tùy theo đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Cách thứ nhất là lấy tiền lương làm cơ sở để quy định mức thu nhập được bảo hiểm. Cách thứ hai là quy định mức thu nhập nhất định đối với người được bảo hiểm. Mỗi cách đều có những tác dụng khác nhau nhưng thông thường, người ta lấy tiền lương làm căn cứ để xác định mức thu nhập được bảo hiểm. 

Với nguyên tắc này thì có thể hiểu theo quy định hiện hành của Luật bảo hiểm xã hội nước ta mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền công tiền lương của người lao động; mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do người lao động lựa chọn tính trên cơ sở mức thu. 

Mặt khác, mức thu nhập được bảo hiểm còn là công cụ để Nhà nước giám sát, kiểm tra, điều tiết trên gốc độ quản lý vĩ mô đối với bảo hiểm xã hội và quản lý lao động trong nền kinh tế quốc dân.

Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội

Theo quy định của pháp luật về hình thức bảo hiểm xã hội gồm có bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Trên cơ sở quy định hiện hành có thể thấy về lý thuyết số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nước ta số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là chủ yếu và họ được hưởng nhiều chế độ bảo hiểm xã hội hơn so với đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện (cụ thể: Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng 5 chế độ bảo hiểm xã hội: Chế độ ốm đau; chế độ thai sản; chế độ tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí, chế độ tử tuất.

Còn chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ gồm 2 chế độ: Chế độ hưu trí, chế độ tử tuất). Tuy nhiên, về phương diện pháp lý việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện đều tạo nên các quyền lợi về bảo hiểm xã hội có giá trị như nhau và trong thực tế tùy theo tính chất và đặc điểm của quan hệ lao động mà người lao động có thể có những thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo các loại hình khác nhau (bảo hiểm xã hội bắt buộc,bảo hiểm xã hội tự nguyện).

Vì thế, để đảm bảo quyền lợi người lao động và tính liên thông trong quan hệ bảo hiểm xã hội thì người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (hưu chí, tử tuất) theo quy định của pháp luật trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. 

Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần của bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp 

Bảo hiểm xã hội là chính sách lớn ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, chứa đựng cả nội dung kinh tế, nội dung xã hội và nội dung pháp lý.

Để đảm bảo thực hiện hài hòa các nội dung nói trên và đạt được mục tiêu mà bảo hiểm xã hội đặt ra thì một trong những vấn đề cần được chú ý là việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo quy định của pháp luật, quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm các quỹ thành phần: Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay quỹ bảo hiểm xã hội chủ yếu có nguồn thu từ quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, việc sử dụng quản lý quỹ này trên cơ sở Nhà nước thống nhất quản lý và hạch toán theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên do ý nghĩa xã hội của bảo hiểm xã hội, những nguyên tắc của bảo hiểm xã hội đã được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị các nước thành viên mà việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch và trên cơ sở của cơ chế ba bên.

Chính vì vậy, ở nước ta mặc dù tổ chức bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp do Chính phủ thành lập nhưng việc chỉ đạo và giám sát hoạt động của tổ chức này (trong đó có quỹ bảo hiểm xã hội) do Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội thực hiện (Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội gồm: Đại diện Bộ lao động – thương binh và xã hội, Bộ tài chính, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Tổ chức bảo hiểm xã hội và một số thành viên khác do Chính phủ quy định).

Trong cơ cấu của quỹ bảo hiểm xã hội, mỗi quỹ thành phần có yêu cầu sử dụng khác nhau, thậm chí với các đối tượng và trong các trường hợp khác nhau, do đó việc sử dụng phải đúng mục đích. Có như vậy, hiệu quả và giá trị của các chế độ bảo hiểm xã hội mới có ý nghĩa. 

Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội 

Người tham gia bảo hiểm xã hội khi đóng phí bảo hiểm xã hội là nhằm dự trữ trước một khoản tài chính, nhằm đề phòng những trường hợp rủi ro xảy ra hoặc có liên quan đến hoạt động lao động (tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) hoặc những loại được coi là “rủi ro xã hội” (ốm đau, thai sản, tuổi già, chết).

Khi gặp những rủi ro này, chi phí trong cuộc sống của người lao động và gia đình họ không những tăng lên chăng hạn chi phí chăm sóc, chữa trị khi bị ốm, nuôi dưỡng sản phụ, con nhỏ… mà thu nhập còn bị giảm vì không đi làm được.

Trong trường hợp này các khoản tiền bảo hiểm xã hội giữ vai trò cần thiết và quan trọng góp phần bù đắp vào sự thiếu hụt thu nhập của người lao động và gia đình họ nhằm ổn định cuộc sống, khắc phục những khó khăn, hỗ trợ, giúp đỡ họ vượt qua những rủi ro tạm thời cũng như lâu dài. Chính vì vậy, việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, kịp thời (đặc biệt về thủ tục hành chính) và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. 

Phân loại bảo hiểm xã hội 

Trong lý luận cũng như thực tế có nhiều cách tiếp cận và phân loại bảo hiểm xã hội khác nhau. Điều đó được giải thích bởi tính chất phức tạp trong cơ cấu các bộ phận hợp thành của bảo hiểm xã hội. Song tùy theo mục đích, mỗi cách tiếp cận đều đem lại các kết quả nhất định. 

Phân loại theo hình thức của bảo hiểm xã hội 

Bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.

Về phương diện pháp lý, hình thức (loại hình) bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện thể hiện ở việc quy định về đối tượng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội… với các chủ thể trong quan hệ bảo hiểm xã hội.

Về đối tượng, nói chung bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng với người lao động có thời hạn làm việc ở mức nhất định, thu nhập có tính cố định (tiền lương hàng tháng), doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động ổn định… Những đối tượng khác áp dụng bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Về mức phí bảo hiểm xã hội, trong phạm vi, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc các chủ thể có nghĩa vụ hàng tháng  phải đóng khoản tiền nhất định do pháp luật quy định tương ứng với tỷ lệ tiền lương của người lao động cho quỹ bảo hiểm xã hội. Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, tổ chức bảo hiểm có thể thiết kế nhiều mức phí bảo hiểm và thể thức đóng khác nhau để người tham gia tự nguyện lựa chọn cho phù hợp. 

Tuy nhiên, với người sử dụng lao động ở khía cạnh chi phí bảo hiểm xã hội không có khái niệm bắt buộc, tự nguyện. 

Quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện được ghi nhận tại Điều 141, Điều 148 Bộ luật lao động; Chương III, IV Luật bảo hiểm xã hội. 

Phân loại theo các trường hợp rủi ro được bảo hiểm xã hội (chế độ bảo hiểm xã hội) 

– Bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị ốm đau, nghỉ dưỡng sức;

– Bảo hiểm xã hội trong trường hợp thai sản; 

– Bảo hiểm xã hội trong trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 

– Bảo hiểm xã hội trong trường hợp tuổi già;

– Bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị chết;

– Bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị mất việc làm (thất nghiệp);

Phân loại theo thời gian hưởng trợ cấp

– Bảo hiểm xã hội ngắn hạn: Thường áp dụng cho người lao động đang làm việc, phát huy tác dụng trong thời gian ngắn với các nhu cầu bảo hiểm xã hội mới phát sinh, ví dụ: chế độ ốm đau, chế độ thai sản, thất nghiệp… ) 

– Bảo hiểm xã hội dài hạn: Thường áp dụng với người lao động đã nghỉ việc, phát huy tác dụng trong một thời gian dài, bảo hiểm được trả hàng tháng, ví dụ: chế độ trợ cấp thương tật hàng tháng, chế độ hưu trí… 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (7 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thủ tục làm chế độ nghỉ chăm con ốm đau mới nhất

Chế độ nghỉ chăm con ốm đau là một quyền lợi của người lao động khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Người lao động được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm con ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội...

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không?

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau...

Người sử dụng lao động phải trả những chi phí nào cho người bị tai nạn lao động?

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy...

Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì có được nhận thêm trợ cấp khuyết tật không?

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao...

Khám dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi