Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Chứng khoán Thông tin cần biết Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam
  • Thứ năm, 26/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 588 Lượt xem

Thông tin cần biết Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam

Trong nội dung bài viết này, Luật Hoàng Phi sẽ có những chia sẻ hữu ích về Trung tâm lưu ký chứng khoán. Mời Quý vị theo dõi, tham khảo:

Sự cần thiết của hoạt động đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán 

Trong quá trình giao dịch chứng khoán, giữa bên mua và bên bán phải thực hiện các nghĩa vụ của mình như nghĩa vụ giao chứng khoán (đối với bên bán) và nghĩa vụ giao tiền (đối với bên mua). Như đã phân tích ở chương trước, chứng khoán được thể hiện dưới các hình thức là chứng khoán vật chất (chứng chỉ) và chứng khoán ghi sổ. Đối với chứng khoán vật chất, việc chuyển giao cơ học liên tục từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác sẽ dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hư hại, không những thế, quá trình chuyển giao này khá mất thời gian.

Còn đối với chứng khoán ghi sổ, những thao tác chuyển quyền sở hữu tại bản thân tổ chức phát hành sẽ làm chi phí giao dịch tăng lên, bên cạnh đó, nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm về mức độ tin cậy của loại chứng khoán này nếu nó chỉ được ghi nhận tại tổ chức phát hành. Chính vì vậy, để đảm bảo sự tiện lợi và tính minh bạch của thị trường chứng khoán, pháp luật quy định đối với những chứng khoán do công ty đại chúng phát hành phải được đăng kí, lưu kí thông qua hệ thống lưu kí chứng khoán được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Quy định này cũng có ở hầu hết các quốc gia khác. Ví dụ: Luật chứng khoán nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quy định: việc đăng kí thanh toán chứng khoán áp dụng phương thức thống nhất tập trung trên toàn quốc và trước khi chứng khoán của người nắm giữ đưa ra giao dịch phải gửi toàn bộ số chứng khoán đó vào tổ chức đăng kí thanh toán chứng khoán…

>>>>>> Xem thêm: Chứng khoán là gì?

Đăng ký chứng khoán là hoạt động đầu tiên làm cơ sở cho chứng khoán được giao dịch tại thị trường giao dịch tập trung và cũng là cơ sở để tổ chức thị trường phi tập trung theo hướng có quản lí, giúp hạn chế các rủi ro cho những đối tượng tham gia thị trường. Nói một cách khái quát, đăng kí chứng khoán là việc ghi nhận quyền sở hữu và các quyền khác của người sở hữu chứng khoán theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. 

Sau khi chứng khoán được đăng kí và được tổ chức lưu kí chấp thuận lưu kí, chứng khoán sẽ được lưu kí tại tổ chức lưu kí. Lưu kí chứng khoán là việc nhận chứng khoán do khách hàng gửi, bảo quản chứng khoán cho khách hàng và giúp khách hàng thực hiện các quyền của mình đối với chứng khoán. Theo quy định của Luật chứng khoán “Lưu ký chứng khoán là việc nhận kí gửi, bảo quản, chuyển giao chứng khoán cho khách hàng, giúp khách hàng thực hiện các quyền liên quan đến sở hữu chứng khoán”.

Như vậy, lưu kí chứng khoán không chỉ là hoạt động nắm giữ chứng khoán một cách đơn thuần, mà tổ chức lưu kí còn giúp nhà đầu tư thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến chứng khoán. 

Sau khi chứng khoán đã được lưu kí, những thay đổi về chủ sở hữu đối với chứng khoán sẽ được thực hiện qua việc bút toán vào các tài khoản, thay vì phải chuyển giao cơ học chứng khoán vật chất. Điều này sẽ góp phần gìn giữ chứng khoán tốt hơn đồng thời hạn chế tối đa tình trạng chứng khoán giả, góp phần làm minh bạch thị trường.

Đối với chứng khoán đã lưu kí, việc thanh toán tiền và chứng khoán trong giao dịch đương nhiên phải do những tổ chức lưu kí đảm nhiệm. Do các giao dịch chứng khoán là liên tục, nên việc thanh toán được thực hiện thông qua phương thức bù trừ. Phương thức bù trừ sẽ xác định nghĩa vụ một chiều của các nhà đầu tư tham gia giao dịch, là nghĩa vụ chuyển giao tiền hoặc chuyển giao chứng khoán. 

Đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán là các dịch vụ hỗ trợ giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán tập trung và phi tập trung. Cùng với sự hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán, hệ thống đăng kí, lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán cũng dần được củng cố, hoàn thiện và thể hiện vai trò hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo hoàn tất quá trình thanh toán các giao dịch chứng khoán, chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Khi số lượng các công ty đại chúng tăng lên đáng kể, lượng hàng hoá cung cấp cho thị trường chứng khoán ngày càng phong phú thì tương ứng với đó, nhu cầu đối với dịch vụ đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán là rất lớn. 

Là bộ phận không thể thiếu tạo nên cơ sở hạ tầng của thị trường chứng khoán, sự cần thiết của hoạt động đăng kí, lưu kí, thanh toán bù trừ chứng khoán được thể hiện ở một số khía cạnh sau đây: 

Thứ nhất, đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán là các dịch vụ hỗ trợ cho việc hoàn tất giao dịch chứng khoán. 

Nhờ có các hoạt động này mới có thể xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch trong việc trả tiền – nhận chứng khoán và giao chứng khoán – nhận tiền. Thực hiện các giao dịch là bước đầu tiên mà kết quả là xác định được các bên tham gia giao dịch cũng như những chủ thể có liên quan.

Để các giao dịch được hoàn tất, cần phải có quá trình xử lý thông tin, xác nhận bên phải trả tiền và bên phải giao chứng khoán để làm cơ sở cho hoạt động thanh toán được diễn ra theo đúng kết quả bù trừ. Giữa các giao dịch chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ trong đó kết quả của việc thanh toán giao dịch trước là điều kiện cần thiết để thực hiện các giao dịch sau. Hoạt động hỗ trợ hoàn tất giao dịch càng tiến hành nhanh chóng càng tạo thuận lợi cho giao dịch sau thực hiện có hiệu quả.

Thứ hai, hệ thống đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán góp phần thực hiện quản lý thị trường chứng khoán. 

Một trong những hoạt động của hệ thống đăng kí, lưu kí chứng khoán là thực hiện quản lí các chứng khoán lưu kí của khách hàng, ghi nhận quyền sở hữu và các thông tin về tình hình thay đổi của chứng khoán lưu kí cho khách hàng. Thông qua hoạt động này giúp cho cơ quan có thẩm quyền nắm thông tin và điều chỉnh kịp thời tỉ lệ chứng khoán mà nhà đầu tư được quyền sở hữu theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, những thông tin về chứng khoán bị giả mạo, mất cắp được hệ thống cung cấp cho nhà quản lí cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ giúp những đối tượng tham gia thị trường tránh khỏi thiệt hại trong trường hợp chứng khoán bị mất trộm hay mua phải chứng khoán giả mạo. | Mặt khác, sự ổn định của thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc thiết lập một hệ thống nghiệp vụ hỗ trợ đồng bộ với những quy định đảm bảo sự thống nhất giữa các thành viên tham gia hệ thống. 

Thứ ba, hoạt động của hệ thống góp phần giảm rủi ro và chi phí liên quan đến việc thanh toán các giao dịch chứng khoán. 

Chứng khoán là lĩnh vực hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro. Những rủi ro có thể xảy ra từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Hoạt động đăng kí, lưu kí, thanh toán bù trừ chứng khoán giúp giảm bớt nhiều rủi ro cho các đối tượng tham gia thị trường thông qua hệ thống đăng kí, lưu kí, thanh toán bù trừ hiện đại mà ở đó, phần lớn các giao dịch được thực hiện tự động thông qua hệ thống điện tử (không thanh toán bằng tiền mặt, trao tay).

Người đầu tư không phải trực tiếp nắm giữ, bảo quản lượng chứng khoán vật chất nhất định, do đó khả năng rủi ro cho các giao dịch chứng khoán do nguy cơ mất cắp, mất trộm sẽ được giảm bớt đáng kể.

Thực tế cũng chứng minh sự ra đời của hệ thống đăng kí, lưu kí và bù trừ, thanh toán đã giúp cho thời gian thanh toán được rút ngắn, đồng nghĩa với việc giảm thiểu độ rủi ro cho các đối tượng tham gia giao dịch. Với hệ thống này, các đối tác giao dịch không phải thực hiện thanh toán trực tiếp với nhau mà mọi giao dịch chứng khoán tại sở giao dịch chứng khoán đều được áp dụng phương thức thanh toán, bù trừ nhanh chóng, thuận tiện.

Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ràng và cụ thể về quy trình lưu kí, đăng kí, thanh toán bù trừ chứng khoán, tạo điều kiện đảm bảo thực hiện quá trình từ khi giao dịch bắt đầu được thực hiện đến khi giao dịch hoàn tất một cách an toàn, nhanh chóng nhất. 

Bên cạnh đó, nếu không có hệ thống đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán sẽ làm tăng chi phí cho cơ quan quản lí đăng kí chứng khoán cũng như chi phí cho các đối tượng tham gia thị trường. Trước khi có hệ thống lưu kí, đăng kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán, các chứng khoán được thể hiện dưới hình thái vật chất cụ thể, phần lớn do các bên tự nắm giữ và như vậy sẽ làm phát sinh chi phí cho việc in ấn, bảo quản chứng khoán.

Hệ thống đăng kí, lưu kí sẽ giúp giảm những chi phí này, tránh được những sai sót dễ mắc phải trong quá trình thanh toán không qua hệ thống như khâu kiểm đếm, kiểm tra tính thật giả của chứng khoán. 

Hơn nữa, một hệ thống nghiệp vụ hỗ trợ hoàn tất các giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày càng hiện đại, đồng bộ là yêu cầu hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả cho nghiệp vụ sau thanh toán đối với các thành viên lưu kí, từ đó nâng cao tính hiệu quả trong các dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư như phân phối lãi, trả vốn gốc và cổ tức cho người sở hữu chứng khoán; tiêu chuẩn hoá giữa các thành viên tham gia thị trường, góp phần tạo thuận lợi cho tiến trình hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam vào thị trường tài chính khu vực nói chung, thị trường tài chính thế giới nói riêng 

Thành lập trung tâm lưu ký chứng khoán 

Do tầm quan trọng của hoạt động đăng kí, lưu kí, thanh toán bù trừ chứng khoán nên hệ thống đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán được xem như là xương sống của thị trường chứng khoán, giữ vai trò thiết yếu trong sự thành công của thị trường, đảm bảo cho việc thực hiện các giao dịch được diễn ra nhanh chóng, an toàn và thông suốt.

Bởi vậy, mỗi quốc gia khi xây dựng thị trường chứng khoán đều phải thiết lập một hệ thống cơ sở hạ tầng đảm nhiệm chức năng đăng kí, lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán phù hợp với điều kiện của quốc gia mình. Ban đầu, việc lưu ký chứng khoán chỉ được thực hiện một cách đơn lẻ tại các tổ chức trung gian như công ti chứng khoán.

Nhưng sự phát triển của thị trường đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp giữa các chủ thể lưu kí này với nhau để tạo thành một hệ thống lưu kí. Hiện nay, tại các quốc gia phát triển, hệ thống này thường được xây dựng theo mô hình trung tâm lưu ký chứng khoán (TTLKCK) và các thành viên. Tuy nhiên, cách thức tổ chức, hoạt động của trung tâm lưu ký chứng khoán ở mỗi quốc gia là khác nhau. 

Ở Việt Nam, kể từ khi hình thành và phát triển thị trường chứng khoán cho tới nay, hệ thống đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán cũng từng bước được tạo lập và hoàn thiện. Ngay từ khi thị trường chứng khoán mới ra đời, trong các văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đã ghi nhận sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán thông qua việc quy định các chủ thể có quyền và nghĩa vụ trong hoạt động đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán.

Có thể nói, các quy định này đã tạo khuôn khổ pháp lí ban đầu cho hoạt động đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán. Theo đó, trong điều kiện TTLKCK chưa ra đời (dù đã được ghi nhận về mặt pháp lý trong các văn bản nói trên), hệ thống đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán là bộ phận trực thuộc trung tâm giao dịch chứng khoán.

Trong giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, lượng hàng hoá trên thị trường chưa thật phong phú thì hệ thống đó có thể đảm nhiệm tốt chức năng quản lý tài khoản, thực hiện thanh toán bù trừ cho các giao dịch, giúp thị trường vận hành ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu thành lập TTLKCK độc lập để hoàn thiện dịch vụ hỗ trợ cho việc hoàn tất các giao dịch chứng khoán là đòi hỏi tất yếu của thị trường trong quá trình phát triển. Sự thay đổi này cũng phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức các uỷ ban chứng khoán quốc tế (IOSCO) cũng như của nhóm các quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển (viết tắt là G30).

Trước yêu cầu đó, ngày 27/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm lưu kí chứng khoán với chức năng chủ yếu là tổ chức quản lý điều hành hoạt động đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho việc giao dịch mua bán chứng khoán.

Theo quyết định này, TTLKCK được xác định là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, trực thuộc UBCKNN. Việc chuyển giao hoạt động đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán từ các trung tâm giao dịch chứng khoán cho chủ thể chuyên trách là TTLKCK giúp hạn chế được những chi phí trong quá trình quản lí đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán trước đây đồng thời tạo điều kiện cho các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán cũng như TTLKCK nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ cho thị trường.

Tuy nhiên, để hoạt động thật sự hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật chứng khoán năm 2006 đã quy định TTLKCK phải được tổ chức theo mô hình công ti trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần hoạt động dưới sự giám sát của UBCKNN. Mô hình này một mặt đảm bảo tính chủ động trong hoạt động của TTLKCK, mặt khác thu hút được vốn đầu tư của các tổ chức khác trên thị trường trong việc phát triển các nghiệp vụ hỗ trợ cho việc hoàn tất các giao dịch chứng khoán.

Do TTLKCK được thành lập dưới mô hình đơn vị sự nghiệp, nên Luật chứng khoán năm 2006 đã quy định lộ trình chuyển đổi TTLKCK thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần trong vòng 18 tháng tính từ ngày 01/01/2007. Việc thành lập, chuyển đổi TTLKCK cũng như những thay đổi về cơ cấu tổ chức sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Bộ tài chính. 

Cơ cấu tổ chức, lãnh đạo và điều hành Trung tâm lưu ký chứng khoán

Cơ cấu tổ chức, lãnh đạo và điều hành TTLKCK được pháp luật quy định một cách khái quát. Hoạt động theo mô hình công ti, cơ cấu tổ chức, lãnh đạo và điều hành TTLKCK chủ yếu do Điều lệ TTLKCK quy định. Dưới giác độ khoa học, cơ cấu tổ chức, lãnh đạo và điều hành TTLKCK phải thoả mãn một số yêu cầu sau đây: 

– Một là phải phân tách và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, phòng ban chuyên môn nhằm đảm bảo kiểm soát rủi ro có hiệu quả. 

– Hai là phải đảm bảo sự hỗ trợ hiệu quả đối với hoạt động giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Theo đó, TTLKCK phải có địa điểm hoạt động gắn kết với các thị trường này.

 Theo quy định của Luật chứng khoán hiện hành, mô hình quản trị và điều hành TTLKCK bao gồm Hội đồng quản trị, Giám đốc, Phó giám đốc và Ban kiểm soát. Như vậy, mặc dù Luật chứng khoán quy định mô hình TTLKCK có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần nhưng chỉ có mô hình quản trị và điều hành theo mô hình công ti cổ phần. Cả về giác độ lí thuyết và thực tiễn, việc tách bạch giữa chức năng quản trị với chức năng điều hành sẽ đảm bảo tốt hơn khả năng kiểm soát rủi ro trong hoạt động. 

Những người đứng đầu bộ máy quản trị và điều hành là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc TTLKCK. Về nguyên tắc, những người này phải là những cá nhân có chuyên môn nghiệp vụ và có kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán. Theo quy định của Luật chứng khoán, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc TTLKCK do Bộ trưởng Bộ tài chính phê chuẩn theo đề nghị của Hội đồng quản trị TTLKCK sau khi có ý kiến đồng ý của Chủ tịch UBCKNN. Quyền và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị, Giám đốc, Phó giám đốc và Ban kiểm soát được quy định tại Điều lệ TTLKCK. 

Hiện nay, trước khi thực hiện chuyển đổi, TTLKCK có cơ cấu bao gồm trụ sở chính đặt tại Hà Nội và chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giúp việc cho Ban giám đốc có các phòng ban chuyên môn bao gồm: Phòng đăng kí chứng khoán, phòng lưu kí chứng khoán, phòng thanh toán và bù trừ chứng khoán và một số phòng ban khác. 

Hoạt động của Trung tâm lưu ký chứng khoán

Hoạt động của TTLKCK trước hết và chủ yếu là để thực hiện chức năng lưu ký chứng khoán. Để đảm bảo thực hiện việc nắm giữ chứng khoán một cách ổn định khi khách hàng thực hiện các giao dịch đối với chứng khoán lưu kí, TTLKCK được cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán. Theo quy định hiện hành, TTLKCK có những hoạt động cơ bản sau đây: 

– Chấp thuận, tạm đình chỉ hoặc huỷ bỏ tư cách thành viên lưu kí, thành viên mở tài khoản trực tiếp theo quy định của pháp luật và Điều lệ trung tâm. 

– Ban hành quy chế đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán sau khi được UBCKNN chấp thuận; 

– Đăng kí, lưu ký chứng khoán phát hành ra công chúng, chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng kí giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán. Đây là hoạt động cơ bản, quan trọng nhất nhằm đảm bảo sự vận hành của thị trường chứng khoán. Nếu không thuộc những trường hợp pháp luật bắt buộc phải đăng kí, lưu kí thì TTLKCK vẫn có thể thực hiện việc đăng kí, lưu kí chứng khoán nếu tổ chức phát hành có yêu cầu. 

– Bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán tại sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán. Việc thanh toán, bù trừ chứng khoán là một trong những hoạt động quan trọng dựa trên cơ sở TTLKCK là chủ thể nắm giữ chứng khoán vật chất cũng như các thông tin về quyền lợi của nhà đầu tư. 

Với các hoạt động đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán, TTLKCK không tiến hành độc lập và đây là những hoạt động có sự phối hợp với các thành viên lưu kí theo quy định của pháp luật và điều lệ của trung tâm.

– Đại lí chuyển nhượng đối với các loại chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng kí giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán; các chứng khoán phát hành ra công chúng và thực hiện các quyền liên quan tới người sở hữu chứng khoán theo uỷ quyền của tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, nếu tổ chức phát hành có yêu cầu, TTLKCK có thể làm đại lý chuyển nhượng cho những chứng khoán không thuộc nhóm chứng khoán đề cập trên đây. 

– Các dịch vụ khác hỗ trợ việc giao dịch chứng khoán. 

– Đăng ký giao dịch đảm bảo đối với các chứng khoán đã được lưu kí tập trung tại Trung tâm. 

– Ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy trình hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng tại Trung tâm sau khi có ý kiến của Chủ tịch UBCKNN. 

– Quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán để hỗ trợ kịp thời cho thành viên lưu kí trong trường hợp thành viên lưu ký tạm thời mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật. 

– Thu các khoản phí và lệ phí theo chế độ quy định. 

– Thực hiện giám sát hoạt động của các thành viên lưu kí, nhân viên nghiệp vụ của thành viên lưu kí trong quá trình thực hiện quy trình nghiệp vụ đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán; phát hiện và kiến nghị với UBCKNN xử lí các vị phạm theo chế độ quy định. 

– Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán, kiểm toán, quản lý, sử dụng viên chức thuộc trung tâm theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ tài chính và UBCKNN. 

– Thực hiện các hoạt động khác có liên quan theo quy định của pháp luật. 

Trong giai đoạn hiện nay, do TTLKCK vẫn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBCKNN nên TTLKCK còn phải đảm nhận thêm một số nhiệm vụ do UBCKNN giao như tham gia xây dựng các đề án phát triển ngành chứng khoán, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán, cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài… Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các hoạt động trên cũng như hạn chế các rủi ro nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, pháp luật quy định TTLKCK phải có các nghĩa vụ sau đây: 

– Bảo đảm cơ sở vật chất, kĩ thuật phục vụ cho các hoạt động đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán và các hoạt động. Trung tâm phải có biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu và lưu giữ các chứng từ gốc về đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê. 

– Xây dựng quy trình cho từng hoạt động nghiệp vụ cũng như quy trình quản lý rủi ro hiệu quả. 

– Quản lí tách biệt tài sản của từng thành viên. – Bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của khách hàng, trừ trường hợp bất khả kháng. 

– Hoạt động vì lợi ích của người gửi chứng khoán hoặc người sở hữu chứng khoán. Trung tâm phải trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ để bù đắp các tổn thất cho khách hàng do sự cố kĩ thuật, do sơ suất của nhân viên trong quá trình hoạt động. Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ được trích lập từ các khoản thu nghiệp vụ theo quy định của Bộ tài chính.

– Cung cấp các thông tin liên quan đến việc sở hữu chứng khoán của khách hàng theo yêu cầu của công ty đại chúng, tổ chức phát hành. 

– Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê, nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động lưu kí chứng khoán theo quy định của Bộ tài chính. 

Địa chỉ trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam

A. Trụ sở chính
Địa chỉ: Số 112 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội
Điện thoại:(84.24)3 9747 123 – Fax: (84.24) 3 9747 120

Liên lạc các phòng ban tại Trụ sở chính:

– Phòng Đăng ký Chứng khoán: 024. 3 9747 119
– Phòng Lưu ký Chứng khoán và Quản lý thành viên: 024. 3 9747 122
– Phòng Bù trừ và Thanh toán Giao dịch Chứng khoán: 024. 3 9747 117
– Phòng Dịch vụ quỹ và sản phẩm mới: 024.3 9785 661
– Phòng Nghiên cứu phát triển và Hợp tác quốc tế: 024. 3 9747 113
– Phòng Công nghệ Thông tin: 024. 3 9747 125
B. Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ:
Địa chỉ theo GCN ĐKKD : Số 16 Võ Văn Kiệt, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp HCM
Địa chỉ liên hệ và gửi thư: Tầng 7, tòa nhà Exchange Tower số 1 , đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp HCM
Điện thoại:(84.28)3 9330755 – Fax: (84.28)3 9330754

Liên lạc các phòng ban tại Chi nhánh:

– Phòng Đăng ký Chứng khoán: 028. 3 933 08 52
– Phòng Lưu ký Chứng khoán: 028. 3 933 08 71

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Công ty TNHH có được lên sàn giao dịch chứng khoán không?

Lên sàn chứng khoán là hình thức mà một công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao...

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này...

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán như thế nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả làm...

Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về : Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng...

Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi