Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Điều kiện, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
  • Thứ năm, 02/06/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1181 Lượt xem

Điều kiện, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính

Điều kiện, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này để có thêm thông tin hữu ích nhé!

Vụ án hành chính là vụ án phát sinh khi các cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri của cơ quan nhà nước và được Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật.

Vậy Điều kiện, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính

Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính được gồm nhiều nội dung, cụ thể như sau:

1/ Điều kiện về đối tượng khởi kiện

Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là quyết định hành chính mang tính cá biệt do cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành hay là hành vi hành chính của công chức nhà nước thực hiện quyền quản lý nhà nước áp dụng đối với cá nhân, tổ chức và một số đối tượng khác được cho là xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đó.

2/ Điều kiện về chủ thể khởi kiện

Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh , quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân theo khoản 8 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính.

Để quyền khởi kiện vụ án hành chính của cá nhân, tổ chức được hiện thực hóa thì quyền khởi kiện phải được thực hiện bởi những chủ thể có năng lực hành vi tố tụng hành chính.

Điều 54 Luật Tố tụng hành chính quy định như sau:

1. Năng lực pháp luật tố tụng hành chính là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng hành chính như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng hành chính.

3. Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng hành chính của họ được xác định theo quyết định của Tòa án.

4. Đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

5. Đương sự là cơ quan, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật.

Như vậy, việc khởi kiện vụ án hành chính chỉ có thể được thực hiện bởi người có quyền khởi kiện vụ án hành chính hoặc người đại diện của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính với điều kiện người đó đảm bảo năng lực hành vi tố tụng hành chính. 

3/ Điều kiện về phương thức khởi kiện

Phương thức khởi kiện có thể hiểu là việc các chủ thể có quyền lựa chọn các cách thức khác nhau để khởi kiện. Phương thức khởi kiện được quy định tại Điều 115 Luật Tố tụng hành chính.

Nếu đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì theo khoản 1 Điều 115, thì cá nhân, tổ chức được lựa chọn một trong 3 cách sau:

+ Khởi kiện ngay khi nhận được quyêt định hành chính, hoặc bị hành vi hành chính xâm hại

+ Khởi kiện khi nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 mà không đồng ý hoặc hết thời gian giải quyết khiếu nại lần 1 mà không được giải quyết.

+ Khởi kiện khi nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 mà không đồng ý hoặc hết thời gian giải quyết khiếu nại lần 2 mà không được giải quyết.

Nếu đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước thì theo khoản 2 Điều 115 thì cá nhân, tổ chức chỉ có quyền khởi kiện quyết định này mà không có quyền khiếu nại.

Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.

4/ Điều kiện về hình thức, thủ tục khởi kiện

Khi khởi kiện vụ án hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 118 của Luật Tố tụng hành chính. Cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của cá nhân, ở phần cuối đơn cá nhân phải kí tên hoặc điểm chỉ.

Đơn khởi kiện phải có nội dung chính được quy định tại Điều 118 Luật Tố tụng hành chính. Kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại. Trường hợp vì lí do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo quy định của Tòa án trong qua trình giải quyết vụ việc.

5/ Điều kiện về thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Theo khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

– 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

– 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh  quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;

– Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

– 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

– 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

6/ Yêu cầu về gửi đơn khởi kiện đến tòa thẩm quyền xét xử sơ thẩm

Theo quy định của pháp luật thì việc khởi kiện chỉ có thể được thực hiện và bảo đảm nếu việc khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Luật Tố tụng hành chính. Mặc dù tuân thủ các điều kiện như đã phân tích ở trên, nhưng cá nhân khởi kiện lại gửi đơn khởi kiện đến Tòa án không có thẩm quyền thì đơn khởi kiện không được thụ lí, vụ án hành chính không được giải quyết. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các hình thức sau đây: nộp trực tiếp tại Tòa án; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án, nếu Tòa án đã có Cổng thông tin riêng của Tòa. 

Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính

Điều 30 Luật Tố tụng hành chính quy định:

Điều 30. Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:

a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;

c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

3. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

4. Khiếu kiện danh sách cử tri.

Như vậy, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là quyết định hành chính mang tính cá biệt do cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành hay là hành vi hành chính của công chức nhà nước thực hiện quyền quản lý nhà nước áp dụng đối với cá nhân, tổ chức và một số đối tượng khác được cho là xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đó.

– Quyết định hành chính bị kiện

Theo Khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì:

1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Hành vi hành chính bị kiện

Theo Khoản 3, khoản 4 Luật Tố tụng hành chính thì:

3. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

4. Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại khoản 3 Điều này mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Các đối tượng khởi kiện khác

+ Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

+ Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước

+ Khiếu kiện danh sách cử tri.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi