Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ

  • Tác giả: Vũ Thu Hà |
  • Cập nhật: 24/05/2022 |
  • Giáo dục |
  • 13200 Lượt xem
5/5 - (8 bình chọn)

Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ là nơi có điều kiện tự nhiên xã hội khá đặc biệt, và có những đặc điểm văn hóa đặc trưng nổi bật. Để hiểu rõ hơn về vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, chúng tôi xin cung cấp đến Quý bạn đọc bài viết dưới đây:

Giới thiệu về vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ

Khi nói vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ là nói tới vùng văn hóa thuộc địa phận các tỉnh bao gồm: Hà Tây; Nam Định; Hà Nam; Hưng Yên; Hải Dương; Thái Bình; thành phố Hà Nội; Hải Phòng; phần đồng bằng của các tỉnh Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Bắc Ninh; Bắc Giang; Ninh Bình; Thanh Hóa; Nghệ An; Hà Tĩnh. Cũng cần lưu ý thêm về Nghệ An, Hà Tĩnh ngay từ thời văn minh Văn Lang – Âu Lạc, thậm chí ngược lên xa hơn; Nghệ An – Hà Tĩnh vẫn gắn bó với Bắc Bộ.

Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ nằm giữa lưu vực những dòng sông Hồng, sông Mã. Đây là vùng văn hoá đúng như PGS. TS. Ngô Đức Thịnh nhận xét “Trong các sắc thái phong phú và đa dạng của văn hóa Việt Nam; đồng bằng Bắc Bộ như là một vùng văn hóa độc đáo và đặc sắc.”

Đặc điểm tự nhiên và xã hội của vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ

– Về vị trí địa lí: Vùng châu thổ Bắc Bộ là tâm điểm của con đường giao lưu quốc tế theo hai trục chính: Tây – Đông và Bắc – Nam. Vị trí này khiến cho nơi đây trở thành vị trí để tiến tới các vùng khác trong nước và trong khu vực Đông Nam Á; đây là mục tiêu xâm lược đầu tiên của tất cả bọn xâm lược muốn bành trướng thế lực vào lãnh thổ Đông Nam Á. Nhưng cũng chính vị trí địa lí này đã tạo điều kiện cho dân cư có thuận lợi về giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

– Về mặt địa hình: Châu thổ Bắc Bộ là địa hình núi xem kẽ đồng bằng hoặc thung lũng, địa hình thấp và bằng phẳng; dốc thoải từ Tây Bắc xuống Đông Nam; từ độ cao 10 – 15m giảm dần đến độ cao mặt biển. Toàn vùng cũng như trong mỗi vùng; địa hình cao thấp không đều; tại vùng có địa hình cao vẫn có nơi thấp úng như Gia Lương (Bắc Ninh); có núi Thiên Thai nhưng vẫn là vùng trũng như Hà Nam; Nam Định; là vùng thấp nhưng vẫn có núi như Chương Sơn; núi Đọi…

– Khí hậu: Khí hậu vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ vô cùng độc đáo. Đây là vùng duy nhất ở Việt Nam có một mùa đông thực sự với ba tháng có nhiệt độ trung bình dưới 18 độ C, do đó khu vực này có khí hậu bốn mùa với mỗi mùa tương đối rõ nét, nhưng cũng vì lý do này mà khu vực châu thổ Bắc Bộ cấy được vụ lúa ít hơn các vùng khác. Khí hậu khu vực này tương đối thất thường, gió mùa Đông Bắc vừa lạnh vừa ẩm gây cảm giác khó chịu, gió mùa hè nóng và ẩm.

– Sông ngòi: Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ có hệ thống sông ngòi khá dày đặc. Có các dòng sông lớn như sông Hồng; sông Thái Bình; sông Mã cùng các mương máng tưới tiêu dày đặc. Do ảnh hưởng của khí hậu gió mùa với hai mùa khô và mưa, thủy chế của các dòng sông và nhất là sông Hồng cũng có hai mùa rõ rệt: Mùa cạn dòng chảy nhỏ, nước trong và mùa lũ dòng chảy lớn, nước đục.

Ngoài khơi, thủy triều vịnh Bắc Bộ cũng theo chế độ nhật triều, mỗi ngày có một lần nước lên và một lần nước xuống.

– Dân cư ở vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ khá đông đúc, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ là cư dân sống với nghề trồng lúa nước, làm nông nghiệp một cách thuần túy.Nghề khai thác hải sản ở vùng châu thổ Bắc Bộ không mấy phát triển. Các làng ven biển thực chất chỉ là các làng làm nông nghiệp, có đánh cá và làm muối. Ngược lại, Bắc Bộ là châu thổ có nhiều sông ngòi, mương máng, nên người dân chài trọng về khai thác thủy sản, người nông dân tận dụng ao, hồ, đầm để khai thác thủy sản. Tuy nhiên, đất đai ở Bắc Bộ không phải là nhiều, cư dân lại đông vì thế bên cạnh nghề trồng lúa nước, nuôi trồng thủy sản thời gian nhàn rỗi người nông dân đã làm thêm các nghề thủ công. Ở vùng Bắc Bộ người ta đã từng đếm được hàng trăm nghề thủ công, một số nghề đã rất phát triển, có lịch sử phát triển lâu đời như nghề gốm, nghề dệt, luyện kim, đúc đồng,…

– Những người nông dân vùng châu thổ Bắc Bộ sống quần tụ thành làng. Làng là đơn vị xã hội cơ sở của nông thôn Bắc Bộ, tế bào sống của xã hội Việt. Nó là kết quả của các công xã thị tộc nguyên thủy sang công xã nông thôn. Các vương triều phong kiến đã chụp xuống các công xã nông thôn ấy tổ chức hành chính của mình và nó trở thành các làng xã. Tiến trình lịch sử đã khiến cho làng Việt Bắc Bộ là một tiểu xã hội trồng lúa nước, một xã hội của các tiểu nông. Con người nơi đây sống gắn bó với nhau, sự gắn bó giữa con người và con người trong cộng đồng làng quê nơi đây không chỉ là quan hệ sở hữu trên đất làng, trên những di sản hữu thể chung như đình làng, chùa làng… mà còn là sự gắn bó các quan hệ về tâm linh, về chuẩn mực xã hội, đạo đức.Đảm bảo cho các quan hệ này là các hương ước và khoán ước của làng xã.

Một số đặc điểm vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ

Thứ nhất: Bắc Bộ là cái nôi hình thành dân tộc Việt. Đây là nơi sản sinh ra các nền văn hóa lớn phát triển nối tiếp lẫn nhau như: Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đại Việt và văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt lan truyền vào Trung Bộ rồi Nam Bộ, sự lan truyền đó đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt và sự sáng tạo của người dân Việt. Văn hóa châu thổ Bắc Bộ vừa có những nét đặc trưng của văn hóa Việt, lại có những nét riêng biệt đặc trưng của vùng này.

Thứ hai: Trong ứng xử với thiên nhiên, hàng ngàn năm lịch sử người dân Việt đã chinh phục thiên nhiên, từ việc đào mương, đắp bờ, đắp đê đã tạo nên một diện mạo đồng bằng Bắc Bộ như hôm nay. Nhà ở của người dân vùng Bắc Bộ thường được xây dựng theo kiểu bến chác, to đẹp, tuy nhiên vẫn hòa hợp với cảnh quan. Người dân Bắc Bộ thường trồng cây cối quanh nhà tạo bóng mát cho ngôi nhà.

Thứ ba: Bữa cơm gia đình của người dân vùng Bắc Bộ cũng giống như bữa ăn của các vùng khác trên đất nước Việt Nam bao gồm các món như cơm, rau, cá, nhưng cá chủ yếu là cá nước ngọt. Để thích ứng với khí hậu mùa đông lạnh, vào mùa đông bữa ăn gia đình vùng Bắc Bộ sẽ tăng thêm thành phần thịt và mỡ, để giữ nhiệt năng cho cơ thể. Khác với vùng Trung Bộ và Nam Bộ, các gia vị chua, cay thường ít xuất hiện trong bữa ăn của người dân Bắc Bộ.

Thứ tư: Về cách ăn mặc của người dân Bắc Bộ cũng là lựa chọn thích ứng với thiên nhiên, trang phục đi làm chủ yếu là màu nâu. Trang phục lễ hội có sự khác biệt hơn, đàn bà sẽ mặc áo dài mớ ba, mớ bảy; đàn ông mặc quần tráng, áo dài the, chít khăn đen. Ngày nay, trang phục của người dân vùng châu thổ Bắc Bộ đã có sự thay đổi khá nhiều.

Thứ năm: Vùng châu thổ Bắc Bộ có rất nhiều di tích văn hóa, nhiều di tích không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng nước ngoài như Đền Hùng, khu vực Cổ Loa, Hoa Lư, Lam Sơn, Phố Hiến, Chùa Dâu, Chùa Hương, Chùa Tây Phương, Đình Tây Đằng,…

Thứ sáu: Vùng châu thổ Bắc Bộ có kho tàng văn học dân gian phong phú đa dạng, từ thần thoại đến truyền thuyết, từ ca dao đến tục ngữ, từ truyện cười đến truyện trạng mỗi thể loại đều có nét riêng của vùng Bắc Bộ.

Thứ bảy: Mọi tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước như thờ Thành Hoàng, thờ Mẫu, thờ các ông tổ nghề,…có mặt trên hầu hết các làng quê Bắc Bộ.

Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đến vấn đề Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, quý vị có thể liên hệ Chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.

Trân trọng cảm ơn!

5/5 - (8 bình chọn)