Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa

  • Tác giả: Ngô Linh Trang |
  • Cập nhật: 24/05/2022 |
  • Giáo dục |
  • 21034 Lượt xem
4.9/5 - (71 bình chọn)

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của quá trình cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả sự vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người ..

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung lớn với nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà nhân dân cần nắm rõ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng là phương châm lãnh đạo của Đảng ta. Có thể thấy bảo vệ Tổ quốc là một tất yếu khách quan trong sự phát triển lịch sử của đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa được thể hiện như sau:

Thứ nhất: Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan thể hiện ý chí quyết tâm của nhân dân ta.

Tính tất yếu khách quan của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được thể hiện và khẳng định rất rõ qua nhiều lần Hồ Chí Minh khẳng định. Ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh. Cụ thể Người đã nhấn mạnh nhiều lần với nhân dân cả nước rằng “ Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đứng lên đánh quân Pháp với tinh thần: “ Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.. .Giờ cứu nước đã đến, ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng để gìn giữ đất nước”.

“ Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, Đảng phái, dân tộc. Ai có súng thì dùng súng, ai có gươm thì dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước… Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trước sự uy hiếp của thực dân đế quốc và bọn phản động tay sai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng đề ra nhiều biện pháp thiết thực, cụ thể để giữ vững chính quyền nhân dân chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài.

Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Người nói: “ Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước,nhất định không chịu làm nô lệ…Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!…”

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Hễ còn mộy tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”. Trước khi đi xa trong bản di chúc Người căn dặn: “Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước có thể còn kéo dài, đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ đến thắng lợi hoàn toàn”.

Thứ hai: Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nghĩa vụ trách nhiệm của mọi công dân.

+ Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ Tổ quốc là sự gắn bó chặt chẽ giữa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là sự thống nhất giữa nội dung dân tộc, nội dung giai cấp và nội dung thời đại.

+ Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng đã xác định bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước.

Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Người kêu gọi: Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Người kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm chiến đâu thắng lợi hoàn toàn để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới thống nhất nước nhà.

Thứ ba: Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, cả nước, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: Phát huy sức mạnh tổng hợp trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN. Sức mạnh tổng hợp là sức mạnh của toàn dân tộc, toàn dân, của từng người dân, của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở, là sức mạnh của các nhân tố chính tri, quân sự, kinh tế, an ninh, ngoại giao, văn hoá – xã hội, sức mạnh truyền thống với sức mạnh hiên đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong sức mạnh tổng hợp đó, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng sức mạnh nhân dân, sức mạnh lòng dân. Người khẳng định, phải “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân”, “toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng, quyết không làm nô lệ; kết hợp với sức mạnh thời đại.

So sánh về sức mạnh giữa chúng ta với quân xâm lược trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, Người phân tích: Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới, chúng ta nhất định thắng.

Để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân, coi đó là lực lượng chủ chốt để bảo vệ Tổ quốc. Người căn đặn: Chúng ta phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hoà bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đảng ta là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN phải do Đảng lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:  “ Đảng và chính phủ phải lãnh đạo toàn dân, ra sức củng cố và xây dựng miền Bắc tiến dần lên CNXH, đồng thời tiếp tục đấu tranh để thống  nhất nước nhà, trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hoà bình, góp phần bảo vệ công cuộc hoà bình ở Á đông và trên thế giới” và khẳng định “Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và chính phủ, với sự đoàn kết nhất chí, lòng tin tưởng vững chắc vào tinh thần tự lực cánh sinh của mình, với sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, với sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới nhất là nhân dân các nước Á phi, nhân dân ta nhất định khắc được mọi khó khăn, làm tròn được mọi nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và chính phủ đã đề ra”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc, ngày nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung chiến lược sau đây:

Một là: Xây dựng tiềm lực toàn diện của đất nước, đặc biệt tiềm lực kinh tế, tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hai là: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Ba là: Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động đánh thắng địch trong mọi hoàn cảnh, tình huống chiến tranh.

Bốn là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh, bảo vê Tổ quốc.

Trong thời đại hiện nay tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều biến đổi và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên cho đến ngày nay tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, nghiên cứu và nắm vững những nội dung cơ bản trên, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra có tính cấp thiết cả về lí luận và thực tiễn.

4.9/5 - (71 bình chọn)