Xuất khẩu lao động là gì? Đặc điểm của xuất khẩu lao động?

  • Tác giả: Nguyễn Văn Phi |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 2562 Lượt xem
5/5 - (6 bình chọn)

Xuất khẩu lao động là hình thức lao động được nhiều người quan tâm hiện nay. Song không phải ai cũng hiểu đúng về bản chất của xuất khẩu lao động. Do đó, qua bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ, giúp Quý độc giả giải đáp được một số thắc mắc cơ bản về xuất khẩu lao động như: Xuất khẩu lao động là gì? Đặc điểm của xuất khẩu lao động? Điều kiện để người lao động đi xuất khẩu lao động?

Xuất khẩu lao động là gì?

Xuất khẩu lao động là việc người Việt Nam đi đến thị trường lao động nước ngoài để tham gia vào quan hệ lao động dưới một trong các hình thức sau (1) Người lao động xuất khẩu lao động theo hình thức hợp đồng được ký kết với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, (2) Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, (3) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề, (4) Hợp đồng cá nhân.

Đặc điểm của xuất khẩu lao động

Hiểu được xuất khẩu lao động là gì qua phần giải thích trên đây, song không phải ai cũng nhận diện được hoạt động xuất khẩu lao động trên thực tế, vì vậy, chúng tôi đưa ra những đặc điểm của xuất khẩu lao động trong phần nội dung này để Quý độc giả có thêm thông tin.

Xuất khẩu lao động là quan hệ mua bán “sức lao động” giữa chủ sử dụng lao động và người lao động có tính chất vượt qua ranh giới lãnh thổ quốc gia.

Đối tượng của hợp đồng lao động này là “sức lao động” một loại hàng hóa đặc biệt, không được định hình dưới hình dạng cụ thể mà được xác định thông qua khả năng hoàn thành công việc của người lao động, sức khỏe, trí lực, trình độ chuyên môn tay nghề của người lao động.

Đây là hợp đồng có tính chất xuyên quốc gia.Các bên tham gia kí kết hợp đồng lao động sẽ đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.

Xuất khẩu lao động là xu hướng của toàn cầu. Hiện nay xu hướng dịch chuyển lao động ngày càng phổ biến, việc người sử dụng lao động đòi hỏi trình độ lao động có tay nghề cao ngày càng nhiều mà trình độ lao động trong nước nhiều khi không thể đáp ứng được, khi đó việc sử dụng lao động được cung ứng bởi thị trường lao động nước ngoài là rất cần thiết.

Đây là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển cũng như thúc đẩy người lao động tự mình nâng cao năng lực của bản thân trước sự canh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường lao động.

Điều kiện để người lao động có thể đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài

Người lao động muốn đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Theo quy định của pháp luật dân sự, một người được xác định là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi đủ 18 tuổi và có khả năng tự mình tham gia xác lập quan hệ dân sự và thực hiện nghĩa vụ tương ứng phát sinh từ quan hệ  dân sự đó, trừ trường hợp người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai: Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài

Do đây là quan hệ dân sự nên mọi giao dịch đều phải được xác lập trên tinh thần tự nguyện của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Pháp luật nghiêm cấm các hành vi xâm phạm tính tự nguyện của chủ thể khi giao kết hợp đồng.

Thứ ba: Người lao động phải đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động.

Do đây là quan hệ mua bán sức lao động nên nó gắn liền với sức khỏe của người lao động, chỉ người lao động đáp ứng tốt điều kiện về sức khỏe mới có thể đảm bảo thực hiện tốt công việc được giao.

Thứ tư: Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động.

Thứ năm: Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Theo yêu cầu của bên tiếp nhận lao động, người lao động cần phải có một số chứng chỉ nhất định để chứng minh trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ của mình đáp ứng yêu cầu do bên sử dụng lao động đặt ra.

Thứ sáu: Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật.

Thứ bảy: Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt.

Điều này được phản ánh trong hồ sơ lý lịch tư pháp của cá nhân người lao động khi làm hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động.

Đối với trường hợp cá nhân tham gia lao động tại nước ngoài theo hợp đồng cá nhân ngoài đáp ứng các điều kiện trên cần có hợp đồng cá nhân và có giấy xác nhận đăng ký Hợp đồng cá nhân của Sở lao động – thương binh và xã hội nơi người lao động thường trú.

Trên đây là những thông tin nhằm giải đáp Xuất khẩu lao động là gì? mà Công ty Hoàng Phi muốn gửi tới độc giả những người đang có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào cần được giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số tổng đài 19006557.

5/5 - (6 bình chọn)