Tập quán pháp là gì?

  • Tác giả: My Ly |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 5713 Lượt xem
5/5 - (6 bình chọn)

Hiện nay, pháp luật thành văn được sử dụng một cách phổ biến và rộng rãi do đó tập quán pháp cũng vì thế mà ít được sử dụng đến. Vì mức độ phổ biến của tập quán pháp không cao nên rất nhiều người vẫn còn xa lạ với thuật ngữ tập quán pháp. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp đến Quý bạn đọc những thông tin cần thiết liên quan đến Tập quán pháp là gì?.

Tập quán pháp là gì?

Tập quán pháp là thói quen hình thành từ đời sống hay từ truyền thống văn hoá xã hội trong một thời gian dài và được nhà nước thừa nhận, nâng lên thành pháp luật.

Tập quán vừa là một loại nguồn của pháp luật vừa là hình thức thể hiện của pháp luật trên thực tế. Nhà nước thừa nhận một tập quán cộng đồng là tập quán pháp không chỉ là sự chấp nhận của nhà nước đối với tập quán đó, khuyến khích xử sự theo tập quán đó mà còn là đưa quyền lực nhà nước vào trong tập quán đó. Do đó mà tập quán pháp mang tính bắt buộc và cưỡng chế.

Ngoài chia sẻ về Tập quán pháp là gì? chúng tôi cung cấp các thông tin hữu ích liên quan đến tập quán trong các phần tiếp theo của bài viết, mời Quý vị theo dõi.

Vai trò và ý nghĩa của Tập quán pháp

Khi nhà nước thừa nhận một tập quán thành tập quán pháp, điều đó có ý nghĩa đối với cả nhà nước và xã hội. Đối với nhà nước, tập quán pháp đóng vai trò quan trọng tạo nên hệ thống pháp luật của quốc gia. Nhà nước thừa nhận một tập quán là tập quán pháp nhằm mục đích để đáp ứng nhu cầu quản lý của nhà nước. Đối với xã hội, việc nhà nước thừa nhận một tập quán là tập quán pháp có ý nghĩa thể hiện sự chấp thuận của nhà nước đối với một thói quen ứng xử của cộng đồng. Đó là sự thống nhất giữa ý chí nhà nước với ý chí cộng đồng. Qua việc thừa nhận một tập quán thành tập quán pháp cũng góp phần giữ gìn và phát huy tập quán đó.

Cách thức thừa nhận tập quán thành tập quán pháp

Nhà nước thừa nhận tập quán thành tập quán pháp bằng nhiều cách thức khác nhau như:

+ Có thể liệt kê danh mục các tập quán được nhà nước thừa nhận;

+ Viện dẫn tập quán trong pháp luật thành văn;

+ Áp dụng tập quán để giải quyết các vụ việc phát sinh trong thực tiễn…

Như vậy, tập quán có thể được tạo ra từ hoạt động của các cơ quan lập pháp, cũng có thể được tạo ra từ hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp. Nhìn chung, nhà nước chỉ thừa nhận những tập quán không trái với giá trị đạo đức xã hội và trật tự công cộng.

Có thể thấy, tập quán pháp được sử dụng phổ biến trong thời kỳ chưa có pháp luật thành văn. Tuy nhiên tập quán có hạn chế là không xác định, tản mạn, thiếu thống nhất,…Do đó, khi mà pháp luật thành văn ngày càng phát triển và trở nên phổ biến thì tập quán pháp cũng theo đó mà bị thu hẹp phạm vi sử dụng. Trong điều kiện hiện nay, tập quán đóng vai trò là nguồn bổ sung cho các văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật của các quốc gia thường có quy định cụ thể đối với thứ tự áp dụng của tập quán pháp.

Một số quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về áp dụng tập quán

Khoản 1 Điều 121 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giải thích giao dịch dân sự như sau:

Giao dịch dân sự có nội dung không rõ ràng, khó hiểu, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này thì việc giải thích giao dịch dân sự đó được thực hiện theo thứ tự sau đây:

a) Theo ý chí đích thực của các bên khi xác lập giao dịch;

b) Theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch;

c) Theo tập quán nơi giao dịch được xác lập”.

Như vậy trường hợp giao dịch dân sự có nội dung không rõ ràng, khó hiểu, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 121, cùng với đó không thể giải thích giao dịch dân sự theo điểm a và điểm b khoản 1 Điều 121 thì khi đó tập quán nơi giao dịch được xác lập sẽ được lựa chọn để giải thích nội dung giao dịch dân sự. Khi tập quán nơi giao dịch được xác lập được lựa chọn để giải thích giao dịch dân sự thì tập quán đó chính là tập quán pháp.

Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc xác định ranh giới giữa các bất động sản như sau:

Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung”.

Như vậy, ranh giới giữa các bất động sản liền kề cũng có thể được xác định theo tập quán. Nếu như trong trường hợp xác định ranh giới theo tập quán thì tập quán được áp dụng để xác định ranh giới sẽ là tập quán pháp.

Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đến vấn đề Tập quán pháp là gì?. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, Quý vị có thể liên hệ Chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.

5/5 - (6 bình chọn)