Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Đất cho xã mượn bị đăng ký quyền sử dụng đất thì đòi lại như thế nào?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 3085 Lượt xem

Đất cho xã mượn bị đăng ký quyền sử dụng đất thì đòi lại như thế nào?

Năm 1986, gia đình tôi cho Hội nông dân xã mượn một phần đất để xây dựng phòng học. Sau khi phòng học di dời, xã lại muốn mượn đất để làm phòng ban ấp và chừa cho gia đình tôi một lối đi 52m2. Sau này gia đình tôi mới biết là xã đã đăng ký quyền sử dụng đất đối với cả phần đất mượn và cả lối đi 52m2. Nay gia đình tôi muốn đòi lại đất thì phải làm thế nào?

Câu hỏi:

Kính chào công ty Luật Hoàng Phi. Gia đình tôi gặp phải chuyện như sau mà không biết giải quyết như thế nào mong quý công ty giúp đỡ.

Gia đình tôi ở trên phần đất của ông bà để lại từ trước năm 1975. Năm 1986, Hội nông dân của xã có đến xin mượn một phần diện tích đất để xây dựng một phòng học để cho các em nhỏ trong ấp có chỗ học tập. Và Hội nông dân xã hứa là sẽ dời phòng học đi và trả lại đất cho cho gia đình tôi khi nào xã có xây dựng được trường lớp khang trang ở nơi khác (Hai bên chỉ thỏa thuận bằng lời, không có văn bản).

Đến năm 2000, xã đã xây dựng được trường học ở nơi khác khang trang và rộng rãi hơn cho học sinh toàn xã, thì gia đình tôi làm đơn gửi UBND xã để rào lại phần đất đã xây dựng lớp học không còn sử dụng nữa để trồng cây. Nhưng phía UBND xã lại tiếp tục vận động gia đình tôi cho mượn phần diện tích trên để xây dựng Văn phòng Ban ấp vì ấp chưa có Văn phòng để hội họp. Gia đình tôi cũng đồng ý tiếp tục cho xã mượn phần diện tích trên để xây dựng Văn phòng ấp.

Năm 2001, UBND xã gồm có các ban ngành đoàn thể đến gia đình tôi và cùng gia đình tôi xác định diện tích phần đất mà xã mượn để xây dựng Văn phòng. Hai bên thống nhất phần diện tích đất mượn và chừa ra lối đi cho gia đình tôi là bề ngang 4mét (tương đương 52m2). Hai bên có lập biên bản cho mượn đất nhưng phía UBND xã giữ biên bản (vì sợ khi xây dựng mà gia đình tôi có cản trở việc thì có biên bản chứng minh là gia đình tôi đã đồng ý xã mới xây).

Năm 2009, UBND tỉnh tổ chức đo đạc lại đất của nhân dân để cấp lại giấy sử dụng đất mới thì gia đình tôi có đăng kí quyền sử dụng phần diện tích đất Văn phòng và phần diện tích (ngang 4mét: tương đương 52m2).

Năm 2010, khi đi nhận sổ đất mới thì phần diện tích đất Văn phòng, và thửa đất 52m2 đường đi vào đất nhà tôi đã bị UBND xã đăng kí quyền sử dụng. Mà gia đình tôi không biết lí do vì sao lại có sự thay đổi quyền đăng kí sử dụng như trên, gia đình tôi cũng không nhận được một văn bản nào vì sao lại có sự thay đổi đó. Gia đình tôi đến UBND xã để tìm câu trả lời thì xã cho rằng hai thửa đất trên thuộc đất công nên gia đình tôi không có quyền đăng kí. (Vì biên bản UBND xã lập khi mượn đất không có giao cho gia đình tôi, nên khi hỏi lại UBND xã thì nói không còn giữ nữa).

Thư quý Luật sư: Gia đình tôi từ việc cho mượn đất và cuối cùng bị mất quyền sử dụng đất. Phần diện tích xây dựng Văn phòng ấp nếu như xã đăng kí quyền sử dụng thì gia đình tôi cũng không khiếu nại gì, vì đó xuất phát từ sự đồng ý của cả gia đình. Nhưng việc UBND xã đăng kí cả phần diện tích 52m2 đường đi vào đất nhà tôi là không đúng. Vì gia đình tôi trước giờ vẫn sử dụng làm đường ra vào, sử dụng và quản lí từ trước đến nay. Nhưng nay UBND xã lại một mực cho là đất công, quá bức xúc với câu trả lời trên gia đình tôi không biết phải làm sao. Nay tôi trình bày đến quý luật sư để được sự cảm thông và giúp đỡ để gia đình tôi được đăng kí quyền sử dụng đối với diện tích 52m2 nói trên.

Mong nhận được sự tư vấn sớm nhất từ quý Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Hoàng Phi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo những thông tin bạn đưa ra thì thời điểm gia đình bạn cho Hội nông dân xã mượn đất để xây dựng phòng học cho các em nhỏ là vào năm 1986, do đó trường hợp này phải áp dụng các quy định tại Luật đất đai 1987. Cụ thể, tại Điều 14 Luật đất đai 1987 quy định như sau:

“Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong những trường hợp sau đây:

1- Tổ chức sử dụng đất bị giải thể, chuyển đi nơi khác, hoặc bị thu hẹp mà giảm nhu cầu sản xuất;

2- Tất cả số người trong hộ sử dụng đất đã chuyển đi nơi khác hoặc đã chết;

3- Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất được giao;

4- Thời hạn sử dụng đất đã hết;

5- Người sử dụng đất không sử dụng đất được giao trong 6 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép;

6- Người sử dụng đất vi phạm nghiêm trọng những quy định về sử dụng đất;

7- Đất giao không đúng thẩm quyền quy định tại Điều 13 của Luật này;

8- Cần sử dụng đất cho nhu cầu của Nhà nước hoặc của xã hội.”

Như vậy, vào thời điểm đó, nhà nước có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trường học phục vụ cho nhu cầu của xã hội nên sẽ có thẩm quyền thu hồi đất, cụ thể là một phần diện tích đất của gia đình bạn. Và ở đây, giữa gia đình bạn và Hội nông dân của xã đã có thỏa thuận với nhau về việc cho mượn đất, theo đó Hội nông dân xã sẽ được mượn một phần diện tích đất của gia đình bạn để xây dựng phòng học và hứa là khi nào xã xây dựng được trường học cho các cháu ở nơi khang trang hơn thì sẽ di dời trường học và trả lại đất cho gia đình bạn. Việc thỏa thuận này chỉ được xác lập bằng lời nói mà không có văn bản làm chứng. Đến năm 2000, khi xã đã xây dựng được trường học tại nơi khác thì lại tiếp tục vận động gia đình bạn cho mượn đất để làm văn phòng ban ấp, thỏa thuận chừa lại một lối đi cho gia đình bạn tương đương 52m2. Tuy nhiên, sau đó Ủy ban nhân dân xã đã tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất với toàn bộ diện tích cho mượn làm phòng ban và lối đi 52m2 mà không có bất kỳ một thông báo hay bồi thường gì cho gia đình bạn.

Đất cho xã mượn bị đăng ký quyền sử dụng đất thì đòi lại như thế nào?

Đất cho xã mượn bị đăng ký quyền sử dụng đất thì đòi lại như thế nào?

Đối với trường hợp của bạn, vấn đề muốn đòi lại quyền sử dụng đất đối với mảnh đất cho mượn và 52m2 được giải quyết theo hai trường hợp như sau:

*) Trường hợp 1: Gia đình bạn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất cho mượn và 52m2 lối đi.

Nếu gia đình bạn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đã xây dựng trường học, phòng ban ấp thì đây là một căn cứ pháp lý vô cùng hữu ích giúp gia đình bạn đòi lại quyền lợi của mình. Khi đó, gia đình bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã trả lại mảnh đất về nguyên trạng cho gia đình bạn sau khi trường học dọn đi. Bởi lẽ, ở đây giữa gia đình bạn và Hội nông dân xã đã thiết lập một giao dịch mượn tài sản. Căn cứ theo quy định tại Điều 494 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 494. Hợp đồng mượn tài sản

Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.”

Điều 496 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Nghĩa vụ của bên mượn tài sản như sau:

“1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.

2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.

3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.

4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.

5. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.”

Đồng thời, Điều 499 Bộ luật dân sự 2015 quy định Quyền của bên cho mượn tài sản:

“1. Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.

2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.

3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.”

Như vậy, trường hợp này bạn hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình là quyền sử dụng đất mà hội nông dân xã đã mượn. Gia đình bạn cần tới UBND xã thông báo việc đòi lại đất và đưa ra căn cứ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đó để được bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp.

*) Trường hợp 2: Gia đình bạn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đã cho mượn và 52m2 đất lối đi.

Trong trường hợp này gia đình bạn sẽ không thể có căn cứ chứng minh mảnh đất này là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Do vậy sau khi trường học được di dời thì gia đình bạn cũng không có quyền đòi lại mảnh đất trên.

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật đất đai 2013:

Điều 7. Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất

1. Người đứng đầu của tổ chức, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với việc sử dụng đất của tổ chức mình.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương.

3. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư.

4. Người đứng đầu cơ sở tôn giáo đối với việc sử dụng đất đã giao cho cơ sở tôn giáo.

5. Chủ hộ gia đình đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình.

6. Cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với việc sử dụng đất của mình.

7. Người có chung quyền sử dụng đất hoặc người đại diện cho nhóm người có chung quyền sử dụng đất đối với việc sử dụng đất đó.”

Điều 8 Luật đất đai 2013 quy định:

Điều 8. Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý

1. Người đứng đầu của tổ chức chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức được giao quản lý công trình công cộng, gồm công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm;

b) Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư;

c) Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng;

d) Tổ chức được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa có người ở thuộc địa phương.

4. Người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý”.

Như vậy, chiếu theo quy định này thì đối với mảnh đất mà Hội nông dân xã trước đây mượn để xây dựng phòng học sau khi trường học di dời đi nơi khác thì mảnh đất đó sẽ thuộc sự quản lý Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc sử dụng mảnh đất đó do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và khi phát sinh trách nhiệm thì người đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng và quản lý đất phục vụ cho mục đích giáo dục. Vì vậy, Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền sử dụng mảnh đất đó để làm phòng ban ấp và gia đình bạn không có quyền đòi lại mảnh đất này nếu như gia đình bạn không chứng minh được mảnh đất đó thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (1 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi