Tư tưởng là gì? Hệ tư tưởng là gì?

  • Tác giả: Vũ Thu Hà |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 4380 Lượt xem
5/5 - (6 bình chọn)

Tư tưởng không phải những cái có sẵn hay đã được đóng khung từ trước, nó được sinh ra và phát sinh trong quá trình trao đổi, suy nghĩa của con người, Tư tưởng là gì?

Tư tưởng là gì?

– Tư tưởng là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là những biểu hiện các mối quan hệ giữa con người với những vấn đề về thế giới xung quanh, trong những nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm tư tưởng được đề cập đến mang ý nghĩa khái quát triết học.

– Quan điểm về tư tưởng xuất phát từ những ý tưởng của những nhà tư tưởng có tầm nhìn cao. Không phải ai có ý tưởng đều được coi là nhà tư tưởng, bởi lẽ theo nhà bác học Lênin cho rằng người đó phải biết cách giải quyết được những vấn đề chính trị, sách lược, tổ chức.

– Tư tưởng là ý thức của một cá nhân, một cộng đồng, nó chứa một hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm được xây dựng trên một nền tảng triết học. Các khái niệm mang tính nhất quán, những quan điểm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cá nhân, giai cấp, một dân tộc được hình thành trên cơ sở thực tiễn nhất định và trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn, cải tạo hiện thực.

– Tư tưởng có ba đặc điểm cơ bản là:

+ Thứ nhất, tư tưởng gắn với lợi ích; 

+ Thứ hai, trong xã hội có giai cấp đối kháng thì tư tưởng mang tính giai cấp; 

+ Thứ ba, sự ra đời, tồn tại và phát triển, mất đi của một tư tưởng đều gắn liền với tồn tại xã hội, chịu sự quy định của tồn tại xã hội, chịu sự quy định của các quan hệ xã hội sinh ra nó.

Ví dụ về tư tưởng

Để hiểu rõ hơn về khái niệm Tư tưởng là gì? nội dung này sẽ đưa ra ví dụ cụ thể như sau:

Ví dụ: Tư tưởng chính trị của dân chủ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một trong những di sản tư tưởng bao trùm và xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đồng thời, đây cũng là tư tưởng có ý nghĩa chỉ đạo đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Nó được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời, nó phản ánh mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước và nhân dân trong chế độ chính trị – xã hội nhất định. 

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng một Nhà nước Việt Nam kiểu mới, đó là nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Người tuyên bố dứt khoát: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”.

Nội dung cơ bản và cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là: Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị  - xã hội, thể chế chính trị dân chủ phải bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, nhân dân là người có quyền quyết định vận mệnh của quốc gia – dân tộc;

Nhân dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng, củng cố và thực hành quyền lực của mình thông qua hệ thống chính trị và thể chế chính trị dân chủ, xây dựng và củng cố bộ máy quản lý nhà nước nhằm hướng tới phục vụ lợi ích của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân… Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(4).

Hệ tư tưởng là gì?

Hệ tư tưởng là một hệ thống, một tập hợp những tư tưởng, quan điểm về các lĩnh vực khác nhau.

– Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích hệ tư tưởng là: “Hệ thống những tư tưởng và quan điểm lý luận thể hiện sự nhận thức và đánh giá hiện thực xung quanh, xuất phát từ những lợi ích xã hội nhất định. Hệ tư tưởng mang tính lý luận, nghĩa là được hệ thống hóa một cách duy lý. Khác với tâm lý xã hội gắn liền với cảm giác sống của ý thức đời thường, hệ tư tưởng gồm các quan điểm và tư tưởng về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp quyền, tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ, triết học”.

– Từ điển tiếng Việt giải thích hệ tư tưởng là “hệ thống tư tưởng và quan điểm, thường phản ánh quyền lợi cơ bản khác nhau của các giai cấp, các tầng lớp xã hội”.

– Từ điển Chính trị vắn tắt giải thích: “Hệ tư tưởng – hệ thống các quan điểm và tư tưởng chính trị, pháp lý, đạo đức, triết học, tôn giáo, nghệ thuật. Hệ tư tưởng mang tính giai cấp. Trong các hình thái đối kháng, hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền là hệ tư tưởng thống trị”.

Như vậy có thể thấy, quan niệm về hệ tư tưởng hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau và mới chỉ đạt được sự thống nhất tương đối.

Ngoài khái niệm Tư tưởng là gì? cần hiểu được khái niệm hệ tư tưởng như đã giải thích ở trên.

Vai trò của hệ tư tưởng

– Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, hệ tư tưởng là một bộ phận của ý thức xã hội nên chịu sự quy định của tồn tại xã hội.

– Hệ tư tưởng giống như một nền móng mà trên cơ sở đó, các đảng phái, tổ chức, các lực lượng chính trị – xã hội khác nhau xác lập chiến lược, lý tưởng, xác lập đội ngũ mà tổ chức ấy sẽ đại diện, tức là xác lập chiến lược chính trị. Vì vậy, hệ tư tưởng luôn gắn liền với chính trị và không thể tách rời chính trị và ngược lại.

– Bất kỳ hệ tư tưởng nào cũng đều là hệ tư tưởng của một giai cấp, bảo vệ các quyền lợi và lý tưởng chính trị của giai cấp đó.

– Hệ tư tưởng với tính cách là đại diện của giai cấp sẽ đóng vai trò là vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh vì các giá trị và lý tưởng mà giai cấp theo đuổi. Không có hệ tư tưởng nào đứng trên các giai cấp. Chính trị là diễn đàn đấu tranh của các hệ thống, các trào lưu và khuynh hướng tư tưởng khác nhau.

5/5 - (6 bình chọn)