Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Quy định tiền lương trong bộ luật lao động 2024
  • Thứ ba, 02/01/2024 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 9305 Lượt xem

Quy định tiền lương trong bộ luật lao động 2024

Tiền lương được hiểu là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động căn cứ vào năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Quy định của pháp luật lao động về tiền lương

Theo quy định Điều 90 Bộ luật lao động 2019 về tiền lương:

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Tư vấn và bình luận về quy định tiền lương theo Bộ luật lao động

Dưới góc độ luật lao động, tiền lương được hiểu là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động căn cứ vào năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và điều kiện lao động, được xác định theo sự thoả thuận hợp pháp giữa hai bên trong hợp đồng lao động hoặc theo quy định của pháp luật.

Tiền lương có vai trò quan trọng đối với cả người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội.

–  Đối với người lao động:

Tiền lương là nguồn thu nhập có tính chất thường xuyên, nguồn sống chủ yếu của người lao động và gia đình họ; là cơ sở định hướng nghề nghiệp cho người lao động; mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời lao động của họ, có tác dụng kích thích người lao động tăng năng suất lao động, phát huy tài năng, sáng tạo, tích luỹ kinh nghiệm và ở mức độ nhất định, tiền lương còn khẳng định địa vị của người lao động trong gia đình và ngoài xã hội…

–  Đối với người sử dụng lao động:

Tiền lương là bộ phận quan trọng của chi phí sản xuất, là một trong những căn cứ để người sử dụng lao động hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, tổ chức và quản lí lao động trong đơn vị, là đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế trong doanh nghiệp, tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường, tạo lập và củng cố lòng trung thành, sự gắn bó của người lao động với đơn vị sử dụng lao động…

–  Đối với nhà nước, xã hội:

Tiền lương là bộ phận cấu thành thu nhập quốc dân, nằm trong chính sách phân phối tổng sản phẩm xã hội của Nhà nước; tiền lương tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội nói chung, ổn định đời sống của người lao động nói riêng, nhân dân nói chung, ổn định lực lượng lao động xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phòng ngừa và hạn chế các tệ nạn xã hội, tội phạm, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Theo quan điểm khoa học pháp lý lao động, tiền lương có 5 chức năng cơ bản, gồm:

+ (1) Chức năng thước đo giá trị sức lao động: Ở khía cạnh này, tiền lương chính là “giá cả sức lao động”, phản ánh giá trị sức lao động của người lao động, gắn chặt với quá trình sản xuất vì nó được coi là yếu tố đầu vào của nền sản xuất xã hội, góp phần tạo ra của cải xã hội.

+ (2) Chức năng tái sản xuất sức lao động: Tiền lương có vai trò bù đắp – duy trì – phát triển sức lao động hiện tại cũng như tương lai của người lao động, tức là tái sản xuất giản đơn, đồng thời tái sản xuất mở rộng sức lao động.

+ (3) Chức năng kích thích: thể hiện ở việc tạo ra “động lực” bên trong và “đòn bẩy” bên ngoài đối với người lao động. Người sử dụng lao động, Nhà nước sử dụng tiền lương như’ là phương tiện kích thích hữu hiệu về vật chất và đương nhiên là cả tinh thần để người lao động yên tâm – phấn khởi – hăng say lao động sáng tạo; tuân thủ kỷ luật lao động; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công việc.

+ (4) Chức năng tích lũy: Tiền lương là phương tiện tích lũy của người lao động và gia đình họ nhằm giải quyết những nhu cầu trung hạn, dài hạn trong cuộc sống.

+ (5) Chức năng xã hội: Tiền lương, theo như c. Mác, không chỉ để ăn, chi phí tiền nhà ở mà còn để nuôi con, chi phí cho các nhu cầu xã hội nhằm “duy trì nhân cách sinh động của con người” như tham gia các sinh hoạt xã hội, học tập, du lịch…Những chức năng của tiền lương cho thấy rõ vai trò tối quan trọng của nó đối với đời sống sản xuất, đời sống lao động và sinh hoạt xã hội. Chính vì vậy, tiền lương trở thành đối tượng của nhiều khoa học và được xác định rõ trong luật lao động.

Điều 90 Bộ luật Lao động quy định về cơ cấu tiền lương và cơ sở xác định tiền lương.

Cơ cấu tiền lương

Lần đầu tiên, Bộ luật Lao động quy định chính thức cơ cấu tiền lương, bao gồm: (1) Mức lương theo công việc hoặc chức danh; (1) Phụ cấp lương và (3) Các khoản bổ sung khác.

–  Mức lương được xác định căn cứ vào giá trị của công việc hoặc yêu cầu cụ thể đối với từng chức danh lao động. Mức lương theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động còn được gọi là mức lương cơ bản, được thể hiện trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng. Trên thực tế, để xác định được mức lương (lương cơ bản) chính xác, người sử dụng lao động cần tổ chức hiệu quả hoạt động phân tích công việc và mô tả công việc. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Mức lương cơ bản vì vậy được coi là phần chính yếu nhất trong cơ cấu tiền lương.

–  Phụ cấp lương được coi là khoản tiền bù đắp các yếu tố do biến động, thay đổi, phát sinh về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh. Phụ cấp lương ngoài việc bảo đảm công bằng, bình đẳng trong việc trả lương, còn có tác dụng động viên, khuyến khích, thu hút người lao động làm việc ở những ngành nghề, địa bàn, công việc… khó khăn, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách phân công lao động xã hội trong phạm vi doanh nghiệp, ngành, địa phương và toàn quốc. Các chế độ phụ cấp lương có thể bao gồm: phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp thu hút, phụ cấp độc hại, nguy hiểm...

–  Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, trừ các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

 Cơ sở xác định tiền lương:

–  Theo Điều 95 Bộ luật Lao động, tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.

Khối lượng (hay còn gọi là số lượng) và chất lượng lao động có thể khẳng định là căn cứ quan trọng nhất để xác định mức trả lương cho người lao động. hình thức trả lương theo thời gian, số lượng lao động được tính căn cứ vào thời gian làm việc của người lao động, chất lượng lao động được phản ánh qua mức độ phức tạp của công việc thực hiện ứng với trình độ chuyên môn, mức độ lành nghề, khả năng tác nghiệp… mà người lao động có thể đáp ứng để hoàn thành công việc. Ở hình thức trả lương theo sản phẩm và lương khoán, số lượng lao động lại được tính tương ứng với số lượng sản phẩm hoặc khối lượng công việc người lao động hoàn thành, chất lượng lao động chính là chất lượng sản phẩm, công việc đó. Trên thực tế, các đợn vị sử dụng có thể xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình đánh giá số lượng, chất lượng công việc của người lao động.

–  Năng suất lao động là một trong những yếu tố quyết định trực tiếp đến tiền lương của người lao động, vì để đạt hoặc vượt chỉ tiêu năng suất lao động có phần đóng góp của người lao động từ việc cung ứng sức lao động của họ. Đây chính là lý do tại nhiều doanh nghiệp hiện nay, ngoài mức lương theo chức danh hoặc công việc (lương cố định), người lao động còn được trả thêm một khoản tùy thuộc vào năng suất lao động thực tế của mình, thậm chí ở một số doanh nghiệp khoản thu nhập này còn cao hơn so với mức lương theo chức danh hoặc công việc.

Điều rất quan trọng là tiền lương trả cho người lao động được thể hiện trong hợp đồng lao động và các văn bản nội bộ của người sử dụng lao động làm cơ sở xác định tiền lương của người lao động. Khi xem xét tiền lương theo hợp đồng lao động cần lưu ý sự chỉ dẫn của hợp đồng tới các văn bản có liên quan (ví dụ: chỉ dẫn đến quy chế tiền lương, quy chế tiền thưởng, thỏa ước lao động tập thể… của doanh nghiệp).

–  Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Đó là yêu cầu vừa có tính pháp lý, vừa mang tính nhân bản sâu sắc, thể hiện một khía cạnh quan trọng về tiêu chuẩn lao động. Phân biệt tiền lương qua giới tính hoặc những yếu tố mang tính xã hội (màu da, sắc tộc, tôn giáo, giới tính…) mà không phải là yếu tố kinh tế (năng suất, tính hiệu quả, giá trị sáng tạo…) sẽ gây nên những bất công và xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm cá nhân và quy tắc xã hội, đều bị nghiêm cấm.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (7 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi