Tư liệu hiện vật là gì? Ví dụ tự liệu hiện vật

  • Tác giả: My Ly |
  • Cập nhật: 22/10/2022 |
  • Giáo dục |
  • 6156 Lượt xem
4.9/5 - (82 bình chọn)

Trong chương trình môn Lịch sử lớp 6, bài số 1, chúng ta bắt gặp khái niệm tư liệu hiện vật. Vậy tư liệu hiện vật là gì? Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giải đáp cho Quý độc giả, đặc biệt là các bạn học sinh thắc mắc trên, đồng thời đưa ra một số ví dụ tư liệu hiện vật để làm sáng rõ hơn khái niệm này. Mời Quý độc giả, các bạn học sinh theo dõi, tham khảo.

Lịch sử là gì? Vì sao phải học lịch sử?

Gắn với khái niệm tư liệu hiện vật, chúng ta phải hiểu được khái niệm lịch sử.

Lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ, bao gồm mọi hoạt động của con người từ khi xuất hiện đến nay. Có ý kiến cho rằng: Lịch sử là những gì đã qua, không thể thay đổi được nên không cần thiết phải học môn Lịch sử. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm, bởi lịch sử là những gì đã qua nhưng học lịch sử là cách để chúng ta biết và nhớ về quê hương, cội nguồn, hiểu được ông cha ta đã lao động, sáng tạo, đấu tranh như thế nào để có được đất nước ngày nay đồng thời đúc rút được những kinh nghiệm quý báu của ông cha.

Cha ông xưa đã dạy: “Con người có tổ, có tông – Như cây có cội như sông có nguồn”. Vậy nên, đã là người Việt Nam, dù ở địa vị nào, ở bất kỳ nơi đâu, hoàn cảnh nào cũng đừng quên cội nguồn dân tộc, phải nhớ đến quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, gốc rễ tổ tiên và xa hơn nữa là “lịch sử nước nhà”. Tiếp nối truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Bác Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói ấy được Bác viết trong cuốn “Lịch sử nước ta” (1942) với tổng thể 208 câu thơ lục bát dễ hiểu, dễ thuộc, đã tóm lược trên 30 mốc quan trọng trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Qua câu thơ, Bác muốn thế hệ tương lai cần phải học, phải hiểu, phải biết cho tường tận, cụ thể gốc tích lịch sử nước nhà Việt Nam. Biết sử ta” không phải chỉ đơn thuần là ghi nhớ một số sự kiện, một vài chiến công nói lên tiến trình đi lên của dân tộc hay ghi nhớ công lao của một số người làm nên sự nghiệp to lớn đó, mà còn phải biết tìm hiểu “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức, của đạo lý làm người Việt Nam. Vì chính đó là gốc của mọi sự nghiệp lớn hay nhỏ của dân tộc, không phải chỉ ở thời xưa mà ở cả ngày nay và mai sau.

Tư liệu hiện vật là gì?

Quá khứ đã qua và không thể quay lại, chỉ còn dấu tích của người xưa là ở lại với chúng ta và được lưu giữ với nhiều dạng khác nhau. Đó được gọi là nguồn sử liệu hay tư liệu lịch sử. Có nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Trong đó, tư liệu hiện vật là những dấu tích vật chất của người xưa còn giữa được trong lòng đất hay trên mặt đất như các công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật, đồ gốm,… Tư liệu hiện vật không chỉ là bằng chứng giúp chúng ta tìm hiểu và dựng lại lịch sử mà còn được sử dụng để kiểm chứng các tư liệu viết.

Ví dụ tư liệu hiện vật

Để giúp Quý độc giả hiểu rõ hơn về tư liệu hiện vật là gì? Chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ tư liệu hiện vật như sau:

– Khu di tích: Hoàng thành Thăng Long; Thánh địa Mỹ Sơn, Kinh đô Huế; thành nhà Hồ…

– Thạp đồng Đào Thịnh; trống đồng Đông Sơn; công cụ đồ đá Núi Đọ…

Tìm hiểu thêm về tư liệu lịch sử

Ngoài tư liệu hiện vật, còn một số khái niệm gây khó khăn không ít cho Quý độc giả khi tìm hiểu về tư liệu lịch sử như tư liệu gốc, tư liệu truyền miệng, tư liệu chữ viết. Do đó, chúng tôi sẽ có những thông tin làm rõ thêm trong bài viết:

– Tư liệu gốc là tư liệu liên quan trực tiếp đến sự kiện lịch sử, ra đời vào thời điểm diễn ra sự kiện, phản ánh sự kiện lịch sử đó. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất khi tìm hiểu lịch sử.

– Tư liệu truyền miệng gồm nhiều thể loại như truyền thuyết, thần thoại, ca dao, dân ca,… được truyền từ đời này qua đời khác. Trong giai đoạn chưa có chữ viết, tư liệu truyền miệng được xem là một nguồn thông tin để tìm hiểu lịch sử.

– Tư liệu chữ viết bao gồm các bản chữ khác trên xương, mai rùa, vỏ cây, đá, các bản chép tay hay in trên giấy,… ghi chép tương đối đầy đủ mọi mặt đời sống con người và các sự kiện lịch sử đã xảy ra.

Qua những chia sẻ trên đây, Quý vị chắc hẳn đã có thêm những thông tin bổ ích giải đáp thắc mắc tư liệu hiện vật là gì? Mong rằng qua nội dung bài viết, Quý vị, đặc biệt là các bạn học sinh có ý thức hơn trong việc học tập môn lịch sử, hiểu về lịch sử dân tộc để càng yêu và có ý thức dựng xây, phát triển đất nước.

4.9/5 - (82 bình chọn)