Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Thuế chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần năm 2024
  • Thứ tư, 03/01/2024 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 12960 Lượt xem

Thuế chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần năm 2024

Thông tư số 92/2015/TT-BTC đã thống nhất quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân với trường hợp thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán (bao gồm cổ phần).

Thuế chuyển nhượng cổ phần là một trong những vấn đề đang được quan tâm đối với các cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần của mình cho chủ thể khác.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là ai có quyền chuyển nhượng cổ phần, khi chuyển nhượng thì có phải thực hiện nghĩa vụ về thuế hay không? Làm thế nào để tính được phần thuế mà chủ thể chuyển nhượng phải nộp?

Trong bài viết này, chúng tôi – Luật Hoàng Phi sẽ cùng các bạn đồng hành tìm hiểu Thuế chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần năm 2024 và làm rõ các nội dung trên theo các quy định mới nhất.

Lưu ý: Cổ đông trong công ty cổ phần có thể là cá nhân, tổ chức. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập cổ đông với tư cách cá nhân.

Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Trước khi đi vào trả lời cho câu hỏi: Thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần như thế nào? chúng tôi sẽ làm rõ khái niệm về thuế thuế thu nhập cá nhân.

Hiện nay, khái niệm thuế thu nhập cá nhân chưa được pháp luật định nghĩa cụ thể. Nhưng dựa theo các quy định của pháp luật, thông tư có liên quan thì có thể hiểu thuế thu nhập cá nhân như sau:

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, được tính trực tiếp trên thu nhập của người chịu thuế và thu nhập đó đã trừ các khoản giảm trừ cũng như các khoản miễn thuế.

Cá nhân thuộc đối tượng tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân phải nộp thuế theo quy định: Các cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế theo luật định phát sinh ở cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc thu nhập chỉ phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

Cá nhân cư trú được xác định là người có một trong các điều kiện sau:

– Cá nhân có mặt tại Việt Nam từ đủ 183 ngày trở lên trong thời gian là một năm dương lịch; tính theo 12 tháng liên tục tính từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

– Cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam bao gồm những người có đăng ký thường trú, những người ở nhà thuê theo hợp đồng có thời hạn.

Chuyển nhượng cổ phần có phải nộp thuế không?

Như cách hiểu về thuế thu nhập cá nhân đã nêu ở trên, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính dựa trên mức thu nhập của người đó. Cụ thể, các khoản thu nhập như sau sẽ được quy định là thu nhập chịu thuế:

– Thu nhập từ việc kinh doanh:

+ Nguồn thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa.

+ Thu nhập từ hoạt động hành nghề có chứng chỉ, giấy phép theo quy định của cá nhân.

Nguồn thu nhập này không bao gồm thu nhập của các cá nhân kinh doanh có thu nhập dưới 100 triệu Việt Nam đồng/ năm trở xuống.

– Thu nhập từ tiền lương, tiền công.

+ Tiền lương, tiền công, các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công của cá nhân.

+ Thu nhập từ các khoản phụ cấp, trợ cấp trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định ưu đãi với người có công, các khoản trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và trừ một số khoản khác theo quy định tại Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012.

– Thu nhập từ vốn đầu tư: lãi cho vay, lợi tức và các nguồn khác trừ lãi từ trái phiếu Chính phủ.

– Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và một số hình thức khác.

– Nguồn thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản.

– Thu nhập từ các hình thức trúng thưởng.

– Thu nhập từ chuyển giao, chuyển nhượng bản quyền.

– Thu nhập từ việc thừa kế, nhận quà tặng là chứng khoán, cổ phần, bất động sản và một số loại tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu.

Bên cạnh các khoản thu nhập chịu thuế, pháp luật còn quy định về các khoản giảm trừ tại Điều 19, 20 Luật thuế thu nhập cá nhân và một số khoản được miễn thuế như:

– Thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản giữa người thân với nhau.

– Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sở hữu đất trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà, đất duy nhất.

– Cá nhân được nhà nước giao đất có thu nhập từ quyền sử dụng đất đó.

– Thu nhập từ bất động sản là quà tặng, thừa kế của người thân.

– Thu nhập của cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế.

– Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình được nhà nước giao đất.

– Lãi từ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, từ hợp đồng bảo hiểm và nguồn thu nhập kiều hối.

– Thu nhập từ tiền lương làm ban đêm, làm thêm cao hơn so với thời gian làm việc ngày, giờ theo quy định.

– Thu nhập từ lương hưu do quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí bảo hiểm xã hội tự nguyện chi trả.

– Thu nhập từ một số hình thức học bổng.

– Thu nhập từ một số khoản bồi thường theo quy định của pháp luật.

– Thu nhập từ quỹ từ thiện.

– Thu nhập từ nguồn vốn viện trợ nước ngoài nhằm mục đích từ thiện.

– Cá nhân là người Việt Nam làm việc cho hãng tàu nước ngoài, hãng tàu vận tải quốc tế của Việt Nam có thu nhập.

– Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, có quyền sử dụng tàu, cá nhân làm việc trên tàu hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ, khai khác, đánh bắt xa bờ.

Như vậy, với những quy định về thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế đã nêu ở trên thì thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phần thuộc phần thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Đối tượng nào phải nộp thuế chuyển nhượng cổ phần?

Tại quy định tại Điều 110 Luật doanh nghiệp 2020 thì cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Như vậy, cổ đông trong công ty cổ phần đều có quyền chuyển nhượng cổ phần theo quy định pháp luật và điều lệ công ty. Đồng thời khi chuyển nhượng cổ phần các cổ đông này đều thuộc trường hợp phải nộp thuế bởi:

Căn cứ điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC sửa đổi bổ sung điểm b, khoản 4, điều 2, tại thông tư 111/2013/TT-BTC thì có quy định cụ thể như sau: Các thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng chứng khoán bao gồm cả trường hợp thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu đều phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Mà trong đó, cổ phiếu là một loại chứng chỉ của công ty cổ phần thực hiện phát hành, dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi nhận trên sổ để xác nhận về quyền sở hữu của một hay một số cổ phần thuộc công ty nào đó. Theo đó cổ phiếu là hình thức thể hiện của cổ phần do cổ đông là người nắm giữ.

Do vậy, với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần – chuyển nhượng cổ phiếu, các đối tượng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Chuyển nhượng cổ phần ngang giá có phải nộp thuế?

Theo thông tư số 111/2013/TT-BTC được áp dụng thực hiện từ 1/10/2013 thì có thể không phải chịu nộp thuế TNCN nếu áp dụng theo cách 1 để tính thuế thu nhập cá nhân (các bạn có thể tham khảo ở nội dung ở phần dưới về các cách tính thuế).

Tuy vậy bắt đầu từ ngày 30/7/2015 thông tư 92/2015/TT-BTC có hiệu lực thống nhất lại cách tính thuế chuyển nhượng cổ phần với duy nhất một cách tính. Theo cách tính này thì các đối tượng là cổ đông trong công ty cổ phần, thực hiện chuyển nhượng cổ phần dù chuyển nhượng ngang giá vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Cách tính thuế chuyển nhượng cổ phần

Theo căn cứ tại khoản 2 điều 11 thông tư số 111/2013/TT-BTC, cụ thể có 2 cách tính thuế chuyển nhượng cổ phần như sau:

Cách 1: Chủ thể là cá nhân đã thực hiện việc đăng ký thuế, khi làm thủ tục quyết toán thuế  đã được mã số thuế, đồng thời xác định được thu nhập tính thuế của từng loại chứng khoán, từ đó nộp thuế theo mức của thuế suất là 20%.

Thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần ( Thuế TNCN) trong trường hợp này sẽ tính bằng công thức:

Thuế TNCN = 20% x ( Thu nhập tính thuế)

= 20% x ( Giá chuyển nhượng chứng khoán – giá mua – các chi phí hợp lý liên quan trong khi thực hiện chuyển nhượng)

Trong đó, giá mua được tính bằng công thức:

Giá mua = Tổng giá bình quân từ từng loại của chứng khoán được bán ra trong kỳ.

Cách 2: Chủ thể là cá nhân chuyển nhượng cổ phần nộp thuế theo thuế suất là 0,1% của giá chuyển nhượng chứng khoán mỗi lần.

Theo đó thuế TNCN được tính bằng công thức:

Thuế TNCN = 0,1% x giá chuyển nhượng từ chứng khoán của mỗi lần

Lưu ý:

Mặc dù, theo quy định tại thông tư số 111/2013/TT-BTC được áp dụng thực hiện từ 1/10/2013 và vẫn đang có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, từ thời điểm 30/7/2015 thì thông tư số 92/2015/TT-BTC đã thống nhất quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân với trường hợp thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán (bao gồm cổ phần như đã nói trên đây).

Theo đó, tại điều 16 thông tư số 92/ 2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung điểm a,b của khoản 2 điều 11 thông tư 11/2013/TT-BTC quy định chi tiết như sau:

+ Thuế TNCN = giá chuyển nhượng chứng khoán của mỗi lần x 0,1%

+ Trong đó, giá chuyển nhượng chứng khoán:

Chứng khoán từ công ty đại chúng thực hiện giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán (giá thực hiện chính là giá của chứng khoán xác định khi kết quả khớp lệnh, giá được hình thành trong các giao dịch thỏa thuận ở Sở Giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, nếu không thuộc trường hợp ghi nhận ở trên thì giá chuyển nhượng sẽ căn cứ từ ghi nhận của hợp đồng chuyển nhượng, hoặc có thể là giá chuyển nhượng thực tế, giá ghi nhận trong sổ kế toán từ đơn vị thực hiện chuyển nhượng. Thời điểm này tính tại lúc lập báo cáo tài chính ngay trước thời điểm chuyển nhượng.

Kết luận: Tổng hợp nội dung trên, hiện nay thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần sẽ được tính theo công thức duy nhất là cách 2 như trên.

Thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần là bao nhiêu?

Thuế thu nhập cá nhân là khoản thuế được tính trực tiếp từ thu nhập trực tiếp của cá nhân.

Về công thức chung, thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức:

Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế x thuế suất (%)

Đối với trường hợp tính thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần, theo quy định tại Điều 11 của Thông tư 111/2013/TT-BTC, thì thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này sẽ được tính theo công thức:

TNCN = Thu nhập tính thuế x 20%

Nộp thuế chuyển nhượng cổ phần ở đâu?

– Căn cứ tại khoản 6 điều 21 thông tư số 92/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung khoản 5, điều 16 của thông tư 156/2013/TT-BTC thì nơi nộp hồ sơ khai thuế đồng thời cũng là nơi nộp thuế chuyển nhượng cổ phần cổ phiếu, cụ thể là tại cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp đã phát hành chứng khoán sau đó cá nhân thực hiện việc chuyển nhượng.

– Cũng theo đó, các thành phần trong hồ sơ cần phải nộp khi thực hiện khai thuế là:

+ Tờ khai theo mẫu số 4/CNV-TNCN được ban hành kèm thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính;

+ Bản chụp của bản gốc Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa các bên

Mức phạt chậm nộp tờ khai thuế TNCN chuyển nhượng vốn?

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:

Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;

b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.

Như vậy tùy theo từng hành vi cụ thể mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định như đã nêu ở trên.

Trên đây là nội dung cụ thể  mới nhất của Luật Hoàng Phi về thuế chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần, đối tượng phải nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, cách tính thuế chuyển nhượng cổ phần, nơi nộp thuế chuyển nhượng cổ phần. 

>>>>>> Tham khảo bài viết: Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

Đánh giá bài viết:
5/5 - (7 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Tăng vốn điều lệ có phải nộp thêm thuế môn bài?

Doanh nghiệp có thay đổi vốn điều lệ thì căn cứ để xác định mức thu thuế môn bài là vốn điều lệ của năm trước liền kề năm tính thuế môn...

Chuyển nhượng cổ phần có phải xuất hóa đơn không?

Từ quy định trên thấy được rằng khi doanh nghiệp thực hiện việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc xuất hóa đơn GTGT. Do đó chuyển nhượng cổ phấn vẫn phải xuất hóa đơn theo quy...

Bài viết được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam có được bảo hộ quyền tác giả không?

Tác phẩm trí tuệ nhân tạo là sản phẩm của các thuật toán có khả năng tạo ra các tác phẩm hình ảnh, âm thanh hoặc văn học… một cách tự...

Nộp tờ khai thuế TNCN chuyển nhượng cổ phần ở đâu?

Cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần sẽ thực hiện khai thuế tại cơ quan quản lý công ty phát hành cổ phần, tùy từng trường hợp cụ thể việc chậm nộp tờ khai thuế TNCN từ việc chuyển nhượng vốn sẽ bị xử phạt theo quy...

Bố chuyển nhượng cổ phần cho con thì có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?

Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi