Ý nghĩa lịch sử của tuyên ngôn độc lập

  • Tác giả: Vũ Thu Hà |
  • Cập nhật: 25/05/2022 |
  • Giáo dục |
  • 5912 Lượt xem
2.9/5 - (67 bình chọn)

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể nhân dân, đất nước và có ý nghĩa trên thế giới. Vậy cụ thể ý nghĩa lịch sử của tuyên ngôn độc lập ra sao?

Hoàn cảnh ra đời của bản tuyên ngôn độc lập

Đầu tháng Tám năm 1945, phát xít Nhật bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hirosima (ngày 06/8) và Nagasaki (ngày 09/8); Liên Xô tuyên chiến với Nhật ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ngày 09/8) và nhanh chóng đánh bại đạo quân Quan Đông chủ lực của phát xít Nhật tại Mãn Châu, dẫn đến việc Nhật hoàng phải chấp nhận chính thức tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh vào ngày 15/9/1945.

Không chỉ vậy đây cũng là thời điểm bọn đế quốc, thực dân nấp sau quân Đồng minh vào tước khí giới quân đội Nhật, đang âm mưu chiếm lại nước ta. Thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng nên Đông Dương phải thuộc quyền của Pháp.

Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Hà Nội đã về tay nhân dân. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo “Tuyên ngôn Độc lập” tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang.

Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn người đủ các tầng lớp ở cả trong nước và nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, – nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Nội dung của bản tuyên ngôn độc lập

“Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tự do, cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần một trăm năm của dân tộc ta để có quyền thiêng liêng đó.  Không chỉ vậy bản tuyên ngôn đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: kỷ nguyên độc lập, tự do, kỷ nguyên nhân dân làm chủ đất nước.

Nội dung “Tuyên ngôn độc lập” được chia thành bốn phần, cụ thể:

+ Phần 1: Bản Tuyên ngôn độc lập nêu ra cơ sở lí luận của Tuyên ngôn: tác giả dẫn ra tuyên ngôn của Mĩ và của Pháp, hai bản tuyên ngôn nổi tiếng đã được cả thế giới công nhận. Cách mở đầu này tạo nên sức mạnh cho bản Tuyên ngôn..

+ Phần 2: Tuyên ngôn độc lập đưa ra những dẫn chứng xác thực để tố cáo tội ác của thực dân Pháp để vạch trần luận điệu cướp nước của bọn Pháp.

+ Phần 3: Bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định và tuyên bố quyền độc lập chính đáng của nhân dân Việt Nam. Tác giả đã khẳng định chính người Việt Nam đã tự dành được quyền độc lập ấy và sẽ bảo vệ nó đến cùng.

+ Phần 4: Tuyên ngôn độc lập tuyên bố và một lần nữa khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc.

Ý nghĩa lịch sử của tuyên ngôn độc lập

Bản Tuyên ngôn độc lập với hệ thống lập luận ngắn gọn, chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn đã chứa đựng những nội dung bất hủ, một cơ sở pháp lý vững chắc không chỉ có giá trị lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển. Cụ thể ý nghĩa lịch sử của tuyên ngôn độc lập được thể hiện qua các nội dung:

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đánh dấu mốc trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; chấm dứt ách thống trị của thế lực xâm lược từ phương Tây (thực dân Pháp) trong 87 năm (1858-1945); sự chiếm đóng của phát xít Nhật (từ Đông Bắc Á) trong 5 năm (1940-1945). Đồng thời, Tuyên ngôn Độc lập cũng đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến quân chủ  ở Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam được hưởng tự do, độc lập mà tự mình giành lại. Chính thức tuyên bố trước quốc dân, trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác -Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản Tuyên ngôn còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của đất nước, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về vấn đề ý nghĩa lịch sử của tuyên ngôn độc lập đến bạn đọc. Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề này nếu có bất cứ thắc mắc nào, Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn: 1900 6557 để được đội ngũ chuyên viên tư vấn của chúng tôi hỗ trợ tốt nhất.

2.9/5 - (67 bình chọn)