Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Khi nào thì quyết định khởi tố vụ án hình sự?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 15746 Lượt xem

Khi nào thì quyết định khởi tố vụ án hình sự?

Quyết định khởi tố vụ án hình sự là quyết định có giá trị pháp lý được lập bởi những người tiến hành tố tụng có thẩm quyền theo những trình tự thủ tục luật định để chính thức thể hiện ý chí của Nhà nước trong việc giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm

Khởi tố được hiểu là bắt đầu quá trình tố tụng, là bước đầu tiên trong quá trình tố tụng. Quyết định khởi tố là quyết định có giá trị pháp lý được lập bởi những người tiến hành tố tụng có thẩm quyền theo những trình tự thủ tục luật định để chính thức thể hiện ý chí của Nhà nước trong việc giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Vậy nên, quyết định khởi tố vụ án hình sự là một văn bản pháp lý đánh dấu sự khởi đầu của quá trình tố tụng vụ án hình sự. Chính bởi tính chất quan trọng như vậy mà căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự phải thật chặt chẽ, xác đáng để tránh lãng phí thời gian và công sức của các bên có liên quan. Khi nào thì quyết định khởi tố vụ án hình sự?

Khởi tố vụ án hình sự là gì?

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự trong đó các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc là Quyết định không khởi tố vụ án hình sự để làm cơ sở cho các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án.

Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể về căn cứ khởi tố vụ án hình sự như sau:

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1.  Tố giác của cá nhân;

2.  Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3.  Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4.  Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5.  Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6.  Người phạm tội tự thú.”

Trong đó, dấu hiệu tội phạm được hiểu là những dấu hiệu của hành vi phạm tội được quy định trong bộ luật hình sự, đó là dấu hiệu của những hành vi có tính chất nguy hiểm đối với xã hội. Những dấu hiệu đó có thể là một hành vi trái pháp luật hoặc một thiệt hại cụ thể nào đó và có thể được chia thành 3 nhóm:

Thứ nhất, nhóm các dấu hiệu tội phạm trong tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đây là những căn cứ khởi tố vụ án hình sự dựa trên sự đóng góp, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức cơ quan đoàn thể trong xã hội, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và xác minh tính chính xác của dấu hiệu phạm tội được cung cấp trên trước khi ra quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không?Vấn đề này đã được quy định khá chi tiết tại các điều 144 và điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1.  Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2.  Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

3.  Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

4.  Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5.  Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Điều 145.Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm,kiến nghị khởi tố.

1.  Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2.  Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm

3.  Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

4.  Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Thứ hai, nhóm dấu hiệu tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện được quy định tại điều 151 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 151. Giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì quyết định việc khởi tố vụ án theo thẩm quyền hoặc chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.”

Đây thường là nhưng dấu hiệu tội phạm mà cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện ra trong khi thực hiện nhiệm vụ. Đó có thể là những thông tin về một hành vi tội phạm phát hiện trong quá trình tìm hiểu các tài liệu, chứng cứ hoặc thông tin về một vụ việc khác hoặc thông qua lời khai của nhân chứng hay bị can, bị cáo trong một vụ án khác.

Thứ ba, dấu hiệu tội phạm thu được do người phạm tội đầu thú hoặc tự thú. Trong trường hợp này, người phạm tội tự mình đến cơ quan có thẩm quyền trình bày về những hành vi phạm tội của mình. Trên cơ sở những thông tin đó, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền sẽ xác minh, đối chiếu trước khi xem xét ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với người đó và hành vi của họ. Điều 152 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể về vấn đề này như sau:

Điều 152. Người phạm tội tự thú, đầu thú

1.  Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú, đầu thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

2.  Trường hợp xác định tội phạm do người tự thú, đầu thú thực hiện không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cơ quan điều tra tiếp nhận người tự thú, đầu thú phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.

3.  Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.”

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp có các dấu hiệu tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng đều ra quyết định khởi tố vụ án hình sự bởi khoản 1 điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại quy định:

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Theo đó, nhóm các tội phạm chỉ có thể được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại là những tội như: cố ý gây thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe cho người khác (điều 134), cố ý gây thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe cho người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (điều 135), tội hiếp dâm (điều 141), cưỡng dâm (điều 143)…Đây là các tội phạm mà việc khởi tố vụ án hình sự sẽ có thể có những ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý, cũng như danh dự, nhân phẩm và những lợi ích của người bị hại nên  việc khởi tố chỉ diễn ra khi có yêu cầu của người bị hại.

Từ những phân tích trên có thể thấy, khởi tố vụ án hình sự là một hoạt động có ý nghĩa lớn đối với cả quá trình tố tụng hình sự. Về nguyên tắc, quyết định khởi tố vụ án hình sự được ban hành khi có các dấu hiệu của tội phạm, tuy nhiên có những trường hợp vụ án hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu khởi tố của người bị hại.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ 1900 6557 để được tư vấn.


Quý vị có thể tham khảo mục Hỏi đáp Luật Hình sự về những nội dung có liên quan đến bài viết trên như sau:

Câu hỏi:

Gây tai nạn giao thông đường bộ có bị khởi tố và bồi thường thiệt hại?

Kính thưa Luật sư. Chồng tôi lái xe ô tô, trong lúc vượt xe thì lấn sang phần đường của xe khác và gây tai nạn cho một người đi xe máy. Người đi xe máy bị trật khớp cổ chân và gãy xương đùi. Sau đó, gia đình tôi đã bồi thường 15 triệu đồng và chăm sóc cho nạn nhân khi đi mổ nhưng giờ gia đình họ đưa ra những yêu cầu quá đáng quá đòi gia đình tôi bồi thường nhiều hơn. Tôi xin hỏi trong trường hợp này gia đình tôi bồi thường bao nhiêu là hợp lý và chồng tôi có bị khởi tố hình sự không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Luật Hoàng Phi. Về câu hỏi này chúng tôi trả lời như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn khi lái xe ô tô và có vượt xe đã lấn sang phần đường của xe máy, gây tổn thương sức khỏe của người lái xe máy. 

–  Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật giao thông đường bộ 2008  thì khi vượt xe người điều khiển xe xin vượt phải thực hiện theo các quy định sau:

+ Có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22h đến 5h chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

+ Chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

+ Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

+ Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

–  Các trường hợp không được vượt xe:

Theo quy định, không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:

+ Không bảo đảm các quy định: chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải;

+ Trên cầu hẹp có một làn xe;

+ Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;

+ Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

+ Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

+ Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Như vậy, nếu như chồng bạn không đảm bảo an toàn khi vượt xe thì chồng bạn đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại đến sức khỏe người khác, theo đó:

–  Căn cứ Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, qua thông tin bạn trình bày và đối chiếu với quy định trên, hành vi của chồng bạn có những dấu hiệu của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trên đây nên cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành khởi tố khi có một trong các căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên để làm sáng tỏ trách nhiệm hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành giám định xác định hậu quả cụ thể xảy ra đối với sức khỏe người bị hại.

Còn về mức bồi thường thiệt hại hợp lý pháp luật dân sự vẫn tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp có tranh chấp có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm nếu vẫn muốn thỏa thuận nhưng theo mức hợp lý hơn trong trường hợp của mình. Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các khoản bồi thường thiệt hại bao gồm:

– Chi phí hợp lý cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng;

– Thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại;

– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động cần có người thường xuyên chăm sóc thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.     

Đánh giá bài viết:
5/5 - (19 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi