Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Hình sự Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự mới nhất
  • Thứ ba, 05/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 474 Lượt xem

Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự mới nhất

Miễn trách nhiệm hình sự được hiểu là biện pháp nhân đạo, phản ánh sự khoan hồng của Nhà nước, do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội khi có căn cứ theo quy định của BLHS với nội dung là không buộc người phạm tội phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. 

 

 

 

Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự là gì?

Điều 29 Bộ luật hình sự quy định về Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau:

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: 

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, 

b) Khi có quyết định đại xá. 

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: 

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; 

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa, 

c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. 

Bình luận về Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự

Miễn trách nhiệm hình sự được hiểu là biện pháp nhân đạo, phản ánh sự khoan hồng của Nhà nước, do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội khi có căn cứ theo quy định của BLHS với nội dung là không buộc người phạm tội phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. 

Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những chế định quan trọng của BLHS Việt Nam, không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước mà còn thể hiện nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa trừng trị và giáo dục, thuyết phục.

Thực hiện những quy định này không những hạn chế việc áp dụng chế tài hình sự mà còn có tác dụng động viên, khuyến khích người phạm tội có động lực và quyết tâm tự giác phấn đấu, tích cực học tập, lao động, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, lập công chuộc tội để được hưởng chính sách nhân đạo của Nhà nước. 

Việc ghi nhận chế định này trong BLHS thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp cưỡng chế hình sự của Nhà nước với các biện pháp tác động xã hội khác, tăng cường khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội ngoài cộng đồng, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu chống và phòng ngừa tội phạm. 

Khoản 1 của điều luật quy định nhóm trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự, bao gồm hai trường hợp. Đó là trường hợp có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và trường hợp có quyết định đại xá. Đối với hai trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. 

Về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự do có sự thay đổi chính sách, pháp luật nên hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa 

Đây là trường hợp do chính sách hoặc do quy định pháp luật cụ thể có sự thay đổi nên hành vi đã thực hiện tuy thỏa mãn các dấu hiệu của CTTP cụ thể trong BLHS nhưng không còn tính nguy hiểm cho xã hội. Về nguyên tắc, khi chính sách thay đổi thì pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự (BLHS) cũng thay đổi theo nhưng tại thời điểm cụ thể, chính sách có thể đã thay đổi nhưng pháp luật chưa thay đổi hoặc pháp luật hình sự (BLHS) chưa thay đổi.

Từ đó dẫn đến sự không phù hợp giữa quy định của BLHS với quy định của pháp luật hoặc với chính sách. Trong những trường hợp như vậy, việc miễn trách nhiệm hình sự là để khắc phục sự không phù hợp này. Để miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này điều luật không đòi hỏi sự thay đổi của cả chính sách và pháp luật.

Quan trọng, là sự thay đổi của chính sách hoặc của pháp luật phải làm cho hành vi đã thực hiện không còn tính nguy hiểm cho xã hội nữa. Với sự thay đổi như vậy, phải có sự phi tội phạm hóa trong BLHS. Như vậy, quy định miễn trách nhiệm hình sự cho trường hợp này cũng là một trong những biện pháp nhằm phi tội phạm hóa trong thực tế, khi chưa phi tội phạm hóa trong luật.

Trong thực tiễn, có rất nhiều loại chính sách, có loại chính sách chung, như chính sách đối ngoại, chính sách kinh tế, chính sách xã hội; chính sách tiền tệ. Trong mỗi chính sách chung lại có hệ thống các chính sách, chủ trương trong từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ trong chính sách xã hội có chính sách xã hội trong lĩnh vực sản xuất lao động, việc làm; chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; chính sách bảo đảm xã hội; chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách cứu trợ xã hội. Các chính sách này được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như lĩnh vực đất đai, lĩnh vực môi trường, lĩnh vực tài chính, ngân hàng v… 

Quy định miễn trách nhiệm hình sự trên đây được áp dụng đối với tất cả các loại tội phạm miễn là thỏa mãn căn cứ pháp lý theo điều luật quy định. Quy định này là sự kế thừa quy định tương ứng trong BLHS năm 1999 nhưng có sự cụ thể hóa hơn. BLHS năm 1999 chỉ quy định “… do chuyển biến của tình hình ...” và nội dung này được cụ thể hóa trong BLHS năm 2015 là “... do có sự thay đổi chính sách, pháp luật …”. 

Về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự do có quyết định dai χά 

Đại xá là một biện pháp khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước do Quốc hội quyết định nhân dịp những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước đối với những người phạm những loại tội nhất định. Đối với những hành vi phạm tội được đại xá thì dù đang ở trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) người phạm tội đều được tha tội hoàn toàn, được phục hồi toàn bộ quyền công dân và được coi như không phạm tội và cũng không có án tích trong lý lịch tư pháp. 

Chế định đại xá có những đặc điểm chủ yếu sau: 

Thứ nhất, đại xá là một chế định khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội; 

– Thứ hai, quyết định đại xá thuộc thẩm quyền của Quốc hội, được ban hành nhân những dịp quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; 

Thứ ba, Quốc hội căn cứ vào tình hình kinh tế, chính trị cũng như diễn biến của tội phạm trong từng thời kỳ mà quyết định đại xá cho những hành vi phạm tội hay loại tội phạm nào đó; 

Thứ tư, đại xá được thực hiện theo thủ tục, trình tự ngoài Toà án; các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cũng như các cơ quan nhà nước khác có liên quan phải thi hành văn bản đại xá của Quốc hội; và 

Thứ năm, đối với hành vi phạm tội được đại xá thì trong bất cứ giai đoạn tố tụng hình sự nào (từ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án), người phạm tội đều được “xóa” tội hoàn toàn và được coi như không phạm tội. Người được đại xá được coi là người không có tội và cũng không có án tích trong lý lịch tư pháp. 

Sắc lệnh số 52-SL ngày 20/10/1945 về việc xá miễn cho một số tội phạm trước ngày 19/8/1945 là văn bản về lần đại xá đầu tiên. Lần đại xá thứ hai là đại xá theo Thông tư số 413-TTg ngày 09/11/1954 của Thủ tướng Chính phủ về đại xá nhân dịp giải phóng Thủ đô, được sự thoả thuận của Ban thường vụ Quốc hội. Từ đó đến nay chưa có thêm lần nào khác thực hiện việc đại xá mặc dù chế định này vẫn được quy 

định trong các Hiến pháp. 

Khoản 2 của điều luật quy định ba trường hợp người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Đây là những trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải xem xét để quyết định việc miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Cụ thể: 

Về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa 

Căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là sự  “chuyển biến của tình hình” và sự chuyển biến này làm cho người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội. Trong đó, “chuyển biến của tình hình” được hiểu là là sự thay đổi tích cực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và sự chuyển biến này đã làm cho người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Việc xem xét, đánh giá người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Khi đánh giá, phải xác định được sự chuyển biến của tình hình trong lĩnh vực cụ thể là nguyên nhân làm cho người phạm tội không còn nguy hiểm nữa. Người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là do tình hình xã hội thay đổi mà không phải do sự nỗ lực phấn đấu của bản thân họ. Trường hợp miễn trách nhiệm hình sự này đã được quy định trong BLHS năm 1999 nhưng thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đương nhiên. 

– Về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự do người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa 

Đây là trường hợp người phạm tội đã mắc bệnh hiểm nghèo, những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có khả năng chữa trị, như: ung thư, bại liệt, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS hoặc những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. Do mắc bệnh như vậy nên người phạm tội có thể không còn có khả năng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội.

Việc đánh giá người bệnh không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội là thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Chỉ khi xác định người phạm tội không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội do mắc bệnh hiểm nghèo, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mới có thể quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Trường hợp miễn trách nhiệm hình sự này là trường hợp chưa được quy định trong BLHS năm 1999. 

Về trường hợp người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận 

Trường hợp này đòi hỏi hai điều kiện sau: 

+ Người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm. Đây là trường hợp người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

Đồng thời, họ đã khai báo thành khẩn, rõ ràng về tất cả các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội của mình cũng như của những người đồng phạm khác (nếu có) như giao nộp hoặc cung cấp đầy đủ và nhanh chóng các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án. Việc khai báo rõ ràng này của người phạm tội đã góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện, điều tra tội phạm cũng như thể hiện sự cố gắng của họ trong việc hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm. 

+ Người phạm tội đã lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt. Lập công lớn được hiểu có thể là trường hợp đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn hoặc khi giải quyết sự cố lớn. 

Có cống hiến đặc biệt có thể là có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị hoặc có thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Khoản 3 của điều luật quy định trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có sự đề nghị của phía bị hại. Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự mới được bổ sung và là trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải xem xét để quyết định việc miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Theo quy định của điều luật, trường hợp này đòi hỏi có các điều kiện sau: 

– Tội phạm đã thực hiện phải là các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và phải thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc là tội phạm nghiêm trọng do vô ý. Theo điều kiện này, người phạm các tội không xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của người khác cũng như người tuy phạm các tội này nhưng thuộc loại tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đều không phải là đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật. 

– Người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. 

– Đây là điều kiện được bổ sung năm 2017 theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015. Trước đó cũng đã có ý kiến đề nghị phải bổ sung điều kiện này. Tác giả cho rằng, việc bổ sung điều kiện “đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là không cần thiết vì nó hàm chứa trong điều kiện thứ ba dưới đây. 

– Người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. 

Điều kiện này có hai vế liên quan với nhau. Trước hết, người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải với người phạm tội và tiếp đó, trên cơ sở đã hòa giải được, người bị hại hoặc người đại diện của họ mới đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng hình sự miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Khi hòa giải, hai bên có thể có sự thỏa thuận tự nguyện với nhau về nhiều nội dung nhưng chắc chắn có nội dung về việc bồi thường thiệt hại và chỉ khi đó người | bị hại hoặc người đại diện của họ mới đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thời hạn điều tra vụ án hình sự là bao lâu?

Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều...

Dùng dao đâm chết người đi tù bao nhiêu năm?

Trong trường hợp cụ thể, người dùng dao đâm chết người có thể bị truy cứu về một trong các tội khác như: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, Tội vô...

Vay tiền mà không trả phạm tội gì?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ: Vay tiền mà không trả phạm tội gì? Mời Quý vị tham...

Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù không?

Đơn bãi là là yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố của người bị hại, Vậy Đã có đơn bãi nại thì người gây nạn giao thông có phải đi tù...

Đi khỏi nơi cư trú khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú bị xử lý như thế nào?

Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi